Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 30

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Boston

Trò chơi của ông Râu Thế nào là Công bằng?

Bạn và tôi cùng chơi một trò chơi, qua đó chúng ta thử tưởng tượng ra một xã hội thật trọn vẹn! Chúng ta có một bộ bàn cờ. Bạn và tôi là người người chỉ huy, có thể cùng nhau đưa ra những luật chơi, để sao cho cuộc chơi có được một kết quả trọn vẹn nhất. Trò chơi mở màn: một nhóm người sống trong một vùng đất khép kín, đó là bàn cờ. Vùng đất này có thể cung ứng mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. đủ cơm ăn, áo mặc, nước uống, chăn ấm nệm êm, có đủ chỗ cho mỗi người. để cho xã hội toàn hảo của chúng ta có thể khởi đi từ con số không, chúng ta đồng í với nhau, là tất cả cư dân trong vùng đều chẳng biết một tí gì về chính họ cả. Họ không biết họ là người khôn hay dại, khoẻ hay yếu, đẹp hay xấu, trẻ hay già, nam hay nữ. Chẳng ai biết về sở thích, đức tính vốn có hay khả năng của họ. Mỗi người là một tờ giấy trắng vô tiểu sử.

Các cư dân giờ đây phải tự làm sao cho cuộc sống chung được hài hoà. Vì vậy, họ cần có những luật lệ, để không rơi vào hỗn loạn. Mỗi cư dân trước hết dĩ nhiên tìm cách thoả mãn các nhu cầu cơ bản của mình: có nước uống, đủ ăn, đủ mặc. Các nhu cầu khác chưa được biết tới. „Màn u minh“ không cho họ nhìn và đoán ra các nhu cầu khác. Vì thế, họ cùng ngồi lại, tìm ra những luật lệ để có thể giúp nhau.

Theo Bạn, trước hết họ cần đặt ra nguyên tắc nào? Chuyện chẳng đơn giản, là vì do „màn u minh“ che khuất, họ không biết mình muốn sống như thế nào, không ai đoán trước được phải làm gì cho tốt nhất, không một sở thích của cá nhân nào có thể ảnh hưởng trên quyết định chung. Mọi người được bảo đảm đối xử sòng phẳng. Vì nghĩ rằng, điều kiện khởi đầu có thể chưa được tốt, nên ai nấy tự đặt mình vào vị trí của kẻ yếu kém nhất. Vì vậy, xã hội được khởi đi từ quan điểm chung chung với những luật lệ không để cho kẻ yếu bị thiệt. để mỗi người không rơi vào nguy cơ thua thiệt, toàn cư dân đưa ra một danh sách các đề nghị về việc phân phối đồng đều của cải. Sau đó họ cùng nhau kê ra thứ tự ưu tiên, để ai ai cũng được bảo đảm mức tối thiểu về các tự do và các nhu yếu phẩm. để tránh cảnh kẻ ăn không hết người lần không ra, họ đồng í những quy tắc như sau:

1.  

2.  

a)  

b) 

người.

Bạn hẳn đồng í với những quy tắc trên chứ? Nếu thế, thì Bạn là người bà con tinh thần với ông John Rawls (chúng ta gọi ông Râu cho dễ nhớ), một triết gia người Hoa-kì và là kẻ đã nghĩ ra mô thức trên đây. Trước khi trở thành triết gia, cuộc sống ông Râu có nhiều nhiều dao động. Ông là người con thứ hai trong gia đình năm anh em. Hai em của ông mất trong vòng một năm vì bệnh kiết lị, đặc biệt người em út lây bệnh từ chính ông. Bố mẹ Rawls dấn thân nhiều trong chính trị. Mẹ ông hoạt động trong phong trào tranh dấu cho phụ nữ; cha là một luật sư, hoạt động cho đảng Dân chủ. Sau khi rời trường trung học tư thục khá tốn kém, Rawls vào đại học nổi tiếng Princeton. Nhưng rồi Hoa-kì bước vào thế chiến II. Rawls nhập ngũ, làm một người lính kị binh nơi Thái bình dương, chiến đấu ở Tân Guinêa và Phi-luật-tân. Khi đổ bộ vào Nhật, ông nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng do hai trái bom nguyên tử của Hoa-kì thả xuống Nagasaki và Hiroshima. Người ta cho ông cơ hội trở thành sĩ quan, nhưng ông xin giải ngũ ngay, vì quá xúc động trước cảnh đau thương của chiến tranh. Ông trở lại đại học, viết luận án về đạo đức học với đề tài: Việc đánh giá nhân cách. Ông nổi tiếng là một triết gia lớn. Năm 1964 được bổ làm giáo sư môn Triết lí Chính trị tại đại học Havard ở Boston, bang Massachusetts. Ông giỏi, nhưng không có khiếu ăn nói, hay cà-lăm và tỏ ra khép nép trước đám đông. Nhưng với đồng nghiệp, sinh viên và bạn hữu thì rất dễ thương, nhũn nhặn, luôn chăm chú lắng nghe người khác. Người ta thường thấy ông ngồi trên mép ghế bành trong phòng làm việc, chân không mang giày, cuốn sổ ghi chép đặt trên hai đầu gối. Khi nói chuyện với ai, ông luôn ghi lại nội dung, sau đó hoàn chỉnh lại và tặng cho người đối thoại. Ông chẳng bao giờ coi mình là một triết gia, mà chỉ là một người thích suy tư triết lí mà thôi. Năm 1995, ông bị tai biến mạch máu lần đầu, và những lần tai biến sau đó đã biến ông thành một phế nhân. Ông mất năm 2002, thọ 81 tuổi.

