Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển tập Truyện Ngắn Nguyễn Công Hoan

Bà chủ mất trộm

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Bà chủ là một me tây đủ cung cách. Nghĩa là bà cũng có một đôi má chảy, một cái mồm đỏ, một hòm khăn chầu áo ngự, và một thằng bếp đẹp trai. Bà lại còn có cái kèn hát chạy điện, cả ngày vô tình làm phúc cho hàng xóm được nghe nhờ, từ điệu nhẩy đầm đến bài niệm Phật.

Bà đã ngoại tứ tuần, mà xuân sắc chưa hề giảm bớt.

Vì nhờ có đôi giầy cao gót, bà hãy còn đủ cả đằng trước lẫn đằng sau.

Tuy vậy, từ ngày quan Chủ về quí quốc, không sang nữa, thì bà nhất định cấm cung, “mét-xì” cả đánh chắn và đi xem chiếu bóng. Bà thay hai thứ tiêu khiển ấy bằng quyển truyện và cái kèn hát. Vậy nên bà bảo:

– Thế mới biết Tây người ta nói “phú quý sinh chữ nghĩa” là phải. Chẳng giấu gì ông, từ ngày đánh bạn với quan nhà tôi, tôi mới được học. Thành ra bây giờ sách tây, sách tầu, tôi đã được xem qua. Nhưng tôi suy nghĩ, không quyển nào có giá trị bằng bộ La Thông Tảo Bắc.

Rồi bà móc trong tủ chè, lấy ra một chồng sách. Hay nói cho đúng, một vật làm bằng giấy, có trộn lần mùi mồ hôi và phấn hồng.

Bà đóng kín những năm còn lại vào một gian nhà có trấn song sắt, có chuông bấm và có cổng hậu.

Cả phố, ai cũng phục bà là người chân tu. Vì ngoài ngày rằm, mồng một, bà đi lễ, đố ai còn gặp mặt bà ở đường.

Những người biết rõ bà, thì lại khen cách khác:

– Thực là đàn bà hiếm có, quảng giao mà tháo vát đủ việc.

Bà đã bảo lập cái điện ngay trên gác nhà bà. Nhất là thời thường, dăm bẩy ông Tây, bà đầm đến dự tiệc khi về, ai cũng tươi cười, bắt tay, cảm ơn bà rất vui vẻ

Một người như thế, ai chẳng kính nể?

Thế mà một buổi sáng về mùa đông, người ta thấy hàng phố xúm đông đỏ trước nhà bà, kiễng chân, há mồm, cố dòm vào. Ông đội sếp vút lia lịa.

Thì ra bà bị mẻ trộm to, mới hồi năm giờ rưỡi.

Cảnh sát, mật thám tức tốc tới nơi. Nhưng quân gian chỉ còn để lại có sự mất tiền.

Các nhà chuyên trách khám xong, bước một chân lên ô-tô, còn quay lại an ủi:

– Bà cứ yên tâm. Việc ai, chứ việc bà, thì chúng tôi xin cam đoan trong một tuần lễ sẽ bắt được thủ phạm. Rồi bà muốn trị tội nó bao nhiêu năm, quan toà cũng chiều ý.

Bà cảm ơn bằng một nụ cười héo hắt, xanh nhợt hàm tiếu trên cặp môi chưa kịp bôi sáp.

Ai thấy bà lúc ấy mà chả ái ngại. Nhất là bao nhiêu sự lo lắng, sự sợ hãi lộ cả trên bộ mặt trần truồng, thì đến những quả tim sắt đá cũng phải rung chuyền.

Bà đã tưởng mang những đức tính hiền hoà, thờ chồng trong khi xa vắng để mà mua chuộc lòng người cho số bạc trong tú két được yên nghỉ. Ai ngờ nghĩ một đằng, đi một nẻo. Bà mới biết lời quan ông thường nói khi trước là chí lý:

– Giống An-nam là giống nói dối và ăn cắp. Mày không nên tin ai, nhất là đối với những kẻ đầy tớ, càng nên cẩn thận.

Vì thế, đến buổi trưa, mấy chức vụ đến xích tay một xốc người An-nam: Thằng ở, con đòi. Tuốt, tuốt.

