Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 16

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

London

Nên để cô Ba sống 

Có được phép giết người không?

Trời ơi, cô Ba của tôi! Cả cuộc đời cô đay nghiến hết người này đến người nọ. Cũng may cô không có con. Vì thế, cô mới làm tội làm tình em của cô là cha tôi. Mấy gia đình hàng xóm cũng khốn khổ với cô từ mấy chục năm nay, vì không ngày nào không có cãi cọ vì biên giới vườn tược và vì con chó của cô cứ sang làm bậy trong vườn người ta. Nhất là con chó! Một chú khuyển nhỏ hay cắn bậy, mà cô cứ thả cho nó nhảy ra xông tới người đưa thư bưu điện. Một bà cô đúng là trời đánh thánh đâm.

Tôi còn quên điều này: Cô có nhiều của nhiều tiền. Giàu nứt vách. Albert, người chồng chết sớm của cô, để lại cho cô một gia tài lớn. Và cô đã đầu tư đúng vào chuyện mua bán nhà cửa, vào công trái và chứng khoán. Cô Ba sở hữu nhiều triệu bạc. điều may mắn nhất: chính tôi là người thừa kế. Cô năm nay bảy mươi tuổi, nhưng lại khoẻ như vâm. Cô không hút thuốc, không uống rượu, chẳng màng gì tới bánh ngọt. Cô không tha thiết gì khác ngoài chuyện tiền bạc. Chắc cô sẽ sống tới 90 hay 100 tuổi. Mà nếu cô sống tới trăm tuổi, thì tôi đã trên bảy mươi. Và như vậy, tôi còn biết dùng tiền đó làm gì nữa. đôi khi tôi thầm mong cho cô Ba mau chết, chết ngay ngày hôm nay càng tốt.

Phải chăng có những lí do cho phép ta giết một người xấu, để làm một cái gì đó tốt hơn? Phải chăng có một triết thuyết đáng tin biện hộ cho việc chết sớm của cô Ba? Tôi chợt nghĩ ngay tới thuyết Duy lợi (Utilitarismus).

Jeremy Bentham sinh năm 1748 tại Spitalfields gần London. Ông xuất thân từ một gia đình giàu có với khuynh hướng bảo thủ về mặt chính trị và học trường Westminster School, một trường dành cho con cái của thành phần thượng lưu trong thành phố. Triết gia John Locke, kiến trúc sư Christopher Wren và nhạc sĩ sáng tác Henri Purcell cũng đều đã học ở trường này. Năm 1760, bố mẹ gởi cậu bé đầy tài năng, lúc đó mới 12 tuổi, vào đại học Queen’s College ở Oxford. Cậu xong cử nhân luật lúc 15 tuổi. Năm 24 tuổi cậu mở văn phòng luật sư tại London, nhưng bước đường tương lai của cậu rồi đây sẽ rất khác, không như điều kì vọng của gia đình cậu. Bentham ca thán bực dọc về tình trạng luật pháp và toà án ở Anh giữa thế kỉ 18. Thay vì hành nghề luật sư, anh muốn cải tổ luật, muốn làm cho nó trở nên hợp lí và dân chủ hơn. Nhờ gia tài kếch xù của người cha để lại sau khi mất năm 1792, anh chẳng phải lo lắng gì về tình trạng tài chánh gia đình. Suốt bốn mươi năm dài anh chỉ có mỗi một việc viết sách, mỗi ngày viết từ 10 đến 20 trang giấy. Vì chán những khoản điều li chi của luật hiện hành, Bentham sai một học trò của mình chép lại những đề nghị cải tổ bộ luật dân sự của anh, rồi cho in những nội dung đó thành như một bộ luật mới. Bentham là một con người đầy thiện cảm và đáng cho ta để í. Dân Pháp muốn qua cuộc Cách mạng của họ phá bỏ các giai cấp ưu đãi tăng lữ và quý tộc như thế nào, thì Bentham cũng muốn xã hội Anh phải được tự do và phóng khoáng như thế. Ông nghĩ tới các cải cách xã hội, dấn thân cho việc tự do ngôn luận, đưa ra đề nghị làm sao cho nhà tù trở nên nhân bản hơn và yểm trợ phong trào nữ quyền vừa chớm nở.

điểm xuất phát của ông luật gia này rất đơn giản và quyến rũ: Hạnh phúc là tốt, bất hạnh là

xấu! Nếu điều này đúng, thì Triết học và nhà nước cũng cần đi theo con đường đó. Mục tiêu của xã hội là phải giảm thiểu tối đa lượng bất hạnh và tăng gia hạnh phúc cho tất cả mọi người, hoặc ít ra cho đại đa số người. Một biện pháp càng tạo ra được nhiều hạnh phúc bao nhiêu, nó càng có ích và tốt bấy nhiêu. Nguyên tắc này Bentham gọi là chủ nghĩa Duy lợi. Khi ông chết già vào năm 1832, tên tuổi của ông đã được cả thế giới biết đến. Dù ông tự coi mình là người có khuynh hướng tự do, những nhà cách mạng Pháp và những người cộng sản Pháp sau này rất có cảm tình với thuyết của ông. Và ba tiểu bang ở Hoa-kì, New York, Nam Carolina và Louisana đã chấp nhận cho mình bộ luật mà ông đã khởi sự.

