Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dám Bị Ghét

Chỉ có mặt ở đây là đã có giá trị

Tác giả: Koga Fumitake - Kishimi Ichiro
Chọn tập

Triết gia: Thế nào, cậu đã sắp xếp lại các : ý chưa?

Chàng thanh niên: … Tôi đang từ từ sắp xếp, đã có manh mối rồi. Nhưng hình như thầy không nhận ra vừa rồi mình đã nói một điều vô cùng hoang đường. Một quan điểm nguy hiểm có thể phủ nhận mọi thứ trên thế giới.

Triết gia: Chà chà, đó là gì vậy?

Chàng thanh niên: Chỉ khi có ích cho ai đó mới có thể cảm nhận được giá trị của mình. Nếu nói ngược lại thì người không có ích cho người khác sẽ không có giá trị. Thầy nói như vậy nhỉ? Nếu nghĩ như thế thì những đứa trẻ sơ sinh, những người già và người bệnh nằm liệt giường sẽ không có đến cả giá trị để sống.

Tại sao à? Để tôi kể cho thầy về ông của tôi. Hiện giờ ông tôi đang ở trong viện dưỡng lão, phải nằm một chỗ. Do bị suy giảm trí nhớ nên ông không nhận ra con cháu, chưa kể lúc nào cũng cần có người chăm sóc. Dù có ưu ái đến mấy cũng không thể nghĩ rằng ông có ích cho ai đó. Thầy hiểu phải không, thưa thầy? Quan điểm của thầy giống như là nói với ông tôi “người như ông chẳng có tư cách để sống”!

Triết gia: Tôi tuyệt đối phủ nhận điểm này.

Chàng thanh niên: Thầy định phủ nhận thế nào?

Triết gia: Khi tôi nói về khích lệ lòng can đảm, có bậc cha mẹ đã phản đối rằng “con tôi từ sáng đến tối chỉ nghịch ngợm, chẳng có tình huống nào để tôi nói ‘cảm ơn’ hay ‘may mà có con giúp’ cả”. Có lẽ câu chuyện cậu vừa kể cũng giống vậy.

Chàng thanh niên: Đúng vậy. Giờ hãy cho tôi nghe thầy định biện minh như thế nào!

Triết gia: Hiện tại cậu đang đánh giá người khác ở cấp độ “hành vi”, nghĩa là theo chiều hướng “người đó đã làm được gì?” Đúng là nếu suy nghĩ theo quan điểm đó thì có lẽ người già nằm liệt giường, phải nhờ mọi người xung quanh chăm sóc sẽ chẳng có ích gì cả.

Vì vậy, đừng đánh giá người khác ở cấp độ “hành vi” mà ở cấp độ “tồn tại”. Đừng đánh giá người khác “đã làm được gì” mà hãy bày tỏ niềm vui, nói lời cảm ơn đối với chính việc họ tồn tại.

Chàng thanh niên: Cảm ơn việc tồn tại? Thầy đang nói gì vậy?

Triết gia: Nếu suy nghĩ trên cấp độ tồn tại thì chỉ cần chúng ta “có mặt ở đây” đã là có ích cho người khác, đã là có giá trị. Đó là sự thật không có gì phải nghi ngờ.

Chàng thanh niên: Không, không. Thầy đùa thì cũng nên có mức độ thôi! Chỉ “có mặt ở đây” cũng có ích cho ai đó, đó là quan điểm của tôn giáo mới nào vậy?

Triết gia: Giả sử mẹ cậu gặp tai nạn giao thông. Bà ấy ở trong tình trạng hôn mê, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, cậu không hề nghĩ xem mẹ mình “đã làm được gì” nữa, Chỉ cần bà còn sống là hạnh phúc rồi, chỉ cần hôm nay tính mạng của bà vẫn còn là hạnh phúc rồi.

Chàng thanh niên: Tất… tất nhiên là vậy rồi!

Triết gia: Cảm ơn sự tồn tại là như vậy đó. Người mẹ dù đang ở trong tình trạng nguy, kịch, không “làm được gì” nhưng chỉ riêng việc bà còn sống đã an ủi được cậu và gia đình, đã là “có ích”.

