Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 4

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Ulm

Một buổi tối mùa đông trong trận chiến 30 năm Do đâu tôi biết, tôi là ai?

Quang cảnh khá ấm cúng: Anh thanh niên 23 tuổi ngồi bên một lò sưởi củi lớn. Anh bận bộ binh phục hoàng gia mùa đông. Một khuôn mặt khá quen thuộc đối với nhiều người, vì họ đã thấy được qua bức hoạ về sau này của một hoạ sĩ danh tiếng người Hoà-lan Frans Hals: đôi mắt đen lớn, một mắt bị chứng chảy nước mắt liên tục như mắt của Karl Dall, miệng rộng hơi mỉm cười với cặp môi mỏng dưới hàng ria lún phún, tóc đen dài đến vai; một khuôn mặt vừa láu lỉnh vừa mơ màng, vừa thông minh với chút lơ đễnh. Nhưng khuôn mặt của chàng thanh niên rõ ràng bao nhiêu, thì bối cảnh tối hôm đó lại càng mơ hồ bấy nhiêu. Là vì, theo như người ta viết lại, thanh niên này không ngồi bên lò, nhưng ngồi trong lò sưởi. Chính chữ „trong“ ngắn ngủi này đã là đề tài cho biết bao nhiêu cuộc luận bàn. Có phải với chữ đó, người ta muốn nói rằng, anh ta ngồi trong một nhà tắm hơi vốn đã có rất nhiều ở thời đó? Nhưng như vậy thì tại sao lại còn bận bộ quân phục? Hay là chiếc lò sưởi quá lớn, khiến ta có cảm tưởng anh ngồi trong lò? đúng hơn, có lẽ đó là một căn phòng với một lò sưởi lớn và anh ngồi sưởi ấm trong đó. Vì bên ngoài trời lạnh. đó là một ngày mùa đông năm 1619, và cảnh tượng diễn ra trong một căn nhà miền quê gần thành phố Ulm, nước đức. Nhưng thôi, ta hãy nghe anh thanh niên ấy kể: „Lúc đó tôi đang ở đức, tôi được điều sang đức vì những trận chiến ở đó chưa dứt; sau khi dự lễ đăng quang của nhà vua, tôi trở lại quân đội, và đầu mùa đông bị giữ chân trong một khu vực đóng quân hẻo lánh, ở đó chẳng có ai để hàn huyên trò chuyện, nhưng may mắn cũng chẳng có gì để phải lo hay để mê mải, suốt ngày ăn không ngồi rỗi một mình trong phòng, mặc sức độc thoại với những suy tư riêng của mình“. 

Những cuộc độc thoại đó mang một tham vọng rất lớn: Trong lúc bên ngoài cuộc chiến 30 năm đang đẩy toàn Trung Âu vào chết chóc và đổ nát, anh thanh niên thả hồn tìm kiếm sự yên tĩnh, ngăn nắp và trong sáng. Anh muốn tìm tới cái lí tận cùng tuyệt đối về chính mình và về thế giới. Trước hết anh đưa ra những quy tắc xác định: Cái gì chưa nhận thức được rõ ràng thì chưa phải là thật. Và anh hoài nghi tất cả những gì đáng ngờ vực. Ta không thể tin được con mắt và các giác quan khác của mình. Cả tư duy nữa, ta cũng không nên tin vào nó, bao lâu nó chưa được kiểm chứng. Cũng có thể ma quỷ đang ảnh hưởng trên ta và dẫn ta đi tới những kết luận sai! Nhưng khoan – như vậy hoá ra chẳng có điều gì để ta tin chắc được ư? Là vì, dù tôi có hoài nghi mọi chuyện, thì tôi cũng không thể nghi ngờ rằng tôi đang hoài nghi, rằng chính tôi là kẻ hoài nghi. Và nếu tôi biết, chính tôi hoài nghi khi mình đang hoài nghi, thì như vậy là tôi đang nghĩ rằng, tôi đang hoài nghi. Như vậy, có một quy tắc chắc chắn đầu tiên không thể chối cãi được, đó là: Cogito ergo sum – „Tôi suy tư, như vậy tôi hiện hữu“. Lửa trong lò chưa tắt, khi câu này được anh lính trẻ nghĩ và nói ra lớn tiếng trong phòng, nhưng thế giới Triết học đã bị đảo lộn ngay từ giây phút đó.

