Chàng thanh niên: Vậy trường hợp bị tấn công cá nhân trực diện thì phải làm gì? Cứ chịu đựng thôi sao?
Triết gia: Không. Nội ý nghĩ “chịu đựng” đã là bằng chứng cho thấy cậu vẫn đang bị cuốn vào tranh giành quyền lực. Nếu đối phương khiêu khích mà cậu nhận ra đó là tranh giành quyền lực thì đừng đáp trả hành động của đối phương. Đấy là cách duy nhất chúng ta có thể đáp lại.
Chàng thanh niên: Nhưng có thể dễ dàng phớt lờ khiêu khích đến thế sao? Thầy bảo làm thế nào để kiềm chế con giận cơ chứ?
Triết gia: Ý cậu nói kiềm chế cơn giận nghĩa là “chịu đựng” phải không? Không phải như thế, ta hãy học cách giải quyết mà không sử dụng đến cảm xúc giận dữ. Vì giận dữ chỉ là một phương tiện, một công cụ để đạt được mục đích thôi.
Chàng thanh niên: Hừm, câu này khó hiểu đây!
Triết gia: Trước hết, tôi muốn cậu hiểu rằng giận dữ là một hình thức giao tiếp, và có thể thực hiện giao tiếp không dùng đến cảm xúc giận dữ. Chúng ta không cần giận dữ cũng có thể giãi bày suy nghĩ của mình để được mọi người tiếp nhận. Nếu đã hiểu được điều đó qua kinh nghiệm bản thân, tự nhiên cảm xúc giận dữ cũng không xuất hiện nữa.
Chàng thanh niên: Nhưng cả khi đối phương khiêu khích do hiểu lầm rõ ràng, hay dùng những từ ngữ xúc phạm, cũng không được tức giận sao?
Triết gia: “Có vẻ cậu vẫn chưa hiểu rồi. Không phải không được tức giận mà là không cần dựa vào công cụ mang tên cơn giận nữa.
Người nóng tính không phải kẻ thiếu kiên nhẫn mà chỉ là không biết công cụ giao tiếp hiệu quả nào khác ngoài cơn giận mà thôi. Vì vậy nên mới thốt ra những lời như “bực mình quá nên…”, thực ra đó là hình thức giao tiếp dựa vào cơn giận.”
Chàng thanh niên: Công cụ giao tiếp hiệu quả ngoài cơn giận ư…
Triết gia: Chúng ta có ngôn ngữ. Có thể giao tiếp bằng ngôn từ. Hãy tin vào sức mạnh của ngôn từ, tin vào lý lẽ.
Chàng thanh niên: … Đúng là nếu không tin điều đó thì cuộc đối thoại này sẽ không thực hiện được.
Triết gia: Còn một điều cần chú ý nữa về tranh giành quyền lực. Đó là kể cả cho rằng mình đúng đến thế nào nữa thì cũng đừng lấy đó làm lý do tấn công đối phương. Đây là cái bẫy trong quan hệ giữa người với người mà nhiều người rơi vào.
Chàng thanh niên: Tại sao
Triết gia: Bởi vì, trong mối quan hệ giữa người với người, vào khoảnh khắc tin rằng “mình đúng”, con người đã bước chân vào tranh giành quyền lực rồi.
Chàng thanh niên: Chỉ vì nghĩ là mình đúng? Không, không, thầy nói quá rồi!
Triết gia: Mình đúng nghĩa là đối phương sai. Ngay vào thời điểm nghĩ như vậy, trọng tâm của cuộc tranh luận sẽ chuyển từ “mức độ chính xác của quan điểm” sang “trạng thái hiện tại của mối quan hệ giữa hai người”. Nghĩa là niềm tin rằng “mình đúng” sẽ dẫn tới ngộ nhận rằng “người kia sai” và cuối cùng là đấu tranh “vì vậy mình cần phải thắng”. Đến đó thì đã hoàn toàn rơi vào tranh giành quyền lực.
Chàng thanh niên: Hừm.
Triết gia: Mức độ chính xác của quan điểm vốn không liên quan tới thắng thua. Nếu cậu đã tin chắc là mình đúng thì dù người khác có ý kiến như thế nào cũng không cần phải tranh cãi nữa. Nhưng, nhiều người lại lập tức bước vào tranh giành quyền lực với ý định khuất phục người kia. Chính vì thế mới cho rằng “thừa nhận sai lầm” có nghĩa là “thừa nhận thua cuộc”.
Chàng thanh niên: Đúng là có phương diện đó thật.
Triết gia: “Từ quyết tâm không muốn thua cuộc nên không chịu thừa nhận sai lầm của mình, dẫn tới kết quả chọn sai đường. Thừa nhận sai lầm, nói lời tạ lỗi, rời khỏi cuộc tranh giành quyền lực, tất cả đều không phải là “thua cuộc”.
Theo đuổi sự vượt trội không thể thực hiện thông qua cạnh tranh với người khác.”
Chàng thanh niên: Nghĩa là để ý đến thắng thua quá mức sẽ không có được lựa chọn đúng đắn?
Triết gia: Đúng vậy. Một khi mắt kính mờ đi, chỉ nhìn thấy thắng thua trước mắt, ắt sẽ đi nhầm đường. Chỉ cần tháo bỏ cặp kính cạnh tranh và thắng thua, chúng ta sẽ có thể thay đổi và hoàn thiện bản thân.