Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 5

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Wien

Kinh nghiệm của ông Mách „Tôi“ là ai?

Những kinh nghiệm có tầm vóc thế kỉ đôi khi lại nằm lọt trong những ghi chú nhỏ cuối trang giấy. Trường hợp sau đây là một điển hình. Năm 1855, đang khi dạo chơi ở ngoại ô thành phố Wien (Vienna) ở Áo, cậu sinh viên khoa vật lí mười bảy tuổi Ernst Mach (ta gọi cậu là Mách) có được một kinh nghiệm lạ: „Vào một ngày hè nắng sáng ngoài trời, thế giới hiện ra cùng với cái Tôi của tôi như một khối cảm giác liên hệ với nhau, sự liên hệ này mạnh hơn nơi cái Tôi của tôi. Mặc dù về sau này mới hồi tưởng lại cụ thể, nhưng biến cố lúc đó đã hằn nét quyết định trên toàn bộ nhận thức của tôi“. Cảm nhận đó, năm mươi năm sau, đã được ghi lại bằng một ghi chú trong cuốn sách của Mách Die Analyse der Empfindungen (Phân tích các cảm nhận); cậu sinh viên lúc đó đã không nghĩ rằng, đó là một kinh nghiệm mang tầm vóc thế kỉ.

Ernst Mach sinh năm 1838 (trước Nietzsche sáu năm) tại Chrliche thời đó thuộc đất Áo – Hung và ngày nay thuộc nước Tiệp. Gia đình ông thuộc nhóm cư dân thiểu số nói tiếng đức.

Cha cậu vừa làm nghề nông vừa là nhà giáo, nên đã dạy chữ cho con mình ở nhà. Vừa học chữ, Mách vừa học nghề thợ mộc. Chỉ tới khi 15 tuổi, cậu mới được bước vào trường trung học và tốt nghiệp tú tài ở đó không chút khó khăn. Cậu học sinh xuất sắc sau đó ghi tên học toán và khoa học tự nhiên ở Wien, rồi làm luận án tiến sĩ về điện học. Một năm sau, anh trở thành giáo sư, chuyển từ Graz qua dạy ở Prag, sau đó trở về lại Wien. Khó nói được về sở thích của ông giáo trẻ, có thể nói bất cứ ngành nào ông cũng thích. Ông dạy Vật lí và Toán, Triết học và Tâm lí học. Là nhà vật lí, ông tính toán vận tốc tiếng động, vì thế người đời sau lấy tên ông để gọi vận tốc âm thanh, chẳng hạn họ nói máy bay phản lực bay với tốc độ „Mach 2“.

Mách rất nổi tiếng trong thời gian ở Prag và Wien. Ông thí nghiệm về phi đạn hoả tiễn và về động lực của khí. Qua các thí nghiệm đó, ông không ngớt phê bình khoa Vật lí của Newton và vì thế trở thành người mở đường cho thuyết Tương đối. Albert Einstein thích coi mình là học trò của Mách, mặc dù Mách chưa dạy ông bao giờ. Về quan điểm chính trị, Mách là người theo thuyết Tự do, càng ngày càng ngã về Dân chủ Xã hội vốn là một đảng thời đó được coi là có khuynh hướng cực đoan. Về tín ngưỡng, ông theo thuyết bất khả tri (Agnostik), thích chống đối Giáo hội. Lí thuyết của Mách đã làm cho các nhà vật lí và triết học quan tâm bận rộn, cậu Lenin viết cả một cuốn sách dày về ông, vì triết lí của Mách lúc đó trở thành phong trào sôi động trong giới học thức nước Nga. Tâm lí học Giác quan (Sinnespsychologie) xuất hiện như một môn học mới, và nó ảnh hưởng mạnh trên khoa nghiên cứu động thái ở Hoa-kì. Tuy nhiên, dù là người soi sáng gợi í cho rất nhiều khoa học, tên tuổi của ông đã mai một rất nhanh sau khi ông qua đời vào năm 1916. Thế chiến I làm chao đảo Âu châu tận gốc, và Vật lí học giờ đây bước vào một con đường hoàn toàn mới. Năm 1970, cơ quan NASA nhớ tới nhà nghiên cứu phi đạn tiên phong đang bị quên lãng này và lấy tên ông đặt cho một miệng núi lửa trên cung trăng. 

