Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 28

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Naxos

Do be do be do, Thế nào là Tự do?

Chora là khu phố cổ của Naxos. Cũng giống như nhiều thành phố ven biển khác ở Hi-lạp, Naxos nằm cheo leo trên một triền đá màu vàng da bò. đâu đó lưng chừng triền đá có một khoảng đất với một quán nhậu. Những cây khuynh diệp đan xen giữa những mái nhà chen chúc, vươn ngọn màu rỉ sét lên trời. Thức ăn ở đó tạm được và tương đối rẻ. Vì thế, khu phố là nơi gặp gỡ hàng đêm cho đám du lịch ba-lô và các gia đình trẻ. đó đây rộn tiếng ồn ào của người lớn, các cô gái khúc khích, trẻ em nhảy như sáo trên sân. đó là nơi tôi dừng chân vào mùa hè 1985, nhân khi du lịch vùng này, và cũng chính là nơi khởi đầu cho những suy tư triết lí của mình. Lúc còn nhỏ, sau khi lỡ nuốt một hạt anh đào, tôi mất ăn mất ngủ với câu hỏi, liệu hạt đó có mọc cây trong bụng mình không. Và nỗi băn khoăn đó đã làm tôi đến với Sinh vật học, là môn học say mê đầu tiên của tôi. Nhưng điều dẫn tôi tới với Triết học, thì lại là vì một câu khắc trên đá. Ngay đêm đầu tiên nơi quán rượu ở Chora, tôi để í tới một tấm đá gắn trên tường phố, trên đó có khắc những câu sau đây:

To be is to do – Sokrates To do is to be – Sartre

Do be do be do – Sinatra

Về sau tôi hiểu ra, mấy câu tương đối nổi tiếng đó không do ai trong quán rượu sáng chế ra cả. Nhưng chúng rất mới lạ đối với tôi lúc đó. Chúng cứ đeo đuổi tôi mãi, không chỉ vì cảm giác ngộ nghĩnh ban đầu khi đọc chúng. Trong kì nghỉ đó, lần đầu tiên tôi đọc và tìm hiểu Sokrates. Có phải Sokrates đã nói: hiện hữu là hành động hay không, tôi không biết. Nhưng điều đó chẳng làm tôi bận tâm, là vì tôi đã hiểu ra rõ í nghĩa của sự hành động nơi triết gia này. Câu thứ hai mới rắc rối: Có thật hành động là hiện hữu không? Tôi đã nghe nói tới Sartre. Tôi biết, ông ta là một người dấn thân về mặt chính trị, đã có lần tới thăm Fidel Castro ở Kuba và thăm tay khủng bố Andreas Baader trong nhà tù. Nhưng điều đó chẳng soi sáng chút gì cho câu hành động là hiện hữu cả. Phải chăng con người phải có mặt (hiện hữu) trước đã, rồi mới có thể hành động chứ? Tôi thật không hiểu nổi câu trên. Có lẽ cũng có lí do để tôi không hiểu nó. Là vì giờ đây, tôi cho rằng cả hai ông, Sartre và Sokrates, đều lầm. Chỉ có Sinatra là đúng. Bài này sẽ bàn về cái đúng của Sinatra.

