Triết gia: Cậu không bằng lòng chỗ nào nào?
Chàng thanh niên: Quan điểm của thầy không chỉ phủ nhận tính kế hoạch trong cuộc đời mà còn phủ nhận luôn cả nỗ lực! Chẳng hạn, từ nhỏ đã mơ trở thành nghệ sĩ violin, chăm chỉ luyện tập để đến một ngày được biểu diễn ở dàn nhạc mình hằng ngưỡng mộ. Hay chăm chỉ học tập để đỗ được kỳ thi tư pháp, trở thành luật sư. Đó đều là những cuộc đời mà nếu không có mục tiêu, không có kế hoạch thì sẽ không thực hiện được!
Triết gia: Nghĩa là họ cứ âm thầm tiến bước hướng tới đỉnh núi?
Chàng thanh niên: Tất nhiên rồi!
Triết gia: Liệu sự thực có đúng vậy không? Biết đâu, những người mà cậu vừa nói, họ chỉ đơn giản là sống “ngay tại đây, vào lúc này” trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời họ thì sao? Nghĩa là họ không sống một cuộc đời “trên đường” mà luôn sống “ngay tại đây, vào lúc này”. Chẳng hạn, người ước mơ trở thành nghệ sĩ violin lúc nào cũng chỉ say sưa với âm nhạc ngay trước mắt mình, chỉ tập trung vào một bản nhạc đó, một ô nhịp đó, một nốt nhạc đó.
Chàng thanh niên: Liệu làm như thế có thể đạt được mục tiêu không?
Triết gia: Hãy nghĩ thế này. Cuộc đời là những sát- na tiếp nối mà ta khiêu vũ không ngừng trong từng phút giây. Và khi vô tình nhìn quanh, ta chợt ngỡ ngàng nhận ra, “Sao? Mình đã tới được đây rồi cơ à?” Trong số những người nhảy điệu violin, có lẽ sẽ có người trở thành nghệ sĩ violin chuyên nghiệp. Trong số những người nhảy điệu kỳ thi tư pháp, có lẽ sẽ có người trở thành luật sư. Trong số những người nhảy điệu viết lách, có lẽ sẽ có người trở thành nhà văn. Tất nhiên, cũng có khả năng có những kết quả khác. Nhưng, không cuộc đời nào kết thúc “trên đưòng”. Chỉ cần ta khiêu vũ hết mình “ngay tại đây, vào lúc này” là được.
Chàng thanh niên: Chỉ cần khiêu vũ ngay lúc này là được ư?
Triết gia: Đúng vậy. Trong khiêu vũ, việc nhảy múa chính là mục đích, bởi không ai chủ định tới được nơi nào đó bằng cách khiêu vũ, mặc dù kết quả của khiêu vũ vẫn là đến một nơi nào đó vì khiêu vũ không ở yên một chỗ. Nhưng mục đích theo nghĩa là đích đến thì không tồn tại.
Chàng thanh niên: Làm sao một cuộc đời lại không tồn tại mục đích chứ! Ai lại thừa nhận một cuộc đời phó mặc cho gió cuốn đi như vậy?!
Triết gia: Cuộc đời nhắm đến mục đích mà cậu nói đến có thể gọi là cuộc đời chuyển động (kinesis). Ngược lại, cuộc đời khiêu vũ mà tôi nói đến có thể gọi là cuộc đời ở trạng thái hoạt động hiện thực (energeia).
Chàng thanh niên: Chuyển động và trạng thái hoạt động hiện thực… ư?
Triết gia: Tôi xin trích dẫn giải thích của Aristoteles. Trong chuyển động nói chung – mà ống gọi là kinesis – có điểm xuất phát và đích đến. Chuyển động từ điểm xuất phát tới đích đến đòi hỏi thực hiện một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất trong khả năng có thể. Nghĩa là nếu có thể đi tàu tốc hành thì đâu cần mất công lên chuyến tàu thường dừng lại ở mọi ga.
Chàng thanh niên: Nghĩa là nếu mục đích là trở thành luật sư thì nên thực hiện mục đích đó nhanh chóng và hiệu quả nhất, đúng không nào?
Triết gia: Đúng vậy. Và theo nghĩa đó, nếu chưa đạt đến mục đích thì quãng đường cho đến khi tới đích vẫn là chưa trọn vẹn. Đó là cuộc đời chuyển động.
Chàng thanh niên: Nghĩa là dang dở đúng không?
Triết gia: Đúng vậy. Trong khi đó, energeia là loại hoạt động mà trong đó việc “lúc này đang thực hiện” đã nguyên như vậy mà trở thành việc “đã làm xong rồi”.
Chàng thanh niên: Việc lúc này đang thực hiện, đã làm xong rồi ư?
Triết gia: Có thể nói một cách khác là hoạt động “coi quá trình chính là mục đích”. Bản chất việc khiêu vũ hay đi du lịch cũng là như vậy.
Chàng thanh niên: Ôi, tôi rối tung hết lên rồi… Sao thầy lại vơ cả đi du lịch vào đây?
Triết gia: Mục đích của hành vi du lịch là gì? Chẳng hạn cậu đi du lịch đến Ai Cập. Khi đó, cậu có muốn nhanh nhanh chóng chóng tới kim tự tháp của Pharaoh Khufu (Cheops) rồi về ngay trong thời gian ngắn nhất không? Cái đó không thể gọi là đi du lịch được.
Ngay từ bước đầu tiên ra khỏi nhà đã là “du lịch”, mọi khoảnh khắc trên quãng đường đến đích đều là “du lịch”. Và dù không tới được kim tự tháp vì một lý do nào đó thì cũng không phải là chưa đi du lịch. Đó là cuộc đời ở trạng thái hoạt động hiện thực hay energeia.
Chàng thanh niên: Ừm, tôi cũng không biết nữa. Lúc nãy thầy phủ định giá trị của việc hướng tới đỉnh núi nhỉ? Thế nếu ví cuộc đời hoạt động hiện thực đó như việc leo núi thì sẽ thế nào?
Triết gia: Nếu mục đích của leo núi chỉ là “lên đến đỉnh núi” thì đó là hành vi có tính chuyển động, kinesis. Thậm chí lên trực thăng bay tới đỉnh núi, ở đó khoảng năm phút rồi lại lên trực thăng bay về cũng chẳng sao. Và đương nhiên, nếu không lên được tới đỉnh núi, hành trình leo núi đó sẽ thất bại.
Tuy nhiên, nếu mục đích không phải là lên tới đỉnh mà là bản thân hành trình leo núi thì đó là hành vi energeia. Khi đó thì, rốt cuộc, có lên được tới đỉnh núi hay không cũng chẳng sao.
Chàng thanh niên: Lập luận đó chẳng thuyết phục gì cả! Thầy đang mâu thuẫn với chính mình đấy. Trước khi thầy bị mất mặt trước mọi người, tôi sẽ gỡ chiếc mặt nạ của thầy xuống!
Triết gia: Chà, rất cảm ơn ý tốt của cậu!