Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 6

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Omicron Ceti III

Anh Bốc yêu Cảm giác là gì?

Năm 2267. Thời điểm hành tinh 3417,3. Con tàu USS Enterprise đang trên đường thực hiện một sứ mạng mới. Có nhiều lí do để Omicron Ceti III phải lo lắng. Một tia Berthold mạnh từ vũ trụ đã tiêu diệt hết mọi sự sống sinh vật trên hành tinh. Và con tàu Enterprise có lệnh đi tìm những kẻ còn sống sót trên đó. Song chẳng có chút hi vọng nào. Từ ba năm nay Omicron Ceti III phát ra phóng xạ, với thời gian phát xạ dài như thế hẳn chẳng còn gì có thể sống sót. Nhưng khi trưởng tàu Kirk với đội tìm kiếm của ông cho đèn pha rọi xuống mặt hành tinh thì lạ thay mọi sinh vật đều còn sống và rất khoẻ mạnh. Nhờ một loại phấn thực vật chống phóng xạ lạ lùng nào đó, con người đã sống sót. Phấn này không những làm gia tăng lực đề kháng của họ, mà còn làm thay đổi cả hệ thống giá trị của họ. Hễ ai hít phấn vào người, người đó tức khắc trở nên hoà hoãn lạ thường và chẳng bao giờ muốn rời khỏi hành tinh của mình nữa. Chốn thần tiên đó cũng đã làm biến đổi ngay cả anh Spock (ta gọi anh là Bốc), một con người của núi lửa vô cảm. Các cảm giác dần dần phong toả đầu óc anh, một đầu óc trước đó chỉ biết suy nghĩ hoàn toàn thuần lí. Anh yêu say một thiếu nữ của hành tinh. Từ một nhà duy lí vô vọng, anh trở thành một tay lãng mạn ngập tràn hi vọng. Toàn bộ phi hành đoàn của Enterprise giờ đây bị cảm giác khống chế, và trưởng tàu Kirk phải một mình chống chọi lại sức quyến rũ của hành tinh đầy tình cảm. Bổn phận bắt họ phải quay lại tàu, nhưng chẳng ai chịu rời hành tinh nữa. Trưởng tàu Kirk biết cách hoá giải hiệu lực của loại phấn kia – bằng cách làm gia tăng lượng kích tố Andrenalin trong cơ thể con người. Ông gài bẩy cho Bốc vào lại trong tàu và ra sức làm cho anh bực bội điên tiết lên. Lượng kích tố Andrenalin trong Bốc tăng mạnh, và anh đã trở lại con người duy lí như trước. Kirk và Bốc nghĩ ra được một cách để triệt giải hiệu lực của loại phấn kia. Họ cho con tàu phóng ra những làn sóng cực mạnh xuống hành tinh, khiến cho đoàn phi hành mê mẩn còn lại dưới đó phải giận dữ. Kết quả thành công, cả đoàn hết bị khống chế bởi tình cảm và trở lại thành những con người hoàn toàn duy lí như trước đó.

Câu chuyện ngắn trên đây là phần đầu của loạt truyện con Tàu Không Gian Enterprise và đã được quay thành phim năm 1964. Mãi tới năm 1988 nó mới được chiếu trên truyền hình nước đức. Cuốn phim triết lí có tựa đề tiếng Anh là This side of paradise (Bên này địa đàng), được dịch sang tiếng đức “Falsche Paradise” (Thiên đường mù). Nhìn vào tựa đề, ta đủ biết cuốn phim mang nội dung triết lí. đặc biệt nhân vật Bốc đúng là mẫu người duy lí lí tưởng của các triết gia từ thời Descartes trở đi. Baruch Spinoza, Gottlieb Wilhelm Leibniz, George Berkeley, Immanel Kant hoặc Johann Gottlieb Fichte… vị nào cũng mong muốn con người phải trở nên được như chàng Bốc. Với câu chuyện rời bỏ hành tinh trên đây, tác giả cũng muốn dạy cho con người bài học mang tính khai sáng: Các bạn đừng chạy theo các cảm giác; những thứ như hoà bình, tình yêu, hạnh phúc chẳng qua chỉ là những ảo giác! Cuộc sống thật gồm sứ mạng và bổn phận, mỗi người phải tỉnh táo đứng vào vị trí của mình!

