Triết gia: Vừa rồi cậu thừa nhận “không muốn bị ai ghét” và nói rằng “chẳng có người nào lại cố tình muốn bị ghét”.
Chàng thanh niên: Vâng.
Triết gia: Tôi cũng vậy. Tôi không muốn bị người khác ghét. Có thể nói “chẳng có người nào lại cố tình muốn bị ghét” là một nhận xét sắc sảo.
Chàng thanh niên: Đó là nhu cầu phổ quát mà!
Triết gia: Tuy nhiên, bất kể chúng ta nỗ lực đến đâu thì cũng có người ghét tôi và cũng có người ghét cậu. Đó cũng là sự thật. Khi bị ai đó ghét hoặc khi nhận thấy mình bị ghét thì cậu sẽ cảm thấy thế nào?
Chàng thanh niên: Có thể gói gọn trong hai chữ “khổ sở”. Cứ mãi day dứt, dằn vặt tại sao mình lại bị ghét, hành động và lời nói của mình có chỗ nào chưa được, về sau phải thay đổi cách tiếp cận với người khác ra sao.
Triết gia: Không muốn bị người khác ghét. Đây là một nhu cầu rất tự nhiên, một thôi thúc không kiềm chế được. Immanuel Kant, người khổng lồ của triết học cận đại đã gọi những nhu cầu như vậy là “xu hướng (Neigung)”.
Chàng thanh niên: Xu hướng?
Triết gia: Đúng vậy. Đó là nhu cầu mang tính bản năng, nhu cầu không kiềm chế được. Vậy thì việc sống thuận theo xu hướng, thuận theo nhu cầu và thôi thúc không kiềm chế được, sống như hòn đá lăn xuống dốc có phải là tự do hay không, thì tôi xin trả lời là không. Cách sống đó chỉ là làm nô lệ cho nhu cầu và thôi thúc. Tự do thực sự là đẩy bản thân đang lăn như vậy ngược lên dốc.
Chàng thanh niên: Đẩy ngược lên dốc?
Triết gia: “Sỏi đá thì vô lực. Một khi đã bắt đầu lăn xuống dốc sẽ tiếp tục lăn do các định luật tự nhiên như trọng lực và quán tính. Nhưng chúng ta không phải là sỏi đá. Chúng ta là những tồn tại có thể cưỡng lại xu hướng, ngăn đà lăn của bản thân, leo ngược lên dốc.
Có lẽ nhu cầu được thừa nhận đúng là một nhu cầu tự nhiên. Thế thì để được người khác thừa nhận, chúng ta cứ thế lăn xuống dốc sao? Lẽ nào phải tự mài mòn mình giống như hòn đá lăn, cho đến khi đánh mất hình dạng cũ, trở nên tròn trịa? Hình cầu được tạo ra bằng cách đó, có thể nói đó “thực sự là mình” không? Không thể!
Chàng thanh niên: Ý thầy nói rằng việc cưỡng lại bản năng và thôi thúc chính là tự do?
Triết gia: Như tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tâm lý học Adler cho rằng “Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người”. Nghĩa là chúng ta mong muốn tự do là mong muốn được giải thoát khỏi mối quan hệ giữa người với người. Nhưng chắc chắn con người không thể sống một mình trong vũ trụ. Nếu nghĩ đến đây, cũng đồng nghĩa với việc đã tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi “tự do là gì?
Chàng thanh niên: Đó là gì vậy?
Triết gia: “Tự do là bị người khác ghét”.
Chàng thanh niên: Thầy nói sao cơ?
Triết gia: Việc cậu bị ai đó ghét là bằng chứng cho việc cậu đã thực thi tự do của mình, cậu đang sống tự do. Là biểu hiện của việc sống theo phương châm của chính mình.
Chàng thanh niên: Không, nhưng…
Triết gia: Đúng là bị ghét thật là khổ sở. Nếu được, tôi muốn sống mà không bị ai ghét, muốn thỏa mãn nhu cầu được thừa nhận nhiều nhất có thể. Nhưng, xoay xở để không bị ai ghét là một cách sống vô cùng mất tự do, đồng thời cũng bất khả thi.