Sau lần du sơn du thuỷ ở Hi-lạp đó, tôi ghi tên học Triết tại đại học Köln. Ngay buổi học đầu, tôi quen với một cô gái cùng tuổi, tóc quăn đen và giọng nói thật trầm. Không biết cô có chịu cho tôi nêu tên ra ở đây hay không. Thôi thì cứ gọi cô là Rosalie. Lần đầu tiên bước vào phòng riêng của cô, với kệ sách mốt trẻ Ikea, các chậu hoa treo và chiếc giường nệm, tôi dán mắt ngay vào cuốn sách đặt trên bàn ngủ của cô: Les mandarins de Paris của tác giả Simon de Beauvois. Trong sách đó, bà triết gia nổi tiếng và là bạn của Sartre kể lại những năm bi quan lạ lùng của Paris sau thế chiến thứ hai. Rất đông những người học thức ở Pháp, trong đó dĩ nhiên có cả Beauvoir và Sartre, đã có những buổi thảo luận thâu đêm về cái vô nghĩa của cuộc đời, về sự thiếu thông cảm giữa người với người, và họ ước ao giải quyết những cái đó bằng một hành động lớn. Cuốn sách thuộc loại bán chạy, và dù được viết ra hơn ba mươi năm trước, nó vẫn quyến rũ Rosalie. Trước hết, vì nó gợi lên khung cảnh tuyệt vời của Paris. Cho tới thập niên 80, Paris vẫn là thành phố kích động nhất tại Âu châu – ít ra là trong tâm tưởng của các cô cậu sinh viên. Chỉ sau khi bức tường đông-đức sập vào năm 1989, đối với nhiều người trong chúng tôi, Paris đã bị Berlin thay thế. Mặt khác, Rosalie say mê cái quan niệm tự do tuyệt đối của cá nhân, mà cô ta đã đọc được nơi Sartre. Theo đó, mỗi cá nhân có quyền hoàn toàn tự do làm điều mình muốn, nó chẳng bị ảnh hưởng chút gì bởi xã hội và dấu ấn tâm thần nào cả. Nó hoàn toàn trách nhiệm cho chính nó. Nó tự „khám phá“ ra nó là ai, là gì. Cái công thức mà ngày nay khắp nơi được xã hội kĩ nghệ tiêu thụ làm sống đậy, rằng chính mỗi cá nhân phải tự nhận diện ra mình một cách mới, là do Sartre bày ra: „Bằng hành động, con người tạo ra khuôn mặt của mình“ – To do is to be.

Tôi cũng thích tư tưởng này: Mọi quyết định của tôi đều nhất thiết xuất phát do nơi í chí không bị trói buộc (nghĩa là do nơi í chí tự do) của tôi. Nhưng cho tới lúc đó, cả tôi lẫn Rosalie ít khi vận dụng nó vào thực tế cuộc sống. So sánh với các quan lại (mandarins) ở Paris, thì cuộc sống của chúng tôi ở Köln khá nhàm chán. Phải chăng nhàm chán là vì mình hèn nhát trước cuộc sống (không dám sống sổ chuồng tự do)? Tư tưởng này bắt tôi suy nghĩ, nó đồng thời khiến tôi khó chịu. Tôi mơ hồ thấy một cái gì đó không đúng. Phải chăng chỉ vì thiếu can đảm, hay còn còn có một cái gì ẩn đàng sau đó? Dù sao, nó đã làm thay đổi cuộc sống của Rosalie. Cô bỏ học, về Stuttgart ghi tên vào trường kịch nghệ. Nhưng kịch nghệ cũng chỉ là một nghề kiếm ăn. Rosalie tìm tới với những nhóm tự tìm hiểu bản thân, cô đi tìm cái „tôi“ bí ẩn của mình. Mỗi lần gặp nhau, tôi tìm cách sát phạt cô ta. Tôi nêu lên lí luận của Niklas Luhmann để tranh cãi. Nhà xã hội học Luhmann lúc đó rất nổi tiếng ở đại học Köln. Ông thầy, sau này đỡ đầu luận án cho tôi, lúc đó đã mang lí thuyết của Luhmann từ đại học Bielefeld vào phân khoa triết ở Köln. „Tôi là ai“, câu hỏi mà Rosalie bị tôi dồn dập tra khảo, (theo Luhmann) „trước sau gì cũng dẫn chúng ta vào ngõ tối, từ đó ta lại nhận ra mình một cách giả dối“. Lí lẽ của tôi chẳng thuyết phục Rosalie. Cô tìm tới bác sĩ chữa trị tâm lí. Tôi lại đẩy thêm một câu của Luhmann về chuyện chữa trị: „Chẳng biết ảnh hưởng của các nhà chữa trị tâm lí trên mặt luân lí đạo đức ra sao, chỉ biết là họ chắc chắn sẽ làm cho mình khiếp sợ“. Thời đó, tôi cho rằng việc chữa trị gần như là một điều gì trái ngược với công thức To do is to be của Sartre. Chữa trị là việc đi tìm một hiện hữu nào đó vốn có mặt trước mọi thứ khác. Và chính vì thế tôi xem đó như là một thứ gì không thật, một bóng ma.