Nhưng nhìn kĩ, có thể có mẫu người núi lửa như anh Bốc không? Khác với người hành tinh, con người núi lửa mặt lạnh như tiền và người đó cũng không thể bị tình cảm quật ngã. Nhưng trong anh Bốc chắc chắn phải có sẵn những cơ sở của tình cảm rồi. Phải có chúng sẵn trong người thì khi hít phải phấn, phấn mới làm bật dậy những cảm giác nơi anh lên chứ. Nhưng trong các tập Enterprise tiếp theo, Bốc luôn tỏ ra là một người đầy cảm giác. Tình trạng cảm giác nổi bật nơi anh là cảm giác bổn phận và cảm giác trách nhiệm. Anh tỏ ra trung thành và hay giúp đỡ, và để có thể cân nhắc được những tình trạng xung đột, anh phải biết cái gì „tốt” hơn, trong trường hợp có sự hồ nghi khi phải chọn lựa. Anh phải cân nhắc giữa mạng người với những cơ nguy có thể xẩy ra, giữa các mệnh lệnh và số mạng. Tất cả những cân nhắc đó đều diễn ra trên nền tảng các giá trị. Và các giá trị đạo đức thì chẳng bao giờ là vô cảm (ta sẽ trở lại vấn đế này sau). Nói cách khác: Có lẽ điệu bộ và thái độ nơi gương mặt của Bốc làm anh xem ra khác

người, nhưng anh vốn là một người bình thường như bạn và tôi. Và, cũng như hậu í của tác giả câu chuyện, nhân vật Bốc trong phim đã chứng minh điều này: đã là người hay là một thực thể giống con người, không ai có thể hoàn toàn vô cảm được.

Lí do dễ hiểu: Không có sự mâu thuẫn giữa cảm giác và lí trí! Chúng không chống nhau, nhưng cùng đồng hành bên nhau trong mọi hành động của ta. Chúng là đôi bạn những khi ta làm việc đầu óc, có lúc nhịp nhàng mà cũng có lúc sát phạt nhau, song nói chung, chẳng bao giờ có thể rời nhau. Trước những tình huống không chắc chắn, cảm giác thường lấn át lí trí. Lí trí sẽ gặp khó khăn nếu vắng cảm giác, là vì cảm giác thường chỉ hướng cho lí trí đi theo. Thiếu lực đẩy của tình cảm, lí trí sẽ tê liệt. Và nếu không có cảm giác bổn phận, anh Bốc đã không có được những suy nghĩ chiến lược. 

Không thể thiếu cảm giác được, vì chúng là chất keo giữ chúng ta lại với nhau. Chúng cũng không phải là những thứ gì mang bản chất có hại, khó chịu, man sơ hay xốc nổi như nhiều triết gia và nhiều nhà khoa học khác muốn gán cho chúng. Dĩ nhiên cảm giác có thể đưa người ta „lên mây“. Quá đa cảm có thể gây cản trở tư duy. Khi tôi cảm thấy bị tấn công quá đỗi, đầu óc tôi rối tung, thường chẳng nghĩ ra được những luận chứng đối phó; chỉ sau khi lấy lại được bình tĩnh, những lí lẽ cần thiết mới nẩy ra trong đầu, nhưng lúc đó tôi đâu cần tới chúng nữa. Khi tình yêu theo tôi vào lớp học, lúc đó đầu óc tôi khó mà tiếp thu chữ nghĩa. Mà cho dù ta vẫn thường ước ao có được một đầu óc sáng suốt trong mọi chuyện, thì một cuộc sống thiếu cảm giác sẽ là một thảm họa. Cuộc sống dù có bị „bốc đồng“ bởi niềm vui, bị „đè nghẹt“ bởi giận dữ hay „ngất ngư“ bởi ghen tương, thì nó dù sao vẫn đẹp hơn một cuộc sống vắng ngắt những thứ đó. Là vì, nếu thiếu tình cảm, con người ta sẽ trở nên vô cùng ngớ ngẩn. Nếu vô cảm, con người sẽ là những thực thể thiếu sót ghê gớm. Họ hoàn toàn bất lực trong hành động và chẳng biết phải nghĩ như thế nào nữa. Các tế bào não của họ bị lấy mất guồng máy khởi động, chẳng còn xăng dầu để chạy. Ngay cả cái quyết định muốn được hoàn toàn sáng suốt và không chạy theo tình cảm cũng là một quyết định của cảm giác. Luôn luôn có bóng tình cảm trong các suy nghĩ. Nhờ đó, ta mới có những sáng kiến hay, những tư tưởng khó chịu, những nhận định chán ngắt, những suy tư lạ đời, những í tưởng lãng mạn và những quan niệm thực tế…