Chàng thanh niên đã làm đảo lộn Triết học trong một buổi tối mùa đông khởi đầu trận chiến 30 năm kia là ai? Tên cậu là René Descartes. Cậu xuất thân từ một gia đình quý tộc, cha là thẩm phán của toà tối cao Bretagne ở Rennes. Mẹ mất năm 1597, một năm sau khi sanh cậu và cậu lớn lên ở nhà bà ngoại. Lên bảy, vào một trường trung học do các tu sĩ dòng Tên điều khiển – chẳng thú vị gì, nhưng khi ra trường, lúc mười sáu tuổi, cậu đã tiếp thu được một nền giáo dục cổ điển và toán học sáng chói. Cậu học sinh xuất sắc ghi tên học luật ở Poitiers. Sau đó, ghi tên vào một Hàn lâm viện ở Paris, để học lại những thứ cần thiết cho một thanh niên quý tộc: đánh kiếm, nhảy đầm, cưỡi ngựa, cung cách ứng xử và nhiều thứ cần thiết khác nữa, nhưng cậu chẳng mảy may nghĩ tới công dụng mai sau của chúng (Chỉ hai mươi năm sau, cậu có dịp sử dụng một món trong các thứ đó – cậu đã đâm chết đối thủ trong một trận đấu tay đôi). Năm 22 tuổi, cậu mạo hiểm đầu quân phục vụ vị tướng người Hoà-lan Moritz đất Oranien. Ở đó cậu học được rất nhiều về khoa học tự nhiên, còn về cuộc sống binh đội thì chẳng học được gì nhiều. Sau đó, cậu lại lang thang khắp đan-mạch và đức, một lần nữa đầu quân kiếm sống trong binh đoàn của công tước Maximilien đất Bayern. Cậu theo đoàn quân này sang đánh chiếm thủ đô Prag nước Tiệp và có dịp quan sát chỗ làm việc của nhà thiên văn Johannes Kepler tại đây. Lúc này, cậu đã nhận ra được bước đường tương lai của mình: Mơ trở thành một người dẫn đường trong việc khai sáng màn đêm của các khoa học. đầy tự tin, cậu mơ tới „một phương pháp chung“ rõ ràng và hợp lí „cho việc tìm hiểu sự thật“. Và chính cậu là người có sứ mạng tìm ra phương pháp đó.