Rawls có bốn tác phẩm khá lớn và nhiều luận văn, nhưng đi vào lịch sử triết học với một cuốn sách độc nhất. Có thể nói đây là cuốn sách nổi tiếng nhất về đạo đức học trong hạ bán thế kỉ 20: A Theory of Justice. đề sách nghe khô khan, nhưng đó là một tác phẩm vĩ đại trong nỗ lực hình thành một nền triết lí đạo đức cho thời đại tân tiến ngày nay. Nội dung đơn giản và rõ ràng lạ thường: điều gì sòng phẳng (fair) cho mọi người thì nó cũng công bằng! Một xã hội, như nó được những con người tự do và bình đẳng tự nghĩ ra cho họ, xã hội đó được xem là sòng phẳng và công bằng. Như vậy, một xã hội gọi là công bằng, khi nó có thể có được sự đồng thuận của tất cả mỗi người sống trong đó, và sự đồng thuận này diễn ra trước khi họ biết được mình sẽ giữ địa vị và vai trò nào trong xã hội đó. 

Nguyên tắc thứ nhất của xã hội đó: Mọi người trong một quốc gia sòng phẳng đều được hưởng những quyền tự do căn bản như nhau. Nhưng vì năng khiếu và sở thích của những người sống trong đó khác nhau, nên trước sau gì xã hội đó cũng sẽ nẩy sinh những bất bình đẳng kinh tế và xã hội. Người này khôn hơn, có khiếu làm ăn hơn, hay đơn giản gặp may mắn hơn, nên anh ta dần dà sẽ có được phần hơn kẻ khác. điểm này đành phải chấp nhận, không thể sửa đổi được. Và để cho quốc gia vẫn tiếp tục có được những nền tảng sòng phẳng, Rawls thêm vào nguyên tắc thứ hai: Không thể tránh được bất bình đẳng kinh tế và xã hội, nhưng bất bình đẳng này chỉ có thể chấp nhận, khi những người kém may mắn nhất vẫn luôn có được phần tối đa có thể trên của cải và dịch vụ của xã hội đó. 

Giáo sư Rawls về sau cho hay, ông viết sách đó là chỉ để cho một vài người bạn đọc mà thôi. Nhưng nó đã trở thành rất nổi tiếng, được dịch ra hai mươi ba thứ tiếng trên thế giới, và ngay ở Hoa-kì đã bán được trên 200.000 cuốn. Sự nổi tiếng quá lớn khiến ông tiếp tục khai triển lí thuyết của ông. Ba mươi năm dài ông cứ viết đi, sửa lại, thêm bớt hoàn chỉnh nó. Về mặt lịch sử triết học, tư tưởng của ông không có gì mới. Ngay triết gia người Hi-lạp Epikur (xem bài Khu Vườn Kepos) cũng đã muốn có một quốc gia được xây dựng trên một khế ước hỗ tương. Quốc gia lí tưởng là một quốc gia được mọi người sống trong đó cùng tự nguyện thoả thuận với đầy í thức. Hai triết gia người Anh, ông Thomas Hobbes và John Locke trong thế kỉ 17 đã lấy lại tư tưởng này để hình thành nên những lí thuyết về Khế ước. Cả Rousseau cũng viết một Khế Ước Xã Hội. Ngược lại, trong thế kỉ 20, các lí thuyết về khế ước từ lâu đã rơi vào khủng hoảng quên lãng. Ông Wittgenstein còn ra sức tẩy sạch toàn bộ môn đạo đức học ra khỏi Triết học. đối với ông, những phát biểu về cách sống của con người (Con người phải sống ra sao?) là những câu vô lí và vì thế vô nghĩa về mặt triết học. Vì thế, việc giáo sư Rawls trở lại với truyền thống khế ước vào những năm 1960’ là chuyện quả lạ thường.