Nhưng cảm giác là gì? Chúng từ đâu tới? Sẽ đi về đâu? Và lúc này đây chúng đang làm gì? Từ cổ thời, các triết gia vốn mệt đầu mệt óc vì những câu hỏi đó, dù phải công nhận rằng, cảm giác chẳng phải là đề tài ưa chuộng của họ. Quả thật khó mà dùng suy tư để tìm hiểu cảm giác. Thế nên, nhiều triết gia đã hành động theo nguyên tắc, những gì lọt khỏi lưới lí trí thì chẳng đáng quan tâm hoặc chẳng ra gì cả.

Dù vậy, cảm giác đã được người Hi-lạp và Rô-ma cổ quan tâm. Họ gọi Cảm giác là pathos và passio, với nghĩa gần như đam mê, đau khổ (Leidenschaft). Từ „tình cảm“ (Emotion) xem ra trung hoà hơn, nhưng nó xuất phát từ chữ La-tinh movere – lay động – như thế nó cho thấy Cảm giác là những gì làm „lay động“ con người. Từ „Gefühl“ (cảm giác, tiếng đức) mới xuất hiện trong thế kỉ 17, được dùng để dịch từ Pháp sentiment (tình cảm). Trong tiếng Pháp, người ta dùng sentiment để chỉ những cảm nhận phức tạp, và sensation để chỉ những kích động đơn giản. 

Như vậy Cảm giác trước hết là những kích thích thân xác. Và chúng là thứ vô cùng cần thiết. Trong trạng huống căng thẳng tột cùng, các tình cảm là lẽ sống còn của ta, chẳng hạn như cảm giác Sợ. Phản xạ chạy trốn là đặc tính không thể thiếu được của các loài động vật có vú bình thường, nó là thứ đã sống sót qua quá trình tiến hoá. Cả những tình cảm cũ và hơi mới cũng có tầm quan trọng cho sự phát triển loài người. Tất cả chúng đều phục vụ cho sự sống còn cũng như việc thích ứng với môi sinh và thích ứng với các thành viên khác của nhóm. Hãy thử tưởng tượng một người không có một trong những cảm giác nền tảng. Ai không sợ, kẻ đó có nhiều cơ nguy chết sớm. Ai không biết kinh tởm, kẻ đó dễ bị ngộ độc hoặc dễ bị lây bệnh. Ai không có thiện cảm, kẻ đó tự tách lìa khỏi cộng đoàn. Ai thiếu tình thương xót, kẻ đó nhìn người khác đầy ngờ vực và xa lạ.