Các tư tưởng triết học của Mách mang tính cực đoan. đối với ông, chỉ có những gì có thể tính toán được hay kinh nghiệm được mới đáng kể. Quan điểm này đã đánh đổ một phần lớn mọi Triết học cho tới lúc đó. Là vì khi ông cho mọi thứ vào lò vật lí để kiểm tra, thì gần như toàn bộ lịch sử triết học đã bị ông đánh rớt. đặc biệt thuyết Nhị nguyên (Dualismus) của Descartes bị ông chống đối kịch liệt. Lí do là vì, đối với Mách, việc cảm nhận của Thể xác và sự nhận thức của Tinh thần cả hai đều xuất phát cùng một chất liệu duy nhất. Cũng như kinh nghiệm trong ngày hè mấy chục năm về trước, ông quy cái Nhị nguyên giữa Tôi và Thế giới vào trong một Nhất nguyên: Tất cả mọi thứ hiện diện trong thiên nhiên đều gồm những thành tố như nhau. Khi chúng xuất hiện trong não, ta gọi chúng là những „cảm nhận“, những cảm nhận trong óc này cũng là chuyện bình thường, chẳng có chi đặc biệt cả.

Hệ quả quan trọng nhất từ Thuyết cảm nhận của Mách là việc xoá bỏ cái Tôi. Hơn hai ngàn năm nay các triết gia thường nói tới cái „Tôi“, và mọi con người bình thường cũng đều xưng „Tôi“, khi họ muốn nói về mình. Nhưng Mách phản đối. Ông gặp khó khăn lớn khi tự xưng

mình là „Tôi“. Như vậy, cái Tôi này là gì? Ông cho hay: „Cái Tôi không phải là một đơn vị bất biến, được xác định và ấn định rõ ràng“. Chẳng có một cái Tôi nào trong óc con người ta cả, mà chỉ có một đống lộn xộn những cảm nhận vốn trao đổi liên tục với các yếu tố của ngoại giới mà thôi. Hoặc như lối nói hài hước của Mách: Các cảm nhận „dạo mát một mình trong thế giới“. Và rồi ông đã viết vào cuốn sổ lưu niệm câu nổi tiếng nhất của ông về triết học: „Cái tôi là thứ không thể cứu chữa được. Phần vì quan điểm này, phần vì lo sợ trước quan điểm này nên đã nẩy sinh ra những nghịch lí thối tha nhất về bi quan và lạc quan, về tôn giáo và triết học“.

Mách không phải là người đầu tiên đưa ra tư tưởng xoá bỏ cái Tôi hoặc ít ra coi cái Tôi là thứ chẳng ra gì. Không phải một nhà vật lí như ông mới có tư tưởng đó, nhưng trước đây có một vị luật gia bị phá sản đồng thời là một lái buôn thích suy tư đã cũng suy nghĩ như thế. đó là David Hume người Ái-nhĩ-lan. Ông này viết cuốn Luận Về Bản Tính Con Người năm 1739, khi ông mới 28 tuổi, trong đó Hume cho biết, chẳng tìm đâu ra cái Tôi của mình cả. Là vì Tâm hồn và cái Tôi là những thứ không thể kinh nghiệm được. Muốn nhận diện các cảm nhận, khái niệm và cảm giác, chẳng cần gì tới cái Tôi cả. Những thứ này xuất hiện gần như một cách tự nhiên. Như vậy, cái Tôi chẳng hiện thực gì cả, nó chỉ là một quan niệm giống như mọi quan niệm khác. Chỉ một điểm duy nhất có thể vớt vát cái Tôi nơi Hume: Ông quan niệm nó có thể như là một thứ „tập hợp của những cảm nhận giác quan“. đây quả là một ảo tưởng, nhưng có lẽ là một ảo tưởng cần thiết, nó tạo cho con người có được một cảm giác thoải mái (và không thể không có?), rằng mình có một người kiểm duyệt ngồi trong não bộ. 

