Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 25

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Phần Ba

Tôi có quyền hi vọng gì?

Le Bec

Tư tưởng lớn nhất của mọi tư tưởng Có Thiên Chúa không?

Có Thiên Chúa không? Và có thể chứng minh được sự hiện hữu của Người không? Quan niệm hữu lí duy nhất mà ta có thể có về Thiên Chúa: Người là đấng lớn lao và toàn hảo vô cùng.

Còn mọi thứ khác, một cách nào đó, đều không phải là Thiên Chúa, đó là hiểu theo Kitô giáo. Như vậy, có thể nói, Thiên Chúa là đấng vĩ đại vượt ngoài mọi trí tưởng của con người. Nhưng nếu Thiên Chúa được quan niệm là đấng có những đặc tính tuyệt diệu như thế, thì sự hiện hữu của Người cũng là một trong những đặc tính đó. Nếu như Người không hiện hữu, thì ít nhất một đặc tính sẽ thiếu nơi Người, đó là đặc tính hiện hữu – và như vậy Người sẽ không phải là Thiên Chúa. Cái vĩ đại vượt ngoài mọi sự vĩ đại mà ta có thể tưởng tượng ra, như vậy hẳn là phải có, vì nếu không, thì quan niệm này phi lí. Như vậy có thể kết luận: có Thiên Chúa!

Tôi không biết lập luận trên đây có thuyết phục bạn không. Nếu không, thì đừng trách tôi, vì tôi không phải là tác giả của lập luận đó. Tác giả của nó là một người Í, sống đa phần đời mình ở Pháp, nhưng lại mang tên của một thành phố Anh, đó là Anselmo ở Canterbury. Anselmo sinh khoảng năm 1033 tại Aosta miền bắc nước Í. Năm lên 15 tuổi, cậu được đưa tới một tu viện gần nhà, nhưng người cha đầy cao vọng của cậu lại muốn quý tử thông minh của mình tiến thân trong đường chính trị. Từ năm 23 tuổi, Anselmo du lịch khắp nước Pháp suốt ba năm. Cậu đặc biệt say mê miền bắc nước này. Từ hơn một trăm năm nay, dân Norman đã đẩy dân Franken ra khỏi vùng bắc Pháp và đã hình thành nên một nền văn hoá trù phú. Họ đã thu nhận vào mình ngôn ngữ Pháp và cả đạo Kitô của dân Franken. Hơn 120 tu viện đã được thành lập trong vùng, đó là những trung tâm văn hoá, kinh tế và tinh thần phồn thịnh.

Vùng Normandie cũng là nơi có nền nghệ thuật tôn giáo phong phú. Những tu viện nổi tiếng gồm St. Wandrille, Mondaye, Jumièges, Hambye, tu viện Trappist ở Soligny và tu viện Biển-đức ở Le Bec. Khi Anselmo tới Normandie, người học trò nổi danh nhất của Le Bec là Lanfranc đã đưa tu viện này trở thành một trong những trung tâm tinh thần quan trọng nhất. Sau một thời gian do dự, năm 1060 Anselmo gia nhập tu viện. Ba năm sau, Lanfranc chuyển sang làm viện phụ của tu viện Caen lớn hơn, còn Anselmo thay thế ông lên làm bề trên Le Bec. Năm 1066, quận công Wilhelm (với biệt danh ‚Kẻ xâm chiếm’ – Wilhelm der Eroberer) mang quân sang chiếm nước Anh. Nhờ có mối liên hệ thắm thiết với quận công, Lanfranc được ông này đưa sang làm tổng giám mục Canterbury. Nhà thờ chính toà Canterbury lúc đó chỉ còn là đống gạch vụn, hậu quả của cuộc xâm lăng của người Normandie. Lanfranc mang điều đã làm được ở Le Bec sang thực hiện ở Canterbury. Ông biến đống gạch vụn thành một đại thánh đường kiểu Rôman. Trong lúc Lanfranc đang biến Canterbury thành một trung tâm văn hoá và tôn giáo quan trọng nhất tại Anh, thì Anselmo tiếp tục phát triển Le Bec. 

