Chàng thanh niên: “Hừm, nhưng vấn đề chúng ta bàn luận vẫn còn đó. Là câu “Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người”. Tôi đã hiểu được rằng tự ti là nỗi phiền muộn từ mối quan hệ giữa người với người, cũng như hiểu những tác động của cảm giác tự ti với chúng ta. Tôi cũng công nhận cuộc đời không phải là cuộc chiến. Và đúng là tôi chưa thể coi những người khác là “bạn” được, sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn coi họ là “kẻ thù”. Những điều đó đều đúng cả.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, tại sao Adler lại coi trọng mối quan hệ giữa người với người đến vậy, thậm chí khẳng định rằng mọi phiền muộn đều là vì vậy?”
Triết gia: Mối quan hệ giữa người với người là vấn đề quan trọng đến mức có nghĩ rộng thế nào cũng không đủ. Lần trước, tôi đã nói, “Cậu không đủ can đảm dám được hạnh phúc”. Cậu còn nhớ không?
Chàng thanh niên: Có muốn quên tôi cũng không quên được ấy chứ.
Triết gia: Vậy, tại sao cậu lại coi người khác là “kẻ thù” mà không thể coi họ là “bạn”? Đó là vì một kẻ thiếu can đảm như cậu đang trốn tránh khỏi các “nhiệm vụ cuộc đời”.
Chàng thanh niên: Các nhiệm vụ cuộc đời?
Triết gia: Đúng vậy. Điểm này rất quan trọng đấy. Tâm lý học Adler xác lập khá rõ ràng các mục tiêu về hành động và tâm lý của con người
Chàng thanh niên: Ồ, đó là những mục tiêu gì vậy?
Triết gia: Trước hết, hành động của con người có hai mục tiêu là “tự lập” và “sống hài hòa với xã hội”. Và mục tiêu tâm lý chi phối hành động này là ý thức “mình có năng lực” và “mọi người là bạn mình”.
Chàng thanh niên: “Xin đợi cho một chút. Để tôi ghi lại.
Mục tiêu hành động của con người gồm có hai điểm như sau:
Tự lập.
Sống hài hòa với xã hội.
Và mục tiêu tâm lý chi phối hành động gồm hai điểm sau:
Ý thức rằng mình có năng lực.
Ý thức rằng mọi người đều là bạn mình.
Tôi hiểu được những điều này quan trọng đến mức nào. Sống độc lập nhưng vẫn hài hòa với người khác và xã hội, điều này có vẻ liên quan tới những tranh luận từ đầu đến giờ nhỉ.”
Triết gia: Và những mục tiêu này có thể đạt được bằng việc đối diện với các “nhiệm vụ cuộc đời” như Adler nói.
Chàng thanh niên: Vậy, các “nhiệm vụ cuộc đời” đó là gì?
Triết gia: Cậu hãy nghĩ về “cuộc đời” bắt nguồn từ thời thơ ấu. Lúc còn nhỏ, chúng ta được cha mẹ che chở, chẳng cần làm việc cũng sống được. Nhưng rồi thời điểm phải “tự lập” sẽ tới, chúng ta không thể tiếp tục dựa dẫm vào cha mẹ nữa, phải tự lập về mặt tinh thần và cả mặt xã hội, cần phải làm một công việc gì đó, điều này không chỉ mang nghĩa hẹp là đi làm kiếm tiền đâu.
Ngoài ra, trong quá trình trưởng thành chúng ta sẽ có các mối quan hệ bạn bè. Tất nhiên cũng có khả năng sẽ có quan hệ yêu đương với ai đó, thậm chí có thể đi đến hôn nhân. Trong trường hợp đó sẽ bắt đầu quan hệ vợ chồng, một khi có con sẽ bắt đầu quan hệ cha mẹ và con.
Adler chia những mối quan hệ giữa người với người nảy sinh trong các quá trình này làm ba loại: “nhiệm vụ công việc”, “nhiệm vụ bạn bè”, “nhiệm vụ tình yêu” và gọi chung là “các nhiệm vụ cuộc đời”.