Tháng tư năm 1620 ở Ulm, chàng thanh niên 24 tuổi gặp nhà toán học Johannes Faulhaber. Cậu đã giải dễ như trở bàn tay được một bài toán hóc búa, một bài toán mà như cậu đã ghi lại không chút e ngại, là các đầu óc thông minh nhất thời đó cũng phải đầu hàng. Giờ đây, thời gian đã chín mùi cho việc tiến thân của cậu, với ước vọng tìm ra lời giải đơn thuần cho mọi vấn nạn. Một năm sau cảnh độc thoại trong căn phòng lò sưởi ở Ulm, Descartes bỏ binh nghiệp, hành hương tới Loretta rồi du lịch khắp nước đức, Hoà-lan, Thuỵ-sĩ và Í-đại-lợi. Năm 1625 cậu chuyển tới Paris, gia nhập vào những nhóm học thức tại đây. Anh thường được mời sinh hoạt trong các buổi gặp gỡ ban tối, nhưng anh vẫn giữ những giao tiếp trong vòng giới hạn. Năm năm sau, anh rời Paris trẩy sang Hoà-lan. Hoà-lan lúc đó đang trong thời kì rộn ràng phát triển và là vùng đất tự do nhất của lục địa về mặt tinh thần và tôn giáo. Descartes muốn lợi dụng không khí thuận lợi đó để bắt đầu tác phẩm đã được chuẩn bị từ lâu của mình. Anh cắt đứt mọi giao tiếp, chỉ giữ lại những tiếp xúc sôi nổi bằng thư từ, đặc biệt với các mệnh phụ phu nhân. Anh tập trung vào tác phẩm „Luận về Thế giới“, nhưng cuốn sách chẳng bao giờ được in ra. Năm 1633, anh hay tin đồng nghiệp mình là Galileo Galilei bị Giáo hội buộc phải rút lại những quan điểm khoa học tự nhiên của mình về vũ trụ và về thế giới. Giáo hội công giáo là một đối thủ nguy hiểm, ngay cả đối với Descartes, là người vẫn tin vào Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa của Descartes tin là một Thiên Chúa tương đối trừu tượng, được anh quan niệm như là một thứ Nguyên lí tối thượng. Hoà-lan lúc đó tự do hơn Í, dù vậy, Descartes vẫn cẩn thận dời đổi chỗ ở liên tục. Anh viết sách về Hình học, đại số, Vật lí và trở thành một nhà toán học nổi danh. Chỉ tới năm 1637, Descartes cho xuất bản cuốn sách về những cuộc độc thoại bên lò sưởi mười tám năm về trước, trong có có câu bất hủ „Tôi suy tư, vì thế tôi hiện hữu“. Một tập sách mỏng, ai cũng có thể có được „Luận về Phương pháp sử dụng đúng đắn Lí trí và Phương pháp nghiên cứu Sự thật khoa học“. Vì an ninh, sách không đề tác giả, nhưng tên ông nhanh chóng được đồn thổi khắp nơi. Descartes vui mừng về sự nổi tiếng rộng rãi của mình, nhưng với bản tính tự cao và hoài nghi sâu đậm, ông không chịu được bất cứ một phê bình nào. Những tác phẩm tiếp đó của ông, mà nội dung tư tưởng cũng không khác lắm so với tác phẩm đầu tay, tạo nên một vài mâu thuẫn nơi đồng nghiệp trong vùng Leiden và Utrecht. Tính ngờ vực của ông phát thành chứng hoang tưởng. Nhiều lần ông nghĩ tới việc đi sang Anh; ông trốn tránh du lịch sang Pháp, và năm 1649 ông sang Thuỵ-điển, qua lời mời của một bạn thư từ là nữ hoàng Thuỵ-điển Christine. Nhưng cái lạnh mùa đông ở thủ đô Stockholm đã cướp mất sự sống của ông. Nữ hoàng cứ buộc ông lên lớp vào buổi sáng sớm cho bà trong một phòng học không có lò sưởi. Năm 1650, ông mất vì chứng sưng phổi, lúc 53 tuổi.

Đâu là đóng góp của Descartes? Trước hết, ông để lại một phương pháp: chỉ chấp nhận một điều gì là đúng, khi điều đó từng bước đã được kiểm nghiệm đầy đủ. Và ông đã đưa cái „Tôi“ vào tâm điểm của Triết học. Các triết gia trước đó cố gắng tìm hiểu đâu là bản chất của thế giới (thế giới „tự nó“ là gì). Descartes chọn lối đi hoàn toàn khác. Tôi chỉ có thể khám phá được bản chất của thế giới, khi tôi minh chứng được nó hiện ra trong tư duy của tôi như thế nào. Bởi vì tất cả những gì tôi biết được về thế giới đều là những gì hoàn toàn do đầu óc tôi nghĩ ra, chứ tôi không thấy được chúng cụ thể như cây cỏ chim muông. Friedrich Nietzsche vì thế sau này đã gọi

Descartes là „Ông nội của cách mạng, cuộc cách mạng công nhận Lí trí có quyền uy tối thượng“.