Ngày nay, tôi nghĩ mình đã quá cứng rắn đối với Rosalie. Tôi đã vô tình đặt ra cho cô đúng cái tiêu chuẩn phán xét mà chính tôi vốn âm thầm ngờ vực, đó là: con người ta hoàn toàn tự do, chẳng bị một áp lực nội tại hoặc ngoại lai nào cả. Nếu con người đó đủ mạnh, thì chắc chắn hắn ta có khả năng tự giải phóng mình khỏi mọi thứ trói buộc. Tôi đã khẳng định với Rosalie, là chỉ có hành động mới đáng kể, chỉ có hành động mới là tiêu chuẩn để đánh giá con người. „Con người tạo ra khuôn mặt mình qua hành động“. đấy phải chăng là những đòi hỏi vượt quá sức con người? Làm sao mà Sartre đã đi tới được kết luận đó?

Quan điểm: con người sinh ra là „để tự do“ xuất hiện trong tác phẩm chính của Sartre: Hiện Hữu Và Hư Vô (L´Être et le néant). Cuốn sách là cuộc đấu lí với hai nhân vật gợi í triết học cho ông, đó là Edmund Husserl và Martin Heidegger. Husserl là cha đẻ khoa Hiện tượng luận. Cái mới nơi khoa này, là Husserl không muốn giải thích con người và thế giới như là những thực thể (Wesen) lẩn trốn hay như là một „hữu thể nội tại“ (inneres Sein) mang trong mình một số quy tắc và luật lệ, nhưng ông đã đi con đường ngược hẳn với Kant. Như cách thức làm việc của một nhà nghiên cứu não thời nay, Husserl đi tìm các điều kiện của kinh nghiệm con người. Kant có tìm hiểu các điều kiện nhận thức, nhưng đã không quan tâm tới những điều kiện của kinh nghiệm. Kant đơn giản coi kinh nghiệm là thứ phải có, nhưng đã không giải thích chúng rõ ràng. Ngược lại, Husserl đặt kinh nghiệm vào trọng tâm: Giác quan giúp ta nhận diện thế giới như thế nào? Vì không phải là nhà sinh vật học, Husserl đã dùng những hình ảnh và í niệm thật đẹp và sáng sủa để diễn tả nhận thức giác quan của chúng ta, đặc biệt diễn tả mối liên quan giữa thấy và biết. Martin Heidegger là học trò của Husserl; ông này là một khuôn mặt nhiều tai tiếng, ông đã dùng các tư tưởng của thầy mình để tạo ra một thứ triết lí cuộc sống, một thứ „thái độ“ đối với thế giới. Trong khi các í niệm của Husserl rõ ràng chính xác, thì ngược lại các chữ dùng của Heidegger khá tối tăm và huyền bí – mà cũng vì thế chúng có ma lực đối với nhiều người, trong đó có Sartre.

Năm 38 tuổi, Sartre cho ra đời tác phẩm quan trọng của mình. đó là năm 1943, đang lúc

Pháp bị quân đội Quốc Xã chiếm đóng. Chính những tay Quốc Xã được Heidegger ủng hộ này lại là đối thủ của anh kháng chiến quân Sartre. Hiện Hữu Và Hư Vô là một trong những cuộc đấu lí âm thầm chống lại Heidegger, vốn là nhân vật trước sau vẫn được Sartre khâm phục. Có lẽ chẳng có gì lớn hơn cái mâu thuẫn giữa một bên là vị thức giả đầu đàn của đệ tam Quốc Xã và một bên là ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời văn hoá Pháp. Bên này là một Heidegger xương xương, trưởng giả và gắn bó nặng tình với quê hương, cộng thêm phong cách đạo đức giả cả về chính trị lẫn tình dục của một tay cơ hội – bên kia là anh chàng Sartre mảnh khảnh, cao không quá 1,56 mét, ghét cay ghét đắng môi trường trưởng giả, đứng ngoài mọi đạo đức giả về chính trị lẫn tình dục, luôn cố gắng sống thẳng thắn và chân thực.

