Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển tập Truyện Ngắn Nguyễn Công Hoan

Cấm chợ

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Không hiểu vì cớ gì, từ tờ mờ sáng hôm nay, lính cơ sở huyện đứng đón các ngả đường, tay cầm roi mây, xua đuổi người các nơi, không cho gánh hàng đến bán ở chợ Huyện.

Mọi người ngơ ngác hỏi nhau, nhưng cùng phải nhắc lại câu của bọn lính mà chính họ cũng không hiểu:

– Đó là lệnh quan.

Người ta lủi thủi về, lo lắng nôi hàng bị đọng ế. Rồi mai kia khi tiền hết, gạo hết, chồng con cha mẹ họ có lẽ phải nhăn nhó vì đói, trong khi nia thịt lợn vì trót mổ đã thối dần, hoặc mẹt bánh cuốn vì trót làm đã khô đét. Phải đổ đi hết.

Những giờ này, đáng lẽ trước cổng huyện, tiếng rào rào không ngớt. Hàng vạn người qua lại, chen chúc nhau, cạnh những lều tranh chạy dài, có dãy người ngồi la liệt sau khu bầy hàng, há to mồm ra để cười, để nói, để mời khách, để cãi nhau, hoặc đề ăn quà trộn lẫn với bụi.

Nhưng hôm nay, cả một sự ồn ào tấp nập làm loạn óc ấy không có nữa. Hôm nay chẳng khác hôm qua là ngày dưng, sự im lặng phẳng phiu đè trùm lên cả khu chợ rộng mênh mông này, khiến ai bước chân tới, cũng tưởng lạc vào một rừng cột. Chỗ này, vài thằng nhãi đánh đáo gò lưng xuống cố “cả cái” cho đúng lỗ. Chỗ kia, con ngựa hồng của quan, tiu nghỉu đứng trước bó tre còn trơ cành, thỉnh thoảng đập chân xuồng đất và cúp hai tai vặt lại đằng sau, khi giật mình vì tiếng cười của lũ trẻ.

***

Rồi đến phiên mười chín, hăm bốn và hăm chín, chợ cũng vẫn quạnh hiu như thường. Cứ sáng tinh sương, lính cơ đã chia nhau đứng các đường, xua người ta như xua vịt.

Những người mạnh đút lót lắm mới được phép đi, nhưng chỉ bán vụng trộm quàng quàng một lát, chứ không dám ràng rênh hàng giờ như mọi ngày. Bởi vậy, đồ ăn thức dùng phải lên giá rất cao. Kẻ giầu tranh nhau vung tiền ra mới mua nổi chút ít, nói chi đến người nghèo. Ao rau muống sau nhà trạm, chỉ trong hai hôm đã quang hẳn đi. Rồi khi lượt ngọn non đã hết, người ta không từ cả những lá già úa vàng. Người nghèo không có gì trừ bữa, phải vặt cả râm bụt, luộc lên để tống tạm vào dạ dầy. Ngoài phố đã hiện lên những thân hình nhăn nheo gầy khẳng. Ban ngày, cướp giật là thường. Ban đêm trộm cắp như rươi.

Mọi người thở dài, than vãn cùng nhau:

– Chúng ta đến chết đói hết.

Song sự cần sống bao giờ cũng khiến người ta trở nên liều lĩnh. Bởi vậy, họ rủ nhau đến nhà trưởng phố, nói:

– Nhờ ông vào xin với quan cho họp chợ, chứ đấy, ông xem, đã mươi hôm nay, đến người có tiền còn sống ngoắc ngoải nữa là chúng tôi.

Trưởng phố cười, lắc đầu:

– Tôi có sung sướng gì hơn anh em đâu. Anh em không có gạo, thì tôi cũng không có gạo, anh em bữa đói bữa no thì tôi cũng bữa đói bữa no. Nhưng, còn như anh em xui tôi vào xin quan cho họp chợ, thì thật tôi không dám làm một việc vô ích. Vì biết đâu, đây là quan ta thi hành một lệnh trên.

– Thế tại sao quan cấm chợ, ông cho chúng tôi biết.