Descartes đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: Do đâu tôi biết tôi là ai? – Do tư duy của tôi! Và câu trả lời đó vượt trội trên tất cả các câu trả lời trước đó, cho dù giáo phụ Augustinus (Antịnh) trong thế kỉ thứ 4 cũng đã đưa ra một phát biểu giống như thế. Tuy nhiên, về sau người ta đã khám phá ra một vài điểm yếu trong lối minh chứng đó. Là vì công thức kia không phải hoàn toàn không có điều kiện, như Descarte nói. để diễn tả sự hoài nghi của tôi trước mọi sự vật trong thế giới, tôi phải cần một ngôn ngữ tương đối thông dụng. Nhưng ngôn ngữ đã không bị Descartes hoài nghi. Ông yên tâm sử dụng ngôn ngữ, mà không biết rằng những từ, câu và văn phạm của ngôn ngữ có thể bị lạm dụng, có thể bị người ta dùng để đánh lừa người nghe, người đọc. Một số triết gia phê bình rằng, Descartes đã không phân biệt giữa Trí (Verstand) và Lí (Vernunft). Phải chăng những gì hợp với trí hiểu đều đương nhiên hợp lí? Phải chăng ở đây có sự trộn lẫn của hai í nghĩa? điểm phê bình thứ ba: Descartes đã bỏ rất nhiều công sức để minh chứng sự Tư duy, nhưng ông đã quan tâm quá ít về í nghĩa của „Thực thể“ (Sein).

Và đấy chính là điểm đáng bàn luận. Descartes là một triết gia có ảnh hưởng vô cùng lớn, có thể nói là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất. Cả dù ông bị tứ phía thù địch, ông vẫn là một khuôn mặt khổng lồ có nhiều tư tưởng mới về cơ thể, não và trí tuệ. Nhưng càng xuất sắc trong việc minh chứng Tư duy bao nhiêu, ông càng tỏ ra bất cập trong việc nhận định về thân xác con người, đó là theo cái nhìn về sau này. Là vì thật ra ông coi cơ thể chỉ là một khúc gỗ tháp vào cái đầu mà thôi! Cơ thể của mọi động vật chỉ là một bộ máy phụ thuộc, một máy tự động hay chiếc đồng hồ, được điều khiển tuỳ hứng bởi ông thợ Trí tuệ lạnh lùng. Các cơ quan thể xác hoạt động như một máy quạt nước trong thế kỉ 17. Dây thần kinh là những đường dẫn nước, những khoảng rỗng trong não là các bình chứa, các bắp thịt tương đương với những lò-xo cơ khí và cuối cùng nhịp thở của cơ thể cũng giống như những vận động trong một chiếc đồng hồ. Và tất cả những thứ đó được điều khiển bởi một anh chàng nhỏ con ngồi trong bộ não: tuyến Tùng quả (Zirbeldrüse). Coi cơ thể con người như là một bộ máy cơ học, đó là khẳng định lớn tiếng cuối cùng của các nhà khoa học tự nhiên, trong đó Descartes là một. Gần như một sớm một chiều, ông được coi là người dẫn đường cho một lối nhìn mới về cơ thể con người, và đối diện với những người phê bình ông – mà phần đông là những tiếng nói từ Giáo hội -, ông tự cảm thấy mình là người thực tế, tân thời và tiến bộ. Nếu Descartes sống trong thời nay, ông có thể trở thành một nhà hướng đạo trong lãnh vực trí thông minh điện toán hay là một nhà nghiên cứu não có hạng.

Vì thế, quả rất thú vị khi ta thử đặt ra cho một tân Descartes ngày nay câu hỏi như sau: Ông quan niệm thế nào về tương quan giữa Tinh thần và Thể xác? Nếu ngày nay ngồi suy nghĩ về những tìm hiểu bản chất cuối cùng của con người và của thế giới của cha mình trước đây 400 năm, thì ông tân Descartes (hay cũng gọi là Descartes con) giờ đây sẽ phản ứng thế nào? 

