Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 1

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Phần Một

Tôi có thể biết được gì?

Sils Maria

Loài thú tinh khôn trong vũ trụ. Sự Thật là gì?

“Ở một xó xỉnh nào đó của vũ trụ bao la với hằng hà hệ thống mặt trời lung linh có một hành tinh, trên đó có những con vật tinh khôn khám phá ra sự hiểu biết. đó là giây phút kiêu hãnh và dễ hiểu lầm nhất của „lịch sử thế giới”: nhưng chỉ kéo dài một giây phút mà thôi. Sau vài nhịp thở của thiên nhiên, hành tinh khô cứng lại, và loài thú khôn ngoan sống trên đó phải chết. đấy có thể là một câu truyện ngụ ngôn tưởng tượng của một ai đó nghĩ ra. Nhưng câu truyện này cũng chưa nói lên được hết sự nghèo nàn, hư ảo, chóng qua, vô tích sự và tuỳ tiện của trí khôn con người trong thiên nhiên; trí khôn con người không phải là chuyện muôn thủa. Một khi trí khôn đó qua đi, thì mọi sự cũng mất hết dấu vết. Là vì trí khôn này chẳng có thêm sứ mạng nào khác ngoài chính cuộc sống con người. Trí khôn này hoàn toàn mang tính người, và chỉ có người sở hữu và tạo ra nó mới say mê nó, coi nó như là chìa khóa đi vào thế giới. Nếu chúng ta hiểu được loài muỗi, thì chúng ta sẽ nhận ra, là chúng cũng có sự đắm say đó và chúng cũng nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ quay cuồng“. 

Con người là một loài vật tinh khôn, nhưng loài vật này lại tự đánh giá mình quá cao. Là bởi vì lí trí của con người không hướng về Chân lí lớn lao, mà chỉ quan tâm tới những cái nhỏ nhặt trong cuộc sống. Trong lịch sử triết học, có lẽ chẳng có đoạn văn nào mô tả con người thơ mộng và triệt để hơn đoạn trên đây. đó là đoạn mở đầu có lẽ đẹp nhất của một tác phẩm triết học năm 1873 với tựa đề: Über Wahrheit und Lüge im außermoralischen Sinne (Về sự thật và dối trá bên ngoài í nghĩa đạo đức). Tác giả của nó là Friedrich Nietzsche, một giáo sư Cổ ngữ học 29 tuổi của đại học Basel, Thuỵ-sĩ. 

Nhưng Nietzsche đã không cho xuất bản cuốn sách nói về loài vật tinh khôn và kiêu căng này. Trái lại, ông phải mang thương tích nặng nề, vì đã viết một tác phẩm bàn về nền tảng văn hoá hi-lạp. Những người phê bình khám phá ra sách này là một tài liệu thiếu khoa học và chứa đựng những phỏng đoán vu vơ. Mà quả đúng như thế. Ông bị thiên hạ chê là một thiên tài lạc lối, và danh tiếng một nhà cổ ngữ nơi ông xem ra cũng theo đó mà tiêu tan.

Khởi đầu, thiên hạ kì vọng rất nhiều nơi ông. Cậu bé Fritz sinh năm 1844 tại làng Röcken vùng Sachsen và lớn lên tại Naumburg bên bờ sông Saale. Cậu nổi tiếng thần đồng. Cha cậu là một mục sư coi xứ, và mẹ cũng rất đạo đức. Khi Fritz được bốn tuổi thì cha mất, không lâu sau đó người em trai cũng mất. Mẹ đưa cậu về Naumburg, và từ đó Fritz lớn lên trong một gia đình toàn là nữ giới. Hết tiểu học, Fritz vào trung học của giáo phận và sau đó vào một nội trú danh tiếng, đâu đâu cậu cũng được tiếng thông minh. Năm 1864, cậu ghi danh học Ngôn ngữ cổ điển và Thần học tại đại học Bonn. Nhưng sau một bán niên, Fritz bỏ Thần học. Fritz muốn làm mục sư để hài lòng mẹ, nhưng „ông mục sư non“ – tiếng con nít vùng Naumberg vẫn trêu chọc cậu – đã sớm mất niềm tin vào Chúa. Fritz cảm thấy quá tù tùng khi sống với mẹ, với niềm tin và với đời mục sư. Anh quyết định thoát ra khỏi mọi thứ đó, nhưng cuộc chuyển hướng này đã gặm nhấm tâm hồn anh suốt cả đời.  Sau một năm, Nietzsche và vị giáo sư của anh chuyển tới Leipzig. Ông thầy rất quý cậu học trò thông minh của mình, nên đã khuyên anh nhận chân giáo sư tại đại học Basel. Năm 1869, lúc 25 tuổi, Nietzsche trở thành giáo sư thỉnh giảng. đại học Basel cấp tốc trao cho anh bằng tiến sĩ và bằng lên ngạch giáo sư (Habilitation). Ở Thuỵ-sĩ, Nietzsche làm quen với giới văn nghệ sĩ cùng thời, trong đó có Richard Wagner và bà vợ Cosima, mà Nietzsche đã có dịp gặp ở Leipzig. Nietzsche quá mê nhạc Wagner đến độ cảm hứng viết ra cuốn Die Geburt der Tragödie aus dem Geist der Musik (Tinh thần âm nhạc đã khai sinh ra Bi kịch) vào năm 1872.

