CHỦ NHẬT
Barry Fairbrother thật ra không muốn ra ngoài ăn tối chút nào. Cơn nhức đầu bám riết ông suốt kỳ nghỉ cuối tuần, đã thế, ông còn phải đua với hạn nộp bài cho tòa soạn.
Nhưng vợ ông suốt bữa trưa đã không thèm nói năng gì, hẳn tấm thiệp mừng kỷ niệm ngày cưới thôi thì không đủ bù đắp chuyện im ỉm khóa cửa làm việc suốt sáng. Đã thế bài ông đang viết lại về Krystal, Mary chẳng ưa gì con bé dù đã khéo giấu.
– Mary này, ta ra ngoài ăn tối nhé. – Ông vờ hào hứng để xua tan không khí lạnh lẽo. – Thế mà đã mười chín năm rồi đấy, các con! Mười chín năm đấy nhé, mẹ các con bây giờ vẫn tươi tắn như hoa!
Thấy vợ đã dịu đi và chịu mỉm cười, ông liền gọi điện thoại cho câu lạc bộ golf đặt bàn vì chỗ này gần và thể nào họ cũng được dành chỗ. Ông gắng tạo cho vợ những niềm vui nho nhỏ như thế vì dần nhận ra suốt hai mươi năm qua ông đã khiến bà thất vọng trong biết bao nhiêu chuyện lớn khác. Tất nhiên không lần nào là do ông cố ý cả. Đơn giản là họ bất đồng về chuyện nên dành thời gian cho những ưu tiên nào trong đời.
Bốn đứa con cũng đã khá lớn nên không cần thuê người trông trẻ. Khi ông chào tạm biệt, bọn chúng vẫn đang dán mắt vào tivi, chỉ có đứa bé nhất ngoái đầu giơ tay vẫy chào lại.
Cơn nhức đầu vẫn dội từng cơn thùm thụp khi Barry de xe rồi lái xuyên qua thị trấn Pagford nhỏ bé xinh đẹp, hai vợ chồng đã dọn về đây ngay sau đám cưới. Họ xuôi xuống Church Row, con phố dốc thoải, hai bên sừng sững những dinh thự xa hoa kiểu Victoria đắt đỏ bậc nhất khu này, vòng qua góc đường có ngôi nhà thờ xây theo kiến trúc Gôtíc phục hưng, ông từng vào xem hai cô con gái sinh đôi diễn vở Joseph và chiếc áo choàng muôn màu kỳ diệu trong đó. Họ tiếp tục băng ngang quảng trường, từ đó thấy rõ được bộ khung đổ nát của tòa tu viện cũ vạch bóng đen sẫm trên nền trời tím than, che khuất cả đường chân trời.
Vừa đánh tay lái rẽ theo các khúc cua quen thuộc, Barry vừa nghĩ đến mấy lỗi sai không tránh khỏi lúc vội vội vàng vàng viết cho xong rồi email bài báo cho tờ Yarvil và District Gazette. Bình thường ông là người hoạt khẩu và cuốn hút, nhưng thể hiện thế mạnh đó trong bài viết thật chẳng dễ chút nào.
Cách quảng trường bốn phút chạy xe, câu lạc bộ golf chỉ quá khỏi mấy căn nhà gỗ cũ kỹ một chút, thị trấn chạy dài ra tới đó thì đuối dần rồi chấm dứt. Barry đậu xe ngoài nhà hàng Burdie của câu lạc bộ rồi nán lại giây lát cho vợ dặm lại son môi. Làn gió đêm mát mẻ ve vuốt mặt ông một cách dễ chịu. Ông nhìn đường golf nhòe dần trong bóng hoàng hôn, tự hỏi sao mình vẫn cứ giữ chân hội viên ở chỗ này làm gì. Ông vốn chơi golf dở tệ, cú swing chuệnh choạng còn điểm chấp thì cao. Khi chơi cũng chẳng bao giờ được yên vì điện thoại liên tục réo. Cơn đau đầu của ông trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.
Mary tắt đèn cạnh gương trên xe rồi sập cửa. Barry bấm nút khóa tự động trên chìa; đôi giày cao gót của bà vợ gõ lóc cóc trên mặt đường, hệ thống khóa xe kêu bíp, ông thấy buồn nôn và tự hỏi không biết cảm giác này có dịu bớt đi khi dùng bữa không.
