Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 20

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Atlanta

Chú khỉ trong rừng nuôi. 

Phải đối xử thế nào với vượn người.

“Jerom mất ngày 13 tháng 2 năm 1996, mười ngày trước sinh nhật thứ 14. Nó là một thiếu niên, nhưng đã hết nhuệ khí, thân thể sưng phù, xuống tinh thần, kiệt sức, thiếu máu và bị tiêu chảy. Từ 11 năm nay, nó không còn nô đùa ở ngoài trời. Khi mới được 30 tháng tuổi, nó bị người ta cố í cấy vi khuẩn HIV-SF2 vào người. Lên bốn tuổi, bị chích thêm LAV-1, một loại vi khuẩn HIV khác. Một tháng trước sinh nhật bốn tuổi, nó bị cấy thêm NDK, một loại vi khuẩn HIV khác nữa.” đó là những lời mở đầu bản tường trình của luật gia Steven Wise, giảng sư trường luật Harvard ở Needham, về chú vượn Jerom, một trong mười một con được dùng để thí nghiệm và bị nhốt trong phòng sắt kín mít trong Chimpanzee Infectious Disease Building thuộc đại học Emory ở Atlanta. Wise là chủ tịch của Center for the Expansion of Fundamental Rights ở Boston, Massachusetts. Ông hăng hái đấu tranh để ba quyền căn bản sau đây cũng được áp dụng cho một số các loại vượn người lớn: Quyền sống bất khả xâm phạm, quyền thân thể được nguyên vẹn và quyền tự do phát triển nhân cách.

Yêu sách áp dụng các nhân quyền cơ bản cho khỉ đột (Schimpanse), vượn Bonobo, đười ươi (Gorilla) và khỉ Orang-Utan đã được gióng lên từ mười bốn năm trước. Tác giả của nó là Peter Singer và nhà đấu tranh cho thú vật người Í, bà Paola Cavalieri. Năm 1993, hai vị này đã đồng phổ biến một cuốn sách, cuốn sách đồng thời là một thứ tuyên ngôn cho một tổ chức mới mở: The Great Ape Project. Trong đó họ phát biểu rõ ràng quan điểm của mình về các loài vượn người: Vượn có một đời sống tình cảm và xã hội giống như con người, và trí khôn của chúng cũng chẳng khác chi trí khôn của con người. Dù vậy, chúng đã không được bảo vệ đầy đủ về mặt luật pháp. Theo Singer và Cavalieri, đó là điều không thể chấp nhận được.

Phải chăng hai triết gia này có lí? Chúng ta phải có một cái nhìn mới về các loài vượn người? Ngay Carl von Linné, dân Thuỵ-điển và là người khám phá ra các danh mục chuyên môn khoa học trong thế kỉ 18, cũng đã xếp người (Homo sapiens) và khỉ đột (Homo Troglodytes) vào chung một chủng. 230 năm sau, quan điểm của ông lại được lặp lại. Năm 1984 Charles Sibley và Jon Ahlquist, hai nhà sinh học phân tử thuộc đại học Yale, phổ biến kết quả các nghiên cứu DNS của họ về người và khỉ. Kết quả nghiên cứu của hai ông tới nay vẫn còn giá trị. Theo đó, người chỉ khác Orang-Utan có 3,6% tổng số di tử, đười ươi khác người 2,3%, người khác khỉ đột và vượn Bonobo 1,6%. Trong khi đó, khác biệt di tử giữa khỉ đột và đười ươi trên 2%, giữa hai loại vượn Gibbon khoảng 2,2%. Như thế, khác biệt giữa Homo sapiens và Pan Troglodytes (tên gọi ngày nay) quá nhỏ một cách khó ngờ: hai loài này có chung nhau tới 98,4% DNS. Và hai loài này cũng gần nhau giống như mức tương đồng giữa ngựa và lừa. Về mặt sinh học phân tử, chúng còn gần nhau hơn giữa chuột nhà và chuột nhắt, hơn giữa lạc đà hai u và lạc đà một u. Dựa trên những kết quả đó, nhà sinh vật tiến hoá Jared Diamond thuộc đại học California ở Los Angeles tán đồng yêu sách cần phải sửa lại hệ thống sắp xếp các vượn người. Ông nói, trong tương lai, các nhà sinh vật có lẽ phải có “một cái nhìn hơi khác, phát xuất từ góc độ các loài khỉ đột: Theo đó, chỉ có một chút mâu thuẫn giữa các loài vượn người cấp cao (gồm ba loài khỉ đột, trong đó có cả ‘Vượn người Schimpanse’) và các loài thấp hơn (Gorilla, Oran-Utan, Gibbon). Lối phân loại truyền thống giữa Người và ‘Vượn người’ (được định nghĩa như là Schimpanse, Gorilla

v.v.) không còn hợp với thực tế nữa”. Mức độ khả tín của các kết quả sinh học xem ra không còn chối cãi. Như vậy, đâu còn nghi ngờ gì nữa về gốc gác đồng chủng giữa người và vượn người, và chúng phải được đối xử như nhau.

Tuy nhiên vẫn còn có một nghi ngờ, và nó xuất phát từ chính Sinh học tiến hoá. Trong việc sắp xếp chủng loại, còn phải xét đến nhiều tiêu chuẩn khác nữa, chứ không phải chỉ dựa trên di tử mà thôi. Nhìn từ mặt lịch sử phát triển, cá sấu và bồ câu chẳng hạn còn gần nhau hơn giữa cá sấu và rùa. Trong lúc đó các nhà sinh vật lại xếp cá sấu và rùa vào loại bò sát, còn bồ câu thì không. Như vậy, mức độ bà con chưa phải là yếu tố quyết định cho việc sắp xếp trong hệ sinh vật, mà còn phải lưu í đến các yếu tố khác nữa, như khả năng thích ứng với môi trường và lối sống. Với cái nhìn đa yếu tố này, mức độ khác nhau giữa người và vượn người như thế nào? Phải chăng đúng như sự nghi ngờ của „ông tổ thú vật” Brehm giữa thế kỉ 19: „Ác cảm của chúng ta đối với khỉ có lẽ dựa trên các khả năng thân xác và khả năng tinh thần của chúng. Chúng giống người về thân xác, nhưng chỉ giống ngoại hình mà thôi, còn tinh thần thì chẳng giống“.

Chứng cớ về khả năng văn hoá của khỉ hình như được các nhà nghiên cứu động thái ở Nhật đưa ra trong những thập niên 50’ và 60’, khi họ quan sát một đàn khỉ mặt đỏ Makaken trên đảo Koshima. Không cần sự chỉ dẫn của người, một vài chú Makaken trẻ đã học được những động thái mà trước đó chưa có ai nhìn thấy được nơi các đàn khỉ trong thiên nhiên. Những chú khỉ này biết rửa khoai trước khi bỏ vào miệng, biết cách „đãi vàng“, nghĩa là tách các hạt cát và thóc ra khỏi bùn, và biết cách tìm những nguồn thức ăn mới như rong và sò ở biển. Những khả năng này đã được các con khác trong đàn sao chụp lại và truyền thừa „văn hoá“ lại cho các thế hệ tiếp. Các quan sát nơi vượn người còn nổi tiếng hơn. Nhà nghiên cứu khỉ nổi tiếng người Anh Jane Goodall ghi lại trong những năm 60’: Khỉ đột trong thiên nhiên tự động biết lấy lá cuốn lại để hút nước từ một rãnh nhỏ, biết lấy cọng cỏ để câu mối, biết bứt lá khỏi cành cây để tạo dụng cụ làm việc. Khi bà Jane Goodall trình thuật những quan sát của mình cho nhà nhân học tiền sử Louis Leakey hay, ông này đã đánh một điện tín nổi tiếng: „Giờ đây chúng ta phải định nghĩa lại Dụng cụ hoặc định nghĩa lại Người hoặc phải chấp nhận Schimpanse (khỉ đột) là người“. 

Nhưng yếu tố nổi bật và quan trọng nhất để so sánh người và khỉ là ngôn ngữ, cụ thể hơn: ngôn ngữ con người. Không ai chối cãi là khỉ cũng có một hệ thống phát âm và truyền thông phức tạp. Cả khỉ cũng có vùng Wernicke (ở mang tai) để hiểu tiếng nói và vùng Broca (não trán) để phát âm và cấu trúc văn phạm. Nhưng tại sao chúng không nói được như người? Câu trả lời rất đơn giản. Bí mật ngôn ngữ của con người, như đã nói trong bài Chú ruồi trong lọ, nằm ở cuống họng. Cuống này nằm thấp hơn vài phân so với nơi khỉ, kể cả nơi vượn người. Có thể có sự ảnh hưởng hỗ tương giữa những thay đổi ở vùng cuống họng nơi giống Homo sapiens xưa và sự phát triển tiếp tục của những trung tâm não liên quan tới việc truyền thông tín hiệu. Tiến trình phát triển này đã không xẩy ra nơi các loài khỉ. 

Dù vậy, đã có vài thành công về các thí nghiệm ngôn ngữ. Trong thập niên 60’, những thí nghiệm của Beatrice và Robert Gardner thuộc đại học Nevada đã gây chấn động, khi họ dạy hai khỉ đột Washoe và Lucy học tiếng „Ameslan“, một thứ ngôn ngữ dấu hiệu dùng cho những người bị điếc. Theo ông bà Gardner, hai con Schimpanse này đã học được vài trăm từ. Vượn người có khả năng dùng các dấu hiệu trừu tượng ám chỉ các đồ vật, các hoàn cảnh và các hành vi để liên tưởng tới những người, thú vật và sự vật nào đó. Trong thập niên 80’, nhà tâm lí Sue Savage-Rumbaugh cũng có được những kết quả như thế, khi bà thí nghiệm với chú vượn Bonobo có tên là Kanzi. Trong vòng hai năm, Kanzi đã sử dụng thành thạo bàn phím với 256 tín hiệu chữ, và đã có khả năng dùng bàn phím đó để thông đạt những yêu cầu đã học được, để xác nhận một sự việc nào đó, để bắt chước một điều gì, để chọn lựa một lời giải hay để diễn tả một cảm giác. Ngoài ra, Kanzi còn biết phản ứng lại vài trăm từ tiếng Anh đã được nghe. Các thí nghiệm của Lyn White Miles thuộc đại học Tennessee ở Chattanooga với vượn Orang-Utan cũng đưa tới những kết quả tương tự.

Nhưng thành công của cô đười ươi Koko ở Wooside, phía nam San Francisco, còn vượt xa hơn. Sau 25 năm học tập ráo riết, cô đã thành thạo được trên một ngàn khái niệm của ngôn ngữ ra dấu (cho người câm điếc) của Hoa-kì và hiểu được khoảng 2000 từ tiếng Anh. Năm 1998 đã có cuộc nói chuyện trực tuyến đầu tiên với Koko trên mạng toàn cầu. Các câu nói của cô gồm từ ba tới sáu từ, có thể diễn tả cả thời gian và cả chuyện tếu. Hệ số IQ của Koko nằm trong khoảng 70 và 95. Hệ số của một người bình thường là 100. Koko còn biết gieo vận: do với blue, squash với wash, biết tạo ra ẩn dụ như „ngựa-hổ“ cho ngựa vằn và „voi con“ cho một con búp-bê của Pinocchio. Trước câu hỏi: „Tại sao Koko không như những người khác?“, cô trả lời: „Koko Gorilla“. Trong ba mươi năm miệt mài học tập, bà già Koko giờ đây đã có được một khả năng ngôn ngữ của loài người mà xưa nay chưa loài vật nào có được. Patterson cho biết, qua Koko, chúng ta biết được một chút gì tổng quát về tâm lí của loài đười ươi. Chẳng hạn: Gorilla nói gì khi gặp thích thú? – „Gorilla ôm“. Còn khi Gorilla bực bội? – „Cầu tiêu đồ quỷ“.

Sở dĩ Koko học được như thế, là nhờ nó được tách ra nuôi riêng một mình. đười ươi trong thiên nhiên hay trong các sở thú, trái lại, chẳng màng gì tới việc học tiếng người, chúng có nhiều chuyện khác để quan tâm. Dù vậy, xem ra đười ươi nói chung khá thông minh, chứ không chỉ giỏi về khả năng tự nhiên định hướng môi trường sống và kiếm tìm của ăn mà thôi. Cũng như nơi con người, sự thông minh của mọi loài khỉ đều bắt nguồn từ nhu cầu và hoàn cảnh sống chung bầy đàn. Trong mọi thứ thử thách của thế giới loài khỉ, các luật chơi của bầy đàn là thử thách gay go nhất. Và trí khôn của vượn người có bén nhạy hay không cũng là do sự phức tạp của các tương tác xã hội. Nhận định này đồng thời nói lên những hạn chế và khó khăn trong mọi thử nghiệm ngôn ngữ. Vượn chỉ học được những í nghĩa nào vốn có thể diễn ra trong hoặc liên quan tới thế giới sống của chúng. Những gì bên ngoài thế giới này, chúng „đương nhiên“ mù mờ, cũng như con người mù mờ trước nhiều hành vi của khỉ. Như vậy, trí thông minh gắn liền với cách ứng xử xã hội của mỗi loài. Tuy nhiên, người ta không làm thí nghiệm để so sánh khả năng của các con vượn này với các con vượn khác, mà là để so với con người. Qua những kết quả thí nghiệm trên đây, ta thấy khả năng của vượn ít nhiều tương đương với khả năng của một em bé hai tuổi. Khả năng giải đáp toán đố của chúng, như kết quả cách đây vài năm nơi cô khỉ đột Ai ở Kyoto cho thấy, tương đương với khả năng của các em trong tuổi nhà trẻ. Như vậy, vượn người có thể học được một số khả năng ngôn ngữ và tính toán, khi chúng được bứng ra khỏi hệ thống giao tiếp và thông tin vốn có của chúng. Nhưng điều đó đưa tới hệ quả đạo đức nào? 

Khả năng ngôn ngữ và làm toán nói chung không phải là tiêu chuẩn cho phép vượn trở thành thành phần của cộng đồng đạo đức con người. Những bệnh nhân tâm thần gia trọng và các trẻ sơ sinh không có được những khả năng đó. Dù vậy, họ vẫn được quyền hưởng đầy đủ sự bảo vệ đạo đức, còn các chú vượn thì gần như không. Một mặt, người ta xem ra muốn dùng khả năng đầu óc của khỉ đột và đười ươi trong các phòng thí nghiệm để đưa chúng vào vòng đạo đức của con người. Mặt khác, con người lại không coi trí thông minh là tiêu chuẩn để được bảo vệ đạo đức. 

Dù vậy, các đại diện của Great Ape Projekt vẫn dùng khả năng trí tuệ của vượn người để biện minh. Họ bảo, không chỉ các di tử mà thôi, mà cả những đặc tính tinh thần căn bản như sự tự í thức, trí tuệ, những hình thái truyền thông tế vi và các hệ thống xã hội nối „các loài khỉ thường và các loài vượn người“ lại với nhau vào trong một cộng đồng đạo đức chung. Tiêu chuẩn để vào được cộng đồng này là khái niệm „Người“ của phái duy lợi-ưu tiên. Vì vượn người có những ước muốn và í định và vì chúng theo đuổi những quyền lợi riêng, nên chúng cũng là Người. Vì thế, theo nhóm Great Ape Projekt, chúng bắt buộc phải được bảo vệ, và không những thế, chúng cũng phải được hưởng những quyền căn bản: Vượn người có quyền không bị mang ra làm vật thí nghiệm hay bị giết thịt. Chúng có quyền không bị giam giữ trong các sở thú hay dùng để làm trò xiếc mua vui con người. Chúng có quyền được sống trong thiên nhiên, cũng giống những bộ lạc người bán khai được tự do. Chúng phải được Liên hiệp quốc quan tâm, chứ không phải được bảo vệ theo luật bảo vệ thú vật.

Lập luận chống lại những yêu sách này chẳng khó tìm gì: Nếu đã nói tới „quyền“ của vượn, như quyền bất khả xâm phạm thân xác, quyền được tự do triển nở nhân cách v.v., thì cũng phải nói tới „bổn phận“ của chúng nữa chứ! Nếu là một thành phần của cộng đồng nhân loại, thì các cô chú vượn cũng phải đóng thuế, phải thi hành nghĩa vụ quân dịch chứ! Nếu bỏ qua chuyện khôi hài này đi, thì vẫn còn những câu hỏi xác đáng: Nếu một chú vượn vi phạm nhân quyền, thứ quyền mà có lẽ chính nó không chấp nhận, nhưng lại được con người bảo vệ, thì phải làm sao? Làm sao đánh giá các „trận chiến“ giữa các ông khỉ đột, các „giết chóc“ và „ăn thịt lẫn nhau“ giữa các cô chú vượn người? Nếu một tay anh chị khỉ gây thương tích hay làm chết một người, thì phải xử ra sao? Sẽ xử chúng theo tiêu chuẩn của con người ư?

Một mắc mớ thứ hai nữa của Great Ape Project là tính mâu thuẫn về mặt luận lí của họ. Một đàng, họ cố xoá mờ đi làn ranh giữa người và vật, họ coi làn ranh này là kết quả của một thứ quan niệm „chủng loại“ quá khích. Theo họ, tiêu chuẩn của đạo đức không phải là chủng loại,

mà là khả năng có được những cảm nhận tinh tế cũng như có được những sở thích căn bản nơi một sinh vật. Vì thế, con người không được nhìn mọi sinh vật khác một cách quy ngã, mà phải học biết chấp nhận chúng, vì chúng cũng có đủ những yếu tố làm „người“. Cứ chấp nhận như vậy đi. Nhưng nếu vậy, thì tại sao cũng với những điều kiện như thế, Great Ape Project lại bảo rằng, chúng ta phải tôn trọng vượn người, vì so với các loài thú khác chúng là loài vật giống loài người nhiều nhất? Vì vậy, một số nhà tranh đấu cho thú vật đánh giá Great Ape Project là nửa vời, thiếu dứt khoát hoặc quá „quy nhân“. Cũng giống như những người bảo thủ chống lại Great Ape Project, vốn khăng khăng giữ biên giới giữa người và khỉ đột, những nhà tranh đấu cho thú vật này, thay vì quan tâm tới ranh giới giữa người và vượn, lại nêu lên câu hỏi, đâu là ranh giới khác nhau giữa các loài vượn Oran-Utan và Gibbon.

