Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 12

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Frankfurt am Main

Thí nghiệm Libet

Tôi có thể muốn điều tôi muốn không?

Bài này dài hơn các bài trước, vì hai lí do: Lí do thứ nhất, chúng ta làm quen với một nhân vật có khả năng hơn ta tưởng và ông là một trong những khuôn mặt độc đáo nhất trong lịch sử triết học. Chính ông một lần đã nói như thế này: „Rồi sẽ tới lúc, lúc nào và ở đâu chẳng biết, người ta sẽ coi điều tôi phát biểu về một việc gì đó –  là điều đã được nói ra bởi một tay chẳng biết gì cả“. Nói vậy không có nghĩa là ông khiêm tốn. Lí do thứ hai, chúng ta sẽ bàn về một vấn đề triết lí rất hệ trọng, hiện đang được bàn cãi dữ dội.

Ta hãy bắt đầu với vị triết gia. Arthur Schopenhauer là con của một thương gia giàu có ở tỉnh Danzig. Năm 1793 – lúc Arthur được năm tuổi – gia đình cậu dời về Hamburg. Ông bố đặt nhiều cao vọng nơi người con. Khi Arthur lên 15, cậu được bố gởi vào các trường và nội trú ở Hoà-lan, Pháp, Thuỵ-sĩ, Áo, Schlesien, Phổ và Anh. Vừa quen trường quen lớp, Arthur lại phải chuyển đi nơi khác. Và hậu quả đã vô cùng tai hại cho cậu. Arthur nói thông thạo Anh và Pháp ngữ, nhưng cậu sống co rút, không tin ai. Một thanh niên cô độc. Năm 17 tuổi, bố bắt cậu học nghề thương mại. Rồi bất hạnh bỗng chợt đến. Bố cậu mất bất ngờ. Người ta kháo nhau: ông ấy tự tử! Arthur rất đau khổ về cái chết của người cha. Cậu sợ bố, nhưng đồng thời cũng kính trọng và hãnh diện về bố. Nhưng đời của mẹ cậu bắt đầu từ đây nở hoa. Cuối cùng bà đã đạt được ước vọng của mình: trở thành một cô chiêu đãi văn chương. Hai mẹ con dời về thành phố Weimar, và quán Văn của mẹ cậu ở đấy rất thành công. Weimar tuy là một tỉnh nhỏ ở vùng Thüringen, nhưng đây là đất sống của Goethe, Schiller, Wieland và Herder và là nơi làm việc của những nhân vật quan trọng nhất của chốn văn chương.

Arthur rùng mình, mỗi khi thấy Goethe và các ông thần văn chương ngồi vênh váo trên mấy chiếc ghế của cha cậu trong quán Văn của mẹ. Cậu chua chát nhìn gương mặt say mê của mẹ. Bề ngoài trông cậu thật lãnh đạm, nhưng tâm hồn cậu thật ra không phải thế. Cậu rất thông minh và diện mạo cũng không tệ, nhưng cảm thấy chẳng ai hiểu mình cả. Năm 21 tuổi, cậu bị mẹ tống ra cửa. Cậu nhận phần gia tài của mình, tới Göttingen và sau đó tới Berlin và Jena để học I khoa, Triết học và các khoa học thiên nhiên.

Năm 25 tuổi viết luận án tiến sĩ, một cuốn sách rất bi quan, bất nhân nhượng và triệt để.

