Chàng thanh niên: Vậy, cụ thể phải tiếp cận như thế nào? Không khen ngợi cũng không mắng mỏ thì còn lựa chọn nào khác nữa?
Triết gia: Cứ hình dung một đối tác ngang hàng giúp đỡ cậu làm việc, cậu sẽ có câu trả lời ngay. Chẳng hạn, khi một người bạn giúp cậu dọn dẹp phòng, cậu sẽ nói gì?
Chàng thanh niên: Thì, tôi nói “cảm ơn”.
Triết gia: Đúng vậy, chúng ta nói lời “cảm ơn” với người đã giúp đỡ mình. Hoặc bày tỏ niềm vui chân thành “tôi vui lắm”. Nói những lời lẽ thể hiện lòng biết ơn như “may là có cậu giúp”. Đây là phương pháp khích lệ lòng can đảm dựa trên mối quan hệ hàng ngang.
Chàng thanh niên: Chỉ như vậy thôi sao?
Triết gia: Đúng. Quan trọng nhất : là không “đánh giá” người khác. Những lời lẽ đánh giá đều xuất phát từ mối quan hệ hàng dọc. Nếu có thể xây dựng mối quan hệ hàng ngang thì sẽ nói ra nhiều câu thể hiện sự biết ơn, sự tôn trọng, niềm vui chân thành hơn.
Chàng thanh niên: Hừm. Có thể quả thực đánh giá là những lời lẽ xuất phát từ mối quan hệ hàng dọc. Nhưng liệu từ “cảm ơn” có sức mạnh lớn đến mức giúp người khác lấy lại được lòng can đảm không? Cho dù là lời lẽ xuất phát từ mối quan hệ hàng dọc thì tôi vẫn cho rằng được khen sẽ vui hơn.
Triết gia: Được khen nghĩa là nhận đánh giá “tốt” của người khác. Và đánh giá hành vi đó là “tốt” hay “xấu” lại dựa trên tiêu chí của người khác. Nếu mong muốn được khen, chỉ còn cách làm theo tiêu chí đánh giá của người khác, kìm hãm tự do của chính mình. Trong khi đó, “cảm ơn” không phải đánh giá mà là lòng biết ơn thuần túy. Khi nghe lời cảm ơn, con người biết được rằng mình đã cống hiến cho người khác.
Chàng thanh niên: Dù được người khác khen là “tốt” cũng không cảm thấy đã cống hiến được sao?
Triết gia: Đúng vậy. Tâm lý học Adler rất coi trọng từ “cống hiến” này, điều này cũng liên quan tới những vấn đề ta sẽ bàn sau đây.
Chàng thanh niên: Thầy nói vậy nghĩa là sao?
Triết gia: Chẳng hạn, làm thế nào để con người có được lòng can đảm. Adler cho rằng “Chỉ khi có thể nghĩ rằng mình có giá trị thì con người mới có được lòng can đảm”.
Chàng thanh niên: Khi có thể nghĩ rằng mình có giá trị?
Triết gia: Khi bàn về tự ti, chúng ta đã nói đây là vấn đề giá trị mang tính chủ quan nhỉ? Có thể nghĩ rằng “mình có giá trị” hay cho rằng “mình là một tồn tại vô giá trị”? Nếu nghĩ được “mình có giá trị”, người đó có thể chấp nhận bản thân như vốn có, đồng thời xây dựng được lòng can đảm đối diện với các nhiệm vụ cuộc đời. Vấn đề ở đây là “làm thế nào để có thể thấy mình có giá trị”?
Chàng thanh niên: Đúng đấy! Thầy phải làm rõ điều đó!
Triết gia: Đơn giản lắm. Khi có thể nghĩ rằng “mình có ích cho cộng đồng” thì con người sẽ cảm nhận được giá trị của mình. Đây là câu trả lời của tâm lý học Adler.
Chàng thanh niên: Mình có ích cho cộng đồng?
Triết gia: Có thể nghĩ rằng mình có tác động đến cộng đồng, nghĩa là tác động đến người khác, nghĩ rằng “mình có ích cho ai đó”. Có thể nghĩ rằng “mình đang cống hiến cho người khác” bằng chính cảm nhận chủ quan của mình chứ không phải vì được người khác đánh giá là “tốt”. Nghĩ được như thế, chúng ta mới có thể cảm nhận được giá trị của mình. Cả “cảm thức cộng đồng” và “khích lệ lòng can đảm” mà chúng ta đã bàn luận từ đầu đến giờ đều liên quan mật thiết đến điều này.
Chàng thanh niên: Hừm. Đầu tôi lại rối tung cả lên rồi.
Triết gia: Bây giờ chúng ta đang đi vào trọng tâm của vấn đề đang bàn luận. Cậu hãy cố gắng theo kịp. Quan tâm đến người khác, xây dựng mối quan hệ hàng ngang, khích lệ lòng can đảm – tất cả đều gắn kết với cảm giác thấm thía về cuộc đời “mình đang có ích cho ai đó”, từ đó có thể gia tăng lòng can đảm để sống.
Chàng thanh niên: Có ích cho ai đó. Chính vì thế mà mình có giá trị để sống… à…
Triết gia: … Chúng ta nghỉ một chút nhé. Cậu uống cà phê không?
Chàng thanh niên: Vâng, cho tôi xin một tách.
❄❄❄❄❄❄❄❄❄
Những bàn luận về cảm thức cộng đồng lại càng khiến chàn thanh niên thêm hoang mang. Không được khen ngợi, cũng không được mắng mỏ. Những lời lẽ đánh giá người khác đều xuất phát từ “mối quan hệ hàng dọc”, chúng ta phải xây dựng mối quan hệ hàng ngay. Và chỉ khi có thể nghĩ rằng mình có ích cho người khác, chúng ta mới cảm nhận được giá trị của mình… Lập luận này có một lỗ hổng lớn ở đâu đó. Chàng thanh niên cảm thấy như vậy. Vừa uống cà phê, anh vừa nhớ đến ông mình.