Chàng thanh niên: Không, không, điều đó là không thể.
Triết gia: Tại sao lại không thể?
Chàng thanh niên: Tại sao ư? Vì có những người được sinh ra trong gia đình có cha mẹ hiền lành, khá giả, cũng có những người sinh ra trong gia đình có cha mẹ ác độc, nghèo khổ. Đó là cuộc sống. Ngoài ra, tôi thật không muốn nói thế này, nhưng thế giới này vốn dĩ chẳng công bằng, sự phân biệt chủng tộc, quốc tịch, dân tộc vẫn là vấn đề khó mà giải quyết được. Tập trung vào vấn đề “mình được trao cho cái gì” là điều hiển nhiên thôi!
Chàng thanh niên: Thưa thầy, những lời của thầy chỉ toàn là học thuyết trên bàn giấy, hoàn toàn bỏ qua thế giới hiện thực!
Triết gia: Người : không : nhìn đến hiện : thực chính là cậu. Mải mê chấp nhất chuyện “mình được trao cho cái gì” thì liệu hiện thực có thay đổi không? Chúng ta không phải là cỗ máy có thể thay thế được. Điều chúng ta cần không phải là thay thế mà là đổi mới.
Chàng thanh niên: Đối với tôi thay thế hay đổi mới cũng giống nhau! Thầy đang lảng tránh phần quan trọng. Thầy nghe này, trên đời có cái gọi là nỗi bất hạnh từ thuở lọt lòng. Trước hết, xin thầy hãy công nhận điều đó.
Triết gia: Tôi không công nhận.
Chẳng hạn, bây giờ cậu không thấy hạnh phúc. Đôi lúc, cậu còn cảm thấy cuộc sống đầy đau khổ, thậm chí mong muốn trở thành người khác. Thế nhưng, giờ phút này cậu bất hạnh là bởi cậu tự mình chọn lấy “bất hạnh”, chứ không phải cậu sinh ra đã có số bất hạnh.
Chàng thanh niên: Tự mình chọn lấy bất hạnh? Thầy bảo tôi làm sao tin được điều đó đây?
Triết gia: Đây không phải phát biểu gì ghê gớm lắm đâu. Đó là cách nói đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Cậu có biết câu nói “Chẳng ai muốn làm ác” không? Đó là một mệnh đề nổi tiếng, một nghịch lý của Sokrates.
Chàng thanh niên: Chẳng phải có cả núi người muốn làm ác hay sao? Những kẻ cướp của, giết người đã đành, rồi chính trị gia, quan chức làm những hành vi bất chính cũng đầy rẫy. Tìm người liêm khiết, trong sạch không muốn làm ác có khi còn khó hơn.
Triết gia: Đúng là cái ác trong hành vi còn tồn tại vô số. Nhưng dù là tội gì, không ai phạm tội ác chỉ vì muốn làm việc ác. Tất cả những kẻ tội phạm đều có “lý do tương ứng” nội tại của hành vi phạm tội đó. Chẳng hạn, một kẻ giết người do tranh chấp tiền bạc. Đối với bản thân kẻ đó, đấy là hành vi có “lý do thích hợp”, nói cách khác là hành vi “thiện”. Tất nhiên không phải là việc thiện xét trên phương diện đạo đức mà là thiện với ý nghĩa “có lợi cho bản thân”.
Chàng thanh niên: Có lợi cho bản thân?
Triết gia: Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ “thiện” (agathon) không hề có sắc thái ý nghĩa đạo đức. Chỉ có nghĩa là “có lợi”. Mặt khác, từ “ác” (kakon) cũng có nghĩa là “không có lợi”. Thế giới này đang lan tràn vô số các hành vi xấu xa như hành động bất chính, phạm tội. Nhưng lại chẳng có một ai muốn làm điều “ác = không có lợi” trong ý nghĩa đơn thuần của nó.
Chàng thanh niên: … Chuyện đó thì có liên quan gì tới tôi?
Triết gia: Ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời cậu đã chọn “bất hạnh”. Đó không phải là do cậu sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh hay rơi vào tình cảnh bất hạnh, mà vì cậu đã cho rằng đối với bản thân mình “bất hạnh” là một dạng “thiện”.
Chàng thanh niên: Tại sao? Để làm gì cơ chứ?
Triết gia: “Lý do thích hợp” của cậu là gì? Tại sao cậu lại tự mình chọn lấy “bất hạnh”? Tôi cũng không thể biết được những điều chi tiết như vậy. Có lẽ chúng sẽ dần dần sáng tỏ trong cuộc đối thoại này chăng.
Chàng thanh niên: … Thưa thầy, thầy định bẫy tôi phải không! Thầy vẫn không thừa nhận ư?! Tôi tuyệt đối không chấp nhận thứ triết học đó!
❄❄❄❄❄❄❄❄❄
Chàng thanh niên bất giác đứng phắt dậy, tức giận nhìn chằm chằm vào Triết gia. Ông ấy còn nói mình đã chủ động lựa chọn cuộc đời bất hạnh này? Đó là điều “thiện” đối với mình sao? Cách lý luận này thật điên rồ! Mà tại sao ông ấy lại nhạo báng mình như thế? Mình đã làm gì cơ chứ? Nhất định mình sẽ bẻ gãy lý lẽ của ông ấy. Mình sẽ khiến ông ấy phải bái phục mình. Khuôn mặt Chàng thanh niên đỏ gay.