Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Dám Bị Ghét

Phủ định nhu cầu được thừa nhận

Tác giả: Koga Fumitake - Kishimi Ichiro
Chọn tập

Chàng thanh niên: Thầy đã nói là hôm nay sẽ thảo luận về tự do nhỉ?

Triết gia: Đúng vậy, cậu đã nghĩ xem tự do là gì chưa?

Chàng thanh niên: Tôi đã nghĩ nát óc rồi.

Triết gia: Cậu rút ra được kết luận chưa?

Chàng thanh niên: Tôi vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, tôi đã tìm thấy ở thư viện một câu thế này: “Tiền bạc là tự do đúc thành khối”. Đó là câu nói trong tiểu thuyết của Dostoyevsky. Thầy thấy sao, câu nói “tự do được đúc thành khối” nghe thật hay phải không. Tôi cho rằng câu này vô cùng sâu sắc, thể hiện đúng bản chất của đồng tiền.

Triết gia: Tôi hiểu rồi. Đúng là nếu khái quát về bản chất của những thứ mà đồng tiền mang lại thì có thể gọi đó là tự do. Đúng là một câu nói thâm thúy. Nhưng, từ đó có thể nói rằng “tự do nghĩa là tiền bạc” không?

Chàng thanh niên: Thầy nói hoàn toàn chính xác. Có sự tự do mua được bằng tiền bạc. Và chắc chắn tự do đó lớn hơn chúng ta hình dung nhiều. Trên thực tế, tất cả nhu cầu ăn, mặc, ở đều được đáp ứng nhờ tiền bạc. Dù vậy, có phải chỉ cần giàu có là con người có được tự do không? Tôi không nghĩ thế và cũng muốn tin là không phải như thế. Tôi muốn tin rằng giá trị của con người, hạnh phúc của con người không thể mua bằng tiền bạc. 

Triết gia: Vậy, giả sử cậu đã có được tự do về tiền bạc, nhưng vẫn không thể hạnh phúc. Lúc này, cậu còn lại phiền muộn gì, thiếu tự do gì?

Chàng thanh niên: Đó là tự do trong quan hệ với người khác, điều mà thầy đã nhắc đi nhắc lại năm lần bảy lượt. Tôi cũng đã suy nghĩ kỹ về điều đó. Chẳng hạn, có một cuộc sống giàu sang nhưng không có người yêu. Không có ai gọi là bạn thân, bị mọi người ghét bỏ. Đó là một bất hạnh lớn. Còn một điều nữa cứ lởn vởn trong đầu tôi là “gông cùm”. Tất cả chúng ta đều đang vật lộn mà sống giữa các loại “gông cùm”. Phải giao thiệp với những người mình không thích, phải lấy lòng cấp trên mình không ưa. Thầy hãy tưởng tượng mà xem, nếu được giải thoát khỏi mối quan hệ phiền phức giữa người với người thì sẽ dễ chịu đến mức nào!

Nhưng chẳng ai làm được điều đó. Chúng ta là những cá nhân trong xã hội, đi đâu cũng bị người khác bủa vây, sống trong sự ràng buộc với người khác. Làm cách nào cũng không thể thoát khỏi tấm lưới bền chắc dệt từ quan hệ giữa người với người. Quan điểm “mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người” mà Adler nói quả là chính xác. Rốt cuộc tất cả đều dẫn tới đó.

Triết gia: Đây là điều quan trọng. Hãy đào sâu suy nghĩ hơn một chút nữa nhé. Điều gì trong mối quan hệ giữa người với người là thứ tước đoạt tự do của chúng ta?

Chàng thanh niên: Chính là điểm này đấy! Hôm trước, thầy đã nói đến chuyện coi người khác là “kẻ thù” hay “bạn”. Rằng nếu có thể coi người khác là “bạn”, chắc chắn cách nhìn thế giới cũng sẽ thay đổi. Điều này thì tôi công nhận là đúng. Hôm trước ra về tôi đã hoàn toàn chấp nhận quan điểm này. Nhưng, nghĩ kỹ thì quan hệ giữa người với người còn có cả những yếu tố không thể giải thích chỉ bằng cách đó.