Hạnh phúc là tốt, bất hạnh là xấu, nguyên tắc này xem ra thật thuyết phục. Thế tại sao ta không dùng nó áp dụng cho cô Ba của tôi? Trước hết, bà cô tôi chẳng mang lại cho trần gian chút hạnh phúc nào cả. Cô chỉ có làm hại, chẳng hạn làm hại những gia đình bên cạnh và cho bác đưa thư. Số tiền trong nhà băng của cô cũng chẳng mang lại sự tốt lành nào. Giả như tôi có số tiền đó, tôi có thể làm được bao nhiêu điều lợi cho chính tôi và cho những người khác! Chẳng hạn tôi sẽ giúp cho ông bạn bác sĩ có bệnh viện chữa trị các trẻ em bị ung thư máu. Và giúp cho một cô bạn đang dấn thân giúp cho các trẻ bụi đời ở Ba-tây. Nếu tôi có số tiền của cô tôi, tôi sẽ chuyển cho hai người đó trên một triệu đồng. Và như vậy, đùng một lúc, có biết bao nhiêu hạnh phúc nở dậy trong trần gian! Tôi như thấy trước mắt nụ cười của các em lành bệnh và của các em vô gia cư ở Ba-tây được đi học lại nhờ tiền tôi cấp. 

để giấc mơ đó được hiện thực, chỉ còn có một một việc… Không, không những tôi được

phép làm – mà tôi phải giết bà cô! Là vì nếu Bentham có lí, thì tôi phải loại cái vật cản già nua ấy đi. Chỉ có một điều duy nhất phải nghĩ ngợi, là làm sao cho cô bước qua thế giới bên kia một cách nhẹ nhàng êm thắm và không biết được kẻ chủ mưu. Ông bạn bác sĩ của tôi trên đây hẳn sẵn sàng cho cô một mũi chích, và biết đâu như thế sẽ tránh được cho cô một cái chết già đau đớn về sau. Chẳng còn ai phải khóc lóc. Và hẳn các gia đình nhà bên sẽ sung sướng, vì bà già chết tiệt kia không còn nữa! Họ giờ đây an tâm làm vườn, bác đưa thư an tâm làm nhiệm vụ mình, ông bác sĩ cấp giấy chứng nhận đó là một cái chết bình thường, và chẳng ai quan tâm điều tra. Sự việc đơn giản và rõ ràng như ban ngày. Phải chăng trong trường hợp này, tôi phải giết một người vì bổn phận đạo đức?

Chúng ta cẩn thận lược lại luận chứng một lần nữa: Nếu tôi giết cô tôi, để cứu các em bé bệnh tật và nghèo đói, thì rõ ràng đó là tôi đã tạo ra một cân đối tối ưu giữa hạnh phúc và đau khổ của những người trong cuộc. điều đó cũng có nghĩa: Hạnh phúc mở ra cho nhân quần đó biện minh cho việc làm xấu của tôi đối với một cá nhân. Tới đây, không có gì khó hiểu. Nhưng ông Bentham sẽ nói gì, khi tôi dùng lí thuyết của ông để biện minh cho việc giết người? Quái lạ, ông đã không viết một chữ nào về hậu quả rất gần gũi với triết thuyết này của ông. Tất cả những gì tôi biết, là (cho đến nay) ông đã không chủ trương đầu độc bà cô để hưởng gia tài, vì thật ra chẳng cần làm chuyện đó. Và ông cũng đã không viết những lời kêu gọi đánh đổ độc tài, đánh đổ đám đại điền chủ và bọn bóc lột bất nhân. Ông là người có tinh thần tự do, và ông đã để cho người ta tự do theo hay không theo thuyết của ông.

Nhưng với tôi, điều đó không đủ. Tôi cứ suy nghĩ mãi, không biết Bentham sẽ nói gì, khi người ta giết người chỉ vì sự cân nhắc giữa đau khổ và hạnh phúc. 

Lúc tôi mười hai tuổi, lần đầu tiên được cha mẹ kể cho nghe về những trại tập trung của Quốc Xã, trong đó tám triệu mạng người đã bị giết tàn nhẫn. Lúc đó tôi tự hỏi, tại sao lại chẳng có mấy ai nghĩ tới việc giết quách Hitler, để ngăn cản cái đau khổ kinh hồn đó. Với quan điểm của Bentham thì chuyện như hai năm rõ mười: được phép giết tên bạo chúa với những trại tập trung và chuyên gây rối hoà bình thế giới, bởi vì hậu quả bất hạnh do nó tạo ra lớn hơn bất hạnh cái chết của chính nó. 

Quan điểm này có thể áp dụng cho trường hợp của cô tôi chứ? Cái chết của cô sẽ mở ra bao nhiêu là hạnh phúc chung. Nhưng ở đây có lẽ Bentham chỉ nhếch mép mỉm cười. Có thể ông sẽ hỏi tôi đã có khi nào nghĩ tới điều này chưa: Xã hội sẽ ra sao, nếu thí dụ bà cô của tôi được thiên hạ áp dụng tràn lan?