Tôi cũng mập mờ như anh em mà thôi. Sáng hôm mười bốn, tôi thấy lính trong huyện bảo thế, thì tôi biết thế, chứ ai dám vào hỏi quan. Chính các ông Thừa, ông Lục cũng đoán phỏng đâu vì hôm mười ba, nhà Bài nó chết chóng quá, quan ngờ là bệnh thời khí nên vì vệ sinh chung, sợ bệnh lan đi các nơi, ngài mới cấm tạm chợ trong ít lâu.

– Nhưng nó có chết về số kia đâu? Nó bị cảm đấy mà, nếu không đã lây lung tung lên rồi. Và chính quan đốc tờ đã khám nghiệm.

Trưởng phố gật đầu:

– Phải, tôi cũng biết vậy.

– Thế thì nên trình quan biết chứ?

– Ồ anh em còn phải dạy ông quan nữa hay sao? Người ta thông minh, làm gì không rõ những việc ấy. Tôi chắc rằng ngài cẩn thận cho ta, muốn phòng ngừa bệnh ghê gớm ấy, nên ra lệnh cấm chợ trong ít lâu nữa. Người ta có trách nhiệm về việc cai trị, thì những lúc trời gieo tai vạ như lúc này, tất người ta cứ phép người ta làm, nếu không, đến tai quan trên, ai chịu lỗi cho người ta. Anh em thử nghĩ xem?

– Nhưng ông cũng như chúng tôi, đã trải biết bao cực khổ rồi, không thể chịu thêm được nữa. Vậy ông cứ vào xin quan mở chợ cho dân phố được nhờ.

Trưởng phố, lè lưỡi một cách sợ hãi;

– Anh em bảo tôi gì, tôi xin nghe ngay tức khắc, chứ việc này, bố tôi bảo tôi cũng không dám. Anh em đặt địa vị vào tôi mới rõ. Nếu tôi nói rằng phố xá hiện nay đã bình yên, thì có khác gì tôi dạy khôn ông quan hay không? Vả mình có thạo pháp luật về việc phòng bị bệnh thời khí đâu? Ngộ ông ấy vặn rằng lấy gì làm chứng mà dám nói là không còn bệnh nữa, anh em bảo tôi bẩm thế nào?

– Thì đấy, có người nào chết sau nhà Bài nữa đâu? Vậy nó chỉ là bị cảm.

Trưởng phố chắp tay vừa vái lấy vái để vừa cười, nói:

– Thôi, tôi xin anh em tha cho, đừng bắt tôi vào, lỡ có tội vạ chỉ một mình tôi chịu.

– Vậy chúng tôi cử người vào quan, để nói việc này có được không?

– Cái đó tuỳ anh em, tôi không biết.

***

Nhưng không cần có đại biểu dân phố nào, ông huyện mới biết. Từ ban nãy, đã có người nói đến tai ông rồi. Mà người ấy, tức là bà huyện.

Nguyên sự thiếu thốn đồ ăn thức dùng nó không nể cả quan phụ mẫu. Nó qua cổng chòi, đến nhà tư, và chui lọt vào dạ dày ông huyện. Mấy ngày đầu tiên, nhà bếp ra phố mua bán, thì bao giờ người ta cũng nể trọng quan mà nhường cho miếng ngon. Nhưng sự khủng hoảng mỗi ngày một to, thì dù trọng quan người ta cũng không nể nữa. Trước hết “giá nội” bị tăng, và sau có ngày không tìm được thứ gì mà mua cả. Bởi vậy bữa sáng hôm nay, mâm quan xơi không được chững chạc, nên quan có ý nghi, hỏi quan bà:

– Này, bà thử xem xét thằng bếp nó mua bán ra làm sao, tôi ngờ nó ăn bớt tiền chợ nên đến dăm hôm nay, nó dọn láo quá.

Quan bà cau mặt, đáp:

– Thì ông ra lệnh cấm chợ kia mà?

Quan ông trợn mắt, ngạc nhiên nhìn vợ:

– Tôi cấm chợ à? Có đâu?

– Đấy từ phiên mười bốn đến nay, chợ có họp nữa đâu? Đến mười hôm nay, phố xá họ khổ sở nheo nhóc lắm, ông cao xa, không rõ những việc ấy.

Ông huyện càng kinh ngạc, nói:

– Sao bà không bảo tôi? Thật à?

– Tôi biết đâu chỗ việc quan của ông mà nói.

Ông huyện ngẩn mặt một lát để nghĩ ngợi, rồi gọi đội lệ.

Ông hỏi:

– Ai bảo cấm chợ từ phiên mười bốn đến giờ?