Tôi có thể nói về chính cậu điều tương tự như vậy. Nếu tính mạng cậu gặp nguy hiểm, thì khi cậu vừa được cứu sống, những người xung quanh hẳn sẽ cảm thấy rất vui mừng vì “cậu đang tồn tại”. Họ không đòi hỏi hành vi trực tiếp gì từ cậu cả, chỉ riêng việc cậu bình an vô sự, cậu tồn tại ở đây, lúc này đã khiến họ biết ơn lắm rồi. Ít ra thì không có lý do gì để không nghĩ như thế. Đừng nghĩ đến bản thân ở cấp độ “hành vi” mà trước hết hãy chấp nhận ở cấp độ “tồn tại”.

Chàng thanh niên: Tình huống thầy đưa ra là những tình huống rất hiếm hoi. Cuộc sống thường nhật lại khác!

Triết gia: Không. Giống nhau thôi.

Chàng thanh niên: Giống ở chỗ nào cơ chứ? Thầy hãy lấy một ví dụ đời thường hơn xem nào! Nếu không tôi sẽ không bị thuyết phục đâu!

Triết gia: Được rồi. Khi đánh giá người khác chúng ta thường xây dựng “hình tượng lý tưởng đối với mình” rồi đánh giá bằng cách làm phép trừ từ hình tượng đó. Chẳng hạn, cha mẹ luôn hy vọng con cái mình vâng lời, học hành và chơi thể thao đều giỏi, sau đó đậu trường đại học tốt, vào làm ở một công ty lớn. So sánh với hình tượng đứa con lý tưởng – chẳng hề có thật – đó rồi cảm thấy vô số điểm bất bình với con mình. Từ 100 điểm của hình tượng lý tưởng dần dần hạ điểm xuống. Bản chất của “đánh giá” chính là như thế.

Đừng làm thế, đừng so sánh con mình với bất kỳ ai, nhìn nhận con mình như bản thân nó vốn có, và vui mừng, biết ơn vì con đang ở đây. Đừng trừ điểm dần từ hình tượng lý tưởng mà xuất phát từ điểm 0. Làm như vậy chắc chắn sẽ biết ơn chính “sự tồn tại” của con.”

Chàng thanh niên: Hừm, suy nghĩ kiểu lý tưởng nhỉ. Vậy ý thầy bảo hãy nói “cảm ơn” với cả những đứa con không đi học, chẳng chịu đi làm, cứ giam mình trong nhà sao?

Triết gia: Tất nhiên rồi. Giả sử đứa con cứ giam mình trong nhà có ý giúp đỡ rửa chén bát sau khi ăn xong. Lúc này, những người thốt ra câu “không cần làm mấy chuyện này đâu, con hãy đi học đi” là những cha mẹ đang làm phép tính trừ từ hình tượng đứa con lý tưởng. Cứ làm thế sẽ dẫn đến kết quả là lấy mất dần lòng can đảm của con mình. Nhưng, nếu có thể thốt ra lời “cảm ơn” chân thành, có thể đứa trẻ sẽ cảm nhận được giá trị của mình, dám bước thêm một bước nữa.

Chàng thanh niên: Chà, đãi bôi quá! Đó chỉ là những lời lẽ lố bịch của một kẻ đạo đức giả! Chả khác nào điều răn Thiên Chúa giáo “hãy yêu người thân cận” cả. Những lời thầy nói nào là cảm thức cộng đồng, nào là quan hệ hàng ngang, nào là biết ơn sự tồn tại. Ai có thể làm được điều đó cơ chứ?

Triết gia: Đúng là đã có người đặt ra câu hỏi như vậy cho Adler về vấn đề cảm thức cộng đồng. Khi đó, câu trả lời của Adler là thế này. “Phải có ai đó đi bước đầu tiên. Dù những người khác không hợp tác cũng chẳng liên quan đến ngài. Lời khuyên của tôi thế này. Ngài cần phải đi bước trước. Đừng nghĩ đến chuyện người khác có hợp tác hay không ” Tôi cũng có lời khuyên như vậy dành cho cậu. 

 

Chọn tập
Bình luận