Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 21

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Washington

Nỗi đau của cá voi

Tại sao phải bảo vệ thiên nhiên?

Cá voi thông minh, có khiếu âm nhạc và nhạy cảm. Mẹ bú mớm con trong tám tháng đầu và tiếp tục chăm sóc con trong nhiều năm. Cá voi con trưởng thành ở tuổi 13. Cuộc sống xã hội và đa dạng của cá voi ít có loài nào sánh kịp, ngôn ngữ của chúng tế vi khó hiểu, chúng lo lắng cho nhau khá chu đáo. Những nhào lộn của chúng trông thật đẹp mắt. Cá voi có thể sống thọ đến 70, 80 tuổi. Kẻ thù duy nhất của chúng là đám dân chài Island và Phần-lan, kể cả đám dân ham học Nhật-bản. Không biết ham học cách gì mà mỗi năm dân Nhật cần cả ngàn con để nghiên cứu! Từ 20 năm qua, có tới 25.000 cá voi đã phải chết tức tưởi: bị banh phổi, vỡ tim, chọc thủng hoành cách mô…  dưới mũi lao thợ săn trên những con tàu săn chuyên biệt. 25.000 con đã chết! Tại sao ông Trời hay cộng đồng thế giới loài người được coi là rất biết điều lại để cho những chuyện như thế xẩy ra?

Uỷ Ban Quốc Tế Săn Bắt Cá Voi năm 1986 đã quyết định: Không ai được phép giết hại một con cá voi ở biển nào nữa, trừ những bộ lạc thổ dân ở nam và bắc cực, hoặc trừ việc giết để nghiên cứu tìm hiểu. Nhờ cái khoản luật trừ này mà từ đó Nhật trở thành dân nghiên cứu thịt cá voi và dân Phần-lan tự nguyện trở thành những bộ lạc thổ dân bắc cực! Trong thực tế, thật ra chẳng có cấm cản gì, ai muốn, người đó vẫn có thể giết cá voi. Và Uỷ Ban Quốc Tế chỉ còn biết ngồi nhìn và gật đầu, như mới đây đa số thành viên trong Ủy Ban lại đồng í cho phép giết tiếp.

Thật ra, việc đánh bắt cá voi chẳng thú vị gì – ngay người Nhật cũng biết như thế. Thịt cá voi cũng chẳng phải là món đặc sản gì – Những người Nhật nhạy cảm cũng ớn thịt cá voi như những người đức nhạy cảm. Nhưng, như người ta cho hay, săn bắt cá voi đã là một truyền thống từ thời trung cổ ở Nhật. Và truyền thống thì khó mà bỏ được, dù với lí do loài cá này sắp tuyệt chủng! Nhưng đó cũng chính là lập luận được phía đối lập nêu lên để bảo vệ loài cá này. Họ muốn bảo vệ, vì cá voi trở thành hiếm hoi, chứ không phải vì nhân danh quyền sống của chúng! Và vì vậy chỉ có một Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, chứ chẳng có Hội đồng thú quyền LHQ; chẳng có bộ luật bảo vệ thú vật nào mang tính chất quốc tế. Luật dân sự đức cấm không được phép coi thú như đồ vật. Và luật bảo vệ thú của đức cấm mọi hình thức hành hạ thú vật một cách không cần thiết. Trên bình diện quốc tế chỉ có một Uỷ Ban Săn Bắt Cá Voi hoặc – cao hơn hết – có nghị hội CITES: Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora.

Nghị hội CITES họp lần đầu tiên năm 1973 ở Washington, vì thế người ta cũng gọi đó là Thoả Ước Washington Bảo Vệ Các Chủng Loại. Nhưng dù vậy, từ 1973 tới nay, con người đã huỷ diệt mất khoảng một nửa lượng các loài thú và thực vật có mặt vào thời điểm đó trên địa cầu. Tình trạng thật bi thảm. Trong mấy thập niên vừa qua con người đã phá hoại địa cầu nặng nề hơn lượng phá hoại trong toàn bộ thời gian từ khi con người có mặt cho đến thế chiến thứ hai. Mỗi năm có 5% diện tích rừng địa cầu bị thiêu rụi. Ngày nay còn khoảng 6% rừng nhiệt đới, vốn là không gian sinh tồn của đa phần thú và thực vật. Trong vòng không đầy ba mươi năm, diện tích rừng bị giảm xuống chỉ còn gần một nửa. Nếu cứ giữ đà phá rừng như hiện nay, thì cây gỗ nhiệt đới cuối cùng sẽ biến mất vào năm 2045. Mỗi ngày có vài trăm loài thú biến mất; đa số trong chúng chưa có danh xưng vì chưa được khoa học biết tới. 