Đội lệ ngơ ngác, gãi tai đáp:

– Bẩm quan lớn, con thấy thầy quản đồn nói rằng lệnh của quan lớn.

Ông huyện gắt:

– Gọi quản đồn lên đây.

Quản đồn hớt hơ hớt hải chạy lên. Quan hất hàm hỏi:

– Ai báo thầy cấm chợ.

– Lạy quan lớn, hôm ở phố có tên Bài nó chết, quan lớn báo cấm chợ, chờ xem quan đốc tờ khám xét xong hãy hay.

Quan huyện giơ hai tay lên trời tỏ ý thất vọng:

– Phải rồi, nhưng khi xét thấy nó chết về cảm thì phải cho chợ họp như thường chứ?

Quản đồn sợ hãi đáp:

– Lạy quan lớn, quan lớn không ra lệnh lại cho họp, nên con không dám tự tiện.

Ông huyện không nói gì, thở dài. Bà huyện chép miệng:

– Thế mà làm cho nhân dân sống dở chết dở gần nửa tháng rồi.

Đội lệ và quản đồn bị quở vừa ra khỏi, ông huyện chống tay ngồi yên lặng, hai mắt lờ đờ, rồi thở dài. Bà huyện trách:

– Tại ông không nói rõ, và khi khám không phải bệnh thời khí, ông quên không dặn lại quản đồn từ phiên sau cho họp chợ như thường.

Ông huyện nhìn vợ một cách hối hận, gật gù:

– Phải, tại tôi nhiều việc quá nên quên đứt đi mất.

Giữa lúc ấy, có tên lính vào, bẩm:

– Bẩm quan lớn, có mấy người hàng phố xin vào hầu.

Ông huyện cho phép họ vào. Thì là những người đến nhà trưởng phố ban nãy. Họ nói:

– Bẩm quan lớn, từ ngày có lệnh cấm chợ, nhân dân chúng tôi rất nheo nhóc khố sở. Đồ ăn gạo củi, lên giá một cách không ngờ…

Ông huyện không muốn nghe hết câu, ngắt lời:

– Tôi cũng biết trước thế. Nhưng các người muốn gì?

– Bẩm, chúng tôi muốn xin quan lớn cho phép họp chợ như cũ, kẻo đói to.

Ông huyện cau mặt đáp:

– Cái đó là lệnh trên bắt thế, chứ nào tôi có muốn. Nhưng để tôi xin cho. Các người hãy dằn lòng chờ ít lâu và nên yên trí trước rằng đang khi mọi nơi nhốn nháo về bệnh thời khí, thì việc xin mở chợ, là một việc rất khó. Song tôi cố hết sức xin, và may ra quan Sứ, quan Tuần nể lời tôi, thì mười phần cũng chắc được tám.

Đoàn đại biểu cảm tạ lòng tử tế thương dân của vị phúc tinh. Và chợ Huyện, từ phiên mồng chín trở đi, lại được vui vẻ sầm uất như trước.

Trong khi ngoài phố lác đác có một hai người chết đói trong khi tên bếp trong huyện cố hà hiếp tàn nhẫn mới mua được đồ ăn, bà huyện thường cự ông huyện sao không cho họp chợ ngay phiên mồng bốn là sau ngày ông biết cái lỗi quá lơ đễnh đến nỗi nhân dân quá khổ sở. Thì ông nháy một mắt, nói thầm:

– Không trách, người thật thà không làm nổi quan. Nếu hôm chúng nó vào xin họp chợ, mình nhận lỗi rằng mình quên, thì chúng nó oán đến mấy đời. Mình phải làm ra cách khó khăn, đổ cho lệnh trên, và mình làm ơn cố xin hộ. Như thế có phải chúng nó lại ơn mình nữa hay không! Cũng bởi vậy, tôi cần phải cấm thêm một phiên nữa cho ra dáng sự cấm là hợp lẽ phải và ngặt nghèo là nhường nào.

Bà huyện lắc đầu, bĩu môi để tỏ ý phản đối. Nhưng ông huyện thản nhiên đáp:

– Thế mà buồn cười đáo để, chúng tưởng mình làm ơn thực, xin góp nhau thửa bức hoành để tạ ơn. Thôi được càng được tiếng là nhân quan cần gì?

Nói đoạn, ông đắc chí, cười rung cả cái bụng xệ.

