Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dám Bị Ghét

Lá bài “mối quan hệ với người khác” luôn do bản thân mình nắm giữ

Tác giả: Koga Fumitake - Kishimi Ichiro
Chọn tập

Chàng thanh niên: Tôi không thể ngờ rằng tới thư phòng của thầy lại được thuyết giáo về việc “bị ghét” đấy.0

Triết gia: Tôi cũng biết đó không phải là điều dễ tiếp nhận. Chắc chắn cũng cần có thời gian để nghiền ngẫm và thẩm thấu. Có lẽ hôm nay có nói thêm nữa cậu cũng sẽ không vào đầu. Vì vậy, trước khi kết thúc buổi trò chuyện lần này, tôi sẽ kể một câu chuyện liên quan đến việc phân chia nhiệm vụ của chính tôi.

Chàng thanh niên: Vâng.

Triết gia: Đây cũng lại là mối quan hệ với cha mẹ.

Từ nhỏ, quan hệ giữa hai cha con tôi đã không được tốt lắm. Chúng tôi chẳng lần nào nói chuyện với nhau cho ra hồn mãi cho đến khi mẹ mất lúc tôi ở độ tuổi hai mươi, sau đó quan hệ giữa cha con tôi chỉ ngày càng tệ hơn. Đúng vậy, cho tới khi tôi tình cờ gặp được tâm lý học Adler và hiểu được tư tưởng của Adler.

Chàng thanh niên: Tại sao quan hệ của hai cha con thầy lại không tốt vậy?

Triết gia: Trong ký ức tôi có lưu lại hình ảnh từng bị cha đánh. Tôi không nhớ cụ thể mình đã làm gì mà bị như thế, chỉ nhớ tôi nấp dưới gầm bàn để trốn cha, song vẫn bị ông lôi ra đánh rất đau, không chỉ một lần.

Chàng thanh niên: Nỗi sợ hãi đó trở thành sang chấn…

Triết gia: Tôi cũng nghĩ như thế cho đến khi gặp được tâm lý học Adler. Vì cha tôi là người ít nói, tính tình thất thường. Nhưng cho rằng “Vì từng bị đánh nên quan hệ trở nên xấu đi” là cách nghĩ theo thuyết nguyên nhân của Freud. Nếu đứng trên quan điểm thuyết mục đích của Adler thì cách lý giải quy luật nhân quả lại đảo ngược hoàn toàn. Nghĩa là, “tôi không muốn gây dựng quan hệ tốt với cha nên đã gọi ra ký ức bị đánh”.

Chàng thanh niên: Thầy nói rằng thầy có “mục đích” không muốn quan hệ tốt với cha trước ư?

Triết gia: Đúng là như thế. Đối với tôi, không cải thiện mối quan hệ với cha thì sẽ thuận tiện hơn. Tôi có thể bao biện rằng cuộc đời mình không suôn sẻ là tại người cha đó. Cách nghĩ đó là điều “thiện” đối với tôi, có lẽ cũng có phần “trả đũa” người cha phong kiến.

Chàng thanh niên: Đó chính là điều tôi muốn hỏi! Kể cả quy luật nhân quả đảo ngược, ví như trường hợp của thầy, có thể tự phân tích ra được ý nghĩ của mình “Không phải vì bị đánh nên quan hệ với cha không tốt, mà là vì không muốn quan hệ tốt với cha nên gọi ra ký ức bị đánh”, thì trên thực tế có gì khác chứ? Sự thật là hồi nhỏ thầy bị đánh, điều đó đâu có thay đổi?

Triết gia: Điều này có lẽ nên suy nghĩ từ góc độ lá bài của mối quan hệ giữa người với người. Một khi còn nghĩ theo thuyết nguyên nhân là “vì bị đánh nên quan hệ với cha mới tệ”, thì tôi bây giờ chẳng làm gì được nữa. Nhưng, nếu nghĩ “vì không muốn quan hệ tốt với cha nên mới gợi ra ký ức bị đánh”, thì sẽ thành ra tôi là người nắm lá bài “cải thiện mối quan hệ”. Vì chỉ cần tôi thay đổi “mục đích”, sẽ giải quyết được vấn đề.

Chàng thanh niên: Có thật là sẽ giải quyết được không?

Triết gia: Tất nhiên.

Chàng thanh niên: Liệu có thể nghĩ vậy từ tận đáy lòng không? Về lý trí thì tôi hiểu, nhưng về cảm xúc thì không chấp nhận được. 