Nếu muốn thực thi tự do thì phải trả giá. Và cái giá của tự do trong mối quan hệ giữa người với người, chính là bị người khác ghét.
Chàng thanh niên: Không phải! Tuyệt đối không phải! Thứ đó không phải là tự do! Đó là tư tưởng tà ma dụ dỗ con người “hãy trở thành kẻ xấu”!
Triết gia: Chắc chắn cậu vẫn hình dung tự do là “thoát khỏi tổ chức”. Rằng, được rời khỏi gia đình, trường học, xã hội hay quốc gia tức là được tự do. Nhưng cho dù rời khỏi tổ chức, cậu cũng không có được tự do thật sự. Chừng nào còn chưa trả cái giá là không để ý đến nhận xét của người khác, không sợ bị người khác ghét, không tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác, thì cậu còn chưa được theo đuổi trọn vẹn cách sống của mình, tức là không có được tự do.
Chàng thanh niên: … Thầy bảo tôi “hãy để người khác ghét mình” sao?
Triết gia: Tôi chỉ nói cậu đừng sợ bị ghét.
Chàng thanh niên: Nhưng điều đó…
Triết gia: Không phải tôi bảo cậu hãy cố tình chọn cách sống làm người khác ghét hay hãy làm chuyện xấu xa. Đừng hiểu nhầm điều này.
Chàng thanh niên: Không, không, vậy để tôi hỏi cách khác. Liệu con người có chịu được gánh nặng của tự do không? Con người thật sự mạnh mẽ đến mức đó ư? Có thể một mình bất chấp, cho dù bị cha mẹ ghét cũng không sao ư?
Triết gia: Không phải là sẵn sàng ở một mình, cũng không phải là bất chấp. Chỉ là phân chia nhiệm vụ thôi. Dù có người không ưa cậu thì đó cũng không phải là nhiệm vụ của cậu. Và cả ý nghĩ rằng “Họ phải quý mến mình mới đúng” hay “Mình đã cố gắng đến mức này mà vẫn không ưa thì lạ quá” cũng là một dạng tư duy theo lối đền đáp, can thiệp vào nhiệm vụ của đối phương.
Không sợ bị ghét mà cứ tiến lên phía trước. Không sống như hòn đá lăn xuống dốc mà gắng leo lên con dốc trước mặt. Đó chính là tự do đối với con người.
Nếu trước mặt tôi có hai lựa chọn “cuộc đời được tất cả mọi người yêu mến” và “cuộc đời có những người ghét mình”, tôi sẽ không hề băn khoăn mà chọn cuộc đời sau. tôi quan tâm tới việc mình như thế nào hơn là mình được mọi người đánh giá ra sao. Cũng có nghĩa là tôi muốn sống tự do.
Chàng thanh niên: … Hiện giờ thầy có tự do không?
Triết gia: Có chứ. Tôi tự do.
Chàng thanh niên: Tuy thầy không muốn bị ghét nhưng có bị ghét cũng không sao?
Triết gia: Đúng vậy. “Mong muốn không bị ghét” có thể là nhiệm vụ của tôi, nhưng “ghét tôi hay không” lại là nhiệm vụ của người khác. Cho dù có người không ưa tôi thì tôi cũng chẳng can thiệp được. Giống như câu thành ngữ vừa nhắc đến lúc trước thì tôi sẽ chỉ nỗ lực “dẫn con ngựa tới dòng nước”, còn uống hay không lại là nhiệm vụ của con ngựa.
Chàng thanh niên: … Thật là một kết luận khó nghĩ.
Triết gia: Lòng can đảm dám hạnh phúc bao gồm cả “can đảm dám bị ghét” nữa. Khi có được can đảm đó thì mối quan hệ với người khác của cậu sẽ nhẹ nhõm hẳn.+