Bước vào những năm 40, Sartre ngoái nhìn trở lại quảng đời thiếu niên ưu đãi và trưởng giả mà mình đã trải qua trong gia đình ông bà ngoại. Là con trai của một sĩ quan thuỷ quân mất sớm và mẹ là người Elsass, Sartre được ông bà thuê thầy dạy riêng và sau đó vào trường trung học dành cho những học sinh ưu tú. Trường học và một khoá biểu làm việc đều đặn đã giúp ông có được một vốn liếng kiến thức rất lớn. Ông đọc nhiều, làm việc mỗi ngày từ 9 tới 13 giờ và từ 15 tới 19 giờ, khoá biểu làm việc này ông giữ suốt đời. Về mặt triết lí, ông xác tín rằng, trong con người chẳng có gì đáng tin đáng cậy, chẳng có quyền lực nào cao hơn nó mà cũng chẳng có quy luật đạo đức cuộc sống nào cả. Xưa, ông cảm thấy dư thừa trong gia đình ông bà ngoại thế nào, thì nay cũng thế, ông coi đời người chỉ là ngẫu nhiên và vô vọng. „Bị ném vào đời“, câu nói của Heidegger về hiện hữu con người này được Sartre chứng thực qua kinh nghiệm riêng tư của mình. Simon de Beauvoir vừa là bạn vừa là người yêu của ông. Thỉnh thoảng hai người – lúc đó ông đang dạy trung học – làm những cuộc phiêu du qua nhiều tỉnh thành nước Pháp. 1933, năm Hitler lên nắm quyền, Sartre đang ở Berlin một năm và bắt đầu viết cuốn truyện đượm chất tiểu sử của mình: Buồn Nôn (La Nausée). Sau khi về lại Pháp, ông và Beauvois thực hiện cuộc sống „tự do“ của họ tại Paris. Họ sống chung, không cưới, mỗi người một phòng riêng trong một căn hộ khách sạn. Trong giai đoạn đầu cuộc thế chiến, kể cả trong thời gian nhập ngũ, Sartre khởi sự viết cuốn sách về thời đại khai sáng. Thời gian bị Quốc Xã bắt tù ở Trier ông cũng được đối xử tốt. Năm 1941, ông được thả sớm hơn vì đau mắt. Ông cùng Beauvois lập một tổ kháng chiến chống lại chế độ Vichy thân đức của quân đội Pháp. Sartre viết các kịch bản, tiểu thuyết và bắt đầu khởi sự tác phẩm triết học chính. Sau khi quân Quốc Xã thua ở Stalingrad, ông liên lạc trở lại với Résistance và dấn thân hơn về chính trị. đầu năm 1943, dù lúc đó giấy khan hiếm, Hiện Hữu Và Hư Vô cũng được in, lúc này ông nổi tiếng lắm rồi, đã thành một nhân vật bản lề của giới thức giả Pháp lúc đó.

Hiện Hữu Và Hư Vô mang nội dung đơn giản. Theo Sartre, con người là loài vật độc nhất có khả năng sinh hoạt với những cái không hiện hữu. Các loài vật khác không có được khả năng suy tưởng phức tạp, chúng không thể nghĩ về cái đã qua hoặc chưa có. Con người trái lại, họ có thể nghĩ ra cái chưa hề có – họ có thể nói láo. Một sinh vật càng có khả năng suy tưởng bao nhiêu, nó càng tự do bấy nhiêu. Ngược lại, theo Sartre, điều đó có nghĩa là con người hoàn toàn trần trụi, chẳng có thực thể gì cả. Các loài vật khác hành động theo một khuôn mẫu nhất định và chúng được điều khiển bởi các phản xạ bẩm sinh. Còn con người thì không, nó phải tự tìm ra cho mình một mô mẫu hành động. „Hiện hữu có trước hữu thể“. đấy là điểm, theo Sartre, luôn luôn quên sót của các nhà thần học và triết học. Họ cứ đi tìm những mô mẫu và quy tắc để định nghĩa con người. Nhưng, vẫn theo Sartre, trong một thế giới chẳng có Thiên Chúa thì việc xác định con người bằng các giá trị và bằng các châm ngôn đạo đức bó buộc kia là điều vô nghĩa. điểm nền tảng duy nhất nơi con người là những cảm giác của nó: buồn nôn, sợ hãi, âu lo, chán và cảm giác về cái phi lí. Sartre gọi triết học của mình là Hiện sinh luận (Existentialisme). Có lẽ do hậu quả kinh nghiệm chiến tranh, nên Sartre nói nhiều tới tới các cảm giác tiêu cực và ông triệt để chống lại tất cả những gì những người đi trước phóng chiếu trên con người. Nhưng tinh thần phản kháng lại tính trì trệ và nỗi hư vô nơi ông cũng mạnh không kém. Phải kháng lại (Quốc Xã) và dựng xây lên một cái gì mới. Về mặt triết học, cảm giác đó của Sartre được diễn tả ra bằng vô số những lời kêu gọi hành động: „Con người là sản phẩm của chính nó“ hay „Thực tại chỉ hiện hữu qua hành động“. Không thể chấp nhận được một con người chỉ biết ăn không ngồi rồi và mơ màng luẩn quẩn. đó là thái độ trốn chạy chính mình và trốn chạy trách nhiệm. Tất cả những thứ đó, theo Sartre, là tự dối mình.