Thời Trung cổ chỉ để lại một tấm hình duy nhất về con người tài năng Anselmo, với một khuôn mặt quyền quý, đầu sắc cạnh, mũi lớn, trán sói, đầy lông trắng dài ở lưng. Le Bec càng ngày càng được phát triển phong phú. Nó trở thành một trung tâm đào tạo nhân sự với việc mở trường tu viện và nhờ vào những khoá học hùng biện. Và Anselmo bắt đầu soạn sách triết học và thần học của mình. Khoảng năm 1080, ông viết Monologion và Proslogion. Proslogion là một suy tư dài về thực thể Thiên Chúa, trong đó có đoạn trích dẫn trên đây. 

Câu của ông viết: Thiên Chúa là đấng vĩ đại vượt lên trên mọi vĩ đại mà ta có thể tưởng tượng được – là một trong những luận chứng được bàn cãi nhiều nhất trong lịch sử triết học. Luận chứng của Anselmo được nổi tiếng như là minh chứng đầu tiên về Thiên Chúa bằng bản thể luận (ontologischer Gottesbeweis). Bản thể học là một lối chứng minh hoàn toàn bằng suy tư trực tiếp và không qua trung gian nào về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại điểm nhấn: Thiên Chúa được xác định là đấng vĩ đại nhất trong mọi cái mà ta có thể tưởng tượng ra; như vậy Người không thể không hiện hữu. Là vì nếu Người không hiện hữu, thì điều này sẽ giảm thiểu sự vĩ đại của Người vào trong một mức không được phép. Khái niệm ‚cái gì đó vĩ đại hơn mọi cái có thể tưởng tượng ra’ sẽ thành ra mâu thuẫn, nếu như ta có thể nghĩ ra được cái gì còn vĩ đại hơn. Như vậy sẽ chẳng hợp lí, nếu tôi nghĩ rằng, Thiên Chúa không hiện hữu.

Luận chứng của Anselmo chỉ dài một trang giấy, nhưng nó có sức nặng rất lớn suốt thời Trung cổ và đầu Thời mới. Dĩ nhiên nó cũng gặp những phê bình dài dài. Người phê bình đầu tiên là Bá tước đất Montigni. Ông cựu tu sĩ này đã trải qua một thời gian rợn tóc gáy trong tu viện Marmoutiers gần thành Tours bên bờ sông Loire, với tên Gaunilo. Tu sĩ Gaunilo viết cho Anselmo: Bằng cách chơi chữ, ta không thể kết luận được điều gì hiện hữu. Gaunilo chép lại luận chứng của Anselmo, rồi thay vì chữ „thực thể toàn hảo“ ông viết vào đó từ „hải đảo toàn hảo“. Bằng cách đó và cũng với những chữ của chính Anselmo dùng, ông chứng minh sự hiện diện của hải đảo. Ông kết luận: Thiên Chúa chứng minh sự hiện hữu vượt trội không có gì cao hơn của Người như thế nào, thì hải đảo cũng minh chứng sự hiện diện vượt trội không có gì hơn của nó như thế. 

Anselmo bình tĩnh viết trả lời. Ông cho hay, lập luận của ông là một trường hợp đặc biệt, nó không áp dụng được cho hải đảo hay cho một thứ gì khác. Chỉ có thể áp dụng sự toàn hảo để chứng minh sự hiện hữu của một cái gì nhất thiết toàn hảo mà thôi, đó là Thiên Chúa. Theo ông, một hải đảo trái lại không bao giờ toàn hảo, và tự bản chất hải đảo cũng chẳng phải là thứ gì lớn vượt ngoài mọi khả năng suy tưởng cả. Anselmo coi phê bình của Gaunilo là nghiêm chỉnh, nên ông cho các tu sĩ chép luận chứng của mình kèm với lời phê bình của Gaunilo cũng như câu trả lời của mình để phổ biến chung. Lối cư xử đó quá đẹp và cuộc tranh luận về hiện hữu của Thiên Chúa lại càng làm Anselmo thêm nổi danh.