Một chuỗi phóng viên chực sẵn ở cửa, nhìn bọn kia bị bắt bằng con mắt khinh bỉ, ti hí trong cặp kính trắng có lẽ là cận thị. Vì không được phỏng vấn bà, bọn ấy đành chịu điều tra, cóp nhặt đó đây một vài tin tức. Rồi lên mặt ông quan toà cao đoán, và nhà từ thiện cao tay theo thói quen, họ viết một bài bốn cột, mà văn chương có giá trị hơn sự thực. Cuối bài, độc giả còn được tráng miệng bằng đoạn buộc tội, và đoạn luân lý thết không:

– Một người đàn bà phúc hậu, hiền từ như cụ Chủ mà bị mất trộm, thì ai không ái ngại và tức cho bọn đầy tớ bất lương, đồng đảng với kẻ gian phi.

Một lẽ các cửa ngõ nhà đều đóng kín nguyên, duy có số bạc hơn một nghìn và chiếc nhẫn kim cương trong nhà không cánh mà bay, cũng đủ để khép lũ ong sống trong tay áo vào tội nặng được.

Ôi! Tiện đây xin nhắn nhủ bà con thành phố ta, tử nay có nuôi người nhà đầy tớ thì nên xem xét tông tích cho cẩn thận.

Nhưng chẳng bao lâu thủ phạm và đồng phạm sẽ cùng nhau đọc kinh sám hối trong nhà pha. Lưới pháp luật chẳng để thoát bao giờ.

Chính thế. Lưới pháp luật có hở mắt đâu, nên bọn phạm tội biết lách chỗ nào mà ra khỏi? Cho đến người lương thiện lỡ sa phải cũng khó lòng lọt được nữa là bọn đầy tớ cố nghểnh cổ, dài môi, để kêu oan. Song ai dại gì mà tin chúng. Hễ chính thủ phạm bị bắt, thì sẽ biết trắng đen. Trong khi đợi thuyền chài chăng lưới kéo lưới, thì chúng cứ việc chịu khó nằm yên trong buồng rệp.

Ba tháng đã qua.

Màn bí mật vẫn đóng kín, lấp những việc tà khuất bên trong. Con mắt những nhà trinh thám vẫn mài mãi trên cỗ tổ tôm hoặc trên các mặt phản, nhưng cũng không đủ sức để nom thấu.

Vì rằng muốn mở chiếc màn đó, chẳng nên hấp tấp cứ từ từ kiếm lấy cái chìa khoá, khe khẽ cho vào ổ, rồi vặn. Chỉ một chốc, là trong bóng tối, trên thảm nhung ta im lặng mà xem sự thực bầy ra trước mắt.

Nhưng cái thìa khoá quý hoá kia, kiếm đâu ra?

Có người thì thào:

– Nó ở trong túi bà ấy. Bà có quyền dùng nó, như dùng cái thìa khoá két của bà.

– Nhưng nào bà có hớ hênh mà dùng đến nó?

Vì trước cái buổi sáng nặng nề mùa đông kia, bà có khách. Một ông khách ngườỉ làng, bà bảo thế, trẻ tuổi vạm vỡ, mặc quần áo tây, được bà tiếp đón rất long trọng.

Trong nhà, đèn lửa sáng choang, kẻ hầu người hạ tha hồ mà bận rộn, mà lập công, mà ăn bớt, mà ăn vụng và phải mắng.:

– Chả mấy khi, tủ “ích-phê” mở cửa, bao tiền mở miệng, tội gì chẳng hưởng chút thừa thãi của bữa tiệc vui mừng.

Chủ khách trò chuyện, nói cười ở nhà trên, thì ở nhà dưới, câu trao đi, lời đáp lại, cũng chẳng kém.

Chín giờ: Hơi men đã nồng. Tình “thiên lý tha hương ngộ cố tri” như một cái dây kéo hai chiếc ghế đối diện sang một phía. Tiếng nói khẽ dần, hai đầu phải châu vào nhau mới đú nghe thấy.