Vì thế, triết gia hiện sinh có một vai trò thật lớn. Qua tác phẩm xuất hiện sau đó, Chủ Nghĩa Hiện Sinh Và Chủ Nghĩa Nhân Bản (L’Existentialisme est un humaniste), Sartre định nghĩa triết gia là người hướng đạo khai sáng. Vai trò của hắn là nhắc nhở người khác sống trong tự do để triển nở bản thân. đối với Sartre, quan trọng nhất là cái „dự phóng“ mà mỗi người tự vạch ra cho mình: „Con người trước hết là một dự phóng; chẳng có gì có trước dự phóng đó, và con người tiên vàn là cái mà nó đã tự vạch ra cho mình“. Và ngược lại, cũng theo Sartre, í chí chỉ là cái đến sau dự phóng kia: Trước hết, con người vạch ra chương trình cho mình, sau đó nó mới đưa ra một í chí theo đuổi chương trình đó. Quả thật, Sartre đã xác quyết chính điều đó: „’Muốn’ là một quyết định đầy í thức mà đa số người trong chúng ta dùng để đeo đuổi cái mà ta đã tự vạch ra cho mình.“ Tư tưởng này không những làm mê hoặc bạn gái Rosalie của tôi, nó còn gây hứng khỏi cho cả một thế hệ hậu chiến, thúc đẩy họ tự đặt ra „dự phóng“ cho đời mình. Nhưng những dự phóng rất cá nhân này lại giống nhau lạ lùng: các cô cậu hiện sinh đều ăn mặc màu đen, thơ thẩn qua lại giữa các phòng trà nhạc Jazz tới giảng đường đại học, từ rạp xi-nê tới quán cà-phê – một mốt sống đồng phục lạ lùng.

Sartre mất năm 1980, chấm dứt một cuộc sống đầy kích động và lôi cuốn. Ông là vị học thức (trí thức) người Pháp quan trọng nhất của thế kỉ 20 và là một thẩm quyền đạo đức được nhiều người coi trọng. Nhưng quan niệm về Tự do của ông có thực tế không, cái đó còn phải xét lại. Phải chăng mỗi cá nhân hoàn toàn có tự do, không bị ảnh hưởng bởi các áp lực trong ngoài? Phải chăng mỗi cá nhân có thể tạo dự phóng cho mình, như người nghệ sĩ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật? „Chương trình“ mà mỗi người tự lập ra cho mình phải chăng có trước í chí? Nếu