Cơn đau xé chưa từng thấy chợt xoáy vào não ông như dùi. Ông thậm chí không cảm thấy đau khi đầu gối quỵ xuống đập vào mặt đường lạnh lẽo; sọ ông như ngập trong máu và lửa nóng rừng rực; cơn tra tấn thật quá sức, nhưng ông vẫn phải quằn quại chịu đựng cả phút trước khi rơi vào hư vô.
Mary rú lên. Vài người đàn ông ở trong bar chạy lại. Một người chạy vội vào tòa nhà thử tìm mấy vị bác sĩ đã nghỉ hưu của câu lạc bộ. Một cặp vợ chồng có biết nhà Barry nghe động vội bỏ món khai vị đang dùng dở trong nhà hàng chạy ra giúp một tay. Ông chồng rút di động gọi 999.
Xe cấp cứu nằm tận bên thành phố Yarvil, như vậy phải mất hai mươi lăm phút mới tới được. Đến khi ngọn đèn xanh chớp tắt hiện ra thì Barry đã nằm dài bất động trên đất, trên đống nôn mửa của chính mình; Mary phục bên cạnh, quần tất rách toạc chỗ đầu gối, vừa nắm chặt tay chồng vừa nức nở khóc gọi.
THỨ HAI
I
– Bố gắng mà trấn tĩnh nhé – Miles Mollison nói trước, anh đang đứng trong gian bếp của một trong những dinh thự hoành tráng trên phố Church Row.
Miles đã định đợi đến sáu rưỡi sáng mới gọi. Đêm qua ngủ nghê thật chẳng ra làm sao, anh thức chong chong, thi thoảng mới chợp đi được một giấc ngắn mệt mỏi. Lúc bốn giờ, anh thấy vợ cũng đã tỉnh, hai người thì thầm nói chuyện với nhau trong bóng tối một lúc. Dù còn sốc và sợ hãi khi nhắc tới vụ tai nạn phải chứng kiến bất đắc dĩ ấy, Miles vẫn cứ ngứa ngáy sốt ruột muốn báo ngay tin này cho ông bố. Lúc đầu anh định ráng đợi đến bảy giờ, nhưng lại e có người hớt trước nên gọi luôn.
– Có chuyện gì? – Howard hỏi, giọng lão trầm vang, pha chút kim. Miles bật loa ngoài cho cô vợ Samantha cùng nghe. Chiếc áo ngủ màu hồng nhạt của cô dính mấy vệt nâu, cô đang tranh thủ bữa dậy sớm bôi một vốc đầy kem nhuộm rám nắng lên làn da đã bợt đi. Căn bếp nồng mùi café tan và dầu dừa tổng hợp.
– Fairbrother chết rồi. Gục ở câu lạc bộ golf tối qua. Lúc đó con với Sam đang ăn tối ở nhà hàng Birdie.
– Cái gì, Fairbrother chết rồi hả? – Lão Howard rống lên.
Rõ ràng là lão luôn mong làm một cú ngoạn mục lật nhào địa vị của Barry Fairbrother, nhưng không ngờ đến cái chết này.
– Gục ngay bãi xe – Miles lặp lại
– Trời đất. Tay ấy mới quá bốn chục tuổi, phải không? Quỷ thần ơi.
Miles và Samantha nghe tiếng lão Howard thở phì phò như ngựa trong ống nghe. Lão hay bị khó thở vào buổi sáng.
– Mà sao thế? Do tim à?
– Hình như não có vấn đề, mấy bác sĩ bảo thế. Tụi con đi cùng bà Mary tới bệnh viện, rồi…
Nhưng lão Howard không nghe tiếp. Miles và Samantha nghe tiếng lão văng vẳng từ ống nghe.
– Barry Fairbrother! Chết rồi! Thằng Miles gọi báo!
Miles cùng Samantha nhấp café, chờ lão Howard quay lại. Áo ngủ của Samantha trễ bung khi cô ngồi bên bàn bếp, để lộ đường cong của bộ ngực phì nhiêu đang tì lên cánh tay. Ở tư thế bị ép lại như vậy, đôi vú trông có vẻ phồng căng và mịn màng hơn khi đong đưa không áo ngực. Phần da phía trên vú trông như da thuộc hằn mấy đường nhăn li ti không mất đi ngay cả khi không tì ngực như thế nữa. Lúc trước cô đã tắm nắng quá nhiều.
