Chàng thanh niên: Tôi thừa nhận trong công việc có một phần cống hiến cho người khác. Nhưng cái logic mà bề ngoài thì nói là cống hiến cho người khác song rốt cuộc lại là vì chính mình, nghĩ thế nào cũng thấy đạo đức giả. Thầy sẽ giải thích điều này ra sao!?
Triết gia: Cậu hãy tưởng tượng một tình huống thế này. Ở một gia đình, sau bữa tối, bát đĩa vẫn còn ngổn ngang trên bàn ăn. Bọn trẻ đã về phòng mình, còn ông chồng đang ngồi xô pha xem tivi. Chỉ có mình bà vợ dọn dẹp. Không những thế, mọi người trong gia đình đều coi đó là chuyện đương nhiên và không ai định giúp đỡ cả. Theo suy nghĩ thông thường, ai cũng cảm thấy ấm ức “Tại sao không ai giúp đỡ tôi ?”, “Tại sao mỗi mình tôi phải làm việc thế này?”. Tuy nhiên, trong tình huống tôi muốn đưa ra, dù mọi người trong gia đình không nói lời “cảm ơn” đi chẳng nữa, bà vợ cũng vẫn vừa dọn dẹp vừa nghĩ rằng “Tôi có ích cho gia đình”. Không nghĩ rằng người khác có thể làm gì cho mình, mà nghĩ xem có thể làm gì cho người khác và tích cực thực hiện. Khi có tinh thần cống hiến như thế, sẽ thấy mọi thứ xung quanh mang một màu sắc khác. Thực tế thì nếu rửa bát đĩa trong ấm ức, không chỉ bản thân khó chịu mà người nhà cũng không muốn lại gần. Ngược lại, nếu vừa làm vừa vui vẻ ngâm nga một bài hát thì có thể lũ trẻ cũng muốn giúp một tay. ít nhất thì cũng tạo ra được bầu không khí dễ nhận được sự giúp đỡ.
Chàng thanh niên: Ờ… Trong tình huống này thì có lẽ đúng là như vậy.
Triết gia: Vậy thì, tại sao trong tình huống này bà vợ lại có được tinh thần cống hiến? Đó là bởi, bà coi những thành viên trong gia đình là “bạn”. Nếu không nhất định bà sẽ nghĩ, “Tại sao lại chỉ có mình tôi?”, “Tại sao mọi người không giúp tôi?” Cống hiến trong khi vẫn coi mọi người là “kẻ thù” thì có thể coi là đạo đức giả. Nhưng nếu người khác là “bạn” thì mọi sự cống hiến nhiều đến mấy cũng không phải là đạo đức giả. Cậu cứ nói mãi từ “đạo đức giả” là vì cậu chưa thực sự hiểu về cảm thức cộng đồng.
Chàng thanh niên: Ừm…
Triết gia: Để cho tiện, tôi đã đề cập tới chấp nhận bản thân, tin tưởng người khác và cống hiến cho người khác theo thứ tự ấy. Nhưng, ba khái niệm này thực chất là các phần không thể thiếu của một cấu trúc vòng tròn, liên kết mật thiết với nhau.
Vì có thể đón nhận bản thân như vốn có – tức là “chấp nhận bản thân” – ta mới có thể “tin tưởng người khác” mà không sợ bị lợi dụng. Và rồi, vì có thể đặt niềm tin vô điều kiện vào người khác, coi người khác là bạn, ta mới có thể “cống hiến cho người khác”. Tiếp đó, nhờ cống hiến cho người khác nên ta mới cảm thấy “mình có ích đối với ai đó” để từ đó đón nhận được bản thân như vốn có, nghĩa là “chấp nhận bản thân”… Cậu có mang theo bản ghi nhớ hôm trước không?
Chàng thanh niên: À, bản ghi nhớ về các mục tiêu mà tâm lý học Adler nêu ra phải không? Từ hôm đó, tôi luôn mang theo bên mình như vật bất ly thân. Nó đây.
Mục tiêu hành động của con người gồm có hai điểm như sau:
Tự lập.
Sống hài hòa với xã hội.
Và mục tiêu tâm lý chi phối hành động gồm hai điểm sau:
Ý thức rằng mình có năng lực.
Ý thức rằng mọi người đều là bạn mình.
Triết gia: Kết hợp nội dung ghi nhớ này với câu chuyện khi nãy, chắc chắn cậu sẽ hiểu rõ hơn.
Nghĩa là “Tự lập” và “Ý thức rằng mình có năng lực” ứng với “Chấp nhận bản thân”. Còn “Sống hài hòa với xã hội” và “Ý thức rằng mọi người đều là bạn mình” ứng với “Tin tưởng người khác” và “Cống hiến cho người khác”.
Chàng thanh niên: … Quả đúng thế thật. Vậy mục tiêu của cuộc đời là cảm thức cộng đồng, nhưng có vẻ phải tốn khá nhiều thời gian thì mới hiểu cho ra nhẽ được.
Triết gia: Có lẽ đúng vậy. Đến chính Adler còn phải nói rằng “Thật không dễ hiểu con người. Trong tất cả các bộ môn tâm lý học, có lẽ tâm lý học cá nhân là khó học và khó thực hành nhất”.
Chàng thanh niên: Đúng thế đấy! Có hiểu lý thuyết thì vẫn khó thực hành!
Triết gia: Thậm chí, người ta còn nói rằng, để thực sự hiểu tâm lý học Adler đến mức thay đổi được cách sống thì phải mất một thời gian tương đương với “nửa quãng đời đã sống”. Nghĩa là, nếu 40 tuổi mới bắt đầu học thì phải mất 20 năm, tức là phải đến 60 tuổi. Còn nếu bắt đầu học từ 20 tuổi thì phải mất 10 năm, tức là phải đến 30 tuổi.
Cậu vẫn còn trẻ. Học sớm như vậy, cậu có cơ hội để sớm thay đổi. Sớm thay đổi có nghĩa là cậu đang đi trước so với những người lớn tuổi. Thay đổi bản thân, tự mình tạo ra một thế giới mới tức là theo một nghĩa nào đó, cậu đang đi trước cả tôi. Dù có lúc lầm đường hay lạc lối cũng không sao. Không câu nệ quan hệ trên dưới, đừng sợ bị ghét bỏ, cứ tự do mà tiến lên phía trước. Giá mà mọi người lớn tuổi đều nghĩ được rằng “Lớp trẻ đang đi trước mình” thì có lẽ thế giới sẽ thay đổi rất nhiều.
Chàng thanh niên: Tôi đang đi trước thầy ư?
Triết gia: Chắc chắn rồi! Trên cùng một con đường, cậu đang đi trước tôi.
Chàng thanh niên: Ố… Trước nay, tôi chưa từng gặp ai lại đi nói với người chỉ đáng tuổi con mình một điều như thế đấy!
Triết gia: Tôi chỉ : mong có thêm nhiều người trẻ tuổi hiểu về tư tưởng của Adler, nhưng đồng thời, cũng mong có thêm nhiều người lớn tuổi biết về nó. Bởi vì, con người ta có thể thay đổi, bất kể ở độ tuổi nào.