(6-1938)

Không hiểu vì cớ gì, từ tờ mờ sáng hôm nay, lính cơ sở huyện đứng đón các ngả đường, tay cầm roi mây, xua đuổi người các nơi, không cho gánh hàng đến bán ở chợ Huyện.

Mọi người ngơ ngác hỏi nhau, nhưng cùng phải nhắc lại câu của bọn lính mà chính họ cũng không hiểu:

– Đó là lệnh quan.

Người ta lủi thủi về, lo lắng nôi hàng bị đọng ế. Rồi mai kia khi tiền hết, gạo hết, chồng con cha mẹ họ có lẽ phải nhăn nhó vì đói, trong khi nia thịt lợn vì trót mổ đã thối dần, hoặc mẹt bánh cuốn vì trót làm đã khô đét. Phải đổ đi hết.

Những giờ này, đáng lẽ trước cổng huyện, tiếng rào rào không ngớt. Hàng vạn người qua lại, chen chúc nhau, cạnh những lều tranh chạy dài, có dãy người ngồi la liệt sau khu bầy hàng, há to mồm ra để cười, để nói, để mời khách, để cãi nhau, hoặc đề ăn quà trộn lẫn với bụi.

Nhưng hôm nay, cả một sự ồn ào tấp nập làm loạn óc ấy không có nữa. Hôm nay chẳng khác hôm qua là ngày dưng, sự im lặng phẳng phiu đè trùm lên cả khu chợ rộng mênh mông này, khiến ai bước chân tới, cũng tưởng lạc vào một rừng cột. Chỗ này, vài thằng nhãi đánh đáo gò lưng xuống cố “cả cái” cho đúng lỗ. Chỗ kia, con ngựa hồng của quan, tiu nghỉu đứng trước bó tre còn trơ cành, thỉnh thoảng đập chân xuồng đất và cúp hai tai vặt lại đằng sau, khi giật mình vì tiếng cười của lũ trẻ.

***

Rồi đến phiên mười chín, hăm bốn và hăm chín, chợ cũng vẫn quạnh hiu như thường. Cứ sáng tinh sương, lính cơ đã chia nhau đứng các đường, xua người ta như xua vịt.

Những người mạnh đút lót lắm mới được phép đi, nhưng chỉ bán vụng trộm quàng quàng một lát, chứ không dám ràng rênh hàng giờ như mọi ngày. Bởi vậy, đồ ăn thức dùng phải lên giá rất cao. Kẻ giầu tranh nhau vung tiền ra mới mua nổi chút ít, nói chi đến người nghèo. Ao rau muống sau nhà trạm, chỉ trong hai hôm đã quang hẳn đi. Rồi khi lượt ngọn non đã hết, người ta không từ cả những lá già úa vàng. Người nghèo không có gì trừ bữa, phải vặt cả râm bụt, luộc lên để tống tạm vào dạ dầy. Ngoài phố đã hiện lên những thân hình nhăn nheo gầy khẳng. Ban ngày, cướp giật là thường. Ban đêm trộm cắp như rươi.

Mọi người thở dài, than vãn cùng nhau:

– Chúng ta đến chết đói hết.

Song sự cần sống bao giờ cũng khiến người ta trở nên liều lĩnh. Bởi vậy, họ rủ nhau đến nhà trưởng phố, nói:

– Nhờ ông vào xin với quan cho họp chợ, chứ đấy, ông xem, đã mươi hôm nay, đến người có tiền còn sống ngoắc ngoải nữa là chúng tôi.

Trưởng phố cười, lắc đầu:

– Tôi có sung sướng gì hơn anh em đâu. Anh em không có gạo, thì tôi cũng không có gạo, anh em bữa đói bữa no thì tôi cũng bữa đói bữa no. Nhưng, còn như anh em xui tôi vào xin quan cho họp chợ, thì thật tôi không dám làm một việc vô ích. Vì biết đâu, đây là quan ta thi hành một lệnh trên.

– Thế tại sao quan cấm chợ, ông cho chúng tôi biết.

Tôi cũng mập mờ như anh em mà thôi. Sáng hôm mười bốn, tôi thấy lính trong huyện bảo thế, thì tôi biết thế, chứ ai dám vào hỏi quan. Chính các ông Thừa, ông Lục cũng đoán phỏng đâu vì hôm mười ba, nhà Bài nó chết chóng quá, quan ngờ là bệnh thời khí nên vì vệ sinh chung, sợ bệnh lan đi các nơi, ngài mới cấm tạm chợ trong ít lâu.