Khi Lanfranc mất vào năm 1089, viện phụ nổi danh của nhà Le Bec trở thành ứng viên đáng giá nhất cho vai trò tổng giám mục ở Canterbury. Nhưng Wilhelm II, con trai và là người kế vị Wilhelm cha, chần chừ việc bổ nhiệm suốt bốn năm dài, vì sợ không muốn mang một người thông minh và tự chủ như Anselmo sang Anh. Wilhelm II chần chừ có lí. Vì dưới thời Anselmo, nhà thờ chính toà Canterbury được xây lớn huy hoàng thêm ra và đời sống tinh thần cũng tiếp tục triển nở. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, giữa ông vua sắc cạnh và ông tổng giám mục kiêu hãnh nẩy ra cuộc xung đột kịch liệt về thế quyền và thần quyền. Sau bốn năm làm tổng giám mục, Anselmo hành hương viếng thăm Roma. Và ông sau đó đã phải ở lại Pháp, tá túc trong tỉnh Lyon ba năm dài, vì Wilhelm đã không không cho ông trở về lại Anh. Chỉ sau khi Heinrich I lên kế vị Wilhelm II, Anselmo mới được trở lại Canterbury (1103) để tiếp tục lại bị phát vãng thêm bốn năm nữa. Năm 1107, ông về lại Canterbury, sống thêm hai năm và mất ở tuổi 76. Anselmo tin rằng, mình đã thực sự chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và ông được Giáo hội phong thánh năm 1494.

Luận chứng của Anselmo, 150 năm sau, lại bị thử thách nặng nề bởi một nhà thần học kiêm triết gia còn nổi tiếng hơn Anselmo nhiều, đó là tu sĩ Tomas đất Aquino. Cũng như Anselmo, Tomas là người Í, sinh khoảng năm 1225 trong lâu đài Roccasecca gần Aquino, con trai của một quận công. Khi lên 5 tuổi, Tomas được gởi vào tu viện và tới 19 tuổi, cậu nhập dòng đa-minh. Tomas học và dạy ở Köln, Paris, Viterbo và Orvieto, và đã xây được một học viện đaminh gần Napoli vào năm 1272. Dù mất sớm lúc mới 49 tuổi (1274), ông đã để lại một lượng tác phẩm đồ sộ, và ta có thể nói rằng, không có một triết gia nào trong thời Trung cổ có ảnh hưởng trên lối nghĩ đương đại lớn như Tomas. 

Từ thời Anselmo, các nhà thần học có truyền thống mở đầu tác phẩm mình bằng sự chứng minh cách hợp lí tối đa về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng vị tu sĩ đa-minh thần trí này không bằng lòng với luận chứng của Anselmo. Ông phê bình cách lập luận của vị tiền bối, nhưng không nêu đích danh vị này. Ông bảo, khi ta nghĩ rằng, Thiên Chúa là đấng toàn hảo, thì có nghĩa là Thiên Chúa này chỉ hiện hữu trong trí tưởng của ta, chứ Người không thật sự hiện hữu cách khách quan. Và Tomas cho hay tiếp, ta không nên nói về cái „vĩ đại vượt ngoài mọi quan niệm“. Là vì cái vĩ đại đó hoặc sẽ quá lớn khiến ta không thể tưởng tượng được, hoặc lại quá bé. Khi cái vĩ đại đã là sản phẩm của đầu óc, thì ta cũng có thể nghĩ ra cái gì đó còn vĩ đại hơn. Tiếp theo sau con số lớn nhất đã biết, luôn có thêm một khả thể nữa là + 1. Như vậy, luận chứng của Anselmo đã thất bại ngay từ đầu, vì không có cái vĩ đại vượt ngoài mọi quan niệm.