Phía Great Ape Project lập luận rằng, yêu sách của họ mang tính chất tượng trưng. Cả Peter Singer cũng muốn đẩy làn ranh vượt trên cả vượn Gibbon, và ông cổ xuý cho việc tôn trọng quyền của tất cả mọi loài vật nào biết cảm thấy đau đớn hoặc sung sướng. Vì thế, ông coi yêu sách đòi nhân quyền cho mấy loài vượn lớn chỉ mới là bước đầu; và nỗ lực của ông đã có kết quả. Tháng 10 năm 1999 chính quyền Tân-tây-lan ra quyết nghị không được xâm phạm sự sống của các cô chú vượn người trên đất nước họ – có lẽ tổng số tất cả vào khoảng 30 con. Cả Anh quốc, từ năm 1997, cũng ra lệnh cấm dùng vượn người làm thí nghiệm. Phải chăng con người đã bắt đầu thay đổi quan điểm? Phải chăng làn ranh xưa nay giữa người và thú từ nay biến mất? Và giờ đây ta nên lấy khoa Nhận thức học để thay cho nền đạo đức truyền thống? Như đã thấy, nghiên cứu não đã đưa ra những hệ cấp hoàn toàn mới trong tương quan giữa các kích thích và phản xạ, giữa các phản ứng và việc xử lí. Ngày nay chúng ta biết, con người không suy nghĩ thuần lí trí. Hầu hết những gì diễn ra trong thế giới của chúng ta đều đã được xác định trước khi có ngôn ngữ, chúng là hậu quả của những khả năng mà người và các thú vật khác đều có chung. Con người chẳng bao giờ hành động thuần lí. Vì thế, rồi đây ta sẽ coi các loại vượn người là người hay là thú, điểm này sẽ tuỳ vào cách định nghĩa của ta. Ở đây, chẳng có ai có được nhận định hay hơn giáo sư người Nhật Toshisada Nishida, nhà nghiên cứu vượn: „Khỉ đột thật tuyệt vời theo cung cách của chúng. Ở một vài bình diện, chúng thua ta, nhưng ở một vài bình diện khác, chúng hay hơn ta“. Dù sao chăng nữa, những hiểu biết ngày nay về người và vượn người bắt chúng ta phải có những suy nghĩ mới. Nghiên cứu não càng ngày càng khiến cho làn ranh giữa người và vượn nhỏ lại. Nó xoá dần các kết quả hiện nay của khoa Tâm lí động thái, xoá luôn cả cái quan điểm xưa nay vẫn cho rằng, thú vật không biết chết là gì. Francine Patterson hỏi Koko của bà: „Chết là gì?“ Sau một chốc suy nghĩ, Koko đáp: „Thoải mái –  Xuống hang – Tạm biệt“.

Khi đưa ra luận chứng nguồn gốc con người xuất phát từ thú vật, Charles Darwin đã do dự rất lâu trong việc gọi con người là một „con thú thông minh“. Và trong thế kỉ 20, nhà sinh vật tiến hoá nổi tiếng Julian Huxley, cháu của Thomas Henry Huxley vốn là bạn đồng chí của Darwin, đã tạo ra cho con người một sinh cư riêng „Psychozoa“. Nhưng nghiên cứu não đã lại kéo chúng ta ra khỏi chốn sinh cư cao quý đó và đưa ta về lại với các bà con loài thú của mình.

Vượn người cũng không phải là những cỗ máy tự động hay là những thực thể „thấp kém“. Chúng cũng có một giá trị để chúng ta phải quan tâm. Nhưng giá trị đó bắt đầu từ đâu trong thiên nhiên? Phải chăng mọi thiên nhiên đều đáng được bảo vệ? Và phải chăng chúng ta quả thật phải gìn giữ hết thảy những gì sinh động chung quanh chúng ta?

•Nỗi đau của cá voi. Tại sao phải bảo vệ thiên nhiên?

Bình luận