Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 3

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Madrid

Vũ trụ tinh thần.

Não của tôi hoạt động như thế nào?

Trên thế giới này, cái gì phức tạp nhất? Một câu hỏi khó, nhưng cũng không đến nỗi quá khó đối với các nhà khoa học. Câu trả lời của họ: Bộ não con người! Nhìn từ bên ngoài, bộ óc chẳng có gì thật đặc biệt. Nó cân nặng khoảng một kí rưỡi, mang hình dáng một hạt dẻ rừng đầy đặn và mềm mại như một quả trứng mềm. Nhưng trong nó chứa đựng một bộ máy có lẽ khúc mắc nhất trần gian. Một trăm tỉ (100 000 000 000) tế bào thần kinh tương tác với nhau qua tới năm trăm ngàn tỉ (500 000 000 000 000) mạch nối. Người ta bảo, lượng mạch nối đó tương đương với tổng số lá cây rừng miền lưu vực sông Amazona bên Nam Mĩ.

Cho tới khoảng 120 năm về trước, hầu như chẳng có ai biết gì về đời sống bên trong của bộ não. Những nỗ lực tìm hiểu nó trước đây cũng giống như lấy đèn pin chiếu vào bầu trời đêm. Kể cũng lạ, hầu như ngày nay chẳng có ai biết tới người đầu tiên khám phá ra các chức năng và sự hoạt động cơ bản của bộ óc. Nếu lập một danh sách thật khách quan về những nhà nghiên cứu và tư tưởng nổi danh nhất trong thế kỉ 20, thì không thể không có tên tuổi của Santiago Ramón y Cajal. Vậy mà không một cuốn sách tiếng đức nào đề cập tới tiểu sử của ông.

Cajal sinh năm 1852 ở Petilla de Aragón trong vùng Navarra nước Tây-ban-nha. Ông kém Nietzsche 8 tuổi. Khi Cajal sinh ra và lớn lên, thì bên London Darwin đang bắt đầu viết cuốn sách lớn của ông Nguồn Gốc Các Chủng Loại. Lúc nhỏ, Cajal muốn trở thành hoạ sĩ. để nghiên cứu cơ thể con người, hai cha con cậu đi bới đất nghĩa địa cũ để tìm xương người. Cha cậu là một bác sĩ giải phẩu và có được một chỗ làm trong phòng cơ thể học của bệnh viện tỉnh Saragossa. Việc đi đào xương với cha cuối cùng đã khiến cậu bỏ nghề hoạ chuyển sang ngành Cơ thể học. Darwin đã bỏ học I khoa, vì cảm thấy kinh tởm khi giải phẩu xác chết. Cajal trái lại cảm thấy say mê khi được khám xác chết. Cậu trở thành bác sĩ lúc 21 tuổi. Vì say mê với xác chết và xương người, nên cậu đầu đơn vào quân đội. Trong hai năm 1874-1875, cậu tham gia vào một chiến dịch sang Kuba và bị nhiễm trùng lao và sốt rét ở đó. Lúc trở về, cậu làm bác sĩ phụ tá trong phân khoa I của đại học Saragossa. Năm 1877, cậu được đại học Complutense ở Madrid cấp bằng tiến sĩ i khoa. Là giáo sư môn Cơ thể học mô tả và tổng quát, Cajal lần hồi khám phá ra thế giới lạ lùng của bộ não. Tại sao đã chẳng có một ai quan tâm nghiên cứu cặn kẽ bộ óc con  người? Cho tới lúc đó, người ta chỉ tìm hiểu sự sắp xếp chung chung của các vùng não mà thôi. Cajal đặt ra cho mình một chương trình đầy cao vọng: Ông muốn tìm hiểu những diễn tiến xẩy ra trong não và muốn lập ra một môn học mới, mà ông gọi là „Tâm lí học luận lí“ (Rational Psychologie). Ông dùng kính hiển vi quan sát từng lát một các tế bào óc người và vẽ ra tất cả những gì ông thấy được. Năm 1887, ông qua làm giáo sư môn Mô học và Bệnh lí học tại đại học Barcelona, và rồi năm 1892 chuyển sang dạy ở Complutense ở Madrid, đại học danh tiếng và lớn nhất nước Tây-ban-nha thời đó. Tại đây năm 1900, ông trở thành giám đốc Viện Vệ Sinh Quốc Gia và Sở Investigatiónes Biológicas.