Cuốn sách là một thất bại, và nó cũng bị quên nhanh. Lí do là vì từ đầu thời Lãng mạn, người ta đã nói tới mâu thuẫn giữa cái gọi là tính „sáng tạo xuất thần“ (Dionysischen) của âm nhạc và cái „thể cách chân phương“ (Appolinischen) của nghệ thuật tạo hình rồi, và kinh nghiệm lịch sử cũng đã cho thấy, hai cái đó chỉ là những phỏng đoán mà thôi. Thành ra, điều Nietzsche bàn tới trong sách chẳng có gì mới. Hơn nữa, thế giới học giả âu châu thời đó đang bận tâm tới sự hình thành của một bi kịch khác, quan trọng hơn. Một năm trước đó, xuất hiện cuốn sách Về Nguồn Gốc Con Người từ thú vật của Charles Darwin, nhà thần học và thực vật học nổi tiếng người Anh. Từ lâu rồi, ít nhất từ mười hai năm trước khi sách Darwin ra đời, đã có quan điểm cho rằng, con người có thể được tiến hoá dần từ những hình thái nguyên sơ trước đó. Nhưng trong Sự Hình Thành Các Chủng Loại, vì chính Darwin đã hé mở cho biết, có thể con người cũng từ loài vật mà thành, nên tác phẩm bán chạy như tôm tươi. Trong những năm 1860, nhiều nhà khoa học tự nhiên cũng đi tới một kết luận như vậy, và họ nối con người vào liên hệ với loài khỉ đột vừa được khám phá. Mãi cho tới cuộc thế chiến thứ nhất, Giáo hội Kitô giáo, đặc biệt ở đức, chống lại Darwin và những người ủng hộ ông. Nhưng ngay từ đầu ai cũng biết rằng, sẽ chẳng có một sự lùi bước tự nguyện nào nữa để quay trở về cái vũ trụ quan của thời trước đó. Người ta không còn tin vào chuyện Thiên Chúa là đấng trực tiếp tạo dựng và điều khiển con người nữa. Và các khoa học tự nhiên giờ đây ăn mừng chiến thắng của họ với một hình ảnh về con người rất thực tế: Họ bỏ Thiên Chúa để quay sang quan tâm tới khỉ. Và hình ảnh cao cả của con người như một thụ tạo giống Thiên Chúa bị vỡ ra làm hai: một đàng, sự cao cả này không còn khả tín nữa và đàng khác, con người giờ đây không hơn không kém đượi coi như là một loài thú thông minh mà thôi.

Nietzsche phấn chấn vô cùng trước cảnh quan vũ trụ mới đó. Về sau, có lần ông viết: „Tất cả cái mà chúng ta cần, đó là một (công thức) hoá học cho các quan niệm đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật và cho những cảm nhận cũng như tất cả những cảm xúc mà ta có được trước những tiếp xúc lớn nhỏ với văn hoá và xã hội, với cả nỗi cô đơn.“ Hơn ba chục năm cuối của thế kỉ 19 nhiều nhà khoa học và triết gia đã đổ công tìm kiếm chính cái hoá học đó: Họ đi tìm một giải thích sinh học cho sự sống mà chẳng cần gì tới Thiên Chúa nữa. Nhưng chính Nietzsche thì lại chẳng quan tâm một tí gì tới cuộc tìm kiếm đó. Ông quan tâm tới chuyện hoàn toàn khác: đâu là í nghĩa của cái nhìn thực tế kia của khoa học đối với thân phận con người? Nó giúp con người lớn lên hay làm nó bé lại? Khi nhìn được rõ hơn về chính mình, con người giờ đây được thêm gì hay lại mất cả chì lẫn chài? Trong tình hình đó, ông viết luận văn Wahrheit und Lüge (Sự thật và dối trá), có lẽ đây là tác phẩm tuyệt nhất của ông.