Sartre có lí, thì con người không những có khả năng tự giải thoát khỏi mọi áp lực xã hội, mà còn làm chủ được các bản năng, thói quen, ước muốn, khuôn phép, các quan niệm đạo đức và những phản ứng được khắc ghi từ tuổi ấu thơ. Như vậy, người ta chỉ cần chút can đảm để vượt qua và xoay chuyển các hoàn cảnh bên ngoài và bên trong mà thôi. „Tự triển nở bản thân“, theo nghĩa của Sartre, như vậy trước hết là một thứ kiểm kê tâm thần. Dọn sạch các loại hàng ế đọng, rồi chất lên kệ những hàng mới. Tôi bị nền giáo dục tiểu tư sản ngăn cản ư? Thì đơn giản vất nó đi, vì tôi thích sống cuộc đời kich động và lôi cuốn của một nghệ sĩ hơn! Kant cũng đã dành cho í chí một sức mạnh ghê gớm: Con người có tự do quyết định và họ quyết định cách hợp lí. Nhưng với Kant, hành vi quyết định tự do này đồng thời có nghĩa là hành động theo hướng tốt, nó tuân theo cái „luật đạo đức“ đã nằm sẵn trong con người; như vậy hành động này cũng đã bị hạn chế ghê gớm. Một cách nào đó, suy nghĩ của Sartre cũng không xa cái „luật đạo đức“ có sẵn của Kant. Tuy nhiên, phương trình của Sartre có dạng như sau: Tự do có nghĩa là tự quyết định lấy đời mình và hành động tự quyết này vốn là điều tốt. 

Chỉ riêng vấn đề tự do í chí mà thôi, thì các nhà nghiên cứu não bộ ngày nay chủ trương hoàn toàn ngược lại Sartre (xem chương Thí nghiệm Libet). đối với họ, con người không tự do. Thứ nhất, con người là một sản phẩm của toàn bộ cơ thể và kinh nghiệm của họ cũng như của nền giáo dục mà họ đã nhận. Và thứ đến: Chính vô thức, chứ không phải í thức, điều khiển những hành vi của con người. Ngay cả khi tôi thoát ra được khỏi nhiều áp chế từ bên ngoài, thì những mong muốn, í hướng và ước vọng của tôi, trong nhiều trường hợp, vẫn không tự do. Không phải tôi làm chủ các nhu cầu của tôi, nhưng các nhu cầu điều khiển tôi! Và chính vì thế mà tôi hoàn toàn không tự „khám phá ra mình cách mới“ được, đó là quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu não bộ. 

Quan điểm trên đây quả là một tin chẳng vui chút nào đối với thuyết Tự do đầy quyến rũ của Sartre. Trong cuốn tiểu thuyết mà tôi một thời say mê  Con Người Không Phẩm Chất (Der Mann ohne Eigenschaften), tác giả Musil cho hay, bên cạnh „Cảm thức về thực tại“

(Wirklichkeitssinn) còn có một „Cảm thức về khả thể“ (Möglichkeitssinn) nữa trong cuộc sống. Từ thủa thiếu thời nơi vùng quê khủng khiếp của tôi cho tới nay, tôi vẫn luôn ước ao tìm ra được những phương cách nào đó để thay đổi tình trạng cuộc sống mình. Nhưng nếu không có tự do í chí để thực hiện điều đó, thì „Cảm thức về khả thể“ kia còn có nghĩa gì? Nếu kinh nghiệm, giáo dục và học vấn của tôi quả thật dẫn tôi vào vòng lệ thuộc xã hội, thì hành động của tôi, trên thực tế, chỉ là lập lại những chương trình xã hội, chỉ là trò chơi vai trò, chỉ là chấp hành những quy tắc và làm theo một kịch bản xã hội mà thôi. Cái mà tôi gọi là í chí của tôi, tư tưởng của tôi, tinh thần của tôi, tất thảy chỉ là phản ảnh những í hệ và những mô mẫu văn hoá đã có. Nói khác đi: Tôi chẳng có một í chí và suy tưởng riêng nào cả, mà chỉ sao chép những thứ ấy cho mình mà thôi. Ông Gerhard Roth, nhà nghiên cứu não ở Bremen, cho hay, đó cũng là quan điểm của giới nghiên cứu não: chẳng có í chí và tư tưởng riêng. Cái mà tôi gọi là tự do í chí, thật ra chỉ là một sao chép, mà tôi lại gán cho nó chữ ‚tự do’ một cách trái phép. Sở dĩ như thế là vì í thức của ta quá tự kiêu. điều mà vùng não trước (Cortex) nằm sau trán tôi coi là thành tích riêng của nó, thật ra đó chỉ là công tác phục vụ của một người giúp việc: „Lí trí của chúng ta được ví như một ban chuyên viên để cho tâm não (Limbic) – cơ quan điều khiển động thái con người – sử dụng“. Như vậy, những kẻ thật sự quyết định „bật công tắc“ cho các hành vi con người đều ngồi nơi tâm não. Chúng là những chuyên gia của kinh nghiệm và cảm xúc, là những người quản lí ngồi trong vương quốc cảm giác, mặc dù chúng chẳng hiểu chút gì về những suy nghĩ và tính toán rắc rối cả. Dù vậy, chỉ có Hệ Limbic là kẻ duy nhất ra lịnh cho chúng ta rốt cuộc phải làm gì, nghĩa là một mình nó quyết định đâu là điểm „có thể chấp nhận được về mặt tình cảm“ (emotional akzeptabel) để ta theo đó hành động.