Chàng thanh niên: Như vậy nhiệm vụ có nghĩa là nghĩa vụ của người trưởng thành trong xã hội phải không? Ví như làm việc và nộp thuế ấy.
Triết gia: Không, hãy nhìn nhận lời giải thích của Adler chỉ đơn thuần là về mối quan hệ giữa người với người thôi. Đấy là khoảng cách và mức độ thân thiết trong mối quan hệ ấy. Để nhấn mạnh điều đó, Adler cũng đã sử dụng cách nói “ba mối ràng buộc”.
Chàng thanh niên: Khoảng cách và mức độ thân thiết trong mối quan hệ giữa người với người?
Triết gia: Mối quan hệ với người khác mà một người buộc phải đối diện khi sống với tư cách một tồn tại mang tính xã hội, đấy là nhiệm vụ cuộc đời. Xét trên ý nghĩa “buộc phải đối diện” này thì nó đúng là “nhiệm vụ”.
Chàng thanh niên: Hừm, cụ thể là thế nào vậy?
Triết gia: Trước hết ta hãy suy nghĩ về “nhiệm vụ công việc”. Bất luận là công việc gì ta cũng không thể hoàn thành một mình. Chẳng hạn, ngày thường tôi ngồi viết bản thảo để xuất bản trong thư phòng này. Viết lách là một công việc không nhờ ai làm thay được.Tuy nhiên công việc xuất bản sách phải có người biên tập, có người minh họa, in ấn rồi những người vận chuyển, bán hàng thì mới hoàn thành được. Về nguyên tắc, không có công việc nào có thể hoàn thành nếu không có sự hợp tác của những người khác.
Chàng thanh niên: Xét theo nghĩa rộng thì là như thế.
Triết gia: Tuy nhiên, nếu suy nghĩ từ khía cạnh khoảng cách và mức độ thân thiết thì có thể nói mối quan hệ công việc có yêu cầu thấp hơn cả. Những quan hệ công việc có chung mục tiêu hiển nhiên là thành phẩm, nên dù không hợp nhau một chút vẫn có thể hợp tác, mặt khác lại buộc phải hợp tác. Và nếu đã là mối quan hệ được ràng buộc với nhau bởi “công việc”, thì khi hết giờ làm hoặc chuyển sang công việc khác, nó sẽ có thể trở lại thành mối quan hệ với người ngoài.
Chàng thanh niên: Đúng là thế thật.
Triết gia: Và những người gặp vấn đề trong quan hệ giữa người với người ở giai đoạn này là những người mà chúng ta gọi là NEET hay “hikikomori”.
Chàng thanh niên: Ơ, khoan đã! Thầy nói rằng không phải họ không muốn làm việc, không phải họ từ chối làm việc, mà chỉ không làm việc vì muốn tránh “mối quan hệ trong công việc”?
Triết gia: Bản thân người đó có thể tự ý thức được điều ấy hoặc không, nhưng cốt lõi vẫn là mối quan hệ giữa người với người. Chẳng hạn, gửi lý lịch, đi phỏng vấn xin việc nhưng không được công ty nào tuyển dụng, lòng tự tôn sẽ bị tổn thương, nghĩ đi nghĩ lại, không còn hiểu nổi làm việc rốt cuộc có ý nghĩa gì. Hoặc gặp thất bại lớn trong công việc, tại mình mà công ty tổn thất một số tiền lớn, trước mắt tối sầm lại, không muốn tiếp tục đi làm nữa. Những tình huống này không phải là họ ghét bản thân công việc, mà chỉ không muốn bị người khác phê bình, trách móc vì công việc bị đóng dấu bất tài, “cậu không có năng lực , cậu không phù hợp với công việc này”, bị tổn thương lòng tự trọng của “cái tôi” độc nhất không thể thay thế. Nghĩa là, tất cả đều là vấn đề bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người.