Một bức ảnh chụp Cajal ngồi trong phòng làm việc đầy nghẹt sách ở Madrid, tay phải chống đầu với bộ râu bờm xờm, mắt mơ màng nhìn bộ xương người. Một bức hình khác chụp ông cũng trong tư thế đó trong phòng thí nghiệm, với chiếc áo choàng ra vẻ phương đông và chiếc mũ vải của người phi châu. Mắt ông sâu và đen. Quả thật ông mang hình dáng một hoạ sĩ hơn là một nhà khoa học. Lúc về già, khuôn mặt ông trở nên tối tăm bí ẩn hơn; thoạt nhìn cứ như là khuôn mặt của một tài tử Hollywood chuyên đóng vai tay phản phúc nham hiểm, như một khoa học gia bị quỷ ám. Nhưng Cajal chẳng nham hiểm một chút nào. Trái lại, ông rất được người đương thời yêu mến và kính trọng. Ông là người khiêm tốn, đại lượng, hài hước dễ thương và rất thong thả.

Cajal chỉ nghiên cứu óc người và óc thú vật đã chết. Thời đó, vào cuối thế kỉ 19, việc giảo nghiệm óc sống còn là điều cấm kị. đối với Cajal, làm việc với óc chết đúng là một cực hình, vì như thế ông không thể nào thật sự biết được não hoạt động ra sao. Nhưng Cajal đã có cách, và đấy là cái độc đáo quỷ quái của ông, nếu muốn nói như thế: Ông biết cách làm cho tế báo chết sống lại. Ông dùng kính hiển vi quan sát các tế bào, mô tả kĩ lưỡng các diễn tiến hoạt động của chúng. Và bằng một giọng văn sống động, ông làm cho người đọc có cảm tưởng như các tế bào đang cảm giác, hành động, hi vọng, cũng như đang mang trong mình những tham vọng. Một tế bào đang dùng thân sợi của nó „lần mò tứ phía để tìm đến thân sợi khác“. Cứ như thế, Cajal mô tả cấu trúc tinh vi của các tế bào và qua đó đặt nền cho việc nghiên cứu hệ thống thần kinh não bộ về sau. Ông đã viết tất cả 270 luận văn khoa học và 18 cuốn sách. Những tài liệu này đã biến ông thành một nhà nghiên cứu não nổi tiếng nhất từ xưa tới nay. Năm 1906 ông được trao giải Nobel về i khoa. 

Các nghiên cứu của Cajal rất quan trọng, là vì các thần kinh não hoàn toàn khác hẳn các tế bào cơ thể bình thường. Cho tới lúc đó, khoa học chưa biết được những hình dạng bất thường ít có với nhiều chân rết tinh vi của tế bào não. Cajal vẽ lại những tế bào này bằng những hình ảnh rất chính xác, bằng những mô hình màng lưới nhện lạ lùng, và hầu hết những phác hoạ của ông mang hình thù như những rong biển li ti. Chính ông không phải là người đã đưa ra những khái niệm chuyên môn quan trọng mà nay chúng ta đang sử dụng, nhưng các mô tả vô cùng chính xác của ông về các thành tố của hệ thống thần kinh não thì cho tới lúc đó chưa có ai sánh kịp. Ông vẽ và giải thích các tế bào thần kinh (Nơrôn) cũng như các tua sợi dài ngắn (Axôn) ở hai đầu Nơrôn. Lần đầu tiên các phân nhánh (Dendriten) của Axôn được mô tả một cách chính xác, và ông dùng từ Synapsen của đồng nghiệp người Anh Charles Scott Sherrington để đặt tên cho các điểm truyền thông của tế bào não nằm cuối các Dendriten. Qua những nghiên cứu hết sức cẩn trọng của ông, Cajal được coi như là người đã khám phá ra bảng chữ cái của tế bào thần kinh não. Nhưng quy tắc văn phạm của bảng chữ cái đó, và hơn thế việc đặt tên cho các Nơrôn cũng như sự hoạt động của cái mà ông gọi là các vòng mạch nối thần kinh, thì vẫn đang còn nằm trong tưởng tượng, chứ ông chưa nắm được cụ thể.

