Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dám Bị Ghét

Hãy nghe tiếng nói của cộng đồng lớn hơn

Tác giả: Koga Fumitake - Kishimi Ichiro
Chọn tập

Chàng thanh niên: Hừm, tôi lại càng không hiểu. Cho phép tôi sắp xếp lại một chút. Trước hết, thầy nói rằng, lối vào của mối quan hệ giữa người với người là “phân chia nhiệm vụ”, còn mục đích là “cảm thức cộng đồng”. Và cảm thức cộng đồng nghĩa là “coi người khác là bạn, có thể cảm nhận được ở đó có chỗ đứng cho mình”. Những điều này đều dễ hiểu, có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, về chi tiết thì tôi vẫn chưa thấy thuyết phục. Chẳng hạn, “cộng đồng” mở rộng đến toàn bộ vũ trụ, bao gồm cả quá khứ và tương lai, từ sinh vật đến vật vô sinh, nghĩa là sao?

Triết gia: Tiếp nhận khái niệm “cộng đồng” mà Adler đề cập đến theo đúng nghĩa đen của từ đó rồi hình dung ra vũ trụ và vật vô sinh trên thực tế thì sẽ rất khó hiểu. Vậy thì trước mắt cứ coi phạm vi của cộng đồng là vô hạn đi.

Chàng thanh niên: Vô hạn?

Triết gia: Chẳng hạn, có người vừa nghỉ hưu đã mất hết tinh thần. Họ không chấp nhận được việc mình chỉ là một “con người đơn thuần”, bị tách rời khỏi cộng đồng là công ty, bị mất địa vị, không danh thiếp, chẳng tên tuổi, nghĩa là trở thành “bình thường”, nên già sọp đi.

Nhưng đó chẳng qua chỉ là bị tách ra khỏi một cộng đồng nhỏ là công ty. Ai cũng thuộc một cộng đồng khác nữa. Vì nói gì thì nói, chúng ta đều thuộc về cộng đồng Trái đất, thuộc về cộng đồng vũ trụ.

Chàng thanh niên: Điều đó chẳng qua chỉ là ngụy biện!

Đột nhiên bị nói “cậu đang thuộc về vũ trụ” thì cũng làm gì có cảm giác thuộc về nơi đó chứ!

Triết gia: Đúng là sẽ không thể đột nhiên mà hình dung ra vũ trụ ngay được. Nhưng tôi muốn cậu không bị bó buộc trong cộng đồng ngay trước mắt mình mà phải nhận thức được rằng mình thuộc về cộng đồng lớn hơn, chẳng hạn như quốc gia hay địa phương, và đang cống hiến theo một cách nào đó cả ở tầm đó nữa.

Chàng thanh niên: Vậy trường hợp như thế này thì sao?

Giả sử có một người không kết hôn, mất việc, mất bạn, tránh tiếp xúc với người khác, đang sống nhờ vào tiền của cha mẹ. Anh ta trốn tránh “nhiệm vụ công việc”, “nhiệm vụ bạn bè” và “nhiệm vụ tình yêu”. Có thể nói rằng thậm chí cả người đó cũng đang thuộc một cộng đồng nào đó không?

Triết gia: Tất nhiên rồi. Chẳng hạn, anh ta mua một ổ bánh mì. Anh ta trả một đồng tiền. Số tiền anh ta trả không chỉ được hoàn trả lại cho người làm bánh mì mà chắc chắn còn tiếp tục hoàn trả cho rất nhiều người khác, như người sản xuất bột mì và bơ, hay người lái xe đã vận chuyển sản phẩm đó, người bán xăng, rồi cả người ở nước sản xuất dầu, tất cả những người đó đều có liên quan mật thiết với nhau. Con người tuyệt đối không và cũng không thể rời xa cộng đồng để sống “một mình”.

Chàng thanh niên: Thầy bảo tôi đi mua bánh mì mà còn phải tưởng tượng đến mức đó sao?

Triết gia: Không phải là tưởng tượng mà là sự thực. Cộng đồng mà Adler đề cập không phải là những tồn tại trực quan như gia đình, công ty mà còn bao gồm cả những gắn kết không nhìn thấy được.

Chàng thanh niên: Tôi xin phép được nói rằng thầy đang trốn vào lý thuyết trừu tượng. Điều cần bàn đến lúc này là cảm giác thuộc về nơi nào đó, rằng “mình có thể ở đây”. Và các cộng đồng nhìn thấy được sẽ cho cảm giác ấy rõ rệt hơn hẳn. Thầy công nhận điều đó không? 

Chẳng hạn, khi so sánh giữa cộng đồng “công ty” và cộng đồng “Trái đất” thì cảm giác “mình là một thành viên của công ty này” rõ ràng hơn. Nếu dùng đúng từ của thầy thì là, khoảng cách và mức độ thân thiết của mối quan hệ giữa người với người ở hai đằng khác hẳn nhau. Hiển nhiên là chúng ta luôn hướng tới một cộng đồng nhỏ hơn khi tìm kiếm cảm giác thuộc về nơi nào đó.

Triết gia: Rất sâu sắc. Vậy thì chúng ta hãy cùng nghĩ xem tại sao lại cần ý thức đến nhiều cộng đồng và ý thức đến cộng đồng lớn hơn.

