Howard lúc nào cũng ghim trong đầu hình ảnh như ác mộng của khu Fields: những cánh cửa sổ đóng ván nhằng nhịt đủ thứ hình tục tĩu; đám choai choai phì phèo thuốc lá lê la ở nhà chờ xe buýt nhếch nhác; chảo vệ tinh lỉa chỉa khắp nơi đâm lên trời như cùi nhụy trơ trụi của những bông hoa sắt kinh tởm. Lão thường đay đi đay lại, làm sao mà cái đám dân đó không biết sắp xếp dọn dẹp khu mình sống cơ chứ, nghèo thì nghèo, sao không gom góp tiền rồi mua một cái máy cắt cỏ dùng chung? Nhưng chuyện như thế không bao giờ xảy ra: dân khu Fields chỉ trông đợi vào hội đồng quận và hội đồng khu xuống giúp họ dọn dẹp, sửa sang, bảo dưỡng; ban phát, giúp đỡ nhiều hơn nữa.
Howard nhớ hồi nhỏ sống ở phố Hope, nhà nào nhà nấy chỉ có mỗi mảnh vườn sau bé tí, nhỉnh hơn tấm khăn trải bàn chút ít, thế mà hầu như vườn nhà nào, kể cả nhà mẹ lão, cũng đều trồng kín đậu đũa với khoai tây. Dưới con mắt của Howard chẳng có gì cản trở đám dân khu Fields tự trồng rau tươi hay dạy dỗ đám con cái lưu manh hỗn xược lúc nào cũng sùm sụp mũ; đâu có gì cản họ chung tay dọn dẹp rác rưởi, làm đẹp cộng đồng; càng không gì ngăn cản họ tự tắm rửa cho sạch sẽ rồi nhấc mông đi kiếm việc làm; không gì cả. Thế nên Howard đi đến cái kết luận tất yếu rằng người khu đó tự chọn cách sống như thế, và cái không khí rời rã phảng phất mùi đe dọa trong khu nhà chẳng qua là cái mùi của sự ơ hờ và biếng nhác.
Ngược lại, Pagford trong tâm trí Howard sáng lấp lánh trong ánh hào quang đạo đức, như thể linh hồn của cộng đồng dân cư nơi đây hiển lộ qua những con phố rải sỏi, những ngọn đồi, và những căn nhà đẹp như tranh vẽ. Với Howard, nơi lão sinh ra không chỉ là khu đất có nhiều tòa nhà cũ xưa với dòng sông nước xiết giữa hai hàng cây soi bóng, có tu viện trang nghiêm phủ bóng hay những giỏ hoa treo trên quảng trường. Đối với lão, thị trấn là nơi lý tưởng, là lối sống, là khoảnh đất văn minh nhỏ bé trụ vững giữa mớ be bét của cả nước.
– Tôi là dân Pagford – lão thường bảo thế với du khách đi nghỉ hè – sinh ra và lớn lên tại đây. Ẩn sau câu kể bình thường ấy là cả một niềm tự hào sâu sắc. Lão sinh ra và rồi sẽ chết đi ở mảnh đất này, lão chưa khi nào mơ tới chuyện dời đi chỗ khác; chưa từng khao khát ngắm nhìn cảnh vật nào khác ngoài cảnh mùa thay sắc trên những cánh rừng và dòng sông, hay cảnh quảng trường tưng bừng sắc hoa vào mùa xuân hay lấp lánh dịp Giáng Sinh.
Barry Fairbrother biết rõ chuyện đó, và có lần nói toạc luôn ra. Trong một lần họp, từ bên kia chiếc bàn họp trong sảnh nhà thờ, ông cười thẳng vào mặt Howard “Ông biết không Howard, với tôi, ông đích thị là dân Pagford”. Còn Howard, chẳng hề bối rối mảy may (vì lão đã quen bị Barry đùa cợt kiểu thế) đáp luôn: “Tôi coi đó là lời khen rất ý nghĩa đấy, Barry, dù anh có hàm ý gì đi nữa.”
Giờ thì lão cười được rồi. Ước vọng trong quãng đời còn lại của Howard giờ đã trong tầm tay: Khả năng đẩy khu Fields trở lại cho Yarvil là chuyện chắc chắn xảy ra trong ngày một ngày hai.
Hai ngày sau khi Barry Fairbrother gục chết trong bãi gửi xe, Howard nhận tin từ nguồn đáng tin cậy cho biết đối thủ đó của ông đã vứt ráo mọi quy tắc cuộc chơi mà gửi cho tờ báo địa phương một bài viết, rằng cho phép Krystal Weedon được hưởng nền giáo dục ở trường Thánh Thomas là một điều phúc thiện đáng quý.
Giả mà Barry không thực sự nghiêm túc đến thế trong chuyện này thì cái viễn cảnh đặt Krystal Weedon nghễu nghện trước mắt bao nhiêu độc giả tờ báo như một điển hình cho mối liên kết giữa khu Fields và Pagford có vẻ thật nực cười (như lời Howard). Hẳn là Fairbrother đã mớm lời trước cho con bé, làm chẳng ai biết đó là một con bé vừa chửi bậy như ranh, vừa bày đủ trò trong lớp, làm đám bạn học phát khóc lại còn liên tục bị đuổi rồi nhận lại.
Howard tin ông đồng hương của mình quả có ý tốt, nhưng lão lo ngại trò đảo điên của báo chí lẫn sự can thiệp của đám thích-làm-người-tốt ngây thơ. Lão phản đối khu Fields vì động cơ khách quan lẫn chủ quan: lão hãy còn chưa quên cảnh đứa cháu ngoại khóc lóc trong lòng, miệng mồm đỏ lòm vì răng gãy, trong khi lão thì ra sức dỗ đành, hứa hẹn về một phần quà hậu hĩnh gấp ba lần từ cô tiên răng.
THỨ BA