Có nhiều điều phỏng đoán của ông về sau đã trở thành sự thực. điều quan trọng nhất trong các phỏng đoán đó, là các dòng điện thần kinh qua não và tủy sống luôn chạy theo một chiều. Các Synapsen của tế bào thần kinh này truyền thông với các Synapsen của tế bào thần kinh khác. Nhưng các tế bào luôn luôn giao thông trên con đường một chiều, không bao giờ có hiện tượng quay ngược chiều trở lại. Cajal đã không thể cắt nghĩa được việc trao đổi giữa các Synapsen diễn ra như thế nào, vì với các tế bào thần kinh chết ông không thể nhận diện được các hoạt động điện từ và hoá học của chúng. Nhưng ông biết rằng, có sự chuyển giao các tín hiệu. Nhà sinh lí học người đức Otto Loewi năm 1921 lần đầu tiên đã chứng minh được sự di chuyển của các tín hiệu thần kinh từ Synapse này qua Synapse khác, nhờ vào môi giới của một chất hoá học. Cajal đã không thể biết được điểm này.

Cajal mất năm 1934, thọ 84 tuổi. Suốt ba mươi năm sau khi Cajal qua đời, trong khi các nhà khoa học ở Âu châu, Hoa-kì và Úc đổ công tìm hiểu sự vận hành tín hiệu điện từ và hoá học của thần kinh não, thì khoa học gia các nơi khác cố gắng tìm hiểu vai trò của từng vùng não bộ. Vùng não nào có phận vụ gì và tại sao? Trong những nghiên cứu này, mô hình của Paul MacLean người Mĩ trong thập niên 1940´ là nổi tiếng hơn cả. Vì loài người đi lên từ các loài vật hạ đẳng, nên MacLean chia bộ não con người ra thành nhiều vùng tương ứng với từng cấp độ tiến hoá khác nhau. Theo đó, não bộ con người thật ra gồm „ba bộ óc“. Bộ đầu tiên là „Óc loài bò sát sơ đẳng“, gồm chủ yếu Trụ não (Hirnstamm) và Não giữa (Zwischenhirn). Óc bò sát là hình thái „thấp nhất“ của não bộ. đây là nơi xuất phát các bản năng bẩm sinh, óc này ít có khả năng tập thành và không thích hợp cho mọi tương tác xã hội. Bộ thứ hai là „Óc loài có vú hạ đẳng“; nó tương đương với Hệ Limbic (limbisches System). đây không những là nơi xuất phát các bản năng tự nhiên và các cảm giác, mà còn, như MacLean nói, là điểm thí nghiệm đầu tiên của thiên nhiên trong việc xây dựng í thức và trí nhớ. Bộ thứ ba là „Óc loài có vú thượng đẳng“; nó tương ứng với Neocortex, là nơi lí trí, trí hiểu và khả năng luận lí hình thành. Óc này hoạt động không tuỳ thuộc vào hai óc hạ cấp kia. MacLean cho rằng, sự phân chia ba loại óc này rất chặt chẽ. Vì thế, cũng theo ông, giữa Hệ Limbic và Neocortex có rất ít liên hệ với nhau; cảm giác và trí hiểu nằm ở hai óc hoàn toàn khác biệt; và đó là lí do tại sao chúng ta rất khó có thể kiểm soát được cảm giác và lí trí của mình.

Quan điểm của MacLean rất phổ biến, và nó cũng dễ hiểu. Việc phân chia bộ não thành ba cấp của ông cũng khiến ta liên tưởng tới quan điểm của các triết gia từ hai ngàn năm nay cho rằng, các bản năng thú vật và các cảm giác cao cấp cũng như trí khôn tinh tế của con người hoàn toàn biệt lập nhau. Thuyết của MacLean vẫn còn xuất hiện trong nhiều cuốn sách giáo khoa thời nay. Nhưng tiếc một điều, thuyết của ông sai. Không có ba bộ óc hoạt động độc lập trong não bộ! Và quan điểm sau đây của ông: ba óc đó đã tiếp theo nhau phát triển từ loài bò sát lên loài có vú hạ đẳng tới loài người, cũng sai. Là vì ngay loài bò sát cũng có Hệ Limbic giống như nơi loài người. Và chúng cũng đã có một hệ thống mà ta có thể tạm sánh với Neocortex nơi loài có vú thượng đẳng. Nhưng quan trọng nhất: giữa các bộ phận Trụ não, Não giữa, Tiểu não và đại não có những mối liên hệ rất chặt chẽ. Chúng không đơn giản là những gì chồng xếp lên nhau, như MacLean nghĩ. Mối liên quan đa dạng và phong phú này thật quan trọng, vì nhờ đó ta mới hiểu được cách thức hoạt động thật sự của các bản năng, cảm giác, í chí và suy nghĩ của chúng ta.

Thực tế cho thấy có nhiều điều được suy đoán bởi các nhà nghiên cứu não trong vòng một trăm năm trở lại đây chẳng đúng gì lắm. Quả thật, trong thập niên 1820´, nhà sinh lí học người Pháp Jean Pierre Marie Flourens (về sau là một người triệt để chống lại Darwin) đã nhận ra rằng, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành phần trong não bộ. Ông đã lần hồi cắt bỏ đi từng phần óc của các thú vật thí nghiệm, đặc biệt của gà và bồ câu, để xem coi khả năng nào nơi các thú vật đó biến mất. điều làm ông ngạc nhiên, là các con thú đó cùng một lúc giảm đi nhiều khả năng, chứ không phải một khả năng nào đó tương ứng với từng phần của não bộ. Cũng tương tự như bộ máy tính HAL trong phim Odyssee 2001 của Stanley Kubric; cứ mỗi nốt điện bị tắt bớt đi thì máy chạy chậm và ì ạch hơn, chứ nó không vì thế mà kém thông minh hơn. Flourens nhận thấy quan điểm cho rằng, não bộ có những vùng tương ứng với những khả năng nào đó như tính toán, nói, nghĩ, nhớ… là sai. Nhưng ông cũng đã lầm, khi cường điệu bảo rằng, tất cả các thành phần trong não bộ đều cùng giữ vai trò như nhau. Vì thế, thế hệ khoa học gia sau Flourens và trước Cajal đã quay ra đặc biệt tìm hiểu xem, đâu là nhiệm vụ cơ bản của tâm não và của các vùng não. Mỗi người, tùy vào nhận định riêng, tự vẽ cho mình một bộ bản đồ não. Tuyệt diệu nhất là các khám phá riêng rẽ của nhà cơ thể học người Pháp Paul Broca và nhà thần kinh học người đức Carl Wernicke về hai trung tâm ngôn ngữ khác nhau nơi não bộ: Vùng phát âm Broca (Broca-Areal) được khám phá năm 1861; vùng hiểu ngôn ngữ Wernicke (Wernicke-Areal) được khám phá năm 1874. 

Ngày nay, não bộ được phân ra thành Trụ não, Não giữa, Tiểu não và đại não. Trụ não là phần não dưới cùng nằm giữa đầu và bao gồm Tâm não, các Cầu và Não sau (phần tuỷ kéo dài). Trụ não khởi động các giác quan và điều hợp những quá trình cử động tự nhiên như nhịp tim, nhịp thở, thay đổi tế bào và các phản xạ con người, chẳng hạn như việc chớp mắt, nuốt, ho. Não giữa là một vùng tương đối nhỏ nằm phía trên Trụ não, bao gồm Hypothalamus, Subthalamus, Epithalamus và phần trên của Thalamus. Nó giữ vai trò của một người mối lái và một giám định viên tình cảm. Nó nhận các tín hiệu giác quan và chuyển tiếp tới đại não. Là một hệ thống nhạy cảm gồm những dây thần kinh và các chất kích tố, Não giữa điều khiển các hoạt động như ngủ, thức, các cảm nhận đau đớn, điều hoà thân nhiệt, và ngay cả các dục vọng của chúng ta, chẳng hạn như sinh hoạt tình dục. Tiểu não ảnh hưởng nhiều trên khả năng cử động và khả năng học tập tự nhiên của chúng ta. Ở các loài động vật có xương sống khác, Tiểu não đóng vai trò quan trọng hơn. Chẳng hạn đặc biệt nơi cá, là loài có nhiều đòi hỏi hơn con người trong việc bơi lặn dưới nước. Nơi con người, Tiểu não còn có thêm nhiệm vụ trong các sinh hoạt tri thức, nơi việc nói năng, phong cách cư xử xã hội và trong việc hoài niệm, tuy nhiên những hoạt động này diễn ra trong vô thức. đại não nằm phía bên trên ba phần được nói đến ở trên, nơi con người nó có độ lớn gấp ba tổng số các phần não khác. đại não được chia thành nhiều vùng, từ những vùng có khả cảm ứng „đơn giản“ tới những vùng có khả năng liên kết „cấp cao“. Tất cả những sinh hoạt tinh thần cao cấp nơi con người đều tuỳ thuộc vào hoạt động của Vỏ liên kết (assoziativer Cortex), nhưng không bao giờ chỉ lệ thuộc một mình nó mà thôi. 

Khả năng của não bộ chúng ta tuỳ thuộc vào những gì chúng ta đã trải qua kinh nghiệm. Immanuel Kant đã biết điều này, khi ông mở đầu phần nhập đề tác phẩm Kritik der reinen Vernunft (Phê bình lí trí thuần tuý) của ông như sau: „Rõ ràng, mọi nhận thức của chúng ta khởi đi từ kinh nghiệm; là vì do đâu mà khả năng nhận thức của chúng ta được đánh thức dậy để hoạt động, nếu không phải là do những sự vật đã chạm tới giác quan ta và một phần tự chúng tạo ra những í niệm, một phần chúng khởi động sự sinh hoạt của trí hiểu chúng ta, khiến nó so sánh, nối kết hoặc tách rời những í niệm đó, và qua đó nó biến chất liệu thô của các cảm nhận giác quan thành một nhận thức sự vật, mà ta gọi là kinh nghiệm“. Trong quá trình đó, cảm giác và suy nghĩ của chúng ta bị định đoạt bởi sự chủ í của ta, và ngược lại. Con người luôn chỉ có thể chú í tới một điểm mà thôi, cho dù đó là một chuỗi điểm phớt qua rất nhanh. Ngay cả cái gọi là „Multi-Tasking“ cũng không có nghĩa là có thể chủ í một lúc tới nhiều điều, nhưng đó chỉ là khả năng tắt mở qua lại thật nhanh mà thôi. Tầm chủ í của chúng ta bị hạn chế bởi nhiều thứ, vừa bởi sự bất cập của các giác quan, vừa bởi ngay khả năng hạn chế của con người. Con người chỉ vận dụng một phần nhỏ các tế bào thần kinh trong não bộ; đồng thời họ cũng gặp khó khăn lớn trong việc gia tăng phần vận dụng ấy lên. Sự chú í của chúng ta chỉ đủ cho một sinh hoạt giới hạn trong óc mà thôi, thế nên càng mở rộng được cái này thì cái kia lại nhỏ đi. Thằng Oskar con trai bốn tuổi của tôi rất thích thú vật; nó có thể dễ dàng kể tên nhiều loại khủng long và có thể phân biệt không chút khó khăn các loại hải cẩu, nhưng nó chưa tài nào tự bận áo được. Khả năng học tập của chúng ta không bị hạn chế bởi lượng tế bào thần kinh, nhưng bởi khả năng chú í của chúng ta.

Sự chú í được hình thành như thế nào, diễn tiến hoá học thần kinh xẩy ra như thế nào khi chúng ta học tập một điều gì, những điểm này tới nay ta cũng chỉ mới biết được một cách đại khái mà thôi. Sở dĩ chúng ta biết được những diễn tiến cơ bản này nọ trong não và nắm được vai trò của từng vùng não, là nhờ sự tiến bộ kĩ thuật với những máy đo chính xác. Sinh thời Cajal còn chứng kiến được máy điện não động đồ (EEG) do nhà tâm bệnh học người đức Hans Berger sáng chế vào năm 1929. Nhờ nó, rốt cuộc chúng ta đã đo được những luồng điện chạy trong não. Trong thập niên 50’ các điện cực được cải tiến. Nhờ những vi điện cực bén nhạy, việc đo đạc được cải tiến đến nỗi người ta có thể quan sát được sự hoạt động của từng Nơrôn. Bước tiến kế tiếp đó là việc nghiên cứu các từ trường. Giống như mọi dòng điện khác, những dòng điện trong não cũng tạo nên một từ trường. Từ thập niên 60’, nhờ máy móc tinh vi, người ta đã đo được các từ trường đó và đã tính ra nơi xuất phát các dòng điện trong não. Với cách đó, máy từ trường động đồ (MEG) chỉ cho thấy đâu là những vùng não đang hoạt động mạnh. Trong thập niên 70’ và 80’ có thêm những máy móc khác giúp đo được những diễn tiến hoá học thần kinh vừa mới được khám phá xẩy ra trong não. Từ thập niên 90’ nghành nghiên cứu não có được những hình ảnh não bộ nhiều màu. Ngày nay các máy chụp như máy vi tính quang tuyến hay máy chụp cắt lớp (Kernspin-Tomografie) cung cấp cho ta những hiểu biết tuyệt vời về các tiến trình hoạt động của não. Trước đây ta chỉ đo được những dòng điện hay những phản ứng hoá học riêng rẽ. Nay các loại máy trên đo được luôn sự luân lưu của máu trong những vùng đó và cung cấp cho ta những bức hình màu tinh vi. Lần đầu tiên Hệ Limbic, nguồn xuất phát chính các tình cảm và cảm giác của chúng ta, được giải mã. 

Trước những khả thể mới đó, không ít nhà nghiên cứu não phấn chấn đến nỗi tin rằng, trước sau gì việc nghiên cứu của họ cũng sẽ đưa Triết học và có lẽ cả Tâm lí học vào viện bảo tàng. Nhà nghiên cứu não William Calvin thuộc đại học Washington ở Seattle đưa ra hình ảnh „Giấc mơ của anh quản gia“ khá hợp cho nỗi phấn chấn đó. Calvin kể, anh quản gia cảm thấy tù tùng dưới hầm nhà thiếu ánh sáng của mình. Anh mơ ước thoát được lên lầu sáng sủa trên cùng. Cũng giống như thế, một số nhà nghiên cứu não ước mong ôm túi tế bào và Prôtêin của mình nhảy phóc sang Triết học. Nhưng tiếc rằng khoảng cách giữa Prôtêin và Í nghĩa thật quá vời vợi. Ngay cả dù việc nghiên cứu não có thể giải mã được các trung tâm não bộ và các phận vụ của nó, thì vẫn còn lâu mới giải mã được Í nghĩa và Trí hiểu, còn lâu mới giải mã được guồng máy tạo ra Tinh thần. Trái lại, hiện nay chúng ta biết nhiều về những gì ta chưa biết, hơn là những gì ta đã biết. Càng có thêm kiến thức về não, ta càng thấy nó rắc rối gay go hơn.

Cái bí ẩn lớn nhất ở đây là mức độ ảnh hưởng của í thức riêng tư mỗi người, của những kinh nghiệm hoàn toàn chủ quan của mỗi người. Tại sao ta cảm nhận điều đó như vậy mà không như cách khác, điểm này trước sau vẫn là một bí ẩn lớn. Các kiến thức tổng quát về phản ứng hoá học thần kinh không thể nào giải thích được các cảm giác và đam mê của từng người. Chẳng có máy móc nào hay những buổi đàm đạo tâm lí nào có thể đo và đưa ra cho người ta thấy được phẩm chất của những kinh nghiệm đó. Một lần, người ta hỏi Louis Armstrong, nhạc Jazz là gì, ông trả lời thật chính xác: „Nếu bạn còn hỏi, thì bạn chẳng bao giờ hiểu được nó!“ Các trạng thái kinh nghiệm chủ quan luôn mãi vẫn là những gì không thể hiểu thấu được; cả nghiên cứu não cũng bó tay trước chúng. Là vì khi ta chơi một bản nhạc Jazz, máy chụp lớp có thể cho ta biết lượng máu đang gia tăng ở những vùng tình cảm nào của não, nhưng máy hoàn toàn không thể cho biết được, ta đang có những cảm nhận nào và tại sao ta lại cảm nhận như thế.

Dù vậy, ngày nay khoa nghiên cứu não rõ ràng được coi là một ngành mở ra cho ta những căn bản nhận thức và những nền tảng giúp ta hiểu hơn về chính mình. So với Triết học, khoa nghiên cứu não cung cấp cho ta nhiều đề tài hấp dẫn hơn. Nhưng vấn đề nằm chỗ này: Ta có thể bắt đầu một chuyện gì mà không cần tới Triết học không? Dù sao, việc nghiên cứu não cũng vẫn là một sinh hoạt rất đặc thù. Là vì đây đúng là nỗ lực của bộ não con người tìm cách khám phá ra những ẩn chứa trong nó, nghĩa là một hệ thống tự tìm hiểu về chính mình. Não bộ ở đây vừa là chủ thể vừa là đối tượng tìm hiểu – một tình cảnh thật oái ăm. Phải chăng những nhà não học cũng sử dụng cùng một phương pháp mà các triết gia đã dùng từ hai ngàn năm nay: lấy chính suy tư để tự tìm hiểu suy tư của mình? Tự dò xét mình bằng suy tư và, cũng tuỳ vào khả năng cho phép, dùng suy tư để tự quan sát mình, đó là phương pháp phổ cập xưa nay dùng để nghiên cứu tinh thần con người. Cao điểm tân thời của phương pháp đó xuất hiện cách đây gần 400 năm vào một buồi tối mùa đông đáng nhớ…     

•Một buổi tối mùa đông trong trận chiến 30 năm. Do đâu tôi biết, tôi là ai?

Bình luận