Có một vị huấn luyện viên bóng chày của Nhật Bản rất nổi tiếng, khi ông ta cảm thấy sức của đôi chân không còn đủ mạnh, muốn cởi giáp về vườn thì một người bạn thân của ông, người đã từng là một trong những người sáng lập một tờ báo của Nhật Bản, ra sức khích lệ ông, níu kéo ông tiếp tục làm việc. ông ta nói: “Anh bây giờ hãy đừng nói chuyện rút lui làm gì, trước hết anh hãy đi tu, rèn luyện đôi chút rồi hãy nói sau”. Đồng thời giới thiệu ông với một vị cao tăng. Nào ngờ câu nói đầu tiên của vị cao tăng như một gáo nước lạnh dội vào đầu: “Tôi ghét cay ghét đắng bóng chày”. Tiếp đó vị cao tăng giải thích rằng, những kỹ nghệ xưa nay lưu truyền của Nhật Bản không có gì là tách rời chữ đạo, trà đạo; nhu đạo, kiếm đạo, mà bóng chày thì cho tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy “đạo” đâu cả. Điều kiện mà cao tăng đặt ra là, đợi khi nào ông sáng tạo ra “bóng chày” đạo, làm cho nó trở thành một môn học dưỡng sinh, thì hãy nói chuyện tham thiền cũng chưa muộn.
Từ đó, vị huấn luyện viên bóng chày kia đã vứt bỏ ý nghĩ rút lui, đồng thời tôn kính vị cao tăng như bậc thầy của cả đời mình. Lần đầu gặp mặt, vị cao tăng đã làm cho vị huấn luyện viên cao cấp kia tâm phục, khẩu phục, vấn đề mấu chất là ở chỗ câu nói mở đường của ông. Câu nói ngắn gọn: “Tôi ghét cay ghét đắng bóng chày”, trong phút chốc đã phủ định sạch toàn bộ sự tồn tại của vị huấn luyện viên kiếm sống bằng bóng chày, cũng bằng như ông nói: “Tôi ghét con người anh”. Lần đầu gặp mặt đã đụng phải tình cảnh này, tâm lý ai mà anh lặng được?
Thường người ta không khỏi cảm thấy kinh ngạc trước sự tấn công của loại người này, họ có cảm giác bị áp lực mạnh, đồng thời truy vấn “Đó là vì sao?” “Cuối cùng đó là chuyện gì vậy?”, tỏ ra hết sức quan tâm và với một sự hứng thú kỳ lạ đối với những gì đối phương nói tiếp. Điều đó giống như là, đã sa vào “cái bẫy sống” mà đối phương đã sắp đặt mà không hay biết gì.
Những người tiếp thị, chào hàng thành thạo thường luôn biết cách khôn kéo lợi dụng thế yếu tâm lý này để giành thành công lớn. Chẳng hạn một số người có thể nói với bà chủ nhà rằng: “Lần này tôi tới không phải là chào hàng gì, mà là đến tán gẫu”. Như vậy sẽ làm cho bà chủ nhà thấy kỳ lạ, có hảo cảm với người đó, có cảm tình rồi thì có chào hàng gì cũng không còn khó khăn nữa.
Trước đây không lâu, khi tôi sửa ngôi nhà cũ, một ông thợ mộc cùng đám thợ tới giúp tháo dỡ, vừa bắt đầu làm việc là ông ta nói với tôi như thế này: “Ngôi nhà này ở thời bây giờ thì không thể làm được, phá bỏ đi quả là đáng tiếc”. Có lẽ bên trong đó là bao nhiêu phần nói quá lên kiểu lịch sự, song cứ theo lời ông ta, thì đã đủ làm tôi tin tưởng ông ta lắm lắm. Tự nhiên tôi thấy rất yên tâm, rất tin tưởng công việc của họ, mọi thứ đều do họ xử lý hết. Họ đương nhiên phải có con mắt đánh giá nhà. Song mẹo nói năng lần đầu gặp mặt, suy rộng ra có thể chinh phục được tâm lý của người bình thường.