Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dám Bị Ghét

Con người thường quyết tâm “không thay đổi”

Tác giả: Koga Fumitake - Kishimi Ichiro
Chọn tập

Triết gia: Cậu hãy ngồi xuống đi! Cứ thế này thì hai bên trò chuyện không ăn nhập với nhau cũng chẳng có gì là lạ. Ở đây tôi xin giải thích một cách đơn giản cơ sở của cuộc tranh luận, tức là vấn đề tâm lý học Adler hiểu con người như thế nào.

Chàng thanh niên: Xin hãy giải thích ngắn gọn! Thật ngắn gọn!

Triết gia: Lúc nãy cậu nói “tính cách và khí chất của con người không thể thay đổi”. Tâm lý học Adler thì giải thích tính cách và khí chất của con người qua từ “lối sống” (lifestyle).

Chàng thanh niên: Lối sống?

Triết gia: Đúng vậy. Là xu hướng suy nghĩ và hành động trong cuộc đời mỗi người.

Chàng thanh niên: Xu hướng suy nghĩ và hành động?

Triết gia: Người đó nhìn nhận “thế giới” như thế nào, nhìn nhận “bản thân” như thế nào. Ta hãy dùng “lối sống” như một khái niệm khái quát những “cách thức đi tìm ý nghĩa” này. Ở nghĩa hẹp, có thể coi nó là tính cách; còn theo nghĩa rộng hơn, từ này thậm chí bao hàm cả thế giới quan và nhân sinh quan của một người nào đó.

Chàng thanh niên: Thế giới quan?

Triết gia: Chẳng hạn, có người sầu khổ vì “Mình có tính cách bi quan”. Ta hãy thử đổi cách nói khác, rằng “Mình có Iối sống bi quan” xem sao. Tôi cho rằng vấn đề không phải ở tính cách mà là ở thế giới quan. Có lẽ từ “tính cách” mang lại cảm giác không thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu là thế giới quan thì lại có thể thay đổi được.

Chàng thanh niên: Hừm, hơi khó nhỉ. Lối sống mà thầy nói đó có phải gần giống như “cách thức sống” không?

Triết gia: Có thể diễn đạt như thế. Nếu nói chính xác hơn một chút thì là “trạng thái của cuộc đời”. Chắc chắn cậu nghĩ rằng khí chất và tính cách là những điều không thể dùng ý chí mà thay đổi. Nhưng tâm lý học Adler cho rằng lối sống là kết quả do mình chủ động lựa chọn.

Chàng thanh niên: Kết quả do mình chủ động lựa chọn?

Triết gia: Đúng vậy.

Chàng thanh niên: Có nghĩa là tôi không chỉ lựa chọn “bất hạnh” mà còn tự lựa chọn cả tính cách lệch lạc này sao?

Triết gia: Tất nhiên rồi.

Chàng thanh niên: Ha ha, luận điệu này của thầy thật vô lý. Đến lúc tôi nhận ra thì tính cách đã thành ra thế này rồi. Tôi không hề nhớ là mình đã chọn. Thầy cũng vậy còn gì? Có thể tự do chọn tính cách của mình, chuyện này rõ là quá vô lý!

Triết gia: Tất nhiên, không phải là cậu đã ý thức lựa chọn “mình như thế này”. Có lẽ lựa chọn ban đầu là hành vi vô thức. Hơn nữa, trong quá trình lựa chọn, các nhân tố tác động bên ngoài như cậu vẫn nhắc đi nhắc lại, tức là chủng tộc, quốc tịch, văn hóa, hoàn cảnh gia đình, cũng có ảnh hưởng lớn. Dù vậy, người lựa chọn “mình như thế này” chính là cậu.

Chàng thanh niên: Tôi không hiểu ý thầy. Tôi đã chọn vào lúc nào?

Triết gia: Tâm lý học Adler cho rằng có lẽ vào khoảng lúc trên dưới 10 tuổi.

Chàng thanh niên: Vậy thì cứ cho là tôi sẽ nhường thầy 100 bước, mà không, nhường 200 bước mà công nhận tôi lúc 10 tuổi đã vô thức chọn lối sống đó. Nhưng như thế thì sao nào? Dù gọi là tính cách, khí chất hay lối sống thì đằng nào tôi cũng đã trở thành “tôi như thế này” mất rồi. Tình hình đâu có thay đổi được.