Cái Tôi chỉ là ảo tưởng, có đúng thế không? Phải chăng mọi người bình thường đều tin rằng, cái Tôi trong đầu chỉ là chuyện bịp bợm? Phải chăng suốt hai ngàn năm qua các triết gia tây phương đã bày ra một cái gì đó, khi họ đương nhiên bắt đầu với cái Tôi để lần hồi lúc được lúc không khám phá ra những thứ trong thế giới? Phải chăng cái Tôi của chúng ta là một thứ đầu máy, trong đó mọi hành vi tinh thần, tình cảm và í chí của tôi xuất hiện và qua đi? đó là một thứ pháo đài canh giữ cuộc sống? Một cuốn phim không bị cắt xén bảo đảm cho tôi, dù phải trải qua bao nhiêu chục năm dâu bể, luôn vẫn có những cảm nhận như nhau? Ai là người đang nói chuyện với Bạn lúc này đây về ông Hume và ông Mách, nếu không phải là cái Tôi của tôi? Và ai đang đọc những giòng này đây, nếu không phải là cái Tôi của Bạn?

Vậy, trước hết chúng ta hãy tự giải thoát mình ra khỏi sợi dây thòng lọng của các nhà vật lí bất thường và của các ông luật gia thất nghiệp trên đây, để hỏi những chuyên gia trong ngành, chẳng hạn những nhà tâm lí, xem họ quan niệm thế nào về cái Tôi. Các ông bà tâm lí gia nhìn nhau lắc đầu. Rồi một vị trong họ nhỏ nhẹ: „Vâng, như quý vị biết đó, chúng tôi không phủ nhận cái Tôi, nhưng các đồng nghiệp chúng tôi đã không đồng í được với nhau về nội dung của cái Tôi. Chúng tôi không thể coi cái Tôi là một sự kiện chắc chắn, bởi vì, như quý vị cũng đã biết, Tâm lí học thuộc khoa học tự nhiên, và khoa học tự nhiên chỉ coi những gì có thể thấy, nghe hoặc đo được là có thực mà thôi. Như thế cái Tôi không thuộc vào diện này. Nếu có cái Tôi, thì hẳn phải có một cái gì diễn dịch ra được từ nó, và như vậy ở đây Hume có lí. Vấn đề duy nhất ở đây là: „cái diễn dịch ra được từ đó“ là cái gì? Nếu ta coi cái Tôi là những cảm nhận – thì như vậy ta có một cái Tôi-cảm-giác? Nếu coi Tôi là quan điểm, thì ta sẽ có cái Tôi-tư-tưởng? Vì thế, chúng tôi chẳng chắc chắn gì lắm. Thành ra nhiều người trong số đồng nghiệp của tôi tránh dùng khái niệm đó và họ thích nói về cái „Mình“ (Selbst) hơn. Như vậy „Mình“ là một cái gì như Trung tâm í chí và Trung tâm thẩm định. Ở đây chúng tôi thích phân biệt giữa cái Quan niệm về mình (Selbstkonzept) và cái Cảm nhận về giá trị của mình (Selbstwertgefühl = Tự hào). Quan niệm về mình cho chúng ta hay, chúng ta nhận định về chính mình như thế nào. để có thể hành động, chúng ta lại phải đưa vào đây hai khái niệm nhỏ „I“ và „Me“. ‚I’ và ‚Me’ chia nhau phần vụ: ‚I’ hành động và ‚Me’ xét đoán. Và Cảm nhận về giá trị của mình là cái biên lai chứng nhận hoàn toàn chủ quan của ‚Me’ trao cho ‚I’. Chúng tôi đã quan sát và ghi chép cuộc độc thoại này nơi hàng trăm ngàn người. Nhưng quý vị đừng hỏi chúng tôi là ông William James, cha đẻ của những tư tưởng trên, đã chứng minh chuyện đó ra sao. Nó đại khái là vậy, may ra có Chúa hay ông Darwin hay một ông bà nào đó biết mà thôi“. 