Mùa xuân 2007. Một biệt thự bằng gỗ sơn trắng có vườn rộng với những thảm có xanh đẹp ngoại ô thành phố Boston. đó là cơ ngơi sống và làm việc của nhà nghiên cứu não René Descartes con (Jr.). René này ăn mặc nhẹ nhàng, quần vải nhung với chiếc áo len đan khoác ngoài chiếc sơmi sọc carô. Ông ngồi dựa người trong ghế bành và kể:

„Tôi đang ở trên đất nước Hoa-kì, sau khi bước đường công danh đã dẫn tôi từ Pháp qua Hoà-Lan rồi đến đây. Tôi vừa mới về từ một cuộc hội luận chuyên đề ở Viện I tế Quốc gia. Nhờ lục cá nguyệt mới chưa bắt đầu và chưa phải bề bộn với các giờ lên lớp và chấm bài thi, nên tôi may mắn có thì giờ nhàn rỗi ngồi độc thoại với những suy tư của mình. Và tôi tự nhủ lòng, mình phải hoài nghi tất cả những gì ta chưa rõ và chưa xác định được tới nơi tới chốn, vì chỉ có cách ấy ta mới tìm ra được sự thật. Vì thế, công việc đầu tiên của tôi là hoài nghi mọi thứ chân lí dổm chưa được kiểm chứng do Triết học đã đưa ra. Chúng ta hãy bắt đầu với sự phân biệt dở hơi giữa Thân xác và Í thức, cái này không do cha tôi trước đây bày ra, nhưng chính ông là người đã cắm neo nó vào trong Triết học một cách vô cùng cực đoan. Nhưng giờ đây phải nói rằng, Tinh thần và Thể xác thật ra không bao giờ rời nhau, đó mới là chân lí đích thật nhất! Là vì nỗ lực tìm cách phân biệt hai thứ đó trong não bộ chỉ là công dã tràng. Não không phải là phần cứng chứa đựng phần mềm là Tinh thần, nhưng cả hai cùng có một vai trò chung không thể tách nhau và vô cùng phức tạp. Câu „Tôi suy tư, nên tôi hiện hữu“ tuy nổi tiếng thật đấy, nhưng cũng có điểm bất cập. Là vì câu này không chỉ nói rằng, chỉ nhờ có tư duy mà tôi biết được về mình và về cuộc hiện hữu của mình. Mà nó cũng còn bao hàm nghĩa này: Việc suy tư và í thức về sự suy tư mới là nền tảng thật sự của hiện hữu. Nghĩa là, nó muốn ám chỉ rằng, việc suy tư này diễn ra hoàn toàn bên ngoài thân xác. Hiểu như thế, thì câu đó muốn nhấn mạnh sự tách biệt cực đoan giữa Tinh thần linh thiêng với Thân xác sinh lí. Không một nhà nghiên cứu não ngày nay nào còn có thể đồng í với điều mà cha tôi ngày trước đã viết ra giấy: ‚Tôi biết mình là một thứ vật chất, và đặc tính hay bản chất của vật chất này chỉ hiện hữu trong tư duy mà thôi; và để hiện hữu, vật chất này chẳng cần tới một địa điểm nào và chẳng bị lệ thuộc vào một cái gì vật chất cả. Vì thế cái Tôi này – hay cũng gọi là Hồn, nhờ Hồn mà tôi đang hiện thân như là tôi đây – hoàn toàn khác biệt với Thân xác; và nếu không có thân xác, cái Tôi đó vẫn tiếp tục hiện hữu như nó đang hiện hữu’. Nếu như điều này đúng, thì Tinh thần quả là một con ma trong một bộ máy. Nhưng không phải vậy. Là vì không có một địa điểm tách biệt và độc lập nào trong não gọi là „Tinh thần“ cả. điều này cũng không kém vô nghĩa như khi ta cho rằng, có một địa điểm gọi là „đại học“ hoàn toàn tách biệt và độc lập với những toà nhà, đường sá, sân cỏ và con người.