Triết gia: Không đâu. Nếu lối sống không phải là bẩm sinh mà do tự mình lựa chọn thì chắc chắn mình cũng có thể tự chọn lại.

Chàng thanh niên: Chọn lại?

Triết gia: Có lẽ trước giờ cậu không hiểu lối sống của mình. Có lẽ thậm chí không biết đến cả khái niệm lối sống. Tất nhiên, không ai có thể chọn lựa xuất thân của mình. Sinh ra ở đất nước này, thời đại này, là con của gia đình này không phải những điều ta có thể tự chọn lựa. Hơn nữa, những nhân tố này đều có sức ảnh hưởng khá lớn. Về xuất thân của mình, có lẽ cậu không hài lòng, mỗi lần nhìn người khác lại có cảm giác “giá mà mình được sinh ra trong hoàn cảnh như vậy”.

Nhưng sự việc không thể dừng lại ở đó. Vấn đề không phải là quá khứ mà là “lúc này”. Bây giờ, vào lúc này cậu đã hiểu được lối sống của chính mình. Nếu vậy, từ giờ sẽ làm gì là trách nhiệm của cậu. Tiếp tục chọn lối sống như từ trước đến giờ hay chọn lại một lối sống mới, tất cả đều phụ thuộc vào cậu.

Chàng thanh niên: Vậy, thầy bảo tôi làm thế nào để chọn lại đây? Đâu phải chỉ một câu nói “Chính cậu đã chọn lối sống đó, nên giờ hãy chọn lại ngay đi”, là có thể thay đổi ngay được!

Triết gia: Không, không phải cậu không thay đổi được. Bất cứ lúc nào hay dù ở trong hoàn cảnh nào con người cũng có thể thay đổi. Cậu không thể thay đổi là vì cậu đã hạ quyết tâm “sẽ không thay đổi”.

Chàng thanh niên: Thầy nói gì cơ?

Triết gia: Con người lựa chọn lối sống cho mình ở mọi thời điểm. Ngay cả trong những khoảnh khắc ngồi cạnh nhau nói chuyện như bây giờ ta cũng đang lựa chọn. Cậu nói mình là người bất hạnh. Nói muốn thay đổi ngay lập tức. Thậm chí còn mong muốn trở thành người khác. Mặc dù vậy, cậu không thể thay đổi là vì sao? Đó là vì cậu không ngừng quyết tâm không thay đổi lối sống của mình.

Chàng thanh niên: Không, không. Những lời thầy nói không hợp lý chút nào. Tôi muốn thay đổi. Đây là mong muốn thực lòng của tôi. Vậy tại sao tôi lại quyết tâm không thay đổi?!

Triết gia: Có lẽ vì cậu cho rằng dù có hơi bất tiện, thiếu tự do nhưng lối sống bây giờ vẫn tốt hơn, cảm thấy không thay đổi sẽ thoải mái hơn là thay đổi này” thì từ kinh nghiệm vốn có cậu có thể phán đoán được cần xử lý những việc trước mắt như thế nào và điều gì sẽ xảy ra. Giống như lái một chiếc xe quen thuộc. Dù hỏng hóc ít nhiều nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, có thể lái thành thạo.

Trong khi đó, nếu lựa chọn lối sống mới, cậu không biết điều gì sẽ xảy ra với con người mới của mình, cũng không biết phải xử lý những việc diễn ra trước mắt bằng cách nào. Tương lai trở nên khó dự đoán, cuộc sống đầy nỗi bất an, biết đâu một cuộc sống khó khăn hơn, bất hạnh hơn đang đợi cậu ở phía trước. Nghĩa là dù người ta có nhiều điều bất mãn nhưng vẫn cho rằng giữ nguyên hiện trạng thế này lại dễ dàng, an tâm hơn.

Chàng thanh niên: Ý thầy là muốn thay đổi nhưng lại sợ thay đổi?

Triết gia: Khi muốn thay đổi lối sống, chúng ta cần rất nhiều can đảm. Giữa “sự bất an” do thay đổi và “sự không hài lòng” dai dẳng vì không thay đổi, chắc chắn cậu đã chọn vế sau rồi.

Chàng thanh niên: … Giờ thầy lại dùng từ “can đảm” à?

Triết gia: Đúng vậy. Tâm lý học Adler là tâm lý học của lòng can đảm. Cậu bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Cậu chỉ thiếu “can đảm” mà thôi. Nói một cách khác, cậu không đủ “can đảm dám được hạnh phúc”.

 

Chọn tập
Bình luận