Đúng là có sự can thiệp của quyền lực bóng đêm vô thức. Nhưng câu hỏi đặt ra: Cái gì diễn ra sau đó? đối với ông Gerhard Roth, cái tự do mà ta đã trình bày trên đây là chuyện ảo tưởng. Có thể cho là như thế. Nhưng ta cũng có thể hỏi, phải chăng tự do í chí tồn tại hay sụp đổ tùy theo mức độ ta thông suốt những lí do đưa đến cảm xúc? Nói cách khác: Tôi phải thông suốt mình và kiểm soát mình tới mức nào, để ông Roth ít ra chấp thuận cho tôi có được một tự do í chí nào đó?

Hãy thử minh hoạ điều trên bằng một thí dụ: Trong khuôn khổ những khả thể giới hạn của tôi, tôi tin là tôi biết rất rõ về mình. Trước đây, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình cảm, mỗi khi phải đối phó với một quan điểm triết học hay chính trị ngược lại với mình. Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi thường hay bực bội và đam mê. Ngày nay, tôi thường có được bình tĩnh trong các cuộc tranh luận. Trước đây tôi ít muốn chế ngự cảm xúc trong tôi bao nhiêu, thì ngày nay các cảm xúc thường tuân theo í chí của tôi bấy nhiêu. đó là nhờ kinh nghiệm. Ngày nay, mỗi lần bước vào một cuộc tranh luận, tôi luôn tự nhủ, mình phải bình tĩnh, và thường thì tôi giữ được bình tĩnh. Như vậy, có thể nói: Các cảm giác của tôi đã dần dà tuân thủ sự chỉ huy của lí trí. Phải chăng đó không phải là bằng chứng cho thấy, không những cảm giác ra lệnh cho lí trí, mà ngược lại, lí trí cũng chỉ huy cảm giác? Nếu đi vào chi tiết của thí dụ trên đây, dĩ nhiên ta thấy vấn đề phức tạp hơn. Là vì, khi tôi tìm cách ngăn chặn tính đam mê của tôi, thì đó chẳng phải là nhiệm vụ của lí trí mà thôi, mà các cảm giác hiển nhiên cũng có ít nhiều liên hệ trong đó. Phải chăng đã nhiều lần tôi giận mình, sau những cuộc tranh luận sôi nổi? Quyết định giữ bình tĩnh, như vậy, hoàn toàn là chuyện „có thể chấp nhận về mặt tình cảm“ hoặc nó là điều mong ước về mặt tình cảm. Dù lúc đó í chí của tôi cũng đồng thời ảnh hưởng trên tâm tính tôi. Tôi giữ bình tĩnh, cho dù có xẩy ra những điều xem ra „không thể chấp nhận được“ về mặt tình cảm đối với tôi. 

điểm quyết định trong thí dụ trên: Cảm giác là thứ có khả năng tập thành! điều làm tôi lúc

nhỏ sợ hãi, thì nay chẳng còn tác dụng gì nữa. điều mấy tháng trước đây gây cho tôi phấn chấn, nay trở thành chuyện thường tình. Và việc tập thành này của cảm giác tất nhiên có ít nhiều liên hệ với lí trí của tôi. Như vậy, cảm giác và lí trí thấm đượm suốt tiểu sử của tôi. Cái này hằn nét trên khung hình của cái kia. Ngay cho dù, trong một hoàn cảnh hành động cụ thể nào đó, có sự quyết định của cảm giác, thì về lâu về dài, lí trí trong hậu trường của tôi cũng tác động lên cảm giác của tôi. Dù rằng các phương pháp của khoa nghiên cứu não hiện nay chưa thể ghi nhận và mô tả được tiến trình ảnh hưởng hỗ tương lâu dài đó, điều này không có nghĩa là tiến trình đó không xẩy ra. Là vì, nếu không có cảm giác tập thành, thì người lớn, trong mọi hoàn cảnh, sẽ phản ứng và quyết định như trẻ con. Và như vậy, khắp nơi sẽ tràn đầy chết chóc và tội ác! 