Các đam mê, bản năng, phản xạ và cảm xúc, như vậy, có một í nghĩa sinh vật quan trọng. Chúng giúp con người cá nhân sống còn và là chất keo nối kết nhóm viên. Dù đó là cảm giác đói, nhu cầu ngủ nghỉ và cần hơi ấm, dù đó là chạy trốn, tấn công hay tình dục – tất cả những cảm giác sơ đẳng đó luôn có hai khía cạnh. Hoặc là tôi muốn vươn tới một cái gì, hay là tôi cố tránh một cái gì. Nhưng không phải chỉ có giá trị cho phần bề ngoài mà thôi. Một mặt, các tình cảm giúp tôi có những phản ứng thích hợp với những kích thích ngoại giới, và mặt khác, chúng giúp tôi điều hoà tình trạng nội tâm. Khi tình cảm quá cạn kiệt, thì hầu như luôn bao giờ cũng có một chuyển động ngược lại để tái cân bằng kho tình cảm trong ta. Chẳng ai có thể giận dữ hay ham muốn tình dục suốt cả tuần lễ, ngay cả nỗi phiền muộn hay thất tình, dù lớn mấy, sau đôi ba tháng cũng sẽ nguôi ngoai. 

Nhiều người khó chịu, vì mình không thể tạo ra hay ngăn chặn được cảm giác như í muốn. Nhiều kẻ lạnh lùng vô cảm mong được trở nên tự nhiên và nhiệt tình hơn. Nhiều người đa cảm thì lại mong giữ được đầu óc tỉnh táo. Khó kiểm soát được cảm giác. Trái lại có thể nói, chúng ta luôn bị cảm giác kiểm soát. Chúng ta hiếm khi dùng óc não như một phương tiện để suy nghĩ, mà ngược lại, chính chúng ta là một trạng thái óc não. Có thể nói: Trong một nghĩa nào đó, chúng ta là các cảm giác của chúng ta. Nhưng trong í nghĩa nào?

Các triết gia hầu như chẳng trả lời được câu hỏi này. Vì thế, chẳng ngạc nhiên, khi trong những năm gần đây khoa nghiên cứu não đã nhảy vào địa hạt này. Từ khi máy đo não và màn ảnh vi tính cho ta thấy và theo dõi được các tình trạng kích thích trong não, việc nghiên cứu não trở thành đề tài ăn khách của các nhà sinh học thần kinh. Và họ dần phân biệt ra hai thứ: Tình cảm và Cảm giác, cũng giống như người Pháp phân biệt giữa sensation và sentiment. Các nhà não học cắt nghĩa Tình cảm là một tác động chung phức tạp của các phản ứng hoá học và thần kinh. Chúng tạo ra những khuôn mẫu nhất định và những khuôn mẫu này của người và thú xem ra chẳng khác nhau gì mấy. Tình cảm xem ra là những diễn tiến rập khuôn và tự động. Cảm giác trái lại là chuyện còn phức tạp hơn, trong đó luôn có một phần í thức đi kèm. Chẳng hạn, người ta có thể dấu hay che đậy Cảm giác. Còn Tình cảm thì khó mà dấu được, vì chúng ta không kiểm soát được chúng. Cảm giác là một pha trộn giữa tình cảm và quan niệm. Chúng là những gì rất riêng tư và gần như diễn ra trong không gian nội tại cá nhân. Chúng ta có chung cái đói và các phản xạ chạy trốn với thằn lằn, chim khách và dơi, nhưng không có cùng nỗi đau vì tình, nỗi nhớ nhà và sầu muộn như chúng.

Rất lâu trước các nhà nghiên cứu não, trong nửa sau thế kỉ 19, khoa Tâm lí học, lúc đó mới hình thành, đã quan tâm tới Cảm giác – những thứ bị các triết gia coi thường – và đã nghiên cứu chúng một cách có hệ thống. Và Tâm lí học đã làm điều mà các nhà tâm lí rất thích làm: lập nên những danh mục! Trọng tâm vấn đề ở đây là, có những loại Tình cảm nào và gồm tất cả bao nhiêu thứ? Là vì Tình cảm rõ ràng là một mẫu phản ứng bất biến mà con người trong bất cứ nền văn hoá nào cũng có như nhau. Nhưng số lượng Tình cảm, lạ thay, chẳng nhiều gì, vì người ta hầu như đã chẳng tạo ra hay khám phá ra được thêm những Tình cảm mới.