– Nhưng nó có chết về số kia đâu? Nó bị cảm đấy mà, nếu không đã lây lung tung lên rồi. Và chính quan đốc tờ đã khám nghiệm.

Trưởng phố gật đầu:

– Phải, tôi cũng biết vậy.

– Thế thì nên trình quan biết chứ?

– Ồ anh em còn phải dạy ông quan nữa hay sao? Người ta thông minh, làm gì không rõ những việc ấy. Tôi chắc rằng ngài cẩn thận cho ta, muốn phòng ngừa bệnh ghê gớm ấy, nên ra lệnh cấm chợ trong ít lâu nữa. Người ta có trách nhiệm về việc cai trị, thì những lúc trời gieo tai vạ như lúc này, tất người ta cứ phép người ta làm, nếu không, đến tai quan trên, ai chịu lỗi cho người ta. Anh em thử nghĩ xem?

– Nhưng ông cũng như chúng tôi, đã trải biết bao cực khổ rồi, không thể chịu thêm được nữa. Vậy ông cứ vào xin quan mở chợ cho dân phố được nhờ.

Trưởng phố, lè lưỡi một cách sợ hãi;

– Anh em bảo tôi gì, tôi xin nghe ngay tức khắc, chứ việc này, bố tôi bảo tôi cũng không dám. Anh em đặt địa vị vào tôi mới rõ. Nếu tôi nói rằng phố xá hiện nay đã bình yên, thì có khác gì tôi dạy khôn ông quan hay không? Vả mình có thạo pháp luật về việc phòng bị bệnh thời khí đâu? Ngộ ông ấy vặn rằng lấy gì làm chứng mà dám nói là không còn bệnh nữa, anh em bảo tôi bẩm thế nào?

– Thì đấy, có người nào chết sau nhà Bài nữa đâu? Vậy nó chỉ là bị cảm.

Trưởng phố chắp tay vừa vái lấy vái để vừa cười, nói:

– Thôi, tôi xin anh em tha cho, đừng bắt tôi vào, lỡ có tội vạ chỉ một mình tôi chịu.

– Vậy chúng tôi cử người vào quan, để nói việc này có được không?

– Cái đó tuỳ anh em, tôi không biết.

***

Nhưng không cần có đại biểu dân phố nào, ông huyện mới biết. Từ ban nãy, đã có người nói đến tai ông rồi. Mà người ấy, tức là bà huyện.

Nguyên sự thiếu thốn đồ ăn thức dùng nó không nể cả quan phụ mẫu. Nó qua cổng chòi, đến nhà tư, và chui lọt vào dạ dày ông huyện. Mấy ngày đầu tiên, nhà bếp ra phố mua bán, thì bao giờ người ta cũng nể trọng quan mà nhường cho miếng ngon. Nhưng sự khủng hoảng mỗi ngày một to, thì dù trọng quan người ta cũng không nể nữa. Trước hết “giá nội” bị tăng, và sau có ngày không tìm được thứ gì mà mua cả. Bởi vậy bữa sáng hôm nay, mâm quan xơi không được chững chạc, nên quan có ý nghi, hỏi quan bà:

– Này, bà thử xem xét thằng bếp nó mua bán ra làm sao, tôi ngờ nó ăn bớt tiền chợ nên đến dăm hôm nay, nó dọn láo quá.

Quan bà cau mặt, đáp:

– Thì ông ra lệnh cấm chợ kia mà?

Quan ông trợn mắt, ngạc nhiên nhìn vợ:

– Tôi cấm chợ à? Có đâu?

– Đấy từ phiên mười bốn đến nay, chợ có họp nữa đâu? Đến mười hôm nay, phố xá họ khổ sở nheo nhóc lắm, ông cao xa, không rõ những việc ấy.

Ông huyện càng kinh ngạc, nói:

– Sao bà không bảo tôi? Thật à?

– Tôi biết đâu chỗ việc quan của ông mà nói.

Ông huyện ngẩn mặt một lát để nghĩ ngợi, rồi gọi đội lệ.

Ông hỏi:

– Ai bảo cấm chợ từ phiên mười bốn đến giờ?