Triết gia: Chẳng hạn là gì vậy?

Chàng thanh niên: Dễ thấy nhất là vai trò của bố mẹ. Đối với tôi, nghĩ gì thì nghĩ, bố mẹ không phải là “kẻ thù”. Đặc biệt là hồi tôi còn nhỏ, họ là những người giám hộ quan trọng đã nuôi nấng, bảo vệ tôi. Về điểm này, tôi rất biết ơn họ.

Chỉ có điều bố mẹ tôi cực kỳ nghiêm khắc. Lần trước tôi cũng đã nói rồi, họ thường so sánh tôi với anh trai, không công nhận tôi. Và họ liên tục can thiệp vào cuộc đời tôi. Kiểu như hãy học chăm nữa vào, đừng có giao du với loại bạn đó, ít ra thì cũng phải học ở trường đại học này, làm công việc này. Những đòi hỏi đó thật là áp lực lớn, đúng là “gông cùm”.

Triết gia: Rốt cuộc, cậu đã làm thế nào?

Chàng thanh niên: Tôi nghĩ là mãi tới khi vào đại học tôi vẫn còn chưa thể phớt lờ mong muốn của bố mẹ, nên luôn phiền muộn và khó chịu. Nhưng sự thật là không biết từ lúc nào tôi đã vô thức điều chỉnh mong muốn của mình cho khớp với mong muốn của bố mẹ. Chỉ có mỗi công việc là tôi tự chọn.

Triết gia: Nói đến mới nhớ. Cậu làm việc gì nhỉ?

Chàng thanh niên: Tôi làm thủ thư tại thư viện trường đại học. Có vẻ bố mẹ tôi muốn tôi tiếp quản công việc ở nhà máy in giống như anh tôi. Vì thế mà kể từ khi tôi đi làm, quan hệ của chúng tôi có rạn nứt ít nhiều. Nếu đối phương không phải bố mẹ, mà là những người giống như “kẻ thù” thì tôi đã chẳng phải nghĩ ngợi rồi. Vì mặc cho họ định can thiệp như thế nào đi nữa, tôi chỉ cần phớt lờ là xong. Nhưng đối với tôi, bố mẹ không phải “kẻ thù”. Là bạn hay không hãy khoan bàn đến, ít ra họ không phải là những người đáng gọi là “kẻ thù”. Một mối quan hệ quá gần gũi, không thể chỉ phớt lờ mong muốn của họ là xong được.

Triết gia: Khi chọn trường theo mong muốn của cha mẹ, cậu có cảm xức như thế nào đối với họ?

Chàng thanh niên: Phức tạp lắm. Sự thật là tôi vừa có cảm giác hờn giận, nhưng mặt khác cũng vừa có cảm giác an tâm. An tâm rằng nếu vào trường này thì có lẽ sẽ được bố mẹ thừa nhận.

Triết gia: Được thừa nhận là sao?

Chàng thanh niên: Chà, xin hãy dừng ngay những câu hỏi dẫn dụ vòng vo như thế. Chắc chắn thầy hiểu mà. Cái gọi là “nhu cầu được thừa nhận” ấy. Những phiền muộn trong mối quan hệ giữa người với người đều tập trung cả ở đấy. Con người chúng ta luôn sống mà cần đến sự thừa nhận của người khác. Chính vì đối phương không phải là “kẻ thù” đáng ghét nên ta mới mong muốn được người đó thừa nhận! Đúng vậy, tôi muốn được bố mẹ thừa nhận! 

Triết gia: Tôi hiểu rồi. Về điều này, tôi xin đưa ra một tiền đề lớn của tâm lý học Adler. Tâm lý học Adler phủ định nhu cầu được thừa nhận.

Chàng thanh niên: Phủ định nhu cầu được thừa nhận?

Triết gia: Không cần phải được người khác thừa nhận. Đúng hơn là không được mong muốn người khác thừa nhận. Ở đây tôi phải nhấn mạnh điều này.

Chàng thanh niên: Không, không, thầy nói gì vậy? Nhu cầu được thừa nhận là nhu cầu phổ quát thúc đẩy con người vươn lên cơ mà!

 

Chọn tập
Bình luận