Mười giờ: Cuộc rượu đã tàn. Dây thân ái thắt chặt thêm một vòng, kéo cá một chân khách lên đùi già nẫu của chủ. Tiếng nói không thấy nữa, nhưng bôn mắt nhìn nhau: Sự im lặng còn nói nhiều gấp mấy.

Mười một giờ: Ngọn đèn mờ tỏ, gió động bức màn tuyến.

Chủ khách bấy lâu khát khao gặp mặt, chẳng lẽ bỏ phí thì giờ. Mà cái dây kia cứ thít mãi, cứ thít mãi. Thì chẳng mấy chốc, giữa cái lặng lẽ thiêng liêng của ban đêm, hai tấm thân một già một trẻ, lẫn lộn với nhau như một…

Con chuột rúc. Con mối chép môi. Chúng cũng muốn hưởng cái thú vị của bóng tối.

Nhà dưới, vú già, anh bếp, thằng xê, con sen, hồn thơ lai láng, to nhỏ câu chuyện mùi soa lụa, thắt lưng sồi.

Rồi, khoảng đêm trường như miếng vải đen, đậy kín lấy từng ấy phiến thịt…

Nghề đời, tức nước thường vỡ bờ, hay nói nôm, cái dây bền đến đâu, bị co lắm cũng phải đứt.

Cho đến cái dây mạnh mẽ, vô hình, buộc những người trong nhà bà Chủ, đôi một vào nhau, đến năm giờ sáng cũng phải đứt phựt?

Thằng xe mở mắt. Con sen đã biến đâu rồi.

Anh bếp choàng tỉnh. Vú già chẳng thấy đấy nữa.

Bà chủ tỉnh giấc mơ màng, chỉ thấy mình trên đệm mà cạnh mình, hoạ chăng còn lại vết trũng, ghi tích của một xác thịt nằm bên.

Như ngày thường, bà đưa mắt nhìn ra tủ két. Thì chao ôi! Bà thấy nó há hốc mồm ra, hãy còn tỏ vẻ ngạc nhiên, vì không phải bàn tay quen mở nó.

Tính bà điềm đạm, chẳng la ó om sòm, chỉ lẳng lặng lên sở mật thám, xin người đến làm biên bản một vụ trộm quan trọng.

2-1934

Bà chủ là một me tây đủ cung cách. Nghĩa là bà cũng có một đôi má chảy, một cái mồm đỏ, một hòm khăn chầu áo ngự, và một thằng bếp đẹp trai. Bà lại còn có cái kèn hát chạy điện, cả ngày vô tình làm phúc cho hàng xóm được nghe nhờ, từ điệu nhẩy đầm đến bài niệm Phật.

Bà đã ngoại tứ tuần, mà xuân sắc chưa hề giảm bớt.

Vì nhờ có đôi giầy cao gót, bà hãy còn đủ cả đằng trước lẫn đằng sau.

Tuy vậy, từ ngày quan Chủ về quí quốc, không sang nữa, thì bà nhất định cấm cung, “mét-xì” cả đánh chắn và đi xem chiếu bóng. Bà thay hai thứ tiêu khiển ấy bằng quyển truyện và cái kèn hát. Vậy nên bà bảo:

– Thế mới biết Tây người ta nói “phú quý sinh chữ nghĩa” là phải. Chẳng giấu gì ông, từ ngày đánh bạn với quan nhà tôi, tôi mới được học. Thành ra bây giờ sách tây, sách tầu, tôi đã được xem qua. Nhưng tôi suy nghĩ, không quyển nào có giá trị bằng bộ La Thông Tảo Bắc.

Rồi bà móc trong tủ chè, lấy ra một chồng sách. Hay nói cho đúng, một vật làm bằng giấy, có trộn lần mùi mồ hôi và phấn hồng.

Bà đóng kín những năm còn lại vào một gian nhà có trấn song sắt, có chuông bấm và có cổng hậu.

Cả phố, ai cũng phục bà là người chân tu. Vì ngoài ngày rằm, mồng một, bà đi lễ, đố ai còn gặp mặt bà ở đường.

Những người biết rõ bà, thì lại khen cách khác:

– Thực là đàn bà hiếm có, quảng giao mà tháo vát đủ việc.