Trái lại, nghiên cứu não ngày nay biết rằng, các cảm giác và những sinh hoạt tinh thần thượng tầng không thể tách rời khỏi cấu trúc và cách làm việc của bộ máy sinh lí. Nếu không, thì họ sẽ hết việc làm: Họ chẳng cần phải nghiên cứu vùng não nào nữa, chẳng cần gọi tên các dòng điện và các hoá chất, bởi vì những thứ đó chẳng liên hệ gì với Tinh thần. Và ngược lại, nếu không có những thứ đó, sẽ chẳng ai nhận ra được Tinh thần ở đâu cả. Dĩ nhiên, việc khoanh vùng một phần não nào đó và liệt kê ra một số hoá chất cũng không đủ để gọi đó là Tinh thần con người. Í thức con người hình thành từ sự liên kết hoạt động của cơ thể và các kinh nghiệm của nó với môi trường. để hiểu Tinh thần con người, chúng ta không phải chỉ bỏ neo nó trong não bộ của chúng ta hoặc hình dung nó lơ lửng trong một không gian ngoài thân xác như Descartes nghĩ, mà chúng ta cũng phải học cách hiểu nó từ trong toàn thể bộ máy cơ thể của chúng ta. Giác quan của chúng ta, hệ thần kinh cũng như các Nơrôn của chúng ta, tất cả đều hoạt động trong tương giao qua lại với thế giới bên ngoài, với những gì chúng ta thấy, nếm, ngửi, nghe và cảm. Như vậy, câu hỏi: Do đâu tôi biết được tôi là tôi, có thể trả lời như sau: Tôi biết tôi là ai, là nhờ các giác quan của tôi chuyển tín hiệu tới các tế bào thần kinh trong não, từ đây, nhờ các mạch điện và qua một diễn trình vô cùng phức tạp, các tín hiệu được truyền rộng ra và tạo thành một cái gì lạ lùng vừa phức tạp vừa trừu tượng, chẳng hạn như cái biết về chính tư duy của tôi hoặc hình ảnh về chính sự hiện hữu của tôi“. 

đó là phần trình bày của nhà nghiên cứu não ở Boston. Nhưng người bố già đã bị ố danh

thời trận chiến ba mươi năm trước đây của ông cũng không hẳn hoàn toàn sai. Phải chăng nhà nghiên cứu não đã thật sự trả lời được câu hỏi: Do đâu tôi biết tôi là ai? để hiểu được não tôi hoạt động như thế nào, và để mô tả được các giác quan và các tế bào thần kinh của tôi đã phản chiếu cho tôi hình ảnh về tôi như thế nào, tất nhiên tôi phải suy nghĩ về chính những điều đó. Những diễn tiến này, dù có cụ thể tới đâu đi nữa, trước sau gì chúng cũng vẫn chỉ là những suy tư và quan niệm trong đầu tôi mà thôi! Như vậy thì câu của Descartes „Tôi tư duy, nên tôi hiện hữu“ vẫn có phần đúng. Nhưng chúng ta đừng nên hiểu câu đó theo nghĩa này: Suy tư của tôi tạo ra Thực thể của tôi, nghĩa là Thực thể của tôi tuỳ thuộc hoàn toàn vào Tư duy mà thôi. Hiểu như thế là sai. Song đúng ra nên hiểu câu đó như vầy: chỉ nhờ Tư duy mà tôi mới có được một quan niệm về Thực thể của tôi.

Như vậy, có hai cánh cửa hoàn toàn khác nhau để đi vào Thực thể của tôi. Tôi có thể bắt đầu với Tư duy của mình và tự hỏi, do đâu tôi có được những cái biết chắc chắn? đây là con đường của Descartes và qua đó cũng là con đường của Triết học tân thời. Phương pháp tự quan sát đã đưa Triết học tiến xa; nó dẫn Triết học vào một lối quan sát rất phản chiếu, và lối quan sát này đưa đến những khẳng định chủ quan về thế giới và dùng chủ quan để nghiệm chứng chúng. Phương pháp nhận thức khoa học này đang đứng trước lối cụt; nó gần như chẳng còn cung cấp cho ta đề tài mới lạ nào nữa. Con đường thứ hai là phương pháp nghiên cứu con người dưới lăng kính khách quan, nghĩa là cố loại trừ mọi cảm nhận cũng như tư duy riêng tư của người quan sát ra khỏi tiến trình nghiên cứu. đây là phương pháp của Khoa học tự nhiên ngày nay. Phương pháp này ít phản chiếu hơn, nhưng hiện đang có được nhiều lãnh vực hấp dẫn khắp nơi. Hai con đường, như vậy, thật khác xa nhau.