– Sao? – Howard lại cầm máy lên. – Con nói vụ bệnh viện thế nào?
– Con với Sam đi theo xe cấp cứu – Miles đáp rõ ràng – Hộ tống bà Mary và cái xác.
Samantha để ý khi kể lại lần này, Miles nhấn mạnh vào khía cạnh có thể xem là “hút khách” hơn trong vụ tai nạn đó. Cô không trách anh. Chuyện vừa xảy ra đâu có dễ chịu gì, thế nên một khi đã gắng trải qua được thì họ có quyền kể cho người khác chứ. Chắc mình chẳng thể nào quên được cảnh tượng ấy, cô nghĩ, Mary thì kêu khóc, mắt Barry hãy còn mở he hé trên gương mặt bị chụp ống thở như đeo rọ mõm; cô và Miles gắng nhét vào đầu lời giải thích của nhân viên cấp cứu; lòng xe chật chội xóc nảy; những cửa sổ xe tối đen; nỗi kinh hoàng bao phủ.
– Trời đất ơi! – Hovvard lại rên lên lần thứ ba, mặc kệ bà Shirley đang khẽ hỏi gì đó phía sau, lão chỉ tập trung nghe Miles. – Ông ta cứ thế là gục xuống bãi xe mà chết hả?
– Vâng. – Miles đáp – Con vừa nhìn thấy ông ta là đã biết hết đường cứu rồi.
Anh nói dối, tránh nhìn vợ khi nói câu này. Cô hãy còn nhớ cảnh anh vòng cánh tay rộng ôm lấy đôi vai run rẩy của Mary an ủi: Ông ấy không sao đâu… ông ấy sẽ ổn thôi…
Nhưng dù sao đi nữa, Samantha nhân nhượng nghĩ, muốn tỏ ra công bằng với Miles, làm sao biết được chuyện gì xảy ra khi mà người ta chụp mặt nạ cho ông ấy, lại còn tiêm mấy mũi nữa? Khi đó dường như họ đang gắng cứu Barry, và chẳng ai biết chắc mọi chuyện là vô vọng trước khi cô bác sĩ trẻ bước lại chỗ bà Mary đang đợi trong bệnh viện. Lạ lùng là Samantha hãy còn nhớ rõ mồn một mọi thứ, gương mặt chết điếng, trôi sạch phấn son của Mary, vẻ điềm tĩnh pha chút thận trọng của cô bác sĩ trẻ tuổi đeo kính, tóc chải mượt, mặc chiếc áo choàng trắng… Cảnh giống như trong mấy phim truyền hình dài tập kinh điển, chỉ khác rằng đây là sự thật…
– Không có dấu hiệu gì cả. – Miles đang nói tiếp – Mới thứ Năm vừa rồi Gavin còn chơi bóng quần với ông ấy mà.
– Lúc đó ổng có vẻ vẫn bình thường hả?
– Vâng. Còn thắng cả Gavin.
– Trời đất ơi. Đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra. Chờ đã, mẹ con muốn nói vài câu này.
Nghe lách cách một lúc, rồi giọng dịu dàng của bà Shirley vang lên trong ống nghe.
– Thật khủng khiếp quá, Miles ạ. Con không sao chứ?
Samantha hớp một hớp to café, vụng về để café tràn qua khóe miệng xuống cằm bèn lấy luôn ống tay áo quệt miệng và ngực. Miles liền chuyển sang giọng anh thường dùng khi nói với mẹ: trầm hơn, kiểu không-có-gì-làm-con-cuống, đầy sức thuyết phục và lý lẽ. Đôi khi, nhất là lúc say, Samantha nhại kiểu Miles nói chuyện với mẹ “Mẹ đừng lo gì. Có con ở đây. Chàng lính nhỏ của mẹ đây.” “Con trai tuyệt vời của mẹ ơi, con mới to khỏe, dũng cảm thông minh làm sao chứ.” Sau này, có một hai lần Samantha còn diễn trò này trước người khác khiến Miles vừa bực vừa ngại, nhưng vẫn phải vờ cười phá lên. Lần trước họ đã cãi nhau một trận tơi bời trên đường lái xe về nhà cũng vì thế.
– Con đi cùng cô ấy suốt quãng đường đến bệnh viện à?- Bà Shirley hỏi.
Chẳng tự nguyện gì đâu – Samantha nghĩ, tới nửa đường thì hai đứa đều chịu hết nổi, chỉ mong mau cho thoát nợ.