Về mặt chính trị, khó mà giải thích được sự thành công của cuốn sách trong thời điểm khá giao động đó. Năm 1971 là năm cao điểm của chiến tranh Việt Nam. Khắp nơi biểu tình chống chính phủ hàng loạt. Khắp nơi trên thế giới phương tây xẩy ra những cuộc tranh luận dữ dội về nhà nước, về quyền tư hữu, về các quyền công dân và về tự do cá nhân. Chủ nghĩa tư bản và cộng sản đối địch nhau như lửa với nước, cả hai đều để lộ bộ mặt nhơ nhuốc của chúng, ở Việt Nam lẫn Tiệp-khắc. Giữa tình hình đó, tác phẩm của giáo sư Rowls xuất hiện một cách thật vô tình, nó như một nỗ lực giải hoà quan trọng giữa hai thể chế. Nhưng cánh hữu chê hệ thống Rawls đưa ra quá tả. Còn cánh tả lại đánh giá Rawls là người chủ trương tự do mà lại quá e dè sợ sệt. Chính trong cảnh phân biệt chiến tuyến thù-bạn rõ ràng đó mà cuốn sách được soạn cẩn thận của Rawls trở thành ngòi nổ triết học.

Những nhà phê bình bảo thủ cho rằng thể chế đó thiếu thực tế, vì nó được lập nên từ một tình trạng nguyên thuỷ giả tưởng. Nhưng đấy rõ ràng chỉ là một mô hình hư cấu. Mô hình này trước đây đã được Rousseau áp dụng, nay tới lượt Rawls. Chúng ta có thể tranh cãi về giá trị nhận thức của mô mình. Theo các nhà phê bình, thực tế diễn ra hoàn toàn không như mô mẫu của Rawls, là vì công lí và sòng phẳng không phải là động lực đích thực của hành động con người. Theo họ, trong thực tế, con người hành động chủ yếu vì ích kỉ và vì nhu cầu được tự do triển nở nhân cách mà không bị cản trở, chứ không phải vì công lí và sòng phẳng. Hai động lực này chúng ta có thể nhận ra trong mọi xã hội. Phải chăng cũng vì thế mà triết gia đạo đức Adam Smith trong thế kỉ 18 đã khẳng định một cách thuyết phục, là chính ích kỉ đã đẩy xã hội phát triển, cả về mặt kinh tế lẫn đạo đức? „Chúng ta chẳng mong gì có được miếng thịt rẻ do lòng nhân ái của lão bán thịt, nhưng hãy mong rằng lão ta nhận ra được chính những quyền lợi của lão“. để có lợi cho mình, người bán thịt phải cố gắng bán hàng với giá hoặc rẻ hơn kẻ khác hoặc ít ra hợp với túi tiền của khách mua. Một hệ thống công ích – hay „thị trường tự do“ cũng hoạt động như thế.

Trong tác phẩm Lí Thuyết về Cảm Giác đạo đức, Smith cho hay, tham vọng tư hữu „như một bàn tay vô hình“ hướng dẫn và giúp ta thăng tiến „một cách không cố í, cũng như nó chẳng cần biết đến quyền lợi của xã hội“. Những người ủng hộ Smith trong thế kỉ 20, trong đó đặc biệt có giáo sư Robert Nozick vốn là đồng nghiệp của Rawls ở Harvard, vì thế biện hộ cho một xã hội hiện tại cân bằng tĩnh (Status quo). Bởi lẽ xã hội này luôn là kết quả khác nhau của những lực tác động đích thực của con người. Chính tham vọng tư hữu của con người, chứ không phải cái gì khác, đẩy xã hội đi tới. Vì thế, theo Nozick, việc Rawls áp đặt nguyên tắc sòng phẳng cho xã hội là điều sai. Ông cho rằng, xã hội chẳng cần những nguyên tắc như thế. Tại