đó là quan điểm của nhà tâm lí. Dĩ nhiên đây là một câu trả lời rất rút gọn, vì Tâm lí học là

một ngành rộng với nhiều học thuyết và trường phái khác nhau. Như vậy, Tâm lí học cũng không thể có được câu trả lời đơn giản và rõ ràng về cái „Tôi“. Chúng ta chỉ còn cách quay sang thỉnh kế các nhà nghiên cứu não. Trong những năm gần đây, họ lớn tiếng đòi cho mình quyền được trả lời. Họ tự coi mình là kẻ hiện nay có thẩm quyền nhất trong vấn đề này. Và câu trả lời của nhiều vị trong họ (không phải là tất cả) như sau: „Không có cái Tôi. Xưa nay chưa có cái Tôi và tương lai cũng chẳng bao giờ có nó! Chẳng có cái gì nối kết con người từ bên trong cả. David Hume và Ernst Mach hoàn toàn có lí: cái Tôi chỉ là ảo tưởng!“. 

Tuy nhiên, để hiểu câu trả lời của họ, trước hết ta phải tự hỏi, cái Tôi phải có hình thù ra sao, để nhà nghiên cứu não chấp nhận và nói: „Vâng, đó là cái Tôi!“. Giả như nhà nghiên cứu não tìm ra được một vùng hay một trung tâm trong não đóng vai trò điều khiển cái Tôi hay tạo ra cái Tôi, ông hẳn vẫn chưa hài lòng lắm. Ông sẽ nghiên cứu guồng máy chỉ huy đó và nhận ra rằng, trung tâm này, cũng như mọi trung tâm trong não, không hoạt động độc lập, nhưng nó liên thuộc với các trung tâm khác. Và ông tiếp tục tìm hiểu các tế bào thần kinh, tìm hiểu sự chuyển động các dòng điện và các phản ứng hoá học, và rồi ông sẽ nói: Cái Tôi chẳng là gì khác ngoài một guồng máy điện từ và hoá học phức tạp. Chẳng khác nào như một em bé chặt con búp-bê biết nói của nó ra và thấy một dàn máy chẳng thú vị gì trong đó. 

Quả đáng mừng cho chúng ta, vì chẳng có một trung tâm cái Tôi như thế. đây là một tin rất vui và nó cũng chẳng làm cho ta thất vọng. Ngay từ thế kỉ 19, nhà cơ thể học danh tiếng Rudolf Virchow đã bỡn cợt tuyên bố: „Tôi đã giải phẩu hàng ngàn xác chết, nhưng chẳng thấy linh hồn ở đâu cả“. Thật may mà không có Hồn hay cái Tôi, để người ta có thể tháo banh ra và giải thiêng chúng, hay để cho mấy ông bà tu-bíp mổ xẻ và lỡ tay cắt mất chúng!

Nghĩa là không có trung tâm cái Tôi. điều này cũng chẳng lạ, là vì ngoài René Descartes với Tuyến tùng quả (Zirbeldrüse) của ông ra, chưa có một triết gia có hạng nào trong vòng 200 năm trở lại đây quả quyết, là có một cái Tôi mang hình hài vật chất nằm trong não. đa số trong họ đã chẳng xác định gì cả. Immanuel Kant chẳng hạn, ông này phát biểu rất mập mờ: cái Tôi là một „sự kiện của nội quan“, nó ngược lại „sự kiện của ngoại quan“ là thân xác. Thế nghĩa là gì, thật khó xác định.

Như thế, Triết học bỏ ngỏ chuyện cái Tôi, theo kiểu: Cái Tôi vẫn có đó, nhưng chúng tôi không bàn về nó. Chuyện các ông bà nghiên cứu não đã không tìm thấy cái Tôi trong não, cũng chẳng lạ. Trong thế giới nghiên cứu của họ, không có một cái Tôi được khoanh vùng rạch ròi nào trong bộ não cả.