– Ít nhất con cũng phải làm thế chứ mẹ. Chỉ tiếc là không giúp được nhiều hơn.
Samantha đứng dậy ra chỗ lò nướng bánh mì.
– Hẳn là Mary mang ơn con lắm – Shirley nói. Samantha mở túi bánh mì, lấy ra bốn lát nhét vào khe nướng. Giọng Miles đã trở nên tự nhiên hơn.
– Vâng, lúc các bác sĩ kể, ý con là khẳng định rằng ông ấy chết hẳn, Mary muốn gọi Colin và Tessa Wall lên. Sam gọi cho vợ chồng nhà ấy, chúng con đợi họ lên tới nơi rồi mới về.
– Ồ, may cho Mary là có tụi con ở đó – Shirley nói. – Bố muốn nói chuyện tiếp này Miles. Mẹ đưa máy cho bố nhé. Nói chuyện sau nhé.
– Nói chuyện sau nhé – Samantha lắc lắc đầu, dài giọng nhại từ chỗ đặt ấm nước. Sau một đêm mất ngủ, cặp mắt màu hạt dẻ của cô hằn tia đỏ, và trò giễu nhại càng khó chịu hơn. Trong lúc lật đật dỏng tai nghe Howard nói gì, cô vô ý làm rơi kem nhuộm rám da vào vành bếp.
– Hay là tối nay con với Sam ghé đây đi – Lão Howard lại oang oang – Khoan, chờ tí, mẹ con nhắc tối nay có hẹn chơi bài với nhà Bulgens. Vậy mai nhé. Đến ăn cơm. Khoảng bảy giờ.
– Con chưa biết nữa – Miles đáp, liếc mắc nhìn Samantha. – Để con hỏi xem Sam có bận gì không.
Nhưng cô không hề tỏ ý muốn đi hay không. Không khí trong bếp có vẻ nhẹ hẳn đi sau khi Miles gác máy.
– Bố mẹ bất ngờ lắm – Miles nói, như thể nãy giờ vợ anh chẳng nghe thấy gì.
Họ im lặng ăn bánh mì nướng, uống café mới pha. Trong khi ăn, tâm trạng Samantha có khá hơn. Cô nhớ lúc sáng sớm, khi giật mình thức dậy trong phòng ngủ tối đen, mình đã mừng và nhẹ nhõm thế nào khi cảm thấy Miles nằm cạnh, cao lớn, bụng to, người thoảng mùi cỏ vetiver và mùi mồ hôi đọng. Rồi cô tưởng tượng cảnh mình sẽ kể cho khách hàng trong tiệm nghe chuyện có người quỵ xuống chết ngay trước mặt thế nào, và mình đã tử tế đi theo đến bệnh viện ra sao. Cô nghĩ cách làm sao thêm mắm dặm muối cho chuyến đi đó và đoạn cao trào là lúc gặp bác sĩ. Vẻ trẻ trung của người phụ nữ điềm đạm đó dường như làm cho tin xấu càng khó chấp nhận hơn. Đáng ra họ phải giao nhiệm vụ báo tin cho bác sĩ nào đứng tuổi hơn chứ. Thế rồi, khi đã vui vẻ hơn lên, cô nhớ ra ngày mai mình có hẹn với đại diện bán hàng khu vực Champêtre, cô và tay này đã tán tỉnh nhau tí đỉnh khá vui trên điện thoại.
– Anh phải đi thôi – Miles nói, uống cạn cốc café, liếc mắt nhìn màu trời sáng rõ ngoài cửa sổ. Anh thở dài, vỗ vai vợ khi đem bỏ cốc đĩa bẩn vào máy rửa bát.
– Lạy chúa, thế nhưng vụ này cũng làm mọi chuyện đâm ra đúng kế hoạch, phải không?
Miles lắc lắc mái tóc xám cắt sát, bỏ ra khỏi bếp.
Đôi khi Samantha thấy Miles thật lố bịch, thậm chí là đần độn. Nhưng cũng có lúc cô thích vẻ phô trương của anh, nhất là trong mấy dịp long trọng. Dù sao thì sáng nay cũng nên ra vẻ trang nghiêm đạo mạo một chút. Cô ăn nốt bánh mì, dọn dẹp bữa sáng rồi tập trung nghĩ làm sao kể lại chuyện này cho hay ho với tay trợ lý.