Ngày nay không ai biết được có bao nhiêu chủng loại thực và thú vật khác nhau có mặt trên địa cầu. 30 triệu là con số thường được nói tới, mà có thể cũng 100 triệu hay vỏn vẹn chỉ 6 triệu. Khác với thời đại Phấn vôi (Kreidezeit), là lúc cao điểm xuất hiện các loài có vú sau khi các loài khủng long biến mất, nhịp độ diệt chủng hiện nay cao hơn nhịp độ phát sinh chủng loại trên dưới một triệu lần. đã có tới một phần năm các loài chim được biết đến đã tuyệt chủng hay đang trên đà tuyệt chủng. Mỗi loài tuyệt chủng kéo theo sự biến mất mãi mãi từ một tới mười tỉ cặp di tử căn bản. Việc truyền thông và chính trị cố tình im tiếng trước thảm hoạ môi sinh này đang đẩy các thế hệ tương lai vào một bài toán vạn nan. Và điều cũng làm ta ngạc nhiên: Ở đức chỉ có một ghế giáo sư đại học về môn đạo đức môi sinh, trong khi có tới bốn mươi ghế giáo sư về Triết học thế kỉ thứ 18. Gần như chẳng có môn triết nào bị lơ là như môn đạo đức môi sinh. Lạ thật, tại sao nó không được nền đại học quan tâm? Nếu vậy, thì ta đi tìm những biện minh cho việc bảo vệ muôn loài ở đâu? đâu là lời giải cho câu hỏi, tại sao phải giữ cho muôn loài khỏi bị tận diệt, và với phương sách nào?

Thoạt nhìn, câu trả lời xem ra chẳng khó. Ta phải bảo vệ thiên nhiên là để bảo vệ chính ta: „Cây chết trước, rồi đến lượt người“. Có lẽ không sai, nhưng cũng không đơn giản như thế. Vấn đề hẳn sẽ rõ, nếu ta đặt ra câu hỏi, đâu là vị trí và í nghĩa của môi sinh: Phải chăng môi sinh là một „giá trị“? Nó giữ một phận vụ cho sinh thái? Một sinh vật lớn? đối với James Lovelock, ta phải kính trọng tất cả mọi thứ gì sống động. Lovelock là một nhà hoá học nổi tiếng người Anh kiêm i sĩ và nhà vật lí địa chất, ông là tác giả của nhiều luận văn chuyên khoa và của nhiều bằng sáng chế. Nhưng vũ trụ quan của ông thật lạ. Với ông, sinh vật không chỉ gồm các cây cỏ và thú vật, mà gồm cả những chất chết như dầu hoả, đất màu, đá vôi và dưỡng khí; tất cả những thứ này phải được bảo vệ. Tất cả những thứ này là kết quả của những tác động tổng hợp hoá sinh dưới cường độ lớn. Ở đức, tuy ít ồn ào hơn, các triết gia môi sinh, đặc biệt trong những năm 1980’ và 1990’, cũng đã đưa ra những tiền đề tương tự kêu gọi sự kính trọng và lòng trách nhiệm đối với toàn bộ thiên nhiên. 

Quan điểm như của Lovelock, xem mọi thứ trong thiên nhiên đều có cùng một giá trị như nhau, dễ dẫn tới một vài kết luận kì quặc hoặc có thể trở thành bất nhân. Với cái nhìn của ông, xem ra chỉ có con người là thành phần phá hoại nguy hiểm trong một thế giới hài hoà và „quân bình động“ khá mong manh. đối với cụ già 90 tuổi Lovelock, tai nạn lò nguyên tử Tschernobyl có thể lại là điều hay. Vì con người phải rời vùng đất chung quanh lò, nên cây cối và hoa cỏ, vốn ít bị nhiễm phóng xạ hơn người, tha hồ mặc sức mọc, mà không sợ bị ai phá hoại cả. điều đó làm cụ hài lòng. Nhưng với những nạn nhân của thảm hoạ Tschernobyl thì sao? Vui sao được đối với một bà mẹ ngồi bên đứa con nhỏ bị ung thư máu vì nhiễm phóng xạ!

Thiên nhiên đẹp không hẳn là thiên nhiên tốt, và một khi con người biết được mặt trái của nó, thì nét đẹp kia cũng phai nhanh. Những tảng đá và thung lũng với vách đá thẳng đứng, những sa mạc và khe núi tuyệt vời, những thứ mà con người hậu sinh chúng ta hôm nay có dịp chiêm ngưỡng, vốn là dấu vết còn lại của những thiên tai kinh hoàng. Những vụ nổ thiên hà, những tai ương núi lửa và vẫn thạch vũ trụ, cũng như những thảm hoạ khác trong lịch sử địa cầu đã vùi chôn mãi mãi tới 99% sự sống trái đất trong tro bụi nóng chảy hay dưới lớp bùn băng hà. Như thế, địa cầu chẳng phải là thiên đường, mà cũng chẳng phải là chốn trầm luân. Thiên nhiên „tự nó“ chẳng tốt hay xấu, nó cũng chẳng biết cái gì là tốt cái gì là xấu.

Như vậy, bảo rằng thiên nhiên „tự nó“ có giá trị, thì đó là một chuyện. Khi hàng triệu loài thú bị huỷ hoại mà không do bàn tay con người – và các triết gia phương tây lại coi đây là một diễn tiến „hoà điệu“ của thiên nhiên – thì phải nói sao việc tiêu diệt thú vật hiện nay do bàn tay con người? Người cũng là một con vật, và loài vật này o ép hoặc tiêu diệt loài vật khác thì cũng là chuyện „thường“ thôi, chẳng có gì vượt ngoài quy luật tự nhiên, và mức độ tiêu diệt này làm sao sánh được với tiến trình huỷ hoại tự nhiên vẫn có. Nhìn như thế, thì loài Homo sapiens – một loài đã chiếm ngự địa cầu từ mấy ngàn năm nay và đã sinh sôi thành hàng tỉ đơn vị – cũng chỉ là một thảm hoạ sau bao nhiêu thảm hoạ khác trên địa cầu. Vốn là một thành phần sống sót sau cuộc trường chinh sinh học, chính con người giờ đây lại cùng thiên nhiên quyết định những mục tiêu tiến hoá: Ai được phép tồn tại, ai phải bị tiêu diệt.

Nhiều người vốn coi thiên nhiên có một giá trị lớn, nhưng giá trị này không phải là „vốn có“ hay „tự tại“ của nó, mà là giá trị cho con người. đối với họ, sở dĩ phải phải bảo vệ muôn loài trong thiên nhiên, là vì lợi ích sinh thái. Tại đức, chỉ trong vòng không đầy mười năm, những khái niệm lờ mờ như „sinh thái“ (Öko) hay „sản phẩm hợp tự nhiên (Bio) bỗng dưng biến thành ngôn từ thịnh hành thống lĩnh í thức mọi người dân. Cũng từ í thức này mà người ta cho rằng, cây chết trước thì người sẽ theo sau. Chúng ta cần rừng già cho bầu khí quyển, và chúng ta cần biển sạch cho khí hậu và nguồn nước uống của chúng ta. Mọi thứ trên địa cầu đều liên hệ với nhau! Người ta bảo, thế giới là một hệ sinh thái lớn duy nhất, trong đó mỗi loài đều có chỗ quan trọng của nó. Nhưng có thật đúng như vậy không? Cả quan điểm này cũng khó thuyết phục. Là vì câu hỏi về í nghĩa sinh thái của muôn loài vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Nói một cách giản lược, có hai quan điểm trái ngược nhau nơi các nhà sinh thái học: Ta hãy coi thế giới như một chiếc máy bay, chẳng hạn. Và như vậy, đâu là vai trò của các chủng loài cây cỏ và thú vật khác nhau? Một nhóm nhà sinh thái bảo, mỗi loài là một chiếc đinh vít quan trọng để giữ an toàn cho máy bay. Mất một loài cũng giống như mất một đinh vít, máy bay sẽ chòng chành và cuối cùng có thể rớt. Nhóm thứ hai trái lại, coi mỗi loài là một thứ hành khách dư thừa trong máy bay, càng bớt hành khách máy bay càng nhẹ nhàng.

đúng sai đâu chưa biết, nhưng điều sau đây xem ra chắc chắn: Không phải bất cứ loài thảo

mộc hay loài thú nào cũng nhất nhất cần thiết về mặt sinh thái! điều này đặc biệt lại đúng cho những gia sản quý đẹp nhất của thiên nhiên. Hổ sa mạc Sibiri, hươu Okapi, gấu khoang Panda, vượn Orang-Utan và một vài loại cá heo, tất cả đang có cơ tuyệt chủng. Nhưng các cánh rừng đầm lầy ở Sichote-Alin, nơi độ ba trăm ông hổ quý cuối cùng đang sinh sống, sẽ chẳng mất theo khi ông hổ cuối cùng bị giết. điều này cũng đúng cho hươu Okapi ở rừng già Ituri, cho gấu Panda ở Trung Quốc và vượn Orang-Utan trên đảo Sumatra và Borneo. Các bạn yêu cá heo cũng an tâm, biển cả sẽ không cạn đi, khi không còn các chú cá heo chạy nhảy tung tăng. Không biết sự tàn phá của loài người sẽ tạo ra hậu quả về lâu về dài nào – nhưng việc tuyệt chủng của một số loài chẳng đưa đến hậu quả nguy hại nào trước mắt. Có thể chỉ cần một vài loại thảo mộc cũng đủ giữ quân bình cho vòng luân lưu của khí các-bon trong rừng già. Có thể việc rải độc các nguồn nước uống và việc phá vỡ lớp ô-dôn sẽ gây ra những tai hoạ khó lường cho hệ tuần hoàn sinh thái của thiên nhiên. Nhưng cái chết của hổ quý, gấu khoang, hươu ngắn cổ hay vượn Orang-Utan sẽ chẳng đưa đến tai hoạ nào. Xem ra chúng ta muốn bảo vệ nhiều loại thú, mà thực ra chúng hoàn toàn không cần thiết gì cho hệ sinh thái cả. Con người đã và đang chi phí cho nhiều loại cầm thú vô bổ về mặt sinh thái quá nhiều tiền của và sức lực, hơn là để bảo vệ một vài thứ côn trùng, vi khuẩn và vi trùng thật cần thiết. Như vậy, sinh thái không phải là lí do duy nhất để phải lo lắng cho một vài loài thú đang bị đe doạ. Mà như thế cũng là điều tốt. Bởi vì, ai đánh giá giá trị sự sống qua vai trò của nó đối với hệ sinh thái, người đó sẽ gặp những hệ quả ghê gớm. Có một số vi khuẩn đóng vai trò quan trọng và lành mạnh cho sinh thái hơn là con người. Như vậy, trong trường hợp có mâu thuẫn, ta phải hi sinh con người để bảo vệ vi khuẩn? Và ta nên vui trước việc chết đói của bảy triệu con người mỗi năm, vì như thế tài nguyên thiên nhiên và các rừng già ít bị khai thác và phá hoại hơn, nhờ bớt được bảy triệu miệng ăn?

Một chủ trương sinh thái triệt để sẽ không có chỗ cho đạo đức. Không một người nào được tự do chạy lòng vòng ở đức lại coi người khác chỉ là những bộ máy lọc khí thiên nhiên, có lẽ cả anh chàng mát dây Phineas Gage cũng không nhìn như thế. Nhưng ta kính trọng người khác, coi họ có giá trị khác với những miếng cao-su, là vì họ có khả năng cảm nhận rất tinh tế. Nhưng con chó, mèo, heo, hổ hay con voi cũng biết cảm nhận, biết đau, biết vui. Như vậy, sự khác nhau giữa quyền sống con người và quyền sống thú vật mang tính tiệm tiến, dựa vào mức độ tế vi của khả năng dự đoán về mức cảm nhận. Nhìn như thế, một chính sách bảo vệ muôn loài sẽ trở thành vô nghĩa, nếu chính sách đó không đề cập đến quyền sống của những sinh vật biết cảm nhận tế vi đó – quyền sống này mới là luận chứng đạo đức duy nhất. Và vì thế trong cuộc thảo luận của CITES nhằm giới hạn lượng săn bắt cá voi, ta không được phép chỉ bàn tới chuyện cơ nguy diệt chủng của hai loại cá voi xám (Grauwale) và cá voi lùn (Minkewale) mà dân Na-uy và Nhật thích ăn mà thôi. Cả trong cuộc thảo luận quy định phép săn bắn voi ở Phi châu cũng không thể bỏ qua được yếu tố này. Những người biện hộ cho việc phải giết bớt số thú thặng dư trong các khu rừng quốc gia hãy tự hỏi mình, như vậy có nên giết bớt số lượng người thặng dư, để địa cầu bớt quá tải không.