Nhưng như thế không có nghĩa là Tomas muốn bài bác sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngược lại: ông muốn cho thấy có thể có một lối minh chứng hay hơn. Khác với Anselmo, Tomas bảo rằng, bản chất của Thiên Chúa quá lớn đi, khiến trí óc ta không thể nào tưởng tượng nổi. Vì thế, nỗ lực chứng minh Thiên Chúa của ông được khởi đi bằng một lối khác. Tomas giải thích Thiên Chúa bằng luận lí nguyên nhân và hậu quả. Luận chứng của ông được gọi là chứng minh Thiên Chúa bằng nguyên nhân (kausaler Gottesbeweis). đã có thế giới, thì tất nhiên nó phải được hình thành vào một lúc nào đó; nó không thể từ không mà có được. Phải có một nguyên nhân đầu tiên nào đó hình thành nên mọi sự hoặc đã tạo cho mọi sự chuyển động. Và cái nguyên nhân đầu tiên đó phải đứng yên – vì nếu không, nó sẽ không phải là cái đầu tiên, mà cũng chỉ là hậu quả của cái đầu tiên mà thôi. Như vậy, khởi đầu mọi sự là một thực thể nào đó „gây chuyển động mà chính nó lại đứng yên“, một khái niệm Tomas lấy từ triết gia Hi-lạp Aristotetes. 

Nhưng làm sao để diễn tả cái gây chuyển động mà đứng yên đó? Thật ra, như đã nói, điều này vượt ngoài trí năng. để hiểu được nó, ta phải gán cho nó những đặc tính, nhưng các đặc tính này lại không có trong thế giới. Nó phải là cái tuyệt đối, đời đời, có thực, vô cùng khôn ngoan và toàn hảo. để có được một hình ảnh về Thiên Chúa, con người phải từng bước xoá đi những quan niệm đã thường có về Người. Càng vứt bớt được những cái đó bao nhiêu, màn đen vây quanh ta càng sáng ra bấy nhiêu. Tôi phải nghĩ tới một thực thể không do vật chất tạo thành và không lệ thuộc vào thời gian. Thiên Chúa uy quyền vô song và hiểu biết vô cùng, Người vô cùng tận và không thể thăm dò. Í chí của Người tuyệt đối và toàn hảo, tình yêu của Người vô tận và Người chính là hạnh phúc.

Mục tiêu của các triết gia như Tomas đất Aquino là làm sao bắc được nhịp cầu thuyết phục tối đa có thể có giữa Lí trí và đức tin. Nghệ thuật của việc chứng minh Thiên Chúa là giải thích, bằng cách nào và do đâu con người biết được Thiên Chúa là ai hay là gì. Không một triết gia tầm cỡ nào trong thời Trung cổ nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người ta chỉ còn việc phải chỉ ra Thiên Chúa đã tự tỏ Người ra cho lí trí con người biết như thế nào mà thôi. 

Nhưng đó chính là điểm mà Immanuel Kant đã tập trung phê bình trong Kritik der reinen Vernunft (Phê bình lí trí thuần tuý, 1781) của ông. Mọi quan niệm của tôi có về thế giới, theo Kant, đều là những quan niệm trong đầu tôi (xem bài Luật đạo đức trong tôi). Nhờ giác quan, tôi có được kinh nghiệm, kinh nghiệm được lí trí của tôi cấu tạo thành những quan niệm, và lí trí của tôi giúp tôi sắp xếp và đánh giá chúng. Còn những gì nằm ngoài thế giới kinh nghiệm giác quan, thì tôi hoàn toàn chẳng biết gì cả. Và theo Kant, đây là điểm khó gỡ của mọi chứng minh về Thiên Chúa. Khi tôi quan niệm về một thực tại tuyệt đối toàn hảo, thì thực tại đó cũng chỉ là một sản phẩm của đầu óc tôi. Anselmo trước đây cũng lập luận như thế. Nhưng khi tôi dựa trên quan niệm trong đầu mà kết luận rằng, vì Thiên Chúa toàn hảo nên Người thật sự hiện hữu, thì đấy mãi vẫn là một í nghĩ trong đầu tôi mà thôi! điểm này rõ ràng Anselmo đã không nhìn ra. Với Anselmo, Thiên Chúa nhảy từ trong đầu ra thực tại. Nhưng trong thực tế, ông đã chỉ trình bày cách thức suy nghĩ trong đầu ông về sự hiện hữu tất yếu của Thiên Chúa mà thôi. Tất cả chỉ có thế. Nhưng những định nghĩa trong đầu này hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với thế giới kinh nghiệm cả.