Tôi xin nhắc lại là chúng ta đều thuộc về nhiều cộng đồng. Như thuộc về gia đình, thuộc về trường học, thuộc về doanh nghiệp, thuộc về xóm giềng, thuộc về quốc gia. Đến đây thì cậu đồng ý với tôi chứ?

Chàng thanh niên: Tôi đồng ý.

Triết gia: Thế thì giả sử cậu đang là học sinh và coi cộng đồng “trường học” là tuyệt đối. Nghĩa là, cho rằng trường học chính là tất cả, vì có trường học nên mình mới là “mình”, không thể có “mình” khác. Nhưng, đương nhiên cậu có thể gặp một vài rắc rối trong cộng đồng này. 

Bị bắt nạt, không có bạn, không theo kịp bài giảng hoặc là không thích nghi được với hệ thống gọi là trường học. Nghĩa là, có khả năng không có cảm giác thuộc về cộng đồng trường học, không cảm thấy “mình có thể ở đây”.

Chàng thanh niên: Đúng, đúng. Có khả năng như thế lắm.

Triết gia: Lúc này, nếu nghĩ trường học chính là tất cả thì cậu sẽ không có cảm giác thuộc về bất kỳ nơi nào nữa. Và cậu chạy trốn về cộng đồng nhỏ hơn, chẳng hạn như gia đình, rồi giam mình trong đó, có lúc thậm chí sử dụng vũ lực đối với gia đình chẳng hạn, định thông qua đó để tìm kiếm cảm giác thuộc về. Nhưng, ở đây tôi muốn cậu lưu ý là còn có cộng đồng khác, đặc biệt là còn có cộng đồng lớn hơn.

Chàng thanh niên: Ý thầy là sao?

Triết gia: Ngoài trường học, có một thế giới lớn hơn đang rộng mở. Và chúng ta ai cũng là một thành viên của thế giới đó. Nếu không có chỗ đứng trong trường học thì chỉ cần tìm một chỗ đứng ngoài trường học là xong. Chuyển trường cũng được, nghỉ học cũng chẳng sao. Một cộng đồng có thể cắt đứt quan hệ chỉ bằng tờ đơn xin nghỉ học thì cũng chỉ có sự gắn bó ở mức đó thôi.

Một khi đã cảm nhận được sự rộng lớn của thế giới thì có lẽ sẽ hiểu rằng, những khổ sở mình cảm thấy ờ trường học chỉ là “cơn bão trong cốc”, là chuyện bé xé ra to. Nếu ra khỏi cốc, cơn bão sẽ trở thành cơn gió bình thường.

Chàng thanh niên: Ý thầy là nếu cứ giam mình trong phòng, sẽ không ra khỏi cốc được sao?

Triết gia: Việc giam mình trong phòng giống như ở nguyên trong cốc, trốn trong hầm trú ẩn chật chội. Dù có thể tránh mưa trong chốc lát thì bão cũng chẳng ngừng.

Chàng thanh niên: Về lý thuyết thì có lẽ là vậy. Nhưng lao ra ngoài khó lắm. Ngay cả quyết tâm nghỉ học cũng không dễ dàng gì.

Triết gia: Đúng là không đơn giản. Vì vậy có một nguyên tắc hành động mà tôi muốn cậu ghi nhớ. Khi chúng ta gặp khó khăn trong mối quan hệ giữa người với người, khi không nhìn thấy lối thoát, điều cần nghĩ đến đầu tiên là “hãy lắng nghe tiếng nói của cộng đồng lớn hơn”.

Chàng thanh niên: Tiếng nói của cộng đồng lớn hơn?

Triết gia: Trong ví dụ trường học, thì không đánh giá sự việc theo nhận thức chung của cộng đồng trường học mà tuân theo nhận thức chung của cộng đồng lớn hơn.

Giả sử ở trường cậu, giáo viên có quyền lực tuyệt đối. Nhưng quyền lực và quyền uy đó chỉ là nhận thức chung, được công nhận trong cộng đồng nhỏ là trường học chứ không có gì hơn cả. Nếu suy nghĩ từ góc độ cộng đồng “xã hội con người” thì cả cậu và giáo viên đều là “con người” bình đẳng với nhau. Nếu bị đưa ra những yêu cầu vô lý thì có thể thẳng thắn phản đối.

Chàng thanh niên: Nhưng phản đối trực diện với giáo viên khá là khó đấy.

Triết gia: Không, cũng giống như mối quan hệ “tôi và anh”, nếu là thứ quan hệ chỉ cần cậu phản đối là đổ vỡ thì ngay từ đầu đã không cần quan hệ đó. Vứt quách đi cũng chẳng sao. Sống mà chỉ sợ các mối quan hệ bị đổ vỡ là cách sống mất tự do, sống vì người khác.

Chàng thanh niên: Thầy bảo tôi vừa có cảm thức cộng đồng vừa chọn tự do ư?

Triết gia: Tất nhiên rồi. Không việc gì phải bám vào cộng đồng nhỏ trước mắt. Chắc chắn tồn tại nhiều cộng đồng “tôi và anh” khác, nhiều cộng đồng “mọi người” khác, nhiều cộng đồng lớn hơn. 

 

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky