Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 2

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Hadar

Lucy ở trên trời Chúng ta đến từ đâu?

đây là câu chuyện của ba câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất như sau: Ngày 28 tháng 2 năm 1967 – Hoa-kì đội bom xuống Bắc Việt Nam; ở Berlin (Tây đức) nổi lên những cuộc chống đối đầu tiên của sinh viên, công xã thứ nhất (của nhóm thanh niên sinh viên thế hệ 68 sống chung chạ với nhau. Người dịch) vừa được hình thành; Che Guevara bắt đầu khởi sự cuộc chiến du kính trên cao nguyên miền trung nước Bolivia; và John Lennon, George Harrison và Ringo Starr cùng nhau lập phòng thu băng nhạc ở đường Abbey trong thủ đô London. Một trong những dĩa nhạc thu băng của họ mang tên Sgt. Peppers’s Lonely Hearts Club Band, và một bài hát trong đó có tên Lucy in the Sky with Diamonds. Vì cái tên lạ và lời lẽ siêu thực của bài hát, nhiều người mê nhạc Beatle tới ngày nay vẫn tin rằng, John Lennon sáng tác bài này trong cơn say và bài hát đó là một lời ngợi ca ma tuý. Nhưng sự thật không phải thế, nó khá đơn giản và cảm động. Lucy không phải là ai khác ngoài người bạn gái cùng lớp của Julian Lennon, con của John Lennon. Cậu bé Julian đã tự vẽ cô bạn này và đưa cho ông bố xem bức hoạ mang tên “Lucy in the Sky with Diamonds” của mình. 

Và như vậy tiếp theo câu chuyện thứ hai. Năm 1973: Donald Carl Johanson, lúc đó chưa đầy 30 tuổi, đi theo một đoàn thám hiểm tới vùng cao nguyên đầy gió bụi gần thành phố Hadar của Ethiopia. Johnanson miễn cưỡng muốn trở thành một nhà chuyên môn về răng các loài vượn. Từ ba năm nay, anh đang viết luận án về răng vượn; anh đã tìm hiểu bao nhiêu là sọ vượn trong tất cả các viện bảo tàng ở Âu châu, và lúc này anh chẳng còn hứng thú gì nữa về đề tài này. Nhưng nhiều đồng nghiệp nổi tiếng người Pháp và Hoa-kì lại rất cần một người biết nhiều về răng vượn như anh. Ai muốn nghiên cứu về xương người hoá thạch, tất phải cần tới một chuyên viên về răng. Vì răng thường là những cổ vật ít bị hư hao nhất trong các cổ vật tìm thấy, và răng người với răng vượn không khác gì nhau. Riêng Johanson thì rất mừng được theo đoàn nghiên cứu, vì con đường tiến thân bằng nghiên cứu khoa học quả là một cơ hội mới mẻ đối với anh. Johanson xuất thân từ Hartford bang Connecticut, là con trai của một người Thụy-điền di cư sang Hoa-kì. Cha mất sớm, khi cậu Don mới hai tuổi, vì thế Don phải trải qua một thời niên thiếu rất khó khăn. Một nhà nhân chủng hàng xóm đã bảo trợ cậu như một đứa con nuôi, giúp ăn học và đánh thức dậy sở thích cổ sử nơi cậu. Johanson sau đó đã học Nhân chủng học và bước theo vết chân của người bảo trợ mình. Chính cậu sẽ là người để lại cho nhân loại một cái gì đó lớn lao. Nhưng đó là chuyện tương lai. Còn lúc này đây, ngồi bới đất đá tìm xương người ở vùng tam giác Afar gần bờ sông Awash dưới ánh mặt trời như thiêu như đốt, chàng trai tóc đen, cao lêu nghêu và gầy trơ xương sườn Don đã chẳng nghĩ được gì hơn. Tình cờ anh gặp được một vài mẫu xương lạ: phần trên của một xương ống quyển và phần dưới của một xương đùi. Hai mẫu xương này ăn khớp với nhau lạ lùng. Johanson xác định đó là xương đầu gối của một loài vượn đi bằng hai chân, cao cỡ 90 phân, sống cách đây khoảng hơn ba triệu năm. Một phát hiện động trời! Là vì chuyện cách đây ba triệu năm đã xuất hiện một động vật đứng thẳng như người là điều tới lúc đó chưa ai biết hoặc nghĩ tới. Ai có thể tin được điều của một chuyên viên răng vượn hãy còn vô danh như cậu? Cậu chỉ còn một cách mà thôi: phải làm sao tìm cho được toàn bộ xương! Thời gian trôi qua, và một năm sau đó, ngày 24 tháng 11 năm 1974, Johanson trở lại vùng tam giác Afar cùng với Tom Gray, một sinh viên người Hoa-kì. Trước khi bước vào trại khảo cổ, hai người làm một vòng quan sát hiện trường. Tình cờ anh nhận ra một mẫu xương cánh tay nằm giữa đá lở. Rải rác quanh đó có nhiều mẫu xương khác: những đoạn xương bàn tay, xương sườn, các đốt xương sống, những mảnh xương sọ: những thành phần của một bộ xương tiền sử.

Và nối tiếp sau đây là câu chuyện thứ ba – câu chuyện về một người đàn bà nhỏ con, từng sống trên một miền đất mà ngày nay gọi là Ethiopia. Chị đứng thẳng khi bước đi, đôi tay tuy ngắn hơn tay của một người trưởng thành thời nay, nhưng có hình dạng giống in đúc xương tay người hiện đại. Người đàn bà thuộc loại lùn, nhưng bạn bè giới nam của cô cũng không lớn lắm, có lẽ chỉ cao vào khoảng 1,4 mét. Với thân hình như thế, cô rất khoẻ. Cô có những đốt xương vững, đôi tay tương đối dài. Chiếc đầu không lớn như của một người thường, mà chỉ bằng đầu của một chú vượn người. Xương hàm của cô bạnh ra và sọ trán phẳng. Có lẽ lông tóc cô màu đen, như các loài vượn người khác ở Phi châu, nhưng điểm này không chắc lắm. Cũng không biết được cô khôn lanh tới mức nào. Não bộ của cô lớn bằng não của một chú vượn, và cũng chẳng ai biết cô đã suy nghĩ được những gì. Cô chết lúc 20 tuổi, không hiểu vì nguyên nhân gì. 3,18 triệu năm sau đó, hồ sơ “AL 288-1” được xem là bộ xương đầy đủ và xưa nhất của một động vật giống như người. Cô thuộc chủng Australopithecus afarensis. Australopithecus có nghĩa “Khỉ miền nam”, và afarensis là tên của địa điểm nơi tìm thấy cổ vật: vùng tam giác Afar. 

Hai nhà nghiên cứu nhảy lên xe, tống hết ga chạy về lều. Chưa tới trại, Gray đã la lớn:

“Chúng tôi đã có được nó rồi, chúng tôi đã có được hoàn toàn đầy đủ!” Phấn chấn cực độ. Johanson nhớ lại: “đêm đầu, chúng tôi không tài nào chợp mắt được. Chúng tôi chuyện trò không dứt và uống với nhau hết chai bia này tới chai khác”. Họ hát, họ nhảy. Và đây là điểm nối kết câu chuyện thứ nhất với câu chuyện thứ hai và câu chuyện thứ ba: Suốt đêm hôm đó bản nhạc Lucy in the Sky with Diamonds được phát đi phát lại vang dội ở một góc bầu trời đêm xứ Ethiopia. Và rồi, không biết chính xác từ giây phút nào, sau đó bộ xương đầy đặn 40% kia chỉ còn được gọi là „Lucy”. Và Lucy O’Donnel, người bạn gái cùng lớp của Julian Lemmon, cũng có lí do để vui mừng. Tên em giờ đây được lấy để làm bảo chứng cho một bộ xương có một không hai và cổ xưa nhất trong toàn bộ cổ sử và nguyên sử thế giới.

Lucy của Johanson chứng minh cho thấy „nôi loài người” nằm ở Phi châu, điều này trước đó người ta cũng đã mơ hồ tin như thế rồi. Lịch sử nguồn gốc loài người, bao lâu còn được hình dung như lịch sử phát triển của từng cá nhân, bấy lâu vẫn không xoá đi huyền thoại về tạo dựng. Nhưng hình ảnh về nôi sinh thành trên đây cũng đồng thời làm cho các nhà nghiên cứu hi vọng rằng, rồi đây họ sẽ xác định được biên giới giữa loài người và loài vật; không những xác định về địa điểm, mà cả về thời gian từ lúc con người bước ra khỏi Rãnh Gregory (Gregory-Spalte) miền đông Phi châu, bắt đầu đứng thẳng và biết sử dụng vũ khí đá đẽo, cho đến khi trở thành những kẻ săn bắn thú hoang biết nói năng trao đổi với nhau. Nhưng đây quả thật có phải là loài động vật đầu tiên và duy nhất biết đứng thẳng, biết sử dụng dụng cụ săn bắn các thú hoang lớn không? Cho đến lúc đó, vết tích cổ nhất mà người ta tìm được của một loài vượn người

(Hominoidea) có niên đại vào khoảng 30 triệu năm. Tuy nhiên, người ta hiện gần như chẳng biết chút gì thêm về loài vượn này. Là vì chỉ có được một vài mẫu xương hàm dưới không đầy đủ và hư hại nhiều, thế thôi, đó là tất cả những gì có được để các nhà khoa học đưa ra những kết luận của họ. Cả việc phân loại các loài vượn cổ sau này, người ta cũng như đang lần mò trong đêm tối. Chỉ khi rừng và đồng cỏ xuất hiện, khoa Cổ nhân chủng học mới có được một cái nhìn rõ hơn. Khoảng 15 triệu năm trước, các lực ép dữ dội trong lòng đất đã đẩy vỏ địa cầu phía đông châu Phi lên một độ cao gần 3000 mét cách mặt biển. Các tảng đá lục địa bị uốn cong, nứt thành một rãnh dài trên 4500 cây số, và từ khe rãnh đó xuất hiện một hệ thực vật hoàn toàn mới. Nhờ sự hình thành Rãnh Gregory và thung lũng (Great Rift Valley) trong đó mà các loài vượn – và từ đó loài người – cũng xuất hiện. Nhà cổ nhân chủng học nổi danh Richard Leakey phỏng đoán: „Nếu Rãnh Gregory đã không hình thành ở địa điểm đó và vào thời gian đó, thì loài người có lẽ cũng đã không xuất hiện“.

Phía tây Rãnh là những cánh rừng nguyên sinh với thức ăn phong phú, nơi sinh sống lí tưởng cho các loài linh trưởng. Phía đông, trái lại, là những bán sa mạc, những rừng cỏ nhỏ và đồng lầy sông lạch tạo ra do những cánh rừng chết. Cách đây độ bốn hay năm triệu năm, đây là đất sống lí tưởng cho một vài loài Hominid (vượn người), chẳng hạn như loài Australopithecus, là loài đầu tiên có thể đứng thẳng khi đi. Một vài loài trong số này đã biến mất vào một lúc nào đó, các loài khác vẫn tiếp tục sinh sôi phát triển. Cách đây khoảng ba triệu năm,

Australopithecus tách ra thành nhiều loài khác, mà nay ta biết khá rõ về chúng. Trong các loài mới này có Australopithecus robustus và Australopithecus africanus. Australopithecus robustus là loài có sẽ sống bằng thực vật với chiếc sọ vạm vỡ và những xương hàm rất lớn, loài này đã biến mất khoảng 1,2 triệu năm trước. Còn Australopithecus africanus có sọ nhẹ hơn và răng nhỏ hơn; nó được xem là gốc tổ của Homo habilis vốn là đại biểu đầu tiên của gia đình Hominae (giống người), nhưng loài này còn được phân ra ít nhất thành hai loài nữa, mà ngày nay ta hoàn toàn không biết gì về mối dây bà con giữa chúng.

Sọ của các Australopithecinen đúng là sọ khỉ. Cũng giống như các loài linh trưởng khác, cặp mắt của chúng nằm dôi ra phía trước sọ, điều này có nghĩa, loài khỉ luôn chỉ nhìn được một phía. Muốn mở rộng tầm nhìn, chúng phải quay đầu. Một hệ quả của tình trạng này là khỉ có lẽ mỗi lúc chỉ có được một tình trạng í thức mà thôi. Vì chúng không thể nhận thức được nhiều chuyện trong cùng một lúc, nên những sự vật chỉ tiếp theo nhau hiện lên trong í thức. Góc nhìn hạn chế như vậy là điểm hoạ hiếm nơi các loài có vú; ở những giống vật khác như ruồi hay bạch tuộc thì tầm nhìn của chúng vô cùng lớn. Còn về khả năng thị lực, mọi loài khỉ đều nằm ở độ trung bình. Khả năng thấy của chúng khá hơn ngựa hay tê giác, nhưng lại thua rất xa các loài chim ưng. Cũng giống như hầu hết các loài thú có xương sống, nơi vượn hay khỉ có sự phân biệt hai vùng nhận thức trái và phải. Quan niệm „trái“ và „phải“ ảnh hưởng trên kinh nghiệm về thế giới và cả trên lối nghĩ của chúng. Các loài sứa, sao biển và nhím biển không có sự phân biệt phải hay trái đó, vì óc của chúng mang dạng hình tròn. Các loài khỉ cũng không cảm được những biến đổi của giòng điện, khác hẳn với nhiều loài thú khác, đặc biệt nơi cá mập. Khứu giác của khỉ rất dở, thua xa chó, gấu và nhiều loại côn trùng. Khả năng nghe của chúng khá tốt, nhưng cũng không bì được với chó, với gấu.

Diễn tiến lạ lùng nào đã xẩy ra nơi vài ba loài vượn cách đây độ ba triệu năm, điều này khoa học vẫn chưa biết được. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn đó, não của chúng đã lớn lên gấp ba lần. Australopithecus có khối lượng óc từ 400 tới 550 gram; óc của Homo habilis cách đây khoảng hai triệu năm nặng từ 500 tới 700 gram; Loài Homo heidelbergensis và Homo erectus xuất hiện cách đây độ 1,8 triệu năm có khối óc từ 800 đến 1000 gram. Và khối óc của loài người tân tiến Homo sapiens, xuất hiện cách đây khoảng 400 000 năm, cân được từ 1100 tới 1800 gram.

Các nhà khoa học trước đây giải thích, khối lượng óc gia tăng chính là do việc thích ứng với môi trường sống. Môi trường sống trong thảo nguyên của Rift Valley hoàn toàn khác với hoàn cảnh sống trong các rừng già trước đó, và các Australopithecinen cũng như các giống Homo cổ đã phải thích ứng với các môi trường sống mới. điều này đúng. Nhưng việc gia tăng quá nhanh độ lớn của óc do hậu quả điều kiện sinh môi thay đổi là chuyện chẳng bình thường gì cả, nó phải được coi là một biến cố hoàn toàn bất thường. Các loài thú phải thích ứng với sinh môi, dĩ nhiên. Chúng biến đổi, lớn thêm hay nhỏ lại, nhưng óc của chúng không thể phình lớn nhanh như thế được. Linh trưởng trong vùng thảo nguyên hiện nay cũng chẳng khôn gì hơn linh trưởng trong các rừng già. Nhưng khối óc của các giống vượn người cổ gia tăng quá nhanh cách lạ thường, còn nhanh hơn tầm lớn của thân xác chúng – điểm này cho đến nay mới chỉ thấy được nơi loài người và loài cá heo mà thôi.

Chúng ta biết được tiến trình phát triển đặc biệt của óc người là nhờ công trình riêng biệt của hai tác giả người Pháp là Emile Deveaux và người Hoà-lan là Louis Bolk trong những năm 1920’. Theo hai vị này, con người khi lọt lòng mẹ vẫn chưa phát triển đầy đặn, trong khi đó các loài vượn người khi sinh ra thì đã phát triển gần như đầy đủ rồi. Thời gian phôi thai nơi con người dài hơn và trong thời gian đó con người đã có khả năng học tập. Khoa nghiên cứu não ngày nay đã có thể xác nhận điểm này. Trong khi óc của mọi loài có vú khác sau khi sanh lớn chậm hơn thể xác, óc con người từ thời phôi thai cho tới một thời gian dài sau khi sanh vẫn tiếp tục phát triển với vận tốc ngang bằng vận tốc phát triển của thể xác. Bằng cách đó, óc người đã có được một độ lớn vượt lên trên các loại vượn người khác. đặc biệt tiểu não và vỏ đại não đã có được nhiều lợi điểm trong sự phát triển này. Và trong đại não, đặc biệt những vùng liên quan tới khả năng định hướng, khả năng âm nhạc và khả năng tập trung là quan trọng nhất.