Triết gia: Vì thế mới phải phân chia nhiệm vụ. Đúng là quan hệ giữa hai cha con tôi từng rất phức tạp. Trên thực tế, cha tôi là người ngoan cố, tôi không hề nghĩ có thể dễ dàng thay đổi được suy nghĩ của ông ấy. Không chỉ có thế, nhiều khả năng ông ấy đã quên cả việc từng đánh tôi.

Nhưng, khi tôi đã quyết tâm cải thiện mối quan hệ, thì những điều như lối sống của cha tôi như thế nào, ông nghĩ gì về tôi, ông sẽ tỏ thái độ như thế nào khi tôi tiếp cận, đều không liên quan đến tôi. Cho dù ông không có ý định cải thiện mối quan hệ cũng chẳng sao cả. Vấn đề là mình có quyết tâm hay không, và lá bài của mối quan hệ luôn do bản thân mình nắm giữ.

Chàng thanh niên: Lá bài của mối quan hệ luôn do bản thân mình nắm giữ…?

Triết gia: Đúng vậy. Nhiều người cho rằng lá bài của mối quan hệ với người khác là do người khác đó nắm giữ. Chính vì thế mới băn khoăn “người đó nghĩ thế nào về mình nhỉ?” rồi chọn cách sống đáp ứng mong đợi của người khác. Nhưng nếu biết phân chia rạch ròi các nhiệm vụ thì sẽ nhận ra mình đang nắm giữ tất cả các lá bài. Đây là một phát hiện mới.

Chàng thanh niên: Vậy thì trên thực tế, cha thầy đã thay đổi do thầy thay đổi?

Triết gia: Tôi không thay đổi để thay đổi cha mình. Đó là suy nghĩ sai lệch nhằm thao túng người khác.

Khi tôi thay đổi, người thay đổi chỉ là “tôi”. 

Tôi không biết kết quả đối phương sẽ trở nên như thế nào, và đó không phải là điều tôi can thiệp được. Đây cũng là phân chia nhiệm vụ. Tất nhiên, cùng với sự thay đổi của tôi – chứ không phải do sự thay đổi của tôi – cũng có khi đối phương sẽ thay đổi. Nhiều trường hợp đối phương buộc phải thay đổi, nhưng đó không phải mục đích của tôi và cũng không phải là kết quả chắc chắn sẽ đến. Dù sao thì, thay đổi bản thân nhằm làm phương tiện thao túng người khác rõ ràng là một quan điểm sai lệch.

Chàng thanh niên: Không được thao túng người khác, cũng không thể thao túng người khác?

Triết gia: Mọi người luôn hình dung mối quan hệ giữa người với người là “mối quan hệ giữa hai người” hoặc “mối quan hệ với nhiều người”, nhưng thật ra trước hết là bản thân mình. Bị bó buộc bởi nhu cầu được thừa nhận thì suốt đời sẽ bị người khác nắm giữ “lá bài của mối quan hệ giữa người với người”. Phó mặc lá bài của cuộc đời cho người khác, hay chủ động nắm lấy? Về nhà, cậu hãy thử suy nghĩ lại về phân chia nhiệm vụ và về tự do. Tôi sẽ đợi cậu đến lần sau.

Chàng thanh niên: Vâng. Tôi sẽ thử nghĩ một mình.

Triết gia: Vậy thì…

Chàng thanh niên: Thầy, cho phép tôi được hỏi một câu cuối cùng.

Triết gia: Cậu muốn hỏi gì?

Chàng thanh niên: … Rốt cuộc, mối quan hệ giữa hai cha con thầy có cải thiện được không?

Triết gia: Tất nhiên là có. : Tôi nghĩ thế. Lúc về già, cha tôi bị bệnh, mấy năm cuối đời ông cần tôi và gia đình chăm sóc.

Một hôm, khi tôi đang chăm sóc ông như mọi khi, ông liền nói với tôi “cảm ơn”. Vốn không hề biết trong vốn từ vựng của cha mình cũng có từ đó nên tôi vô cùng ngạc nhiên và biết ơn những ngày tháng đã qua. Chăm sóc ông một thời gian dài, tôi cho rằng mình đã làm điều mình có thể làm được, nghĩa là đưa cha tới bên dòng nước. Và cuối cùng ông đã uống nước. Tôi nghĩ vậy.

Chàng thanh niên: … Cảm ơn thầy. Vậy lần tới, tôi sẽ đến vào giờ này.

Triết gia: Hôm nay tôi đã có một quãng thời gian vui vẻ. Cảm ơn cậu.

 

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky