Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 13

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Cavendish

Trường hợp anh Gây

Có ông đạo đức ngồi trong đầu không?

13 tháng 9 năm 1848 là một ngày đẹp trời. Mặt trời chiều tỏa nắng sáng và nóng ấm, và Phineas Gage (Gây) đã bắt đầu ngày làm việc của mình từ sáng sớm. Gây là một chuyên viên chất nổ, một „người khéo tay và có khả năng nhất“ của công ti đường sắt Rutland & Burlington Railroad Company, như sau này người ta đã nói về anh. Nhiệm vụ của anh là phá một khoảng đất đá để lập một đường sắt mới. Các người thợ ở Vermont đã sắp nối được tới tỉnh Cavendish, chẳng bao lâu nữa đoạn đường sắt xuyên các bang Newengland được nối và các hành khách Rutland đang chờ đợi từng ngày vượt đoạn đường trên 200 dặm để về Boston. Gây vừa cho xong thuốc nổ và ngòi nổ xuống một lỗ khoan mới, đã yêu cầu người trợ tá lấp cát vào đầy lỗ. Anh cầm cây sắt dài hai mét để dằm chặt cát trong lỗ. Bỗng ai đó ở đàng sau với gọi. Anh quay lại, miệng vừa nói vừa cười với người gọi, tay cầm thanh sắt thọc xuống lỗ theo thói quen. Vì mải trả lời người sau, anh không nhận ra, là người trợ tá đã chưa kịp đổ cát xuống lỗ. Cây sắt thọc vào thuốc nổ, bắt lửa.

Một tiếng nổ xé không gian. Thanh sắt bị bắn tung, xuyên từ má trái qua óc của Gây, mở bung một lỗ trên đầu và bay ra rơi xuống cách đó ba mươi mét, mang theo những vết máu và óc người loang lổ. Gây nằm trên nền đất đá. Ánh trời chiều chiếu trên các tảng đá. Những người thợ đường sắt đứng đó như trời trồng, hốt hoảng. Chỉ một vài người dám tiến lại gần và nhận ra điều không tưởng tượng được: Phineas Gage còn sống! Anh từ từ tỉnh lại với một lỗ lớn xuyên óc trên đầu. Dù máu vẫn ứa ra nơi vết thương, anh đã có thể giải thích cho mọi người về vụ tai nạn. Các bạn thợ chuyển anh lên một chiếc xe bò. Anh ngồi thẳng trên xe, đi một đoạn đường hơn một cây số về tới khách sạn gần nhất. Rồi, trước những con mắt kinh ngạc của đồng nghiệp, Gây tự mình bước xuống xe. Anh ngồi xuống một chiếc ghế khách sạn và chờ. Khi bác sĩ tới, anh chào ông với câu: „Bác sĩ hôm nay sẽ có khá nhiều việc để làm đấy!“

Ngày nay, sọ của Gây được trưng tại viện bảo tàng đại học danh tiếng Havard, và nó đang làm nát óc các nhà khoa học. Lúc bị nạn, Gây 25 tuổi, anh còn sống thêm 13 năm nữa với vết thương đầu kinh khủng đó. Một cuộc sống lạ lùng! Là vì đời anh bị che mờ bởi một đám mây đen. Anh vẫn tiếp tục có thể cảm, nghe và thấy. Không có triệu chứng bại liệt các ngón tay chân hay lưỡi gì cả. Anh chỉ bị mất con mắt trái, nhưng đã được bù trừ bởi các giác quan khác. Bước đi của anh chắc chắn, đôi tay khéo léo hơn bao giờ hết, và anh cũng có thể nói năng lưu loát như xưa. Nhưng anh không còn làm nghề cũ nữa. Anh tìm được việc làm trong một nông trại ngựa, nhưng chẳng được bao lâu. Chẳng có việc gì làm, anh ra diễn trò ở các cuộc hội chợ, sau đó xuất hiện trong một bào tàng viện, chuyên đứng biểu diễn với thanh sắt ngày trước cho khách xem. Cuối cùng anh trẩy sang Chí-lợi và ở lại đó cho gần đến lúc mất. Anh làm nghề tải hàng xe ngựa và đánh xe ngựa đưa thư. Năm 1860 anh về San Francisco, cư trú trong một căn hẻm tối nơi khu phố của đám dân nhậu. Anh bị chứng động kinh và mất lúc 38 tuổi. Người ta chôn anh cùng với cây sắt, mà từ khi bị nạn cho tới lúc chết anh không bao giờ rời xa nó. Báo chí trước đây rùm beng với tai nạn của anh bao nhiêu, giờ đây chẳng ai màng gì lắm với cái chết của anh. 

Tại sao cuộc sống của Gây không xuôi chèo mát mái? Theo quan điểm của hai nhà nghiên cứu não Hanna và Antonio Damasio, là những người tìm hiểu về trường hợp của anh, Gây suốt đời vẫn học tập và nói năng bình thường – chỉ trừ một điều: Nhiều nhân chứng cùng thời kể rằng, anh không còn coi trọng những luật lệ sống chung trong xã hội nữa. Anh nói dối và lường gạt tuỳ thích, chẳng còn biết gì là trách nhiệm và không còn kiểm soát được những cơn giận và những cuộc ẩu đả nhau nữa. Cái gì đã xẩy ra? Có thể nào một vết thương não có thể làm cho một con người đứng đắn trở thành lệch lạc nhân cách trầm trọng như thế? Hình như cái la bàn đạo đức trong anh thợ công ti đường sắt đã bị mất điện từ. Nếu đúng như vậy, thì phải chăng có một trung tâm sinh lí về đạo đức ở trong đầu? Và nếu có một trung tâm như thế, thì phải chăng trung tâm này sẽ quyết định việc con người hướng thiện hay hướng dữ? 

Hai vợ chồng Damasio khám rất kĩ sọ của Gây. Họ quả quyết, một phần não của anh đã bị huỷ hoại, và phần này có liên quan tới những đức tính tốt của con người như khả năng nhận định tương lai và đưa những nhận định này vào áp dụng cho cuộc sống chung trong xã hội. Họ tin rằng, Gây đã mất đi cảm giác trách nhiệm cho chính mình và cả đối với tha nhân, và anh không còn có thể tự do tổ chức đời sống của mình được nữa. Một vùng khoang não trán, ventromediale Region, vùng có liên hệ với cảm giác trách nhiệm, có thể đã bị mất đi, trong khi mọi nhiệm vụ khác của não vẫn không bị suy suyển. Nếu ông bà Damasio có lí, thì tai nạn đã làm tổn thương Í thức của Gây. Tương quan giữa nghĩ và cảm, giữa quyết định và cảm nhận không còn bình thường nữa.  

Người ta nói, không phải tất cả những ai quan tâm tới trường hợp của Gây đều chia sẻ nhận định của ông bà Damasio. Một số bác sĩ khám nghiệm Gây nghi ngờ nhận định đó. Họ cho rằng, tâm tính của Gây không biến đổi nhiều như hai ông bà Damasio nói. Chúng ta phải để í tới yếu tố này, là Gây đã mất việc làm chuyên môn. Anh không còn hi vọng gì vào tương lai nghề nghiệp được nữa. Và điều quan trọng nhất là thái độ của quần chúng đối với anh. Người ta không còn coi anh, một con người với bộ mặt bị biến dạng, là anh thanh niên bình thường nữa. Phải chăng tất cả những cái đó là nguyên do của một số động thái bất thường nơi anh? Và phải chăng tai nạn đã làm cho anh bị chấn thương tâm thần nặng (Trauma)?

Tất cả những nghi ngờ đó đều có lí, nhưng chúng ít làm thay đổi các kết quả sinh lí thần kinh. Hai ông bà Damasio đã chứng nghiệm thẩm định của họ qua nhiều thí nghiệm với thú vật. Họ nhận ra, vùng ventromediale là một vùng rất hệ trọng của não. đây là nơi xử lí các cảm giác, và cũng là nơi lấy các quyết định và hoạch định các chương trình. Nhưng bảo rằng, đấy là một thứ trung tâm máy tính điều khiển bộ chỉ huy của các quyết định đạo đức, thì sai.