đó là những gì ngày nay ta biết được nơi tiến trình phát triển não. Nhưng tại sao, khoảng

ba triệu năm trước, nó lại xẩy ra như thế? Không rõ. Chúng ta càng biết chính xác về diễn tiến bao nhiêu, thì lại càng mơ hồ về lí do của diễn tiến đó bấy nhiêu. Là vì chỉ nhu cầu thích ứng mà thôi thì không đủ để giải thích sự tăng trọng quá nhanh của não, cho dù ta có đủ lí do để bảo rằng, hoàn cảnh sống mới nơi thảo nguyên đòi hỏi phải có một thích ứng lớn. đúng, khả năng đứng hai chân làm thay đổi cung cách chạy trốn. đúng, đời sống gia đình nơi thảo nguyên không giống như trong rừng già. đúng, nơi thảo nguyên phải có cách săn tìm những thức ăn mới. Nhưng tất cả những cái đó cũng không cắt nghĩa được độ lớn gấp ba của não. Não con người quá phức tạp, nó không chỉ lớn lên vì hoàn cảnh sinh môi mà thôi. Nhà nghiên cứu não ở Bremen, Gerhard Roth, viết: „Không phải hoàn cảnh sống đã buộc con người phải có một vỏ não (Cortex) hay một vỏ não trước lớn. Những thứ này con người có được là do trao tặng một cách ‘nhưng không’ “. 

Như vậy, sự phát triển của não người không chỉ do ảnh hưởng của các điều kiện môi sinh. Nếu trong chương đầu có nói, bộ não của loài vật có xương sống chúng ta là kết quả của sự thích ứng với tiến trình tiến hoá, thì ta phải thú nhận rằng, chúng ta vẫn chưa biết gì chính xác về những mối liên hệ này. Có thể nói, cho tới lúc này chúng ta chẳng biết lí do nào đã đưa đến sự „tối ưu hoá“ này. Và suốt một thời gian rất dài, cha ông chúng ta đã ít sử dụng hết khả năng của bộ não vốn lớn nhanh trong đầu. Từ Australopithecus tới Homo habilis và Homo erctus não đã lớn với tốc độ kinh hoàng, nhưng cuộc sống văn hoá đã không có gì thay đổi, chẳng hạn như chẳng có được những cải tiến trong việc chế biến hay sử dụng những dụng cụ. Ngay cả lúc não đã gần như phát triển tương đối xong vào khoảng một triệu năm trước đây, cha ông Hominiden của chúng ta trong suốt nhiều trăm ngàn năm cũng đã không sáng chế ra được gì hơn ngoài mấy miếng đá đẽo nhọn thô sơ. Những dụng cụ của người Neandertaler, một chủng loại đã biến mất cách đây trên dưới 40 000 năm, cũng thô sơ và ít được mài bén. Nên biết rằng, khối lượng bộ não của chủng Neanthaler còn lớn hơn não của người thời nay!