Schopenhauer tuyên bố, con người không có khả năng nhận biết thế giới một cách khách quan. Chúng ta chỉ có thể thấy và nhận biết được những gì bộ óc của loài có vú chúng ta cho phép thấy mà thôi. Quan điểm này vượt xa Kant, vốn là người cho rằng, bộ máy nhận thức của con người là một phương tiện rất tinh tế và rất tiện dụng. Nhưng Schopenhauer không tin vào sự khôn ngoan của Í thức. Cuốn luận án bị mẹ cậu chê là thiếu lịch thiệp và buồn tẻ. Bà bảo, nó là một „thứ gì đó cho các ông bà dược sĩ“. Nhưng may mắn cho Schopenhauer, chính Goethe, vốn là người mà cậu chẳng trân trọng gì lắm, nhận ra những tư tưởng tinh tế nơi cuốn sách. Goethe công khai nhìn nhận tài năng siêu chúng nơi Schopenhauer và tiên báo cậu sẽ có một công danh thênh thang về mặt văn chương. để đối lại, Goethe gởi cho cậu tác phẩm ruột của mình viết về „môn học các màu sắc“. Schopenhauer, vốn có nhiều kiến thức về khoa học thiên nhiên, đọc tác phẩm viết về sự hình thành và tác dụng của màu sắc của Goethe; cậu nhăn trán, coi đó là cuốn sách viết nhảm. Chuyện này được thiên hạ đồn thổi nhiều, và nó là một trong những điểm tốt ít có nơi cậu. đùng một cái, cậu viết ngay một cuốn sách mới về màu sắc. Goethe giật mình. Từ đây, chẳng ai dám coi thường chàng tuổi trẻ gàn bướng kia nữa. Năm 1820 Schopenhauer bắt đầu giảng khoá Triết học của mình tại đại học Berlin. để thách thức với ngôi sao bắc đẩu lúc đó là Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Schopenhauer mở giảng khoá của mình trùng với ngày giờ của Hegel. Cuộc ganh đua trở thành thảm hoạ. Hàng trăm sinh viên bước vào lớp của Hegel, trong lúc lớp của Schopenhauer chỉ có bốn hay năm học trò. Schopenhauer vẫn tự coi mình là thiên tài, nhưng chung quanh coi ông là một con người tự đánh giá mình quá cao. Nhà trường cảnh cáo, vì giờ lớp của ông quá ít sinh viên tham dự. Schopenhauer lấy làm nhục, bỏ Berlin tới Frankfurt /Main và ở lại đây. Ông viết nhiều sách và là trò cười cho dân cư trong khu phố của ông qua những câu truyện độc thoại trên đường phố, qua thái độ bất thân thiện của mình, qua tình thương sâu xa ông dành cho con chó và qua việc ông luôn luôn sợ bị ngộ độc vì bất cứ thứ gì. Vào tuổi xế chiều, ông trở nên khá nổi tiếng, nhưng chẳng hưởng được gì nhiều. Nhân sinh quan của ông trở nên rất ảm đạm. Nhưng ông vẫn hài lòng về mình: „Thế giới đã học được nơi tôi một vài điều mà họ sẽ không bao giờ quên“. 

Năm 30 tuổi, Schopenhauer khám phá ra điều quan trọng nhất để cống hiến cho thế giới. Năm đó ông viết Die Welt als Wille und Vorstellung (Thế giới như là Í chí và Tưởng tượng), một cuốn sách lúc đó chẳng mấy ai quan tâm. Nhưng trong đó, ông đã khám phá ra điều mà Kant, Hegel và nhiều triết gia khác đã không để í tới. Gần như ai cũng cho rằng, Trí hiểu hay Lí trí nói cho con người biết họ phải làm gì. Và toàn bộ nhiệm vụ của con người chỉ là làm sao thực hiện những gì Lí trí ra lệnh. Nhưng Schopenhauer tuyệt đối nghi ngờ điều đó. Và ông đã đưa ra một trong những câu hỏi sôi nổi nhất của Triết học: Tôi có thể muốn điều tôi muốn không?

Câu hỏi là một khiêu khích lớn, vì nó quyết định nhiều chuyện. Nếu quả thật tôi không thể muốn được điều tôi muốn, thì mọi chuyện coi như hỏng! Và như vậy Í chí con người không có tự do. Và nếu Í chí không tự do, thì Lí trí cũng chẳng có vai trò gì nữa. Và như vậy Mệnh lệnh căn bản (Kant) hay „luật trong tâm“ sẽ là gì? Nó chẳng còn gì là quan trọng nữa, vì lẽ không phải Lí trí, mà là Í chí vô lí (không biết phải trái) của tôi sẽ chỉ huy các luật hành động nơi tôi! Và Schopenhauer tiếp tục khẳng định một cách không nhân nhượng: Trung tâm điều khiển trong óc tôi không phải là Lí trí, mà là Í chí. Chính Vô thức quyết định cuộc sống và tính tình của ta. Í chí là ông chủ, và Lí trí chỉ là tay sai. Lí trí không có mặt trong những quyết định rõ ràng hay âm thầm của Í chí. Lí trí hoàn toàn không biết những gì đã xẩy ra. Chỉ có Í chí nói cho tôi hay, tôi phải làm gì, và Lí trí chỉ có việc tuân theo. Là vì „cái đầu sẽ chặn cửa, không để cho những gì ngược lại con tim đi vào“ – đó là điểm mấu chốt của vấn đề. Mọi thứ khác chỉ là nhảm nhí!

Có đúng vậy không? Ta hãy thử với một thí dụ. Bạn nhớ lại thời còn đi học. Bạn chẳng thú vị gì học Toán trong giờ thứ sáu (giờ chót) của ngày, và đang tính xem có nên trốn học không. Dĩ nhiên bạn áy náy, bạn là người dở Toán, nên cũng chẳng muốn học. Nếu không tới học, về sau bạn có thể gặp thêm khó khăn về Toán. Nhưng í nghĩ phải bước vào lớp học làm bạn mất hứng. Vì thế bạn do dự. Thật ra bạn đang lưỡng lự giữa í muốn trốn học và í định không tới lớp, dù bạn yếu Toán. điều này có nghĩa: Lí trí của bạn chưa biết điều đó. Nhưng rồi bạn biết có nhiều bạn học khác cũng không muốn vào học giờ thứ sáu đó. Dĩ nhiên, đó không phải là lí luận chính đáng có thể giúp bạn quyết định chống lại sự áy náy của mình. Dù các bạn học cùng lớp có trốn học hay không, điều đó chẳng làm thay đổi chút gì việc bạn có thể sẽ dở Toán hơn, nếu bạn không tới lớp. Nhưng khi hay tin có nhiều người cũng không tới lớp, lòng bạn bỗng dấy lên một niềm vui tràn trề. Bạn quyết định dứt khoát không tới giờ lớp nữa! Chính lúc đó Lí trí bạn mới nhận ra sự quyết định đã rồi của Í chí, trong lúc Lí trí này còn đang phân vân và đang loay hoay với sự kém Toán. Như vậy phải chăng Í chí của bạn đã có một quyết định tự do? Có lẽ không thì đúng hơn. Í chí của bạn đã biết trước điều nó muốn, và nó đã dùng một lí luận giả tạo để làm yên lòng Lí trí. Bạn tự nhủ: Những người khác cũng bỏ học; dù rằng điều đó, như đã nói, thật ra không phải là một lí luận hợp lí. Í chí đã làm điều nó muốn, Lí trí chỉ cung cấp cho Í chí sự biện minh như Í chí muốn mà thôi. 

Với việc nhấn mạnh Í chí, Schopenhauer đã cắm vào thân thể Triết học một cái gai đau điếng. Nói nhỏ thêm, Schopenhauer rất hài lòng về điểm này. Theo nhận định của ông, thì rốt cuộc ông đã xoá được lời đồn thổi „sau nhiều ngàn năm triết lí“ cho rằng, con người được hướng dẫn và chỉ huy bởi Lí trí. Ông đã nhận ra „cái lầm căn bản của mọi triết gia“, và như ông nói, đồng thời nhận ra cả cái „ảo tưởng lớn nhất trong mọi ảo tưởng“, đó là: chỉ cần biết điều thiện là cũng có thể thực hiện được điều thiện đó. Phải chăng Kant đã nghĩ đúng như thế: Lí trí thế nào thì Í chí thế ấy? Và thực tế phải chăng ngược lại: Í chí muốn thế nào, Lí trí quyết định thế ấy?

Như vậy, mối hoài nghi về trung tâm chỉ huy của Lí trí đã xuất hiện, và hoài nghi này rồi sẽ lớn lên thêm. Giờ đây, chúng ta hãy quay sang một khung cảnh mới vào năm 1964, gần 100 năm sau ngày Schopenhauer mất: Giáo chủ Phaolô VI bước vào căn phòng lớn trong căn nhà ở của mình, đã được trang trí thành phòng tiếp khách chính thức. Các hồng i tiếp nhau quỳ gối hôn nhẫn của Giáo chủ. Chỉ có các nhà sinh học, vật lí và nghiên cứu não đứng yên bắt tay ngài. Viện Giáo Chủ Khoa Học mời các nhà chuyên môn danh tiếng thế giới về đây trong căn phòng lộng lẫy xây thời ở Phục hưng, để cùng nhau suy tư về một đề tài đang làm mê hoặc các nhà khoa học tự nhiên hiện nay: Nghiên cứu não. Các nhà nghiên cứu và các giám mục đang háo hức về khám phá đặc biệt của ông Libet, vốn là một nhà nghiên cứu não trước đây ít ai biết ở San Francisco. Và những nhà nghiên cứu não hàng đầu thế giới, trong đó có ba vị khôi nguyên Nobel, đang chờ nghe Libet.  

Benjamin Libet sinh năm 1916 ở Chicago và học Sinh lí học. Với cái học ấy, lẽ ra Libet không phải là một nhà nghiên cứu não đúng đắn, nhưng vào thập niên 30 gần như chẳng có đại học nào mở khoa này cả. Lúc còn trẻ, Libet đã say mê với câu hỏi, ta có thể đo được một cách khoa học những gì đang diễn ra trong Í thức không? Trong thập niên 50’, ông liều tiến hành thí nghiệm nơi một vài bệnh nhân ở khoa giải phẩu thần kinh thuộc bệnh viện Mount-Zion, San Francisco. Các bệnh nhân nằm trong phòng mổ, một phần não của họ được gây tê và phơi bày ra. Libet nối dây vào các vùng não và cho vào đó những giòng điện kích thích nhẹ. Ông quan sát kĩ lưỡng thời điểm và cung cách phản ứng của các bệnh nhân. Kết quả chấn động: Từ lúc kích thích Cortex cho tới khi xuất hiện co giật nơi bệnh nhân thời gian kéo dài hơn nửa giây. Khi Vatican chú í tới những thí nghiệm năm 1964 của Libet, thì ông này chưa biết tới kết quả thí nghiệm của hai đồng nghiệp khác. Hai người này cũng nhận ra có một độ lệch thời gian giữa kích thích và phản ứng. Khoảng thời gian từ lúc có í định muốn cử động cổ tay cho tới khi cử động đó thực sự xẩy ra kéo dài gần một giây đồng hồ. Những số liệu này làm Libet rất ngỡ ngàng. Một giây đồng hồ trôi qua từ lúc có í muốn cho tới lúc hành động – đây là điều ngược lại hoàn toàn với trí hiểu của con người bình thường. Người nào muốn cầm tách trà, là họ đưa tay ra cầm ngay, làm sao lại có khoảng thời gian cách biệt giữa hai chuyện đó?  

Libet cho hay, chính chúng ta không nhận ra khoảng cách biệt. Năm 1979 ông bắt đầu với một thí nghiệm khác, thí nghiệm này đã trở thành Thí nghiệm Libet và làm ông nổi tiếng thế giới. Libet cho một nữ bệnh nhân ngồi vào ghế tựa và bảo bà nhìn vào một chiếc đồng hồ lớn. đó không phải là một đồng hồ bình thường, nhưng nó có một điểm xanh xoay nhanh theo mặt tròn đồng hồ. Rồi ông nối chặt hai sợi dây. Một sợi buộc ở cổ tay bệnh nhân nối vào một máy đo bằng điện. Sợi kia gắn vào chiếc mũ đội trên đầu bệnh nhân và nối vào một máy đo khác. Ông yêu cầu bệnh nhân nhìn vào điểm xanh của đồng hồ, rồi tới một thời điểm nào đó tùy í, bà hãy quyết định cử động cổ tay. Bà nhớ để í cái điểm xanh lúc đó nằm ở đâu, khi bà quyết định cử động cổ tay! Bệnh nhân làm theo lời Libet. Bà quyết định cử động tay và ghi nhớ vị trí của điểm xanh. Libet hỏi bà, điểm xanh nằm ở đâu khi bà quyết định, và ghi lại cẩn thận. Rồi ông ngạc nhiên nhìn vào hai máy đo. Tín hiệu điện từ ở tay cho ông biết thời điểm chính xác lúc cổ tay cử động. Tín hiệu điện từ ở đầu cho thấy sự sẵn sàng hành động trong não. Tiến trình thời gian nào đã xẩy ra? Thoạt tiên xuất hiện điện từ ở đầu, chấm xanh ghi dấu thời gian lúc quyết định của bệnh nhân diễn ra sau đó nửa giây đồng hồ, và khoảng 0, 2 giây sau nữa mới tới cử động cổ tay. Libet vô cùng ngạc nhiên: Bệnh nhân đã có quyết định hành động, nửa giây trước khi bà biết đến quyết định đó! Phản xạ tiền í thức về việc muốn một điều gì hay làm một cái gì diễn ra nhanh hơn hành động có í thức. Như vậy phải chăng não đã bắt đầu tiến trình quyết định, trước khi con người biết (í thức) được tiến trình đó? Và như vậy phải chăng quan điểm triết học về sự Tự do í chí của con người cũng hết cơ sở? 

Chúng ta hãy làm một cuộc du hành thời gian và để cho Arthur Schopenhauer cùng với Libet chung nhau trả lời câu hỏi. Ta đi về năm 1850 và bước vào nhà của Schopenhauer ở số 17 đường Schönen Aussicht tại Frankfurt/Main. Hãy còn quá sớm. Khoan, ông chưa dậy, phải chờ tới 7 hay 8 giờ sáng, sau khi ông đã tắm nửa phần trên thân thể bằng nước lạnh và với một miếng bọt biển khổng lồ. Ông tắm đôi mắt, giác quan quý hoá nhất của ông, bằng cách mở mắt ngập đầu nhiều lần trong chậu nước. Ông bảo, làm như thế là để tăng lực thần kinh thị giác. Rồi ông ngồi vào bàn uống cà-phê tự pha lấy. Bà quản gia không được xớ rớ lại gần lúc sáng sớm. Ông muốn yên thân một mình trong sáng sớm để tập trung í tứ. Ông bảo, bộ não buổi sáng sớm cũng giống như chiếc đàn mới căng dây chưa dùng. Sau một tiếng đồng hồ chờ đợi, lúc này ta mới có thể nhấn chuông cửa. Câu chào đón khá thân mật, dĩ nhiên thân mật theo lối của Schopenhauer. Hẳn ông biết, người khách hôm nay muốn công nhận kiến thức của ông. Ông mời khách li càphê. Schopenhauer ghét Small Talk, nên nhị vị đi nhanh vào câu chuyện:

„Như vậy, thưa ông Libet, tôi có thể muốn được điều tôi muốn không?“

„Nếu ông hỏi thẳng như thế, thì không. Tôi không thể muốn được điều tôi muốn.“ „Như vậy là đúng như điều tôi đã nói: Í chí là chủ, mà Lí trí là tớ?“ „Cũng tuỳ“.

„Tôi không hiểu: Cũng tuỳ là nghĩa làm sao?“

„Nó có nghĩa là, ta không bao giờ có thể biết chắc được“.

„Tại sao? Chuyện đã rõ như bàn ngày. Như ông nói, Í chí đi trước Lí trí. Khoảng…?“ „… nửa giây“.

„đúng, thưa ông Libet, trước nửa giây đồng hồ. Và như vậy có nghĩa là Í chí ra lệnh và Lí trí làm theo. Có phải như vậy không? Và nếu Lí trí chạy theo sau, thì cũng có nghĩa là không có Tự do í chí, là vì Í chí nhận tin tức và giải thích từ một kẻ khác. Và như vậy, mọi thứ triết lí về đạo đức đều là thứ vứt đi“.

„Ờ, vâng…“

„Con người không bao giờ nhìn sự vật dưới nhãn quan í thức và hợp lí. đây chỉ là đồ trang sức mới được thêm vào sau, đó chỉ là một lời biện hộ miệng lưỡi hay một chú giải muộn màng mà thôi.“

„Thưa ông Schopenhauer, tôi có thể nói điều này không?“ „Vâng, mời ông“.

„Thời gian từ tín hiệu Í chí cho tới quyết định có í thức kéo dài nửa giây, đúng. Nhưng phải đợi thêm nửa giây nữa cho tới khi con bệnh cử động cổ tay, nghĩa là cho tới khi bà ta hành động…“

„Thì sao?“

„… điều đó có nghĩa là bà ta còn có cơ hội ngưng cử động cổ tay… Dù không có Tự do í chí, nhưng vẫn còn có một thứ gì như một Vô í chí có tự do (freier Unwille), với cái Vô í chí có tự do này, tôi vẫn luôn còn có thể tránh để xẩy ra điều xấu.“ „Vô í chí có tự do? Một í tưởng lạ đời”.

„Vâng, có thể là lạ đời đấy, nhưng tôi tin nó là như thế. Í chí không có tự do, nhưng Vô í chí lại có tự do. Dù có bị xúi đẩy hành động bởi yếu tố nào đi nữa, ta vẫn luôn có cơ hội nói „tốp lại!“

„Và ông tin rằng đã minh chứng được điều đó với chiếc đồng hồ? Là có một Vô tự do không có í thức và một Tự do có í thức?“

„Nói là ‚đã minh chứng’ thì hơi quá. Nhưng tôi tin điều đó“.

„Tất cả chỉ vì dựa trên một thí nghiệm đơn giản mà ông đã làm thôi ư?“

„Thưa ông Schopenhauer, đồng í là thí nghiệm của tôi đơn giản. Nhưng tôi tin nó có một giá trị đáng quan tâm. Ngoài ra, cũng nên tin rằng, có cái gì đó kiểm soát Í chí chúng ta, nghĩa là có cái mà tôi gọi là Vô í chí có tự do. Ông có nghĩ điều sau đây sẽ ảnh hưởng lên xã hội chúng ta đang sống như thế nào không, khi ta cho rằng, không ai phải chịu trách nhiệm về Í chí của mình cả và vì vậy cũng không thể trừng phạt họ? Nếu vậy, tôi sẽ phải đối xử với một kẻ giết người ra sao? Hắn ta sẽ bảo rằng: Tôi đã không biết được tôi đã làm gì, Í chí vô thức của tôi đã xúi quẩy tôi làm điều đó, tôi không thể kiểm soát được nó. Như vậy ông sẽ hiểu câu trả lời đó theo kiểu

Schopenhauer hay kiểu Libet?“

„Loài người trước sau vẫn là đồ quỷ. Có hình phạt hay không, có nhà tù hay không thì họ vẫn thế“.

„đó là quan điểm của ông. Như vậy thì chúng ta không thể tiến xa hơn“.

Tới chỗ này chúng ta tốt hơn nên từ giã cuộc đối thoại của nhị vị. Không thể đi xa hơn. Quan điểm của hai người rõ ràng, không thể có được giải pháp thoả hiệp. Benjamin Libet có lí, khi ông đòi hỏi con người phải có trách nhiệm về hành động của mình. Và phải chăng Arthur Schopenhauer cũng có lí, khi ông nghi ngờ những số liệu của Libet, chỉ một thí nghiệm như thế có đủ làm nền tảng cho một lập thuyết lớn về Í chí, Vô í chí và Í thức không? Nghiên cứu não còn lâu mới hiểu được chính xác, chứ đừng nói chi đến chuyện có thể đo được, sự tác động phối hợp phức tạp của Í thức con người, trong đó có các cảm giác về Tâm linh, về Sáng tạo, về Í chí có í thức và về Năng lực tưởng tượng. Thêm nữa, mỗi nhà nghiên cứu não lại có riêng một thuyết về tương quan giữa vật chất và tinh thần. Thực chất vấn đề nơi những số liệu của Libet, là vì ông đã phải bó buộc thông dịch những kết quả tín hiệu điện từ đó ra bằng ngôn ngữ, chẳng hạn như đã dùng những từ như „Dưới í thức“, „Trước í thức“ hoặc để chỉ điểm xanh trên đồng hồ, ông đã dùng khái niệm „Tự í thức“ và „Không tự í thức“. Nhưng „Trước / Tiền í thức“ cụ thể có nghĩa là gì? Tôi có thể dùng „tiền í thức“ để chỉ một Í muốn cử động cổ tay. Nhưng một Í muốn luôn tạo ra nhiều tín hiệu mới nhằm giải đáp một bài toán rắc rối hay nhằm tìm ra một lí luận triết học thì phải gọi nó là gì? Kết quả số liệu của Libet mang nhiều í nghĩa thật, nhưng chúng không đưa đến những câu trả lời đơn giản, mà lại tạo ra nhiều câu hỏi mới. Vấn đề Tự do í chí khó có thể diễn giải được bằng khoảng cách thời gian giữa lúc xuất hiện tín hiệu trong đầu với lúc í thức được tín hiệu đó. Ngoài ra còn có nhiều loại tín hiệu í chí rất khác nhau. Một vài trong số đó đơn giản nhưng thường rất mạnh, như đói, khát, mệt, bản năng tình dục. Một số khác lại rất đa tầng. Í muốn thi đậu tú tài, học đại học hay mừng sinh nhật của mình với một cuộc họp mặt thật lớn phức tạp hơn nhiều so với cảm giác đói, cảm giác này chỉ khiến tôi muốn có một bữa ăn mà thôi.

Tất cả những điều trên đây có í nghĩa gì đối với đạo đức? Ngày nay có hàng chục ngàn nhà nghiên cứu não trong hàng trăm viện nghiên cứu. Không ít người trong họ cũng quan tâm tìm hiểu các bản năng và các lực tác động thúc đẩy con người hành động theo đạo đức. Nếu quả thật mọi Nên-tốt rốt cuộc đều dựa trên Muốn-tốt, thì hẳn phải có một cái gì đó trong não thúc đẩy con người muốn trở nên tốt. Cái đó là cái gì đây?

•Trường hợp anh Gây. Có ông đạo đức ngồi trong đầu không?

Bình luận
720
× sticky