Câu hỏi, con người bé đi hay lớn lên, được Nietzsche trả lời là tuỳ theo tâm trạng. Khi con người bất hạnh – và đây là tâm trạng thường thấy nơi con người – lúc đó họ cảm thấy bị đè nén, hối tiếc và nói ra toàn chuyện dở hơi. Ngược lại, lúc vui vẻ, họ có những cảm xúc tự hào và mơ thành siêu nhân. Có một mâu thuẫn ghê gớm giữa những tưởng tượng ngạo mạn và giọng điệu tự tin sấm sét trong các tác phẩm của Nietzsche và diện mạo thật của ông: một dáng người nhỏ con, hơi phì, nhút nhát. Bộ ria mép lì lợm với một cây lược vừa vặn làm cho khuôn mặt ông mang nét cứng rắn và nam nhi hơn, nhưng nhiều căn bệnh thủa thiếu thời đã ăn mòn thể lực và tinh thần của ông. Ông bị cận nặng, luôn bị dằn vặt bởi những cơn đau bao tử và đau đầu. Năm 35 tuổi, ông cảm thấy kiệt sức hoàn toàn và phải thôi dạy học ở Basel. Có lẽ chứng bệnh lậu, thường được thiên hạ xa gần nói tới, đã góp thêm phần dứt điểm đời ông.

Mùa hè năm 1881, hai năm sau khi từ giã đại học, tình cờ Nietzsche khám phá ra một thiên đường hạ giới cho chính mình, đó là địa điểm Sils Maria trong vùng Oberengadin thuộc Thụy-sĩ. Một cảnh trí tuyệt vời, giúp ông có được những phấn chấn và động lực sáng tạo. Từ đó đều đặn hàng năm, ông tới đây để một mình đi dạo và đắm mình trong suy nghĩ. Nhiều tư tưởng hình thành ở đây đã được ông viết ra trong mùa đông ở Rapallo, ở bờ biển địa Trung, ở Genua và ở Nizza. đa số những tư tưởng đó cho thấy Nietzsche là một nhà phê bình bén nhạy, triệt để và có nhiều đòi hỏi về mặt văn chương. Ông đã đánh đúng vào những vết thương của triết học phương tây. Nhưng những đề nghị của riêng ông về một thuyết nhận thức mới và một nền đạo đức mới thì, ngược lại, lại dựa hoàn toàn trên thuyết tiến hoá xã hội chưa chín mùi của Darwin và thường chạy trốn vào trong những thị hiếu thời trang quay cuồng. Thành ra, điều ông viết càng mạnh mẽ bao nhiêu thì lại càng như những quả đấm vào không khí bấy nhiêu. „Thiên Chúa đã chết“ – câu ông viết đi viết lại nhiều lần – thật ra những người đồng thời với ông, cả Darwin và những tác giả khác trước đó, cũng đều đã biết rồi.

Năm 1887, khi ngắm nhìn những ngọn núi phủ đầy tuyết của Sils Maria lần cuối, Nietzsche tái khám phá ra sự giới hạn nhận thức của các con vật tinh khôn, mà ông đã có lần đề cập tới trong một luận văn trước đây của mình. Trong tác phẩm bút chiến Zur Genealogie der Moral (Về hệ tộc của đạo đức), ông mở đầu với câu: „Chúng ta, những kẻ có khả năng nhận biết, lại chẳng biết mình là ai, chúng ta chẳng biết chính mình: điều này không lạ gì cả. Chúng ta đã chẳng bao giờ tìm hiểu mình – chuyện gì sẽ xẩy ra, nếu một ngày nào đó chúng ta nhận ra ta?“ Nietzsche thường dùng ngôi thứ nhất số nhiều để nói về chính mình; ông thường nói về một loài vật rất đặc biệt, mà ông là người đầu tiên mô tả: „Gia tài của chúng ta ở nơi các tổ ong nhận thức của chúng ta. Chúng ta được sinh ra như những con vật có cánh và những kẻ góp mật của tinh thần, luôn trên đường tìm tới các tổ ong kia, chúng ta chỉ thích quan tâm tới một điều mà thôi, đó là „mang về nhà“ cho mình một cái gì đó”. Nietzsche chẳng còn nhiều thời gian để sáng tác. Hai năm sau, ông bị suy sụp thần kinh khi còn ở Turin. Bà mẹ mang đứa con 44 tuổi từ Íđại-lợi về một bệnh viện ở Jena. Sau đó, ông sống với mẹ, nhưng chẳng còn viết được gì nữa. Tám năm sau, mẹ mất, ông phải sống với cô em gái khó ưa của mình. Ngày 25 tháng 8 năm 1900 ông mất ở Weimar, thọ 55 tuổi.