Lối chứng minh bản thể học đã khiến Kant đưa ra phê bình của mình. Ông biết lối chứng minh này qua lập luận của Descartes, một lập luận rất giống với Anselmo. Và ảnh hưởng của Kant lớn kinh khủng. Vì thế, lối minh chứng bản thể đã kể như bị loại trong một thời gian rất dài, dù sau đó vẫn có những nỗ lực minh chứng khác tiếp tục được đưa ra.

điều lạ, là ngay nay vẫn còn có cuộc bàn luận khoa học về việc minh chứng Thiên Chúa. Kẻ đổ dầu cho cuộc bàn luận không ai khác hơn các nhà nghiên cứu não, vốn là những người rất thực tế. Không những việc nghiên cứu não tạo thêm lí lẽ cho việc chứng minh Thiên Chúa, mà một vài vị trong số đó còn tin rằng, họ đã lần ra được dấu vết của Người. Vị đầu tiên ở đây là nhà thần kinh học 62 tuổi người Canada, Michael Persinger thuộc đại học Laurentian ở Subury. Ngay từ thập niên 80’ ông đã có những cuộc thí nghiệm kì lạ. Ông cho những nghiệm nhân ngồi trên ghế trong một căn hầm cách âm của đại học, cho họ mang kiếng màu tối đen và đội một chiếc mũ an toàn xe gắn máy có nam châm đã được cải biến đi đôi chút. Từ trường nơi mũ an toàn khá mạnh, không những nó có thể đo được những chuyển động của não, mà còn thao túng được chúng. Nhiều nghiệm nhân cảm thấy bỗng dưng như có một ai khác nữa hiện diện trong phòng, như có sự hiện diện của một „thực tại cao hơn“ hay một „hiện diện“ nào đó. Persinger kể, „một số người bảo rằng, họ cảm được như có thiên thần bản mệnh hay Thiên Chúa hay một cái gì đó tương tự bên họ“. đối với Persinger, như vậy là đã rõ: Các cảm giác tôn giáo được hình thành rõ ràng do ảnh hưởng của các vùng từ trường. Persinger cho biết thêm, sự kiện trên càng rõ thấy, khi có những biến động đột ngột của vùng từ trường trái đất, chẳng hạn như khi có động đất. đâu là mức liên hệ thường có giữa các kinh nghiệm thần bí và các thiên tai? đặc biệt những người có độ nhạy cảm cao ở vùng hai bên thái dương rất dễ bị ảnh hưởng bởi các từ trường. Theo Persinger, Thiên Chúa và từ trường trái đất như vậy tương tác gần gũi lên nhau. Tiếc rằng, cho tới nay, thí nghiệm Persinger vẫn là một sự kiện đơn độc, vì chưa có ai lập lại được thí nghiệm của ông. 

Một đồng nghiệp trẻ của ông, Andrew Newberg thuộc đại học Pennsylvania, thành công hơn. Cuối thập niên 1990’ vị bác sĩ khoa nội kiêm ứng dụng hạch tâm (Nuklearmedizin) và tim mạch hạch tâm (nukleare Kardiologie) đã tiến hành một loạt thí nghiệm, để tìm hiểu bí ẩn của niềm tin. để thí nghiệm, ông chọn những người thật đạo đức, đó là các nữ tu Phan-sinh và các tu sĩ phật giáo thiền tông. Newberg cho các nghiệm nhân di chuyển qua ống máy chụp quang phổ (Kernspintomograf) và ông quan sát lượng máu trên não của họ. Các nghiệm nhân bắt đầu tịnh tâm chiêm nghiệm và đắm mình vào niềm tin của họ. Một khi đạt tới một tình trạng chiêm nghiệm hay xuất thần nào đó, họ bấm nút, và Newberg quan sát mức độ biến đổi của tấm hình trên màn ảnh. Ông nhận ra vùng chóp đầu và vùng trán là hai nơi có biến động nhiều nhất. Khi hoạt động của vùng đỉnh đầu giảm, thì hoạt động của vùng trán tăng. Newberg kết luận, chính vùng trán – ở Persinger là vùng thái dương – là nơi Thiên Chúa đụng chạm với con người.

