Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Dám Bị Ghét

Hai con đường mà những người muốn “trở nên đặc biệt” lựa chọn

Tác giả: Koga Fumitake - Kishimi Ichiro
Chọn tập

Chàng thanh niên: Nhưng thầy vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi. Đúng là tôi có thể yêu bản thân thông qua việc cống hiến cho người khác, cảm thấy bản thân mình có giá trị chứ không phải là một tồn tại vô nghĩa. Nhưng chỉ có thế đã đủ để con người hạnh phúc chưa? Đã sinh ra trên cõi đời này, nếu không làm nên nghiệp lớn, lưu danh hậu thế, chứng minh rằng “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” thì liệu có thể có được hạnh phúc thực sự hay không?

Thầy thì cái gì cũng quy về mối quan hệ giữa người với người mà chẳng đề cập chút nào tới niềm hạnh phúc được hiện thực hóa bản thân hết! Tôi xin được gọi thẳng đó là tránh né!

Triết gia: Ra vậy! Tôi cũng không rõ lắm, nhưng xin hỏi, hạnh phúc được hiện thực hóa bản thân mà cậu nói tới, cụ thể là gì vậy?

Chàng thanh niên: Cái đó thì tùy ở mỗi người. Có thể có người mong muốn thành công về mặt xã hội, có người có mục tiêu cá nhân hơn, ví như có nhà nghiên cứu quyết tâm tạo ra loại thuốc đặc trị bệnh nan y, hoặc có nghệ sĩ muốn để lại kiệt tác mà mình ưng ý.

Triết gia: Còn cậu thì sao?

Chàng thanh niên: Tôi vẫn chưa biết mình mong muốn điều gì, muốn làm gì trong tương lai, nhưng tôi biết mình phải làm một điều gì đó. Tôi không thể cứ làm mãi trong thư viện trường đại học được. Khi nào tôi tìm thấy giấc mơ của đời mình, làm được những điều mình muốn, khi nào tôi hiện thực hóa được cái bản thân đang tiềm tàng bên trong, có lẽ khi ấy tôi mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự.

Thực ra, trước đây bố tôi luôn bận rộn làm việc từ sáng sớm đến tối mịt nhưng tôi không biết đối với ông, đó có phải là hạnh phúc hay không. Chỉ biết là trong mắt tôi, hình ảnh người bố lúc nào cũng chịu sức ép công việc không có vẻ gì là hạnh phúc cả. Và tôi không muốn sống một cuộc đời như thế.

Triết gia: Tôi hiểu rồi. Về điểm này, có lẽ xem xét ví dụ một đứa trẻ có hành vi nổi loạn sẽ dễ hiểu hơn.

Chàng thanh niên: Hành vi nổi loạn ư?

Triết gia: Đúng vậy. Trước hết, con người chúng ta ai cũng có một nhu cầu cơ bản là “theo đuổi sự vượt trội”. Chúng ta đã nói về điều này trước đây rồi phải không?

Chàng thanh niên: Vâng. Nói cho dễ hiểu, đó chính là “mong muốn tiến bộ” hay “tìm kiếm trạng thái lý tưởng” phải không?

Triết gia: Ban đầu, hầu hết lũ trẻ đều muốn mình đặc biệt ưu tú. Chẳng hạn như vâng lời cha mẹ, cư xử đúng chuẩn mực xã hội, nỗ lực trong học tập, thể thao… Chúng làm vậy để được cha mẹ thừa nhận. Nhưng, nếu trong trường hợp chúng không thể trở nên đặc biệt ưu tú, ví dụ như kết quả học tập hoặc thi đấu thể thao không tốt, thì thay vào đó, chúng sẽ muốn mình đặc biệt hư hỏng.

Muốn đặc biệt ưu tú hay đặc biệt hư hỏng, mục đích đều giống nhau. Đó là thu hút sự chú ý của người khác, vượt ra khỏi sự “bình thường” và trở nên “đặc biệt”. Mục đích của chúng chỉ có vậy!

Chàng thanh niên: Ừm… Được rồi. Thầy cứ nói tiếp đi.

Triết gia: Thực ra thì học hành hay thể thao luôn cần nỗ lực ở mức độ nào đó mới đạt được thành quả. Tuy nhiên, những đứa trẻ “muốn đặc biệt hư hỏng”, tức là những đứa trẻ có hành vi nổi loạn lại muốn thu hút sự chú ý của người khác trong khi bản thân thì lẩn tránh những nỗ lực lành mạnh. Trong tâm lý học Adler, ông gọi đó là “theo đuổi sự vượt trội dễ dãi”.

Ta có thể gặp những đứa trẻ hư ném tẩy, la hét trong giờ để phá đám tiết học. Tất nhiên, chúng sẽ được bạn bè và thầy cô chú ý, và chí ít là trong thời điểm đó, chúng có thể trở nên đặc biệt. Nhưng đó chỉ là “theo đuổi sự vượt trội dễ dãi” – một thái độ không lành mạnh.

Chàng thanh niên: Vậy là, những đứa trẻ phá làng phá xóm cũng chỉ để “theo đuổi sự vượt trội dễ dãi” thôi sao?

Triết gia: Đúng thế đấy. Mọi hành vi nổi loạn, từ bỏ học, rạch tay, uống rượu hay hút thuốc, tất cả đều để “theo đuổi sự vượt trội dễ dãi”. Ngay cả cậu bạn tự giam mình trong phòng mà cậu nói đến lúc đầu cũng giống như vậy.

Khi một đứa trẻ có hành vi nổi loạn, bố mẹ và mọi người xung quanh sẽ la mắng nó. Đối với đứa trẻ, việc bị la mắng đó quả là một gánh nặng căng thăng tâm lý. Nhưng đứa trẻ vẫn muốn có được sự chú ý từ cha mẹ, dù là dưới hình thức bị la mắng. Nó muốn trở nên “đặc biệt”, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vậy, dù có la mắng bao nhiêu chẳng nữa, đứa trẻ vẫn không thôi nổi loạn, xét theo nghĩa nào đó đây là điều đương nhiên.

Chàng thanh niên: Ý thầy là, chính vì cha mẹ la mắng, nó mới tiếp tục nổi loạn ư? 

Triết gia: Chính vậy! Vì cha mẹ và người lớn thể hiện sự chú ý đến nó thông qua hành động la mắng.

Chàng thanh niên: Ừm… Nhưng, trước đây, thầy đã từng nói đến mục đích của hành vi nổi loạn là “trả đũa cha mẹ” rồi. Hai việc này có liên quan không?

Triết gia: Đúng vậy. “Trả : đũa” và “theo đuổi sự vượt trội dễ dãi” rất dễ liên hệ với nhau. Vừa làm khó cho người khác, đồng thời, vừa muốn trở nên “đặc biệt”. 

 

Chọn tập
Bình luận