Bà đã bảo lập cái điện ngay trên gác nhà bà. Nhất là thời thường, dăm bẩy ông Tây, bà đầm đến dự tiệc khi về, ai cũng tươi cười, bắt tay, cảm ơn bà rất vui vẻ

Một người như thế, ai chẳng kính nể?

Thế mà một buổi sáng về mùa đông, người ta thấy hàng phố xúm đông đỏ trước nhà bà, kiễng chân, há mồm, cố dòm vào. Ông đội sếp vút lia lịa.

Thì ra bà bị mẻ trộm to, mới hồi năm giờ rưỡi.

Cảnh sát, mật thám tức tốc tới nơi. Nhưng quân gian chỉ còn để lại có sự mất tiền.

Các nhà chuyên trách khám xong, bước một chân lên ô-tô, còn quay lại an ủi:

– Bà cứ yên tâm. Việc ai, chứ việc bà, thì chúng tôi xin cam đoan trong một tuần lễ sẽ bắt được thủ phạm. Rồi bà muốn trị tội nó bao nhiêu năm, quan toà cũng chiều ý.

Bà cảm ơn bằng một nụ cười héo hắt, xanh nhợt hàm tiếu trên cặp môi chưa kịp bôi sáp.

Ai thấy bà lúc ấy mà chả ái ngại. Nhất là bao nhiêu sự lo lắng, sự sợ hãi lộ cả trên bộ mặt trần truồng, thì đến những quả tim sắt đá cũng phải rung chuyền.

Bà đã tưởng mang những đức tính hiền hoà, thờ chồng trong khi xa vắng để mà mua chuộc lòng người cho số bạc trong tú két được yên nghỉ. Ai ngờ nghĩ một đằng, đi một nẻo. Bà mới biết lời quan ông thường nói khi trước là chí lý:

– Giống An-nam là giống nói dối và ăn cắp. Mày không nên tin ai, nhất là đối với những kẻ đầy tớ, càng nên cẩn thận.

Vì thế, đến buổi trưa, mấy chức vụ đến xích tay một xốc người An-nam: Thằng ở, con đòi. Tuốt, tuốt.

Một chuỗi phóng viên chực sẵn ở cửa, nhìn bọn kia bị bắt bằng con mắt khinh bỉ, ti hí trong cặp kính trắng có lẽ là cận thị. Vì không được phỏng vấn bà, bọn ấy đành chịu điều tra, cóp nhặt đó đây một vài tin tức. Rồi lên mặt ông quan toà cao đoán, và nhà từ thiện cao tay theo thói quen, họ viết một bài bốn cột, mà văn chương có giá trị hơn sự thực. Cuối bài, độc giả còn được tráng miệng bằng đoạn buộc tội, và đoạn luân lý thết không:

– Một người đàn bà phúc hậu, hiền từ như cụ Chủ mà bị mất trộm, thì ai không ái ngại và tức cho bọn đầy tớ bất lương, đồng đảng với kẻ gian phi.

Một lẽ các cửa ngõ nhà đều đóng kín nguyên, duy có số bạc hơn một nghìn và chiếc nhẫn kim cương trong nhà không cánh mà bay, cũng đủ để khép lũ ong sống trong tay áo vào tội nặng được.

Ôi! Tiện đây xin nhắn nhủ bà con thành phố ta, tử nay có nuôi người nhà đầy tớ thì nên xem xét tông tích cho cẩn thận.

Nhưng chẳng bao lâu thủ phạm và đồng phạm sẽ cùng nhau đọc kinh sám hối trong nhà pha. Lưới pháp luật chẳng để thoát bao giờ.

Chính thế. Lưới pháp luật có hở mắt đâu, nên bọn phạm tội biết lách chỗ nào mà ra khỏi? Cho đến người lương thiện lỡ sa phải cũng khó lòng lọt được nữa là bọn đầy tớ cố nghểnh cổ, dài môi, để kêu oan. Song ai dại gì mà tin chúng. Hễ chính thủ phạm bị bắt, thì sẽ biết trắng đen. Trong khi đợi thuyền chài chăng lưới kéo lưới, thì chúng cứ việc chịu khó nằm yên trong buồng rệp.

Ba tháng đã qua.

