Chàng thanh niên: Khoan đã! Câu này tôi phải hỏi cho rõ ràng. “Để xóa tan phiền muộn thì chỉ có cách sống một mình trong vũ trụ” nghĩa là sao? Chẳng phải nếu chỉ sống một mình sẽ lại bị cảm giác cô độc làm cho phiền muộn hay sao?
Triết gia: Cậu cảm thấy cô độc không phải vì cậu chỉ có một mình. Cảm thấy mình bị tách biệt, xa lánh khỏi những người xung quanh, khỏi xã hội, cộng đồng, đó mới gọi là cô độc. Chúng ta cần người khác để cảm thấy cô độc. Nghĩa là con người chỉ trở thành “cá nhân” khi đặt vào giữa các mối quan hệ xã hội mà thôi.1
Chàng thanh niên: Có thật là nếu chỉ có một mình, nghĩa là sống một mình trong vũ trụ, thì sẽ không trở thành “cá nhân” và cũng không cảm thấy cô độc?
Triết gia: Nếu thế, có lẽ thậm chí cả khái niệm “cô độc” cũng không tồn tại nữa. Chẳng cần cả ngôn ngữ cũng chẳng cần logic lẫn nhận thức chung. Nhưng không thể có chuyện đó được. Dẫu có sống trên hoang đảo không người thì cậu cũng sẽ nghĩ đến “ai đó” ở phía bên kia đại đương xa xôi. Dù trong những đêm cô đơn, cậu vẫn lắng nghe tìm tiếng thở của ai đó. Một khi còn có ai đó ở một nơi nào đó ngoài kia, cậu sẽ nếm trải sự cô độc.
Chàng thanh niên: Nhưng, câu nói vừa rồi còn có thể diễn giải theo cách khác là “Nếu có thể sống một mình trong vũ trụ thì phiền muộn sẽ tan biến” phải không?
Triết gia: Về mặt lý thuyết là vậy. Vì Adler quả quyết rằng “mọi phiền muộn của con người đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người”.
Chàng thanh niên: Thầy đang nói gì vậy?
Triết gia: Tôi có thể nhắc lại bao lần cũng được. “Mọi phiền muộn của con người đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người”. Đây là khái niệm căn bản của tâm lý học Adler. Nếu thế giới này không có quan hệ giữa người với người, nếu trong vũ trụ không có người khác, chỉ có mình mình, vậy thì mọi phiền muộn cũng sẽ tan biến.
Chàng thanh niên: Không thể nào! Đó chỉ là những lời ngụy biện có tính kinh viện mà thôi!
Triết gia: Tất nhiên không thể xóa bỏ mối quan hệ giữa người với người, về bản chất, con người phải lấy sự tồn tại của người khác làm tiền đề để sống, không thể có chuyện sống hoàn toàn cách ly với người khác. Đúng như cậu nói, tiền đề “nếu có thể sống một mình trong vũ trụ” hoàn toàn không thể xác lập được.
Chàng thanh niên: Tôi không nói đến vấn đề đó! Đúng là mối quan hệ giữa người với người là một vấn đề lớn. Tôi thừa nhận điều đó. Nhưng, luận điệu cho rằng tất cả phiền muộn đều chỉ vì quan hệ giữa người với người thì quá cực đoan! Thầy phủ nhận tất cả những phiền muộn do bị tách rời khỏi quan hệ giữa người với người, những phiền muộn trong nội tâm mỗi con người, những phiền muộn bởi chính bản thân mình sao?!
Triết gia: Những phiền muộn chỉ nằm trọn vẹn trong một cá nhân, hay cái gọi là phiền muộn nội tâm không hề tồn tại. Trong bất cứ nỗi phiền muộn nào chắc chắn cũng có bóng dáng của người khác.
Chàng thanh niên: Thưa thầy, thế mà thầy cũng tự xưng là thầy sao?! Con người còn có những nỗi phiền muộn nghiêm trọng hơn, cao quý hơn quan hệ với người khác! Hạnh phúc là gì, tự do là gì, rồi ý nghĩa cuộc đời là gì? Đó chẳng phải là những chủ đề mà các Triết gia vẫn không ngừng tìm hiểu từ thời Hy Lạp cổ đại đến giờ sao?! Còn thầy thì nói gì? Mối quan hệ giữa người với người là khởi nguồn cho tất cả sao? Thật là một câu trả lời tầm thường. Các Triết giamà nghe thấy hẳn sẽ choáng váng lắm!
Triết gia: Được rồi. Có vẻ tôi cần giải thích cụ thể hơn.
Chàng thanh niên: Vâng, xin hãy giải thích! Nếu thầy nói rằng mình là Triết giathì hãy giải thích rõ ràng cho tôi đi.
Triết gia: Tôi đã nói thế này: “Cậu quá sợ hãi việc tạo lập và duy trì quan hệ với người khác, thành thử mới chán ghét bản thân. Cậu né tránh các mối quan hệ nhờ việc chán ghét mình”. Những lời chỉ trích đó đã khiến vô cùng bối rối. Những lời lẽ ấy như nhìn thấu suốt lòng anh, khiến anh buộc phải thừa nhận. Tuy nhiên, anh vẫn thấy cần kiên quyết phủ nhận quan điểm “mọi nỗi phiền muộn của con người đều bắt nguồn từ mối quan hệ với người khác”. Adler đang tầm thường hóa những vấn đề của người. Cho rằng mình không khổ sở vì những phiền muộn trần tục như thế!”