Lòng tự tin của Nietzsche, điều mà ông luôn biện hộ bằng giấy bút, thật lớn: „Tôi biết số phận của tôi, nó sẽ gắn liền với tên tuổi của tôi và làm cho người ta nhớ tới một điều gì khủng khiếp“. Quả thật, cái khủng khiếp đó đã biến ông trở thành một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất trong thế kỉ hai mươi đang đến. Vậy đâu là nội dung của cái lớn lao đó?

đóng góp lớn nhất của Nietzsche là sự phê bình hăng say và triệt để của ông. Hơn tất cả

các triết gia trước đó, ông say mê vạch ra cho thấy cái hống hách và ngớ ngẩn của con người, khi họ dùng tiêu chuẩn lô-gích và sự thật của „chủng vật người“ để đánh giá thế giới mà họ đang sống trên đó. „Loài thú tinh khôn“ nghĩ rằng, chúng có một vị trí đặc biệt chẳng loài nào khác có được. Nietzsche trái lại quả quyết rằng, con người không hơn không kém chỉ là một con vật và suy nghĩ của nó cũng không khác chi một con vật, nghĩa là suy nghĩ của nó cũng bị điều chế bởi bản năng và dục vọng, bởi í muốn thô thiển cũng như bởi khả năng nhận thức giới hạn của nó. Như vậy, đa số triết gia tây phương đã lầm, khi họ coi con người là một cái gì đó hoàn toàn đặc biệt, như một thứ máy điện tử có công suất lớn về khả năng tự nhận thức. Có thật con người có thể tự nhận biết mình và nhận biết được thực tại khách quan không? Con người có thật có khả năng đó không? Hầu hết triết gia trước nay đều trả lời có. Cũng có một vài triết gia chưa bao giờ đặt ra cho mình câu hỏi đó. Họ đương nhiên cho rằng, trí khôn của con người cũng đồng thời là một thứ tinh anh của hoàn vũ. Họ không coi con người là một loài thú khôn ngoan, mà xác định chúng là một thực thể thuộc vào một cấp hoàn toàn khác. Họ chối bỏ thẳng thừng mọi gia sản phát sinh từ gốc rễ thú vật nơi con người. Hết triết gia này đến triết gia khác ra công đào sâu thêm hố cách ngăn giữa người và thú vật. Tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá thiên nhiên sống động là lí trí và trí hiểu của con người, là khả năng suy nghĩ và luận định của nó. Và họ đều cho rằng, cái phần cơ thể thuần tuý vật chất bên ngoài là điều không quan trọng.