Hàng triệu người: những kẻ hưởng gia tài, những kẻ chống đối, những tay chính trị, các ông chủ xí nghiệp lớn và cả các tù nhân hay người tâm bệnh không có thân nhân sẽ phải lo lắng, không biết lúc nào đến lượt mình sẽ nhận được mũi chích nhẹ nhàng. Xã hội sẽ hoảng loạn chừng nào? Hoảng loạn đó sẽ đi vào quảng đại quần chúng như thế nào?

Có thể tôi gặp may, vì âm mưu của tôi đối với bà cô không bị tiết lộ. Nhưng khi tôi cho rằng, hành động của tôi là hợp lí, thì hành động đó phải được chấp nhận trên nguyên tắc. Và khi nó được chấp nhận trên nguyên tắc, thì nó phải có giá trị cho mỗi người. Và biết đâu, có ngày sẽ đến lượt tôi phải chết, vì thằng cháu muốn hưởng cái gia tài của tôi. Và cả tôi nữa cũng chẳng còn an tâm về cuộc sống của mình. để nguyên tắc về hạnh phúc tốt và bất hạnh xấu có thể áp dụng được một cách có í nghĩa, theo Bentham, trước hết phải rõ: đau khổ và niềm vui không phải như những con tính đơn giản, cứ làm phép cộng trừ rồi ra quyết định về chuyện sống hay chết. Nếu như thế, xã hội sớm muộn sẽ sụp đổ.

điều đó đúng. Nhưng phải chăng hai nguyên tắc căn bản trong triết thuyết của Bentham

phù hợp với nhau? Một mặt, hành động tốt là hành động đưa tới một lượng hạnh phúc lớn. Mặt khác, Bentham lại coi việc giết người là một trường hợp ngoại lệ. Nhưng ông đã chẳng đưa ra những lí do đạo đức thật thuyết phục nào cho sự ngoại lệ đó. Như vậy, lí do chống lại việc giết hàng ngàn người phiền toái – và cả chống lại việc tra tấn người – chỉ là vì để giữ ổn định cho xã hội, chứ không phải là do đạo đức cá nhân. Ngược lại với điểm này, Immanuel Kant đã gán cho mỗi người một Nhân phẩm, nhân phẩm này có giá trị vượt trên mọi giá trị khác. Theo đó, „một mạng người không thể đem ra cân nhắc với một mạng người khác được“.

Tính toán của Bentham về đau khổ và hạnh phúc và quan niệm của Kant về sự cao cả tuyệt đối của mạng người là những mâu thuẫn không thể dung hợp được. Nhưng cái nào trong hai thuyết phục hơn? Phải chăng vì đạo đức ta không được giết Hitler, dù để tránh được những đau khổ và bất hạnh? Phải chăng tín điều về nhân phẩm của Kant ở đây vẫn có giá trị tuyệt đối? Trong những trường hợp kém hại hơn, như trường hợp cô Ba, vấn đề lại khác. Ta có thể nói rằng, dù sao cô Ba không tích cực (aktiv) tạo ra quá nhiều thiệt hại. Và cái khác biệt giữa hành động tích cực và sự đểu giả tiêu cực này không phải là chuyện nhỏ nhặt, như trong bài trước cho thấy. Không phải là chuyện nhỏ, cả nơi việc đánh giá nạn nhân cũng như trong việc đánh giá thủ phạm. Nhưng đối với Bentham, không có sự khác biệt này – ít nhất về phía thủ phạm. Chắc chắn ông có thể sẽ làm cả hai: cả bẻ ghi lẫn xô người đàn ông trên cầu xuống. Bởi vì Duy lợi của ông chỉ quan tâm tới cái lợi đạo đức của một hành động mà thôi. Và như ta đã thấy, ở đây chẳng có khác biệt nào giữa việc chủ động giết người và việc phải chấp nhận cái chết. Nhưng con người rõ ràng không phải chỉ là một con thú lô-gích, như công thức lô-gích của Bentham. Còn có những nguyên tắc đạo đức khác quan trọng hơn sự công bằng /công lí – và chủ nghĩa Duy lợi còn phải giải quyết điểm này, là không ai được diễn giải công lí theo quan điểm riêng của mình (do mình cảm nhận). Nhưng dù sao con người vẫn có những trực giác không thể coi thường và chúng không thể dễ dàng tách khỏi đạo đức được. đạo đức và luật pháp không đặt nền trên các trực giác, nhưng dù vậy, chúng cũng không hoàn toàn tách biệt khỏi trực giác, nếu không chúng sẽ thành ra bất nhân.

Như vậy, hãy để cho cô Ba sống. Và ta nên tránh lấy thước lợi hại mà đo giá trị mạng sống. Nhưng vẫn còn câu hỏi gai góc chưa có trả lời rõ ràng, đó là làm sao biện minh Giá trị của cuộc sống một cách khác. Giá trị đó đến từ đâu? Và nó bắt đầu từ đâu?

•Sự hình thành của Phẩm giá. Phá thai là chuyện hợp đạo đức?

Bình luận