Persinger còn tỏ ra thận trọng. Newberg trái lại thơ thới hân hoan. Ông cho hay, việc hiện diện của một trung tâm tôn giáo trong não không thể là chuyện ngẫu nhiên được. Còn ai nữa, nếu không chính là Thiên Chúa, đã tạo ra trung tâm đó và những khả năng của nó? Cuốn sách ghi lại những thí nghiệm của Newberg thuộc loại bán chạy (bestseller) ở Hoa-kì: Why God Won’t Go Away? Bản dịch tiếng đức mang tựa „Der Gedachte Gott” (Thiên Chúa trong đầu). Thật ra, muốn đúng theo bản Anh ngữ, thì phải dịch là „Tại sao Thiên Chúa không rời xa chúng ta”. Vì đó chính là í của Newberg: Vì Thiên Chúa đã thả neo trong não ta, nên Người luôn ở lại với chúng ta. Chúng ta không thể xa Người được. 

Trước đây – theo truyền thuyết – Diogenes đã giác ngộ khi ông đang ngồi trong thùng. Thì nay các tu sĩ đã gặp được giác ngộ, khi họ đang nằm trong ống máy phổ quang. Tuy nhiên, việc Persinger nhận ra vùng thái dương, và Newberg vùng trán, là trung tâm cảm nhận tôn giáo, chẳng phải là chuyện lạ lắm. Kết quả nghiên cứu não cho biết, vùng não thái dương đặc biệt nắm giữ nhiệm vụ điều hành việc nghe cũng như vùng Wernicke điều hành việc hiểu ngôn ngữ. Ngoài ra nó còn giữ một vai trò lớn trong việc ghi nhớ những gì rõ ràng minh bạch. Trái lại, vùng trán điều hành các cử động cũng như điều hành việc hoạch định các cử động và hành vi của chúng ta. Cả hai vùng này đều có chung trách nhiệm, nhất là đối với những sinh hoạt của tầng í thức „cao cấp“, nhưng lát cắt của chúng thì lại rất khác nhau. 

Cũng như đối với Persinger trước đây, các nhà phê bình trách Newberg đã quá quả quyết trong việc tuyên bố kết quả thí nghiệm. Ông đã đưa ra những kết luận quá mạnh dựa trên một nền thí nghiệm quá mỏng. Phải chăng các cảm giác tôn giáo của chúng ta chỉ được tác động bởi một vùng não mà thôi? Và nếu Newberg có thật sự đã tìm ra „hộp thư“ đi nữa, thì người gởi thư chưa chắc là „Thiên Chúa“, và chưa hẳn chính Thiên Chúa đã dùng cách đó để tỏ í Người cho tôi biết và giúp tôi ngộ ra. Mà phải chăng đó cũng chỉ là những cánh „thư rác“ (Spams) vô thức hàng ngày tràn ngập trong tôi? Hay phải chăng đó là hậu quả của một trục trặc của tiến trình tiến hoá? 

Việc chứng minh Thiên Chúa dựa trên thần kinh học cũng chưa tiến được xa. Quá lắm nó có thể cho ta biết rằng, sự hình thành các sự thật tôn giáo được cảm nghiệm là do hoá học thần kinh tạo ra. Nhưng có thật Thiên Chúa nói với con người không, điều này vẫn chỉ là một phỏng đoán. Vì cả cho dù có minh chứng được sự hiện diện của những trung tâm cảm nghiệm tôn giáo trong não, thì minh chứng này cũng không từ trong đầu nhảy thẳng vào thế giới siêu nhiên được. Như vậy, lời cảnh cáo của Kant cũng đúng cho trường hợp này. Theo ông, không được phép dùng lối chứng minh Thiên Chúa bằng kinh nghiệm riêng tư (trong đầu) để áp đặt cho thế giới khách quan.