Dù vậy, các nhà tâm lí cũng không đồng í được với nhau. Cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, Wilhelm Wundt nhận ra ba cặp Tình cảm chính: (Lạc) Thú – Chán, Kích động – Ngượng ngùng, Căng thẳng – Giải toả. Nhưng vấn đề là các cặp đó có hoàn toàn biệt lập với nhau không. Ta có thể phân biệt giữa Thú và Kích động được không? Hay là chúng song hành bên nhau? Các nhà tâm lí về sau bỏ quan niệm trên đây và lập nên một danh sách „Tình cảm nền tảng“ gồm 12 thứ: Vui – Buồn – Giận – Lo – Tởm – Biết ơn – Mắc cở – Yêu – Kiêu – Thương (xót) – Hận (thù) – Hoảng. Những năm gần đây, nhà nhân học và tâm lí người Hoa-kì Paul Ekman thuộc đại học

California ở San Francisco đưa ra một bảng gồm 15 Tình cảm. Ông thêm: Khinh – Hài lòng – Thoải mái – Xấu hổ, nhưng đồng thời bỏ đi „Buồn“, vì tình cảm này quá phức tạp. Ta có thể tiếp tục trò chơi lập bảng này, nhưng cũng đừng nên quan trọng hoá chúng. Là vì tất cả những tình cảm đó đều đã bị diễn dịch qua ngôn ngữ của chúng ta. Mỗi ngôn ngữ có một lối diễn tả riêng; như vậy mỗi dân tộc có thể lập nên một danh sách riêng, dù tất cả họ đều bị chi phối bởi những tình cảm nền tảng như ông Ekman. 

Các nhà nghiên cứu não cũng gặp trở ngại trong vấn đề phiên dịch đó, khi họ muốn ám chỉ hay mô tả các tình cảm và cảm giác. Nhưng họ có một lợi điểm khác, đó là tìm ra được các hoá chất tạo ra tình cảm của chúng ta. Quan trọng nhất ở đây là những Chất đưa tin, nghĩa là những chất chuyển tiếp thông tin từ tế bào thần kinh này qua tế bào thần kinh khác. Trong trường hợp Tình cảm, thì đây là những chất tạo ra kích thích, đặc biệt như Acetylcholin, Dopamin, Serotonin và Noradrenalin. 

Tất cả những chất đó có những khả năng lạ lùng, và cả những khả năng có thể có khác nữa, nhưng chưa được khám phá. Acetylcholin tác động như một thứ lực sĩ và nhà huấn luyện. Nó chuyển kích thích giữa thần kinh và các bắp thịt và khích động tuyến mồ hôi, chẳng hạn. Nó có thể làm nhiều công tác khác nữa. Nó có liên hệ trong các quá trình học tập, và như vậy có liên quan trực tiếp với bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ), nơi bệnh nhân Alzheimer lượng Acetylcholin giảm rất nhiều. Dopamin là tay xách động và hoạt náo. Chất này có vai trò quan trọng trong việc xuất huyết, và ngoài ra nó điều hoà lượng các chất kích tố trong người. Có thể dùng nó để tăng huyết áp. Và vì có liên quan với các chất kích tố, Dopamin liên hệ chặt chẽ với các chứng bệnh tâm thần và các chứng rối loạn khác; vì thế, người ta cho rằng, lượng Dopamin quá cao sẽ gây ra chứng loạn thần kinh (Schizophrenie). Serotonin là một nhà ngoại giao và tay môi giới. Nó tác động trong hệ tuần hoàn của máu và điều hoà huyết áp. Trong phổi và thận, nó làm cho huyết quản nhỏ lại, trái lại nó làm nở lớn các mạch máu trong các cơ bắp của thân thể. Ngoài ra nó còn điều hoà nhịp ngủ – thức và tạo cân bằng lúc bị căng thẳng tinh thần (Stress). Khi lượng Serotonin mất cân đối, nó dẫn tới những hậu quả tốt và không mấy tốt. Người ta tin rằng, khi yêu đương, lượng Serotonin nơi hai tình nhân tăng, sự gia tăng này đưa tới cảm giác dễ chịu và hài lòng. Trái lại, việc giảm lượng Serotonin gây ra chứng nhức đầu kinh niên (Migräne), chẳng hạn. Noradrenalin là anh đua xe và chuyên viên tăng tốc. Chất này tác động chủ yếu trong các mạch máu và, cũng như Dopamin, làm tăng huyết áp. Trong i khoa cấp cứu, người ta dùng nó để chống xốc và đẩy nhanh nhịp chu chuyển máu nơi những bệnh nhân bị tê liệt vì ngộ độc.