Dù thế, chúng ta vẫn cảm nhận một cách nào đó sự hiện diện liên tục của cái Tôi trong cuộc sống của mình. Phải chăng đấy là một cảm nhận không có thực? Hay đúng là có một cảm giác – lúc tỏ lúc mờ – về cái Tôi? Phải chăng cái Tôi này có liên hệ với toàn bộ khối óc, có khi cả với toàn bộ hệ thần kinh, hay ít nhất với nhiều phần thần kinh chủ đạo? Phải chăng dàn hoà tấu thần kinh trong óc đã tấu thành một bản nhạc – có thể gọi là bản nhạc cái Tôi -, bản nhạc này vốn không có cấu trúc sinh lí, nhưng vẫn nghe được rõ ràng qua tâm thức? Việc mô tả toàn bộ nhạc cụ trong phòng chưa hẳn tạo nên một nhạc khúc. Cũng vậy, sự mổ xẻ mọi cơ cấu trong não bộ của khoa nghiên cứu não chưa hẳn tìm được cái Tôi trong đó. Ta có thề nói như thế được chăng?

Có lẽ đúng như thế, một cách nào đó. Nhưng khoa nghiên cứu não còn có một cách khác nữa để truy tìm cái Tôi: thí nghiệm với những bệnh nhân bất thường, những người mà vì một lí do nào đó, cái Tôi của họ hết hoạt động, hay chỉ còn hoạt động một phần hoặc chỉ còn hoạt động với một điều kiện nào đó. Oliver Sacks, nhà nghiên cứu não và là tâm lí gia người Anh, đã có những thí nghiệm với các loại bệnh nhân như thế trong suốt bốn mươi năm. Chính Sacks là một nhân vật rất khó hiểu, là kẻ đã tạo ra nhiều giai thoại về mình. Trong tác phẩm Người đàn ông lầm vợ mình với chiếc mũ của mình, ông kể lại chuyện các bệnh nhân và thế giới sống của họ, những người có cái Tôi rối loạn, hay nói như Sacks, „Những người du lịch trong những đất nước lạ lùng – những đất nước mà chúng ta hoàn toàn chẳng biết chút gì về chúng“: Một nhà nhạc học bị thương nhẹ ở bán cầu não trái và vì vậy ông bị chứng vô cảm thị giác. Ông bị „mù tâm hồn“, không còn nhận ra các sự vật được nữa. Mỗi lần ông muốn cầm mũ đội lên đầu, ông chụp ngay mặt bà vợ mình. Một ông giáo sư âm nhạc âu yếm mơn trớn cột đồng hồ tính tiền chỗ đậu xe, vì ông tưởng đó là mấy đứa con của ông; một bà già bị bệnh lậu thần kinh (Neurosyphilis) bỗng nhiên dở chứng thích trai tơ.

Những gì Sacks mô tả hai mươi năm trước đây nay được các nhà chuyên môn khám nghiệm kĩ. Nhiều nhà nghiên cứu não, qua những quan sát này, có khuynh hướng cho rằng, không phải chỉ có một cái Tôi, mà có nhiều tình trạng cái Tôi: cái Tôi-thể-xác của tôi giúp tôi biết được cái thân xác mà tôi đang có là của tôi; cái Tôi-định-hướng cho biết, tôi đang ở đâu; cái Tôi-phối-cảnh cho biết, tôi là tâm điểm của thế giới mà tôi đang sống; cái Tôi-như-là-chủ-thểcảm-nhận cho hay, những tín hiệu giác quan và các cảm giác mà tôi đang có chính là của tôi, chứ không phải của ai khác; cái Tôi-tác-giả và Tôi-kiểm-soát giúp tôi hiểu rõ, chính tôi là người chịu trách nhiệm về các tư tưởng và hành động của mình; cái Tôi-tự-thuật giúp tôi luôn ở lại trong cuốn phim cuộc đời mình, để tôi trước sau gì cũng là một tôi mà thôi; cái Tôi-tự-giác giúp tôi suy tư về chính mình và hoàn thành trò chơi tâm lí giữa ‚I’ và ‚Me’; cái Tôi-đạo-đức cuối cùng tạo ra trong tôi cái gọi là lương tâm, nó nói cho tôi hay điều gì tốt điều gì xấu.