Nhiều nhà nghiên cứu não coi phương pháp tìm hiểu Tinh thần của họ là con đường độc nhất đúng. Họ bảo, cái gì trước đây là Triết học, thì nay nên để cho Sinh học Thần kinh làm. Nếu muốn biết mình là ai, con người cần phải học hiểu bộ não của mình. Khoa nghiên cứu não thay thế những phỏng đoán xưa nay về cảm giác, tư duy và hành vi của con người bằng một lối nghiên cứu khoa học tự nhiên loại trừ mọi ảo tưởng. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu não quên rằng, họ cũng chẳng phải là kẻ nắm giữ sự thật tuyệt đối. Chính mỗi khoa học tự nhiên cũng là một sản phẩm của trí tuệ con người, và rồi trí tuệ này lại được khoa học dùng những phương tiện của chính mình để nghiên cứu lại nó. Và khả năng nhận thức của trí tuệ con người tuỳ thuộc trực tiếp vào những yêu cầu thích ứng trong quá trình tiến hoá của con người. Não của chúng ta sở dĩ có được như nó đang có, rõ ràng là nhờ nó đã vượt qua được những vòng đua tiến hoá. Dù trong rừng hoang hay trong thảo nguyên, nhiệm vụ của nó không bao giờ là để tìm kiếm nhận thức hoàn toàn khách quan về thế giới. Vì thế, chẳng lạ gì chuyện nó không có được năng khiếu đặc biệt để làm chuyện đó.

Nếu như í thức con người không được đào luyện để tìm kiếm sự khách quan tuyệt đối, thì như đã nói, con người chỉ có khả năng nhận ra được những gì mà bộ óc đã được hình thành qua quá trình vật lộn tiến hoá cho phép nó nhận ra mà thôi. Mọi nhận định của khoa học tự nhiên đều lệ thuộc vào những điều kiện nhận thức của con người. Nếu các nhận định khoa học này không liên quan gì tới các nhận thức của con người, thì đã chẳng có tiến bộ, chẳng có mâu thuẫn hay sửa đổi nào cả trong các khoa học tự nhiên. Cả những tiêu chuẩn trong việc nghiên cứu, như các nguyên tắc không mâu thuẫn, có thể lập lại và có giá trị hay hiệu lực, cũng chẳng phải là những tiêu chuẩn độc lập, nhưng chúng chỉ là kết quả của nhận thức con người trong một thời điểm và một hoàn cảnh hiểu biết nhất định. Có những điều các nhà khoa học tự nhiên cách đây một trăm năm coi là bất biến, thì nay chẳng còn bất biến nữa. Liệu một trăm năm sau, những hiểu biết của chúng ta hiện nay lại có rơi vào hoàn cảnh giống như thế chăng?

Vì vậy, các nhà triết học trước sau vẫn có lí, khi họ dùng cái Tôi tư duy của mình để khởi đầu việc tìm hiểu từng bước cái thế giới họ đang sống. Nhìn như thế thì Descartes ngày nay cũng không kém tân tiến hơn Descartes cách đây bốn trăm năm. Nhưng các triết gia dĩ nhiên cũng cần biết rằng, tư duy của họ không thể nằm ngoài não bộ và nó không thể không nhờ tới não. Não suy tư, và não cũng tạo ra cái Tôi của tôi, cái Tôi suy tư, nên nó biết nó đang suy tư. Như vậy ở đây phải chăng Descartes có lí, khi ông dùng chữ „Tôi“? Lẽ ra ông đã phải nói: Rõ ràng, mỗi khi có nghi ngờ, thì có sự Suy nghĩ. Và như vậy, thay vì câu „Tôi tư duy, nên tôi hiện hữu“, thì sẽ là: Các Suy nghĩ của tôi đang suy nghĩ, mới phải chứ? Nhưng thôi, ta hãy quay lại cái „Tôi“ vừa là con đẻ vừa là mẹ đẻ của Tư duy ở trên để xem mặt mũi nó ra sao.

• Kinh nghiệm của ông Mách. „Tôi“ là ai?

Bình luận
720
× sticky