Mỗi tối trước khi ngủ, tôi thường đọc cho thằng con tôi nghe từ một cuốn truyện nhi đồng của bà Tove Janson, một phụ nữ Phần-lan. Trong đó kể, thằng Snork, một trong những nhân vật ma quái trong truyện, yêu cầu tay phù thuỷ cung cấp cho nó một máy tính, để nhờ đó nó luôn biết được cái gì là công bằng, cái gì là không công bằng. Tay phù thuỷ đã phải thận trọng trước yêu cầu đó. Chuyện ông đạo đức trong đầu hay máy tính đạo đức trong óc cũng không khác. Cảm nhận và quyết định đạo đức không xuất phát từ một trung tâm cụ thể nào trong não cả, nhưng đó là kết quả sinh hoạt chung của một mạng lưới nối kết nhiều vùng khác nhau. Như vậy, có thể tóm tắt như sau: Có nhiều vùng trong não liên quan tới đạo đức, nhưng chẳng có một vùng cụ thể nào đảm trách nó cả. 

Tôi nhấn mạnh hai chữ cảm nhận đạo đức và quyết định đạo đức, vì chúng là hai chuyện khác nhau. Trong bài trước, nhà nghiên cứu não Benjamin Libet đưa hai khái niệm này lại sát với nhau, khi ông nói, các cảm nhận của chúng ta ra lệnh cho các quyết định của chúng ta. Dĩ nhiên đó không phải hoàn toàn sai, nhưng ngày nay nghiên cứu não biết rằng, có rất nhiều vùng não khác nhau liên quan tới việc cảm nhận và việc quyết định, thành ra khó mà nói được chắc chắn, diễn tiến đó xẩy ra như thế nào. Các cảm giác, sự tư duy trừu tượng và các lãnh vực có trách nhiệm với những tương quan giữa người với người, tất cả đều luôn luôn hoạt động cùng lúc. Khó có thể nói được, cái nào quyết định cái nào ở đây, và hình như quyết định đó không luôn giống nhau. Cảm giác và lí trí pha lẫn nhau không ngừng, và con người phản ứng lại hoàn cảnh cụ thể cũng rất khác nhau tuỳ người tuỳ nơi.

Có những cảm giác đạo đức – chẳng hạn như lòng thương xót người nghèo đói. Tôi thấy một người ăn xin trên đường, cảnh đó làm tôi xót xa. Cảm giác này gia tăng mạnh trong tôi, nhưng nó không đưa tôi tới một í định nào cả. Nhưng những nhận thức đạo đức thì lại hoàn toàn khác. Tôi muốn cho người đó tiền và đắn đo suy nghĩ, không biết làm như thế có đúng không. Tôi nghĩ: Nếu mọi người cùng cho người đó tiền, thì ông ta sẽ chẳng bao giờ chịu làm việc nữa.

Hoặc: Ông ta sẽ dùng tiền đó uống rượu, chứ chẳng để mua thức ăn đâu. Nhưng tôi cũng có thể nghĩ: Ông ta muốn làm gì với tiền đó là tuỳ ông. Quan trọng là ông ta có được số tiền mà ông cần. Cảm giác và nhận thức thường không tách rời nhau. Nhưng: Tại sao ta hành động và Ta xét đoán thế nào về một hành động trên mặt đạo đức, là hai chuyện khác nhau. Các cảm giác – cùng với những í định, sự suy nghĩ, thói quen và nhiều chuyện khác – đóng một vai trò quan trọng nơi các hành động, nhưng khi chúng ta xét đoán về mặt đạo đức, thì xem ra ảnh hưởng của chúng không lớn lắm. Trước khi leo lên ngọn cuối cùng của dãy núi đạo đức – trực giác đạo đức – của chúng ta, ta hãy tham quan một lần cuối cơ xưởng làm việc của các nhà nghiên cứu não.

•Tôi cũng cảm được điều bạn cảm nhận. Có nên đối xử tốt với nhau không?

Bình luận