Bệnh nhân của Oliver Sacks là những người bị rối loạn một hay nhiều tình trạng cái Tôi đó. Nếu dùng phương pháp hình ảnh (xem bài Vũ trụ của Tinh thần) để khám nghiệm họ, chúng ta sẽ nhận ra những vùng não bị tổn thương không hoạt động bình thường. Chẳng hạn, cái Tôithể-xác và Tôi-định-hướng có liên quan với sự hoạt động của vùng não đỉnh đầu (Partiallappen), Tôi-phối-cảnh có liên quan với vùng màng tang phải (Temporallappen); Tôi-như-là-chủ-thểcảm-nhận cũng liên quan với vùng màng tang phải, nhưng đồng thời cũng với Amygdala và các trung tâm khác thuộc Hệ Limbic v.v..

Như vậy, có thể nói, có nhiều cái Tôi. Nhưng đây cũng chỉ là một biểu đồ. Là vì biết được mùi vị của các gia vị chưa hẳn là đã biết được toàn bộ món ăn. Những cái Tôi tình trạng trên đây thật ra là những gia vị được xào nấu chung trong não bộ. Có lúc tình trạng này xuất hiện mạnh hơn tình trạng kia. Trong í thức thường ngày, đây là một món ăn hỗ lốn trộn lẫn mọi thứ gia vị. Có lúc thứ này xuất hiện trong chốc lát, còn các thứ khác thì vẫn có mặt dài dài. Và cả nguồn gốc các gia vị xem ra cũng rất khác nhau. Có thứ chỉ có thể cảm được mà thôi, nhưng có thứ lại có thể biết được cách nào đó. Tôi chẳng biết được gì nhiều về Tôi-phối-cảnh, nó được ban tặng cho bất cứ mọi người bình thường nào, cũng giống như Tôi-thể-xác. Nhưng Tôi-tự-thuật rõ ràng là cái tôi tự tạo cho chính mình, bằng cách tôi viết hoặc thuyết minh. Tôi kể về tôi và như vậy kể cho chính tôi và kẻ khác nghe về tôi và đồng thời qua đó vẽ lên con người của mình. Tôi-tự-giác và có lẽ cả Tôi-đạo-đức (không biết cái Tôi này có không, ta sẽ bàn kĩ hơn về nó sau này) cũng thế.

Việc khoa nghiên cứu não chia ra nhiều tình trạng cái Tôi khác nhau là điều hợp lí, nhưng cũng đừng quá tin vào chúng, vì đây cũng chỉ là những mô hình tạm mà thôi. Dù có tập hợp mọi tình trạng Tôi trên đây, thì chúng cũng chẳng tạo cho ta được một tâm trạng chung (cái Tôi chung).

đây là một trong những điểm khó hiểu của khoa nghiên cứu não: Nhiều nhà thần kinh học

không chấp nhận có cái Tôi, nhưng lại ra công nghiên cứu xem nó hình thành như thế nào. Không hiếm khi người ta tạo ra trong phòng thí nghiệm một cái Tôi, để rồi lại tìm cách bác bỏ nó. Qua đó, họ mới có thể đưa ra được những nhận định chính xác về sự hình thành của nhân cách – và như vậy là của cái Tôi. Hệ Limbic đã hình thành ngay trong giai đoạn đầu của thai phôi. Sau khi sinh, não bộ bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài và bị đảo lộn một lần nữa toàn bộ. Những cơ cấu trong não thích ứng với ngoại giới, lượng tế bào thần kinh của chúng giảm và các thân tế bào dẫn tín hiệu được khoác áo bao bọc. Cái „Tôi-cảm-giác“ hình thành trong giai đoạn từ 18 tới 24 tháng tuổi. đây là thời gian em bé có thể nhận ra mình khi nhìn vào ảnh chụp. Sau đó, „con người“ xã hội – pháp lí thành hình: cái Tôi (em bé) í thức mình như là một thành viên hoạt động mang ít nhiều trách nhiệm trong xã hội. Một vài khả năng và đặc tính đó phát triển lên trong não chỉ trong và sau khi em bước vào tuổi dậy thì. Tất cả những mô tả này giải thích sự trưởng thành của nhân cách và như vậy chúng đồng thời dính liền với cái Tôi-cảm-giác.