Trong tiến trình phát triển của loài người tân tiến với nền văn hoá có một không hai của họ, não giữ vai trò quyết định, điều này đã rõ. Nhưng tại sao con người đã sử dụng khả năng cải tiến kĩ thuật của mình quá trễ đến như thế? Câu trả lời có thể là: Vai trò của não không phải để cải tiến kĩ thuật, nhưng nó mang những nhiệm vụ nào đó khác hơn. Cũng như các vượn người ngày nay tuy khôn ngoan hơn, nhưng vẫn chỉ biết bẻ cành ném đá, chỉ biết sử dụng các dụng cụ một cách thô thiển như thời các Australopithecinen trước kia. Vượn người dùng phần lớn trí khôn của chúng cho cuộc sống xã hội phức tạp; và nơi con người cũng thế, đồng loại là thách đố lớn nhất trong cuộc sống hàng ngày của họ (Xem bài Cây kiếm của người giết rồng). Chúng ta chỉ sử dụng một phần rất nhỏ khả năng của mình, bởi vì Trí tuệ là thứ chúng ta chỉ cần lúc chúng ta gặp bí mà thôi. Ngay cả nếu những nhà nghiên cứu vượn lấy ống nhòm mà quan sát Albert Einstein, như họ ngày nay quan sát các chú khỉ, thì họ cũng chẳng nhận ra gì đặc biệt nơi ông. Trong cuộc sống thường ngày với ngủ, thức, ăn, uống, bận áo quần v.v. Einstein chẳng cần gì tới bộ óc thiên tài của mình, bởi vì những sinh hoạt đó chẳng đòi hỏi tia chớp sáng tạo nào cả.

Não con người là một bộ máy lạ lùng. Nhưng nó không phải là một bàn cờ vi tính, luôn phải động não để tìm những nước cờ hiểm yếu. Thường thì bộ máy này chạy ở mức thấp, và như vậy thì loài người ngày nay cũng không khác gì cha ông họ từ thủa hồn hoang. Con người ngày nay cũng không khác khỉ về những bản năng nền tảng và về cung cách gây chiến và xâm lược, về những gì thuộc phản xạ, về tình cảm gia đình và cộng đoàn. Càng biết về đời sống các thú vật, chúng ta càng rõ hơn về chính mình vốn là âm ba của 250 triệu năm tiến hoá của loài vật có vú vọng lên từ não của ta.

Như vậy, loài thú tinh khôn của Nietzsche đúng là những thú vật, và khả năng nhận thức có một không hai của chúng trước sau vẫn là một ẩn số. Một vài triết gia thời Lãng mạn đầu thế kỉ 19 cho rằng, thiên nhiên vận hành không phải vô định, nhưng có mục đích, và mục đích cuối cùng của nó là sự hình thành loài người – và chủng loại người được hình thành nên là để giải mật sự vận hành của thiên nhiên. Các vị đó đã hiên ngang bảo rằng, thiên nhiên sẽ tự bạch hoá mình ra nơi con người. Nhưng thực tế chẳng có gì minh chứng cho lập luận: con người và hành vi của họ là cùng đích hành trình của thiên nhiên cả. Không những chuyện vận hành của thiên nhiên, mà ngay cả khái niệm „mục đích“ cũng đáng ngờ. Mục đích là một phạm trù tư duy rất mang tính người (loài tắc kè có mục đích không?), nó đặc biệt gắn liền với các quan niệm của con người về thời gian, cũng giống như các khái niệm „tiến bộ“ và „í nghĩa“. Nhưng thiên nhiên là chuyện của vật lí, hoá học và sinh vật. Và khái niệm „í nghĩa“ mang những tính chất hoàn toàn khác với Prôtêin, chẳng hạn. 

Những cô cậu tinh khôn nhất trong đám thú của Nietzsche đã hiểu ra được điều đó, nên họ không còn mơ làm chuyện ôm đồm to lớn là đạt tới sự „khách quan“ của thực tại nữa. Song giờ đây họ tự hỏi: đâu là điều tôi có thể hiểu được? Và cái hiểu đó cũng như cái có thể hiểu đó hoạt động ra sao? Các triết gia cho rằng, đây là một „chuyển hướng tri thức“ đưa tới những nền tảng cho việc tìm hiểu về chính mình và về thế giới. để hiểu điều này, tôi muốn dẫn quý vị hành trình vào các nền tảng của bộ máy nhận thức của chúng ta, những nền tảng mà chúng ta đã chia sẻ với nhau một số điểm quan trọng qua câu chuyện Lucy trên đây rồi. Chúng ta hãy cùng Lucy bay vào một vũ trụ còn hào hứng hơn tất cả những vũ trụ mà các triết gia trước đây đã bay vào. Chúng ta hãy khám phá Cảm giác và Tư duy của chúng ta, bằng cách hành trình vào trong não bộ của chúng ta.

•Vũ trụ Tinh thần. Não của tôi hoạt động như thế nào?

Bình luận