Màn bí mật vẫn đóng kín, lấp những việc tà khuất bên trong. Con mắt những nhà trinh thám vẫn mài mãi trên cỗ tổ tôm hoặc trên các mặt phản, nhưng cũng không đủ sức để nom thấu.

Vì rằng muốn mở chiếc màn đó, chẳng nên hấp tấp cứ từ từ kiếm lấy cái chìa khoá, khe khẽ cho vào ổ, rồi vặn. Chỉ một chốc, là trong bóng tối, trên thảm nhung ta im lặng mà xem sự thực bầy ra trước mắt.

Nhưng cái thìa khoá quý hoá kia, kiếm đâu ra?

Có người thì thào:

– Nó ở trong túi bà ấy. Bà có quyền dùng nó, như dùng cái thìa khoá két của bà.

– Nhưng nào bà có hớ hênh mà dùng đến nó?

Vì trước cái buổi sáng nặng nề mùa đông kia, bà có khách. Một ông khách ngườỉ làng, bà bảo thế, trẻ tuổi vạm vỡ, mặc quần áo tây, được bà tiếp đón rất long trọng.

Trong nhà, đèn lửa sáng choang, kẻ hầu người hạ tha hồ mà bận rộn, mà lập công, mà ăn bớt, mà ăn vụng và phải mắng.:

– Chả mấy khi, tủ “ích-phê” mở cửa, bao tiền mở miệng, tội gì chẳng hưởng chút thừa thãi của bữa tiệc vui mừng.

Chủ khách trò chuyện, nói cười ở nhà trên, thì ở nhà dưới, câu trao đi, lời đáp lại, cũng chẳng kém.

Chín giờ: Hơi men đã nồng. Tình “thiên lý tha hương ngộ cố tri” như một cái dây kéo hai chiếc ghế đối diện sang một phía. Tiếng nói khẽ dần, hai đầu phải châu vào nhau mới đú nghe thấy.

Mười giờ: Cuộc rượu đã tàn. Dây thân ái thắt chặt thêm một vòng, kéo cá một chân khách lên đùi già nẫu của chủ. Tiếng nói không thấy nữa, nhưng bôn mắt nhìn nhau: Sự im lặng còn nói nhiều gấp mấy.

Mười một giờ: Ngọn đèn mờ tỏ, gió động bức màn tuyến.

Chủ khách bấy lâu khát khao gặp mặt, chẳng lẽ bỏ phí thì giờ. Mà cái dây kia cứ thít mãi, cứ thít mãi. Thì chẳng mấy chốc, giữa cái lặng lẽ thiêng liêng của ban đêm, hai tấm thân một già một trẻ, lẫn lộn với nhau như một…

Con chuột rúc. Con mối chép môi. Chúng cũng muốn hưởng cái thú vị của bóng tối.

Nhà dưới, vú già, anh bếp, thằng xê, con sen, hồn thơ lai láng, to nhỏ câu chuyện mùi soa lụa, thắt lưng sồi.

Rồi, khoảng đêm trường như miếng vải đen, đậy kín lấy từng ấy phiến thịt…

Nghề đời, tức nước thường vỡ bờ, hay nói nôm, cái dây bền đến đâu, bị co lắm cũng phải đứt.

Cho đến cái dây mạnh mẽ, vô hình, buộc những người trong nhà bà Chủ, đôi một vào nhau, đến năm giờ sáng cũng phải đứt phựt?

Thằng xe mở mắt. Con sen đã biến đâu rồi.

Anh bếp choàng tỉnh. Vú già chẳng thấy đấy nữa.

Bà chủ tỉnh giấc mơ màng, chỉ thấy mình trên đệm mà cạnh mình, hoạ chăng còn lại vết trũng, ghi tích của một xác thịt nằm bên.

Như ngày thường, bà đưa mắt nhìn ra tủ két. Thì chao ôi! Bà thấy nó há hốc mồm ra, hãy còn tỏ vẻ ngạc nhiên, vì không phải bàn tay quen mở nó.

Tính bà điềm đạm, chẳng la ó om sòm, chỉ lẳng lặng lên sở mật thám, xin người đến làm biên bản một vụ trộm quan trọng.

2-1934

Bình luận