Chính sách bảo vệ muôn loài trong tương lai cũng không được chỉ dựa trên nền tảng lợi ích sinh thái mà thôi. Và lí do ‚hiếm hoi’ cũng không nhất thiết là một quan điểm đạo đức. Là vì mức độ hiếm hoi của một loại thú chẳng giúp gì cả cho khả năng cảm nhận đau của nó. Chắc chắn hươu Okapi, hổ Sibiri và vượn Sumatra cũng muốn sống. Nhưng phải chăng cái gì nhất thiết đúng cho mỗi một cá nhân thì cũng đúng cho các loài? Ở điểm này, xem ra có một khác biệt, nếu người ta nhân danh đạo đức hay nhân danh kẻ bị thương tổn để lí luận. Một con thú có biết và cảm thấy đau trước cái chết của nó kéo theo sự tuyệt chủng của cả loài không? Nếu như hổ Sibiri trong những năm tới sẽ bị giết hết, thì việc tuyệt chủng của chúng có lẽ ít làm cho mấy chú hổ kia lo lắng bằng chúng ta lo lắng. Chúng ta cứu hổ không phải vì lợi ích của chúng, mà vì lợi ích của những người yêu thích hổ, họ không muốn bọn săn lậu mặc sức giết hết loài thú đẹp này để đổi lấy một ít đô-la hay đồng rúp. Nhưng ta có thể tranh luận về mức độ có thể chấp nhận của những cảm nhận thẩm mĩ, khi bàn tới việc bảo vệ lâu dài các loài thú và thực vật khỏi bị tuyệt chủng. Tại sao cứ phải để hổ sống trong rừng lầy Sichote-Alin? Sao không đưa chúng vào các sở thú để chúng sinh sôi nẩy nở thêm nhiều? Phải chăng nhu cầu thẩm mĩ sẽ biến mất cùng với sự biến mất của những „giá trị“ mà ta đã nhận ra và không do chính ta tạo ra? 

Không một triết gia hay nhà sinh thái nào có thể minh chứng cụ thể được lí do hiện hữu của hàng triệu loài thú trên địa cầu. Và họ cũng chẳng biện minh được lí do có mặt cả của con người. Luận chứng mạnh mẽ nhất cho giá trị của con người là khả năng cảm nhận hạnh phúc và đau khổ tinh tế của họ. Và nếu cá voi hay voi cũng có khả năng này, thì cũng không được giết và phá hoại các nền tảng sống của chúng. Không phải vì chúng hiếm hay đẹp, mà vì chúng cũng muốn sống, đó là điều chúng ta cần phải quan tâm. Và ta cũng nên cẩn thận đối với các loài kém khả năng nhận thức hơn trong thiên nhiên. Chúng ta biết quá ít về thế giới cảm nhận của ếch nhái và chim muông, của cây cối và sứa biển. Và con người hình như cũng chưa biết nhiều về chính mình và về những cái muốn của mình, những cái muốn mà họ gọi một cách dễ dãi là „quy nhân“. Thay vì gọi việc làm ô nhiễm biển cả, ô nhiễm không khí hay phá hoại tài nguyên là những hành động ngu muội, thì họ lại gán cho chúng một í nghĩa „quy nhân“, nghĩa là chúng làm hại cho sức khoẻ và tương lai của con người.

Nhưng đâu là biên giới giữa cái mà con người, vì quyền lợi mình, có quyền làm biến đổi sinh thái thiên nhiên và cái không được làm? Chúng ta có quyền cải tạo thiên nhiên tới mức nào? Và thiên nhiên của chính chúng ta có hình thù ra sao?

•Những quan điểm về sao sinh (nhân bản). Có được sao người không?

Bình luận