Triết gia: Tôi hiểu rồi. Mục tiêu cao cả cậu nói đến có thể hình dung giống như việc nhắm tới đỉnh núi khi leo núi phải không?
Chàng thanh niên: Vâng, đúng vậy. Tôi, cũng giống như mọi người, đều hướng tới đỉnh núi!
Triết gia: Nhưng, nếu coi cuộc đời là hành trình leo núi để lên tới đỉnh thì đến quá nửa đời là ở “trên đường” rồi. Nếu lúc đặt chân lên đỉnh núi “cuộc đời thực sự” mới bắt đầu, thì quãng đường trước đó là “cuộc đời tạm” của một “tôi sống tạm”.
Chàng thanh niên: Nói thế cũng được. Tôi lúc này đúng là kẻ “đang ở trên đường” đây.
Triết gia: Vậy nếu không tới được đỉnh núi thì cuộc đời cậu sẽ thế nào? Có thể do bệnh tật hay tai nạn, đó hoàn toàn có khả năng là một cuộc leo núi thất bại, nghĩa là cuộc đời sẽ gián đoạn khi vẫn còn “giữa đường”, khi vẫn còn là “tôi sống tạm” trong “cuộc đời tạm”. Liệu cuộc đời trong trường hợp đó sẽ là gì nào?
Chàng thanh niên: Là “trèo cao ngã đau” thôi! Tôi không có năng lực, không có thể lực đủ để leo núi, không gặp may. Thế thôi! Vâng, tôi sẵn sàng đón nhận sự thực đó!
Triết gia: Quan điểm của tâm lý học Adler lại khác. Những người cho rằng cuộc đời là một cuộc leo núi sẽ coi đời mình như một “vạch liền”, rằng đường vạch liền bắt đầu từ khoảnh khắc họ sinh ra trong cuộc đời này sẽ trải qua nhiều khúc quanh lớn nhỏ rồi đạt tới đỉnh và đến điểm cuối tức là cái chết. Nhưng, ý tưởng coi cuộc đời như một câu chuyện như vậy là lối suy nghĩ gắn liền với thuyết nguyên nhân của Freud, coi phần lớn cuộc đời là “đang ở trên đường”.
Chàng thanh niên: Vậy, thầy cho rằng cuộc đời là thế nào?
Triết gia: Hãy nghĩ rằng cuộc đời là những chấm liên tục chứ không phải là một vạch liền. Khi quan sát một vạch liền được vẽ bằng phấn qua kính lúp, ta sẽ thấy thứ mà mình tưởng là một vạch liền đó thực ra là những chấm nhỏ liên tục. Cuộc đời thoạt trông như một đường liền mạch, thực ra lại là những chấm liên tục, nói cách khác, cuộc đời là những sát-na tiếp nối.
Chàng thanh niên: Những sát-na tiếp nối ư?
Triết gia: Đúng vậy. Là sự tiếp nối liên tục của những khoảnh khắc “hiện tại”. Chúng ta chỉ có thể sống “ngay tại đây, vào lúc này” thôi. Cuộc đời của chúng ta chính là tập hợp những khoảnh khắc.
Những người lớn không biết điều đó sẽ ép bọn trẻ sống cuộc đời dạng “vạch liền”. Họ nghĩ rằng cứ đi theo lộ trình vào trường đại học tốt, làm việc ở doanh nghiệp lớn, gia đình ổn định thì sẽ có cuộc đời hạnh phúc. Nhưng, cuộc đời không phải một vạch liền.
Chàng thanh niên: Ý thầy muốn nói rằng không cần lập kế hoạch cuộc đời hoặc định hướng nghề nghiệp sao.
Triết gia: Nếu cuộc đời là một vạch liền thì có lẽ ta có thể lập kế hoạch cuộc đời. Nhưng, cuộc đời của chúng ta lại là những chấm liên tục. Khỏi cần bàn đến chuyện có cần lập kế hoạch cuộc đời hay không, mà cần khẳng định rằng điều đó là không thể.
Chàng thanh niên: Hừm… Thật nhảm nhí! Quả là một suy nghĩ ngu ngốc!