Đội lệ ngơ ngác, gãi tai đáp:

– Bẩm quan lớn, con thấy thầy quản đồn nói rằng lệnh của quan lớn.

Ông huyện gắt:

– Gọi quản đồn lên đây.

Quản đồn hớt hơ hớt hải chạy lên. Quan hất hàm hỏi:

– Ai báo thầy cấm chợ.

– Lạy quan lớn, hôm ở phố có tên Bài nó chết, quan lớn báo cấm chợ, chờ xem quan đốc tờ khám xét xong hãy hay.

Quan huyện giơ hai tay lên trời tỏ ý thất vọng:

– Phải rồi, nhưng khi xét thấy nó chết về cảm thì phải cho chợ họp như thường chứ?

Quản đồn sợ hãi đáp:

– Lạy quan lớn, quan lớn không ra lệnh lại cho họp, nên con không dám tự tiện.

Ông huyện không nói gì, thở dài. Bà huyện chép miệng:

– Thế mà làm cho nhân dân sống dở chết dở gần nửa tháng rồi.

Đội lệ và quản đồn bị quở vừa ra khỏi, ông huyện chống tay ngồi yên lặng, hai mắt lờ đờ, rồi thở dài. Bà huyện trách:

– Tại ông không nói rõ, và khi khám không phải bệnh thời khí, ông quên không dặn lại quản đồn từ phiên sau cho họp chợ như thường.

Ông huyện nhìn vợ một cách hối hận, gật gù:

– Phải, tại tôi nhiều việc quá nên quên đứt đi mất.

Giữa lúc ấy, có tên lính vào, bẩm:

– Bẩm quan lớn, có mấy người hàng phố xin vào hầu.

Ông huyện cho phép họ vào. Thì là những người đến nhà trưởng phố ban nãy. Họ nói:

– Bẩm quan lớn, từ ngày có lệnh cấm chợ, nhân dân chúng tôi rất nheo nhóc khố sở. Đồ ăn gạo củi, lên giá một cách không ngờ…

Ông huyện không muốn nghe hết câu, ngắt lời:

– Tôi cũng biết trước thế. Nhưng các người muốn gì?

– Bẩm, chúng tôi muốn xin quan lớn cho phép họp chợ như cũ, kẻo đói to.

Ông huyện cau mặt đáp:

– Cái đó là lệnh trên bắt thế, chứ nào tôi có muốn. Nhưng để tôi xin cho. Các người hãy dằn lòng chờ ít lâu và nên yên trí trước rằng đang khi mọi nơi nhốn nháo về bệnh thời khí, thì việc xin mở chợ, là một việc rất khó. Song tôi cố hết sức xin, và may ra quan Sứ, quan Tuần nể lời tôi, thì mười phần cũng chắc được tám.

Đoàn đại biểu cảm tạ lòng tử tế thương dân của vị phúc tinh. Và chợ Huyện, từ phiên mồng chín trở đi, lại được vui vẻ sầm uất như trước.

Trong khi ngoài phố lác đác có một hai người chết đói trong khi tên bếp trong huyện cố hà hiếp tàn nhẫn mới mua được đồ ăn, bà huyện thường cự ông huyện sao không cho họp chợ ngay phiên mồng bốn là sau ngày ông biết cái lỗi quá lơ đễnh đến nỗi nhân dân quá khổ sở. Thì ông nháy một mắt, nói thầm:

– Không trách, người thật thà không làm nổi quan. Nếu hôm chúng nó vào xin họp chợ, mình nhận lỗi rằng mình quên, thì chúng nó oán đến mấy đời. Mình phải làm ra cách khó khăn, đổ cho lệnh trên, và mình làm ơn cố xin hộ. Như thế có phải chúng nó lại ơn mình nữa hay không! Cũng bởi vậy, tôi cần phải cấm thêm một phiên nữa cho ra dáng sự cấm là hợp lẽ phải và ngặt nghèo là nhường nào.

Bà huyện lắc đầu, bĩu môi để tỏ ý phản đối. Nhưng ông huyện thản nhiên đáp:

– Thế mà buồn cười đáo để, chúng tưởng mình làm ơn thực, xin góp nhau thửa bức hoành để tạ ơn. Thôi được càng được tiếng là nhân quan cần gì?

Nói đoạn, ông đắc chí, cười rung cả cái bụng xệ.

(6-1938)

Bình luận