Như vậy, ta có thể nói: đúng, chúng ta cách nào đó có tự do, vì chúng ta hoàn toàn tự quyết định cho đời mình. Nhưng tự do này bị hạn chế bởi kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta bị bao vây bởi chính lịch sử cuộc sống của mình. Con người là khuôn khổ của chính nó. Nhưng trong khuôn khổ đó có thể có nhiều đổi thay xẩy ra. Dù sao, cần coi chừng, không nên vẽ cái tự do đó quá lớn hoặc quá nhỏ. Là vì, ai không tin gì cả nơi mình, kẻ đó không thể trưởng thành. Và ai muốn thực hành hết cỡ cái tự do nội tâm như Sartre quan niệm, người đó sẽ chóng cạn kiệt sinh lực. Con người không tự đặt chương trình cho mình, rồi sau đó mới khoác vào mình một í chí phù hợp với dự án. Vì thế chẳng lạ, chủ nghĩa hiện sinh, cũng như mô hình „yêu người như yêu mình“ của Kitô giáo và những đòi hỏi tâm thần quá mức của chủ nghĩa cộng sản (xã hội chủ nghĩa), đã sớm bị quên lãng.  

Vì có sự tương thuộc mạnh mẽ nhưng rốt cuộc ảnh hưởng trên nhau giữa lí trí và các cảm giác, nên ta không thể đoán trước được động thái của con người. điều mày cũng cắt nghĩa cho việc tại sao có nhiều tư tưởng hay mà chẳng ai thực hiện, và ngược lại cũng đã có những quyết định thật đẹp: Anh nghiện rượu nhất quyết chia tay nàng lưu li, người tư chức hiên ngang nói lên quan điểm của mình cho chủ biết. Những hành động này có thể gây bất lợi cho cá nhân, nhưng chúng cũng có thể có lợi cho toàn xã hội. Một thế giới, trong đó mỗi người muốn nhất nhất triển nở nhân cách mình theo í muốn riêng, thế giới đó sẽ chẳng phải là thiên đường. Và có lẽ ta cũng nên nghĩ rằng, có nhiều áp lực ngoại tại hẳn mang lại hiệu quả tích cực. đối với nhiều người, chúng cung ứng cho họ sự ổn định và an ninh. Tìm mọi cách để loại chúng, không hẳn là điều có lợi cho tất cả mọi người. Thoát ra khỏi mọi trói buộc gia đình, mọi gắn bó với quê hương, mọi kỉ niệm thân thương chưa chắc là điều mà ai cũng muốn.

Như vậy, câu trả lời cho vấn nạn: Nền tảng tâm thần quyết định hành động hay hành động chỉ huy tâm thần, sẽ là: Cả hai đều quyết định trên nhau. Các hành động của tôi và các  trạng thái não bộ của tôi giao thoa với nhau. Một chuỗi không ngớt từ hành động và hiện hữu, hiện hữu và hành động: Do be do be do. Khả năng tự chủ hay lệ thuộc đó lớn hay nhỏ tuỳ vào mỗi người. Và chúng thay đổi tuỳ hoàn cảnh sống. Và nhân cách tôi có triển nở được không, điều này cũng còn tuỳ vào khả năng tài chánh của tôi nữa. Như vậy, chúng ta bước sang một đề tài mới cũng cần phải bàn trong liên quan với đề tài Hạnh phúc và Hi vọng: Tương quan giữa Tự do và Tư hữu. Tiền bạc giúp ta thêm tự do hay lại dìm ta trong lệ thuộc?

• Rác rưởi của Robinson. Chúng ta có cần tư hữu không?

Bình luận