Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dám Bị Ghét

Bản chất của công việc là cống hiến cho người khác

Tác giả: Koga Fumitake - Kishimi Ichiro
Chọn tập

Chàng thanh niên: Được rồi. Cứ coi như tôi đã có thể “chấp nhận bản thân”, và cả “tin tưởng người khác” nữa. Vậy thì với tôi có gì khác nào?

Triết gia: Trước hết, ta chấp nhận một thứ ta không thể thay đổi là “cái tôi” như nó vốn có. Đó là chấp nhận bản thân. Tiếp đó, đặt niềm tin vô điều kiện vào người khác. Đó là tin tưởng người khác. 

Khi vừa có thể chấp nhận bản thân, vừa tin tưởng vào người khác thì đối với cậu, người khác đó sẽ là gì?

Chàng thanh niên: … Là bạn, phải không?

Triết gia: Đúng vậy. Đặt niềm tin vào người khác sẽ dẫn tới việc coi người đó là bạn. Vì là bạn nên ta mới tin. Nếu không phải là bạn thì khó mà tiến tới tin tưởng được. Và rồi, có người đó là bạn sẽ giúp ta tìm thấy chỗ đứng của chính mình trong cộng đồng. Nghĩa là ta có được cảm giác thuộc về một nơi nào đó, rằng “mình có thể ở đây”.

Chàng thanh niên: Vậy là, để được cảm thấy “mình có thể ở đây” thì cần phải coi người khác là bạn. Mà để coi người khác là bạn thì cần cả chấp nhận bản thân lẫn tin tưởng người khác?

Triết gia: Đúng! Cậu hiểu nhanh hơn rồi đấy. Nói cách khác, coi người khác là kẻ thù nghĩa là chưa biết chấp nhận bản thân và thiếu tin tưởng người khác.

Chàng thanh niên: Đúng là con người ta cần cảm giác thuộc về một nơi nào đó, rằng “mình có thể ở đây”. Bởi thế mà cần chấp nhận bản thân, tin tưởng người khác. Tôi không phủ nhận điều này. Nhưng, thế nào nhỉ… Liệu có phải chỉ cần coi người khác là bạn, tin tưởng ở người khác là đủ để cảm thấy mình thuộc về một nơi nào đó không?

Triết gia: Tất nhiên, không thể có được cảm thức cộng đồng chỉ bằng sự chấp nhận bản thân và tin tưởng người khác. Đến đây, ta cần đến từ khóa thứ ba là “cống hiến cho người khác”.

Chàng thanh niên: Cống hiến cho người khác?

Triết gia: Tức là muốn có tác động gì đó, mong muốn cống hiến điều gì đó cho người mình đã coi là bạn. Đó chính là “cống hiến cho người khác”.

Chàng thanh niên: Vậy thì, cống hiến có nghĩa là thể hiện tinh thần hy sinh, hết mình vì mọi người xung quanh ư?

Triết gia: Ý nghĩa của “cống hiến” cho người khác không phải là hy sinh bản thân. Thậm chí, Adler còn rung hồi chuông cảnh tỉnh, gọi kiểu người hy sinh cuộc đời mình vì người khác là “kẻ thích ứng quá mức với xã hội”.

Và cậu cũng nhớ lại mà xem. Chỉ khi nào ta cảm thấy sự tồn tại và hành động của mình có ích cho cộng đồng, cũng tức là khi cảm thấy “mình có ích cho người khác” thì mới thực sự cảm nhận được giá trị của bản thân. Phải vậy không? 

Tóm lại, cống hiến cho người khác không phải là vứt bỏ “cái tôi” để hết mình vì ai đó, mà là một cách để thực sự cảm thấy giá trị của “cái tôi”.

Chàng thanh niên: Cống hiến cho người khác là vì bản thân mình sao?

Triết gia: Đúng thế. Không cần phải hy sinh bản thân.

Chàng thanh niên: Thôi nào, lý luận thế này thì nguy hiểm nhỉ? Thầy lại gậy ông đập lưng ông mất rồi. Thú nhận thầy hết mình vì người khác chỉ để thỏa mãn “cái tôi”, đấy chẳng phải là đạo đức giả sao? Cho nên tôi đã nói rồi, rằng lý luận của thầy toàn là đạo đức giả mà thôi, không thể tin vào lý luận của thầy được. Nghe này, tôi thà tin vào những kẻ xấu mà thành thật với lòng mình còn hơn tin vào người tốt nơi chót lưỡi đầu môi!

Triết gia: Cậu nóng vội quá. Vậy là cậu vẫn chưa hiểu về cảm thức cộng đồng.

Chàng thanh niên: Thế thầy thử cho tôi ví dụ cụ thể về cái kiểu cống hiến cho người khác mà thầy đang nói tới đi.

Triết gia: Sự cống hiến cho người khác dễ hiểu nhất có lẽ là làm việc. Lao động trong xã hội hoặc làm việc nhà. Lao động không phải là phương tiện để kiếm tiền. Qua lao động, chúng ta cống hiến cho người khác, thực hiện cam kết với cộng đồng, trải nghiệm cảm giác “có ích cho ai đó”, tiến tới cảm nhận được giá trị tồn tại của chính mình.

Chàng thanh niên: Bản chất của cống việc là cống hiến cho người khác ư?

Triết gia: Tất nhiên, kiếm tiền cũng là một yếu tố quan trọng. Đúng như lời của Dostoyevsky mà cậu đã đọc được, rằng “Tiền bạc là tự do đúc thành khối”. Nhưng có rất nhiều những người giàu có, tài sản dùng cả đời không hết mà vẫn tiếp tục làm việc. Tại sao nào? Vì lòng tham không đáy ư? Không phải vậy. Đó là nhằm cống hiến cho người khác, cũng chính là để đạt được cảm giác thuộc về một nơi nào đó rằng “mình có thể ở đây”. Những người giàu tích cực làm từ thiện sau khi đã đạt đến tột đỉnh giàu sang cũng là để cảm nhận giá trị của mình, thực hiện bao nhiêu hoạt động chỉ nhằm xác nhận rằng “mình có thể ở đây”.

Chàng thanh niên: Ừm… Có thể đó là một chân lý. Nhưng… 

Triết gia: Nhưng? 

❄❄❄❄❄❄❄❄❄

Chấp nhận bản thân là đón nhận “cái tôi” – vốn không thể thay đổi được – như nó vốn có. Tin tưởng người khác là không hoài nghi mà đặt niềm tin vô điều kiện vào người khác. Với Chàng thanh niên, hai điều này thì có thể chấp nhận. Nhưng chàng chưa hiểu rõ về cống hiến cho người khác. Nếu sự cống hiến đó là “vì người khác” thì chỉ là sự hy sinh bản thân đầy đau khổ. Còn nếu sự cống hiến đó là “vì bản thân” thì lại hoàn toàn là đạo đức giả. Nhất định phải làm cho rõ điều này. Chàng thanh niên bắt đầu nói, giọng quả quyết.

 

Chọn tập
Bình luận