Và để bảo đảm cho khả năng nhận định đúng đắn của con người, các triết gia đã phải chấp nhận rằng, Thượng đế đã ban cho con người một bộ máy nhận thức đặc biệt. Và với sự trợ giúp của ngài, con người có thể đọc được sự thật về thế giới từ „Cuốn sách thiên nhiên“. Nhưng nếu quả thật Thượng đế đã chết, thì bộ máy nhận thức được ban tặng kia hẳn chỉ có khả năng giới hạn. Và như thế, bộ máy này cũng chỉ là một sản phẩm của thiên nhiên, và cũng như mọi sản phẩm thiên nhiên khác, nó chẳng toàn hảo. Chính quan điểm này Nietzsche đã đọc được của Arthur Schopenhauer: „Chúng ta chung quy chỉ là một thực thể giai đoạn, hữu hạn, chóng qua, như một giấc mơ, như chiếc bóng bay qua“. Và như vậy con người làm sao có được một „trí khôn có thể nắm bắt được những cái đời đời, vô tận, tuyệt đối?“ Khả năng nhận thức của con người, như qua linh cảm của Schopenhauer và Nietzsche, trực tiếp lệ thuộc vào những đòi hỏi của tiến trình thích ứng tiến hoá. Con người chỉ có thể nhận biết được điều mà bộ máy nhận thức của nó, vốn được hình thành qua cuộc đấu tranh sinh tồn, cho phép nó hiểu mà thôi. Như bất cứ mọi loài thú khác, con người đổ khuôn thế giới theo các giác quan và nhận thức của mình. điều này hẳn rõ: Mọi nhận thức của chúng ta tuỳ thuộc trước hết vào các giác quan của chúng ta. Những gì không thể thấy, nghe, cảm, nếm và sờ, ta không nhận biết được chúng và chúng cũng không có mặt trong thế giới của chúng ta. Ngay cả những gì trừu tượng nhất, chúng ta cũng phải tìm cách đọc hay có thể nhìn chúng như là những dấu chỉ, thì mới hình dung ra được chúng. Như vậy, để có thể có được một vũ trụ quan hoàn toàn khách quan, con người hẳn phải cần có một bộ máy nhận thức siêu nhân có thể nắm bắt được hết mọi góc cạnh của giác quan: cặp mắt siêu đẳng của đại bàng, khứu giác ngửi xa nhiều cây số của loài gấu, hệ thống đường hông của cá, khả năng biết được động đất của rắn v.v. Nhưng con người không thể có được những thứ đó, và vì thế nó không thể có được cái nhìn khách quan toàn bộ của các sự kiện. Thế giới của chúng ta chẳng bao giờ là cái thế giới như „vốn có của nó“, nó cũng chỉ là cái thế giới của con chó con mèo, của con chim con bọ, không hơn không kém. „Con ơi, thế giới của ta là một cái thùng lớn đầy nước!“, đó là câu giải thích của cá bố cho cá con trong chậu.

Cái nhìn không nhân nhượng của Nietzsche về triết học và tôn giáo cho thấy sự ôm đồm bao biện của con người qua những tự định nghĩa của họ (Còn việc chính Nietzsche đặt ra cho thế giới những ôm đồm bao biện mới, thì đây lại là chuyện khác). Í thức con người không nhắm ưu tiên tới câu hỏi: „đâu là sự thật?“. đối với họ, câu hỏi sau đây quan trọng hơn: đâu là điều tốt nhất cho sự sống còn và thành đạt của tôi? Những gì không liên quan trực tiếp tới vấn nạn này xem ra ít có cơ hội có được một vai trò quan trọng trong cuộc tiến hoá loài người. Nietzsche mơ hồ hi vọng rằng, có lẽ sự tự nhận thức của con người ngày càng trở nên sáng suốt hơn, nó có thể tạo cho họ trở thành một „siêu nhân“ và „siêu nhân“ này hẳn sẽ có được khả năng nhận thức lớn hơn. Nhưng điểm này cũng nên cẩn thận. Là vì cho dù những tiến bộ nhân loại đã đạt được cho tới nay trong việc tìm hiểu về nhận thức và về „hoá học“ của con người, kể cả việc có được những máy móc tinh vi nhất và những quan sát bén nhạy nhất trong địa hạt này, chúng ta vẫn phải thú nhận rằng, con người không có khả năng đạt tới được một nhận thức khách quan.

Nhưng điều đó chẳng có hại gì lắm. Có lẽ còn nguy hiểm hơn nhiều, nếu như con người thông suốt được mọi sự về chính mình. Chúng ta có nhất thiết cần đến một chân lí độc lập bay lơ lửng trên đầu chúng ta không? Nhiều khi chính con đường đi cũng là một mục tiêu đẹp rồi, nhất là khi con đường đó lại là lối dẫn vào trong chính ta, lối đi chằng chịt nhưng cũng đầy hấp dẫn. „Chúng ta chưa bao giờ tìm hiểu mình – chuyện gì sẽ xẩy ra, nếu một ngày nào đó ta nhận ra ta?“, đó là câu hỏi Nietzsche đã nêu lên trong Genealogie der Moral. Vì thế, giờ đây chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu mình, được chừng nào càng tốt. Nhưng ta sẽ dùng con đường nào, sẽ chọn cách thức nào để thực hiện? Và rồi ra kết quả sẽ ra sao? Nếu mọi nhận thức của chúng ta đều diễn ra trong não bộ và bị lệ thuộ c vào não bộ của loài vật có xương sống, thì tốt nhất ta hãy bắt đầu bằng tìm hiểu ngay não bộ. Và câu hỏi đầu tiên sẽ là: Não bộ đến từ đâu? Và tại sao nó có được cấu trúc như nó hiện có?

•Lucy ở trên trời. Chúng ta đến từ đâu?

Bình luận