Phê bình của Kant là để chống lại lối chứng minh bản thể về Thiên Chúa, nhưng nó cũng đúng cho lối chứng minh dựa trên thần kinh học. Nhưng nó có đúng cho lối chứng minh dựa trên nguyên nhân không? Như đã nói, lối chứng minh đựa trên nguyên nhân hoàn toàn không xuất phát từ những quan niệm. Nó đi tìm trả lời cho câu hỏi, tại sao lại có thế giới. Phải chăng chúng ta phải chấp nhận rằng, Thiên Chúa là nguyên nhân tạo nên sự chuyển động của mọi sự? Vâng, ta có thể chấp nhận, nhưng không buộc phải chấp nhận. Không có gì hình thành từ hư không cả, luận chứng này đưa tới việc phải có một nguyên nhân đầu tiên – nhưng nguyên nhân này phải chăng là Thiên Chúa?

Có những người dễ dàng nghĩ tới và tin vào một Thiên Chúa đời đời hơn là một vật chất đời đời. Có những người hoàn toàn ngược lại. Người ta biết có sự hiện hữu của vật chất. Nhưng sự hiện hữu của Thiên Chúa thì người ta không biết, chắc chắn không biết được bằng giác quan như họ biết vật chất. Í tưởng cho rằng có thể có vật chất trường cửu đã khiến Bertrand Russell (xem bài Chú ruồi trong lọ) nghi ngờ sự có mặt của một nguyên nhân đầu tiên. Là vì theo ông, nếu mọi sự đều có nguyên nhân của nó, thì sẽ chẳng có khởi đầu. Không có khởi đầu của vật chất, mà cũng chẳng có Thiên Chúa „đầu tiên“. Russell bỡn cợt vẽ lên bức tranh có nhiều thiên chúa xếp hàng bên nhau, thiên chúa này tạo dựng nên thiên chúa kia.

Như vậy, luận chứng Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên của Tomas không thật sự thuyết phục. Nếu như ông dứt khoát hơn khi đưa ra lập luận chống lại Anselmo thì có lẽ hay hơn: Theo ông, mọi quan niệm về Thiên Chúa trước sau gì cũng quá nhỏ. điều gì kinh nghiệm của ta không nắm vững được hết, thì không nên xác quyết cách chắc chắn. Nhiều nhà thần học cũng dựa trên lí luận này để chối từ mọi lối chứng minh Thiên Chúa. Chẳng hạn Rudolf Bultmann, nhà thần học tin lành, nói: „Ai muốn dùng các chứng minh Thiên Chúa để nói lên điều gì đó về thực tại của Người, kẻ đó tranh cãi về một bóng ma“. Óc não của loài có xương sống chúng ta không được tạo dựng nên để có thể trực tiếp tiếp cận được với điều siêu nhiên – nếu tiếp cận được, thì đó chẳng phải là siêu nhiên nữa. Vì thế, Thiên Chúa là đấng hiển nhiên ta không thể nhận ra được, nhưng ta chỉ có thể kinh nghiệm – hoặc không kinh nghiệm – được Người mà thôi. 

Dù vậy, vẫn còn cơ hội cho những ai muốn tiếp tục chứng minh Thiên Chúa. Nếu vì những lí do trên ta không thể chứng minh được cách trực tiếp, thì ít nhất ta còn cách minh chứng Người cách gián tiếp? Hiện nay ở Hoa-kì khoa „Thần học Tự nhiên“ đang mở ra một cuộc bàn luận rất hứng khởi về con đường này.

•Chiếc đồng hồ của ông Tổng phó tế. Thiên nhiên có một í nghĩa?

Bình luận