Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dám Bị Ghét

Sang chấn tâm lý vốn không tồn tại

Tác giả: Koga Fumitake - Kishimi Ichiro
Chọn tập

Chàng thanh niên: Nếu thầy kiên quyết đến mức đó thì xin hãy giải thích rõ. Sự khác nhau giữa “thuyết nguyên nhân” và “thuyết mục đích” rốt cuộc là gì?

Triết gia: Chẳng hạn, cậu bị cảm, sốt cao, phải đi khám bác sĩ. Và bác sĩ giải thích lý do bị cảm là: “Anh bị cảm do hôm qua mặc phong phanh đi ngoài đường” và coi thế là xong. Đến đó thì cậu có hài lòng không? Làm sao mà hài lòng được. Nguyên nhân là do mặc phong phanh, bị ngấm mưa hay gì chẳng thế. Vấn đề là tôi đang khổ sở vì sốt cao, là tình trạng bệnh của tôi. Nếu là bác sĩ thì nên sử dụng những biện pháp chuyên môn như kê đơn thuốc, tiêm để điều trị. Nhưng những người theo thuyết nguyên nhân, như các nhà tư vấn tâm lý hay bác sĩ tâm thần học đều chỉ dừng lại ở việc chỉ ra rằng “Bạn đang khổ sở là do những chuyện xảy ra trong quá khứ” hay động viên, “Vì vậy, bạn không có lỗi gì cả”. Cái gọi là sang chấn, chính là điển hình của thuyết nguyên nhân.

Chàng thanh niên: Khoan đã! Nghĩa là thầy phủ nhận sự tồn tại của sang chấn tâm lý?

Triết gia: Tôi một mực phủ nhận.

Chàng thanh niên: Sao thầy có thể… Chẳng phải thầy, không, chẳng phải Adler là một nhà tâm lý học lớn sao?

Triết gia: Tâm lý học Adler phủ nhận hoàn toàn sang chấn tâm lý. Đây là một điểm rất mới, có tính bước ngoặt. Đúng là quan điểm về sang chấn của Freud rất khiến người ta quan tâm. Ông cho rằng vết thương lòng ở quá khứ dẫn đến nỗi bất hạnh trong hiện tại. Khi coi cuộc đời là một “câu chuyện” dài, thì logic nhân quả dễ hiểu cũng như sự phát triển cốt truyện kịch tính sẽ rất có sức hấp dẫn.

Tuy nhiên, khi phủ định quan điểm về sang chấn, Adler đã nói như thế này. “Bản thân kinh nghiệm không phải nguyên nhân của thành công hay thất bại. Chúng ta không đau khổ vì những cú sốc trong trải nghiệm của bản thân – cái được gọi là sang chấn tâm lý – mà sự thực là từ những trải nghiệm ấy chúng ta tìm ra những điều phù hợp với mục đích của mình! Con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho những trải nghiệm đó.”

Chàng thanh niên: Tìm thấy điều phù hợp với mục đích của mình?

Triết gia: Đúng vậy. Hãy chú ý rằng, Adler nói tạo ra bản thân nhờ vào “ý nghĩa chúng ta gán cho trải nghiệm”, chứ không phải “chính trải nghiệm”. Tôi không nói là những sự kiện như gặp tai nạn nghiêm trọng hay bị ngược đãi hồi nhỏ không hề ảnh hưởng chút nào tới việc hình thành nhân cách. Ngược lại, chúng có ảnh hưởng lớn. Nhưng điều quan trọng là bản thân trải nghiệm ấy không phải điều quyết định. Chúng ta quyết định cuộc đời mình bằng cách gán ý nghĩa nào đó cho những trải nghiệm trong quá khứ. Cuộc đời không phải thứ được kẻ khác định đoạt mà do chính mình lựa chọn, sống như thế nào là do chính bản thân mình.

Chàng thanh niên: Vậy, lẽ nào thầy cho rằng bạn tôi thích thế nên mới tự giam mình trong phòng? Rằng cậu ấy chủ động lựa chọn ở lì trong phòng? Thật nực cười. Cậu ấy không chủ động chọn mà là “buộc phải” chọn. Cậu ấy bị buộc phải là bản thân mình trong hiện tại!

Triết gia: Không phải! Giả sử bạn cậu cho rằng “Mình bị cha mẹ ngược đãi nên không thể thích ứng với xã hội”, thì hẳn có “mục đích” thúc đẩy cậu ta nghĩ như vậy.

Chàng thanh niên: Mục đích như thế nào?

Triết gia: Rõ nhất là có mục đích “không ra ngoài”. Để không phải ra ngoài, cậu ta tạo ra cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Chàng thanh niên: Tại sao cậu ấy không muốn ra ngoài? Vấn đề là ở chỗ đó!

Triết gia: Vậy thì hãy đặt mình vào vị trí của bố mẹ cậu ấy. Nếu con cậu ru rú giam mình trong phòng, cậu sẽ thấy thế nào?

Chàng thanh niên: Tất nhiên là tôi lo lắng rồi. Làm thế nào để thằng bé quay lại với xã hội, làm thế nào để nó trở lại hoạt bát như xưa, có phải cách nuôi dạy con của mình sai ở chỗ nào không… Tôi sẽ nghiêm túc suy nghĩ những vấn đề ấy, đồng thời tìm mọi cách để đưa con mình quay trở lại xã hội.

Triết gia: Vấn đề là ở đó.

Chàng thanh niên: Ở đâu cơ?

Triết gia: Nếu không ra ngoài, cứ ở lì trong phòng, cha mẹ sẽ lo lắng. Có thể chiếm trọn sự chú ý của cha mẹ. Sẽ được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.

Ngược lại, hễ ra khỏi nhà một bước, cậu ta sẽ lẫn vào “số đông” chẳng được ai chú ý. Lọt thỏm giữa những người không quen biết, trở thành một kẻ bình thường hoặc kém cỏi hơn người khác. Và sẽ chẳng được ai nâng niu nữa… Đây là tâm lý thường thấy ở những người giam mình trong phòng.

Chàng thanh niên: Vậy, nếu theo lập luận của thầy thì bạn tôi đã đạt được “mục đích” và hài lòng với tình trạng bây giờ?

Triết gia: Có lẽ cậu ấy không hài lòng, và cũng không hạnh phúc. Nhưng, chắc chắn là cậu ấy đã hành động theo mục đích ấy. Không chỉ riêng cậu ấy mà tất cả chúng ta đều đang sống theo một mục đích nào đó. Đó là quan niệm của thuyết mục đích.

Chàng thanh niên: Không, không, dù gì tôi cũng không thể chấp nhận quan điểm này. Bạn tôi vốn…

Triết gia: Được rồi, cứ tiếp tục câu chuyện về bạn cậu thì cuộc tranh luận sẽ chẳng đi đến đâu cả. Bàn luận về một người vắng mặt thật chẳng hay ho gì. Chúng ta hãy tìm một ví dụ khác.

Chàng thanh niên: Vậy ví dụ này có được không? Chuyện vừa xảy ra với chính tôi hôm qua.

Triết gia: Ờ, hãy kể cho tôi nghe nào.

 

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky