Thành tích học tập của con trai anh bạn tôi tự nhiên tốt hẳn lên từ lúc nào chẳng biết. Nguyên nhân là nó đã thay đổi khác trước, bắt đầu chăm chỉ học tập, kỳ thực bên trong đó còn có một câu chuyện lý thú. Một hôm, em của bạn tôi tới chơi nhà anh ấy. Lâu không gặp nhau, đương nhiên hai người phải uống cho đã. Trong bữa rượu tự nhiên nhắc tới chuyện cậu con, anh bạn tôi nói thẳng với em anh ấy mọi thứ về cậu bé. “Nó bây giờ cả ngày lêu lổng, không chịu học hành, thật đau đầu. Kỳ thực nó rất có cá tính, còn thông minh hơn tôi hồi nhỏ nhiều. Chỉ cần chịu học thì sẽ tiến bộ rất nhanh”.
Hôm sau, em anh bạn rủ cậu bé đi câu, vừa câu cá vừa nói chuyện tối hôm trước. “Cháu thật là có hiếu với bố mẹ, tốt lắm. Bố cháu nói cháu còn thông minh hơn cả bố cháu, chỉ cần chịu học chắc chắn sẽ thành đạt, bố mẹ cháu chỉ mong có ngày đó thôi!”. Cậu bé nghe xong, nở một nụ cười khoan khoái. Từ đó về sau thái độ của nó khác hẳn trước, học hành chăm hơn nhiều.
Tại sao một cậu bé suốt ngày lêu lổng lại thay đổi thành siêng năng sau khi nghe chú mình nói vậy? Đó là do ông chú đứng trên lập trường người thứ ba không có liên quan trực tiếp tới quan hệ lợi hại giữa hai bố con cậu bé. Chính vì là lời nói của người thứ ba không có quan hệ lợi hại gì nên mới làm cho cậu bé tin là thực. Giả sử nếu anh bạn tôi tự mình nói với cậu bé những lời này thì hiệu quả sẽ thế nào? Chắc chắn rằng cậu bé sẽ không nghe theo, “Hừm, lại bắt đầu khuyên răn mình rồi đây, tôi đây không mắc bẫy ông đâu!”
Đáng buồn là đại đa số chúng ta không tin lời người khác nói nên mới bỏ lỡ nhiều tin tức có giá trị. Trong số đó, số ít tin tức đáng tin thì phần lớn là từ người thứ ba. Chính vì lẽ đó mà tuyên truyền bằng miệng, phương thức truyền từ miệng người này sang người khác và đến tất cả mọi người, có hiệu quả rõ rệt hơn nhiều so với hình thức quảng cáo tuyên truyền rầm rộ, ồ ạt. Các nhà kinh doanh hiểu rõ về hiệu quả không lớn của tuyên truyền trực tiếp thường bỏ công sức nghĩ mọi cách để đạt dược sự đánh giá có tính khách quan của người thứ ba như những người có quyền lực, các học giả, cơ quan kiểm nghiệm hàng hóa v.v. . .
Những tên lừa đảo thì lại càng hiểu rõ chỗ diệu dụng này trong tâm lý con người. Có một bộ phim đã từng dựng về một chuyện như thế này: Một tên lừa đảo dẫn một vị khách nước ngoài tới quán bar uống rượu, rỉ tai cô phục vụ rằng vị người nước ngoài này là thái tử Ả rập nổi tiếng, đồng thời đề nghị cô ta giữ bí mật.
Mấy hôm sau, anh lại dẫn một cô gái mà anh ta thích vào quán, một lát sau thì anh ta rời chỗ. Cô gái kia hơi lo, vội hỏi cô phục vụ rằng người đó là người như thế nào. Cô phục vụ trả lời rằng anh ta hình như là bạn thân của thái tử Ả rập. Tin tức mà cô phục vụ cung cấp, tức thông tin của người thứ ba, đã làm cho cô ta tin là thực. Đến khi tên lừa đảo hôn nhân kia đưa ra lời cầu hôn thì cô gái nọ đã tự nhiên nhận lời một cách khảng khái. Biết được mẹo tâm lý này, chắc cô gái nọ sẽ tránh được hậu họa.