Là vì ai trong chúng ta cũng tự xưng mình là „Tôi“. đa số các nhà chuyên môn cho rằng, khoảng một nửa tiến trình phát triển nhân cách gắn liền với những khả năng bẩm sinh. Khoảng từ 30 tới 40 phần trăm tuỳ thuộc vào những kinh nghiệm và giáo dục trong thời gian từ 0 tới 5 tuổi. Và chỉ có 20 phần trăm do ảnh hưởng về sau của gia đình, học đường v.v..

Như vậy cái Tôi đã bị giải thiêng huyền thoại. Kopernikus đã khám phá ra một điều trước đó hoàn toàn chưa ai biết: quả đất quay quanh mặt trời. Từ đây, quan niệm cũ coi trái đất là rốn của vũ trụ bị loại. Darwin cũng đưa đến kết quả tương tự, khi ông minh chứng mọi loài động vật – kể cả con người – cũng phát triển từ các gốc động vật sơ đẳng mà lên. Quan điểm cho rằng, con người là một sản phẩm trực tiếp của Thiên Chúa, từ đây bị loại hẳn. Nhưng các nhà nghiên cứu não đã không nhất thiết chứng minh được một sự kiện gì mới, khi họ muốn xoá bỏ cái Tôi. Quan điểm cũ cho rằng, con người được điều hướng về mặt tinh thần bởi một kiểm soát viên mang tên Tôi, vẫn tiếp tục có giá trị. Cái Tôi là một cái gì phức tạp; nó có thể được chẻ ra thành nhiều Tôi khác nhau, nhưng đồng thời lại là một thực tế chỉ có thể cảm nhận, và khoa học tự nhiên không thể đơn giản phủ nhận được nó. Ai trong chúng ta lại không cảm nhận được mình là một cái Tôi? Nhà xã hội học Niklas Luhmann viết: „Con người ta là cá nhân, rất đơn giản vì họ có quyền là một cá nhân. Và như thế là đủ rồi“. Câu này ta cũng có thể áp dụng được cho cái Tôi.

Ernst Mach đã có lí, khi viết: „Cái Tôi không phải là một đơn vị bất biến, được xác định và ấn định rõ ràng“. Trừ ra khi chúng ta tìm được trong não một đơn vị và một giới hạn, hay như nhiều nhà nghiên cứu não hay nói, tìm được một „bộ khung“. Nhưng khi ông bảo rằng, các nhận thức của chúng ta „dạo mát một mình trong thế giới“, thì điều này chẳng chắc chắn gì cả. Cái Tôi là một người giữ trẻ khá cẩn thận, và thường thì nó ít nhiều tỉnh thức trong ta bằng cách quan sát ta, đồng cảm với ta. Con người không có một hạt nhân, không có một cái „Tôi thật sự“, để chúng ta có thể nhận diện cụ thể được nó. Chúng ta không tìm ra được một cái Tôi có cấu trúc rõ ràng, để bày ra trước mắt các triết gia và bảo: Nó đây này! Nhưng thay vào đó, chúng ta có một cái Tôi lấp lánh màu sắc, đa tầng và nhiều phối cảnh. Khoa nghiên cứu não không tìm ra cái Tôivật-thể, nhưng nó cho thấy cái Tôi-cảm-nhận là một diễn tiến vô cùng phức tạp trong óc, vô cùng tuyệt vời, khiến ta trước sau vẫn có đủ lí do để ngỡ ngàng về nó. Còn phải cần nhiều chục năm nữa, để khoa nghiên cứu não có thể tìm hiểu được tới nơi tới chốn các tình trạng của cái Tôi. Mà cũng chưa chắc là họ đạt được đích. Nếu việc quan sát các tình cảm đơn giản được ví như chuyện bước xuống cung trăng, thì việc đi tìm cái Tôi ít nhất cũng giống như cuộc du hành tới sao Hoả. Một cuộc du hành mà nay ta chưa thể biết được, mình sẽ gặp những gì trên đường…

•Anh Bốc yêu. Cảm giác là gì?

Bình luận