Tất cả bốn chất đưa tin trên hiện diện nhiều nơi Hệ Limbic, dĩ nhiên công dụng của chúng không chỉ hạn chế trong Hệ này mà thôi. Ba cơ quan lớn của Hệ này là Zentrale Höhlengrau (động xám trung tâm), Hypothalamus (Não thùy) và Amygdala (Hạnh nhân), đó là những trung tâm điều khiển các tình cảm bẩm sinh và các động thái con người. động xám trung tâm, chẳng hạn, kiểm soát các khía cạnh hoạt động tính dục, tính hung hăng, phản ứng chống cự cũng như cảm giác đói. Một mình nó là tác giả của những tiếng kêu la đau đớn, những tiếng rên rỉ và than thở. Não thuỳ cũng có trách nhiệm điều chế việc ăn uống, sinh hoạt tình dục, tính hung hăng và phản ứng chống cự. Ngoài ra nó còn điều hoà nhịp ngủ thức và hệ tuần hoàn. Một nét đặc biệt nổi bật liên quan tới sinh hoạt tình dục là tâm của Não thuỳ – có tên là Nucleus praeopticus medialis – nơi đàn ông phát triển hơn nơi đàn bà, đó là một trong những điểm cơ thể khác biệt hiếm hoi giữa hai phái. Tâm não này giữ vai trò quan trọng cả trên tính hung hăng lẫn sinh hoạt tình dục, vốn là hai hoạt động thường đi đôi với nhau. Hạnh nhân, một cơ quan rất bé, có nhiệm vụ điều hoà lượng cảm giác. Hiện nay nó là đối tượng được rất nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, nhưng dù vậy, nó vẫn còn là một bí ẩn. Nơi đây Noradrenalin và Serotonin tích tụ nhiều, đặc biệt Acetylcholin với lượng rất lớn. Tâm Hạnh nhân là nơi xuất phát của tình cảm sợ và khiếp hãi. Và người ta cũng biết, Amygdala có giữ vai trò trong việc học tập, nhất là trong việc làm sao để các tình cảm học hỏi thêm được cái gì đó. Tình cảm có khả năng tập thành: Gặp lần đầu thì giật mình ngạc nhiên, nhưng những lần gặp sau thì chẳng ngạc nhiên gì nữa. 

Tất cả mọi cảm giác của chúng ta, kể cả sự suy nghĩ và hành động của ta, đều hình thành với sự trợ giúp của các chất tín hiệu hoá học. Các chất hóa học thần kinh quyết định phẩm chất của mọi cảm giác lẫn kích thích và điều khiển chúng. Bảo rằng, anh Bốc được đưa trở lại vào Omicron Ceti III, rồi nhờ Adrenalin mà thoát ra khỏi được cơn say tình cảm do Endorphin và Serotonin tạo ra, thì điều này có thể đáng tin. Như vậy, Bốc phải là một người như bao người bình thường khác, nghĩa là trong anh cũng có sẵn một cơ cấu nền tảng hoá học thần kinh như những kẻ khác. Và như vậy thì cơ cấu này đương nhiên cũng tác động lên các hoạt động cấp cao trong não bộ, nghĩa là tác động trên sự suy nghĩ của anh – trừ ra trường hợp trong những người núi lửa như anh được gài sẵn một thiết bị ngăn chận Dopamin và Noradrenalin. Nhưng đây là điều khó tin, vì như vậy thì thiết bị sẽ biến Bốc và nhóm đồng hành của anh thành ra những con người nhu nhược, đờ đẫn và trôi dạt vô hướng.

Như vậy là ta đã rõ về Cảm giác và Tình cảm? Không, vẫn chẳng rõ gì lắm. Chỉ có nhà nghiên cứu não nào quá ngây thơ mới dám mạnh miệng trả lời: Cảm giác và Tình cảm là như vậy đó! Thật ra, khoa nghiên cứu não chỉ mới giải thích được văn phạm của Cảm giác, chứ chưa trình bày được âm thanh và tính chất đa nghĩa của ngôn ngữ được phát ra. Dù vai trò của các phân tử có nhiệm vụ đốc thúc như Dopamin, có vai trò trung hoà như Serotonin (phân tử Bốc) và tạo kích thích như Noradrenalin có quan trọng và cần thiết đến thế nào đi nữa, thì chúng cũng mới chỉ là những kẻ đưa tin từ tế bào thần kinh này đến tế bào thần kinh khác, từ trung tâm này tới trung tâm khác, chứ chúng không phải chính là kẻ tạo ra tin. Khi tới nơi người nhận, chúng chỉ tạo ra những phản ứng nào đó. Chúng kìm hãm, thúc đẩy, làm gia tăng hoặc ngăn cản. Nói tóm lại: những kẻ đưa tin chỉ làm nhiệm vụ chuyển í nghĩa và bạch hoá í nghĩa cho người nhận – nhưng chính chúng không tự mình suy nghĩ.

Một cảm giác hoàn toàn đầy đủ, trái lại, được tạo nên bởi một kết hợp hoạt động tế vi và đa diện của nhiều nhân tố, gồm: Một số vùng hay trung tâm não nhất định, khả năng chuyển tin và trả lời của tế bào thần kinh, những chất trung gian đưa tin, những nối kết phức tạp với các cơ cấu não khác và dĩ nhiên cả những kích thích của ngoại giới được giác quan chuyền vào não. Tại sao cùng nghe một bản nhạc, người này cảm thấy thú vị, người kia cảm thấy bực bội? Tại sao người này mê sò huyết, người khác lại lợm mửa khi ngửi thấy chúng? Tại sao một lúc nào đó ta lại đâm ra ghét người mà ta nghĩ là mình thương? Có thể giải thích dễ dàng Cảm giác về mặt hoá học, nhưng việc tạo thành, xuất hiện và biến đi của chúng thì lại là chuyện không dễ hiểu tí nào. Không ít nhà nghiên cứu não đôi khi ước rằng, giá mà vấn đề đơn giản hơn thì hay biết mấy! điều này cũng có nghĩa: giá mà con người ta giống người núi lửa hơn thì hay biết mấy! Ông Pille, bác sĩ trong đoàn Enterprise, có thể nói là vị đại diện hàng đầu của nhóm nhà nghiên cứu trên đây. Pille tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi nghe Bốc – lúc này đã bị phấn cây làm cho bốc đồng tình cảm – nói trong hệ thống liên lạc của Enterprise:

Pille: Nghe ra chẳng phải Bốc tí nào.

Kirk: Thì ông đã nói, ông sẽ thích Bốc hơn, nếu như anh ta người hơn, tình cảm hơn mà. Pille: điều đó tôi có nói bao giờ đâu!

Nếu đúng Cảm giác, chứ không phải con cái núi lửa (lí trí), là chất keo nối kết con người lại với nhau, thì phải chăng Cảm giác cũng là yếu tố quyết định trên mọi vấn đề quan trọng trong cuộc đời? Như vậy, chính Vô thức, chứ không phải Í thức, làm chủ cuộc sống của ta? Thế Vô thức là cái quái gì?

• Vắng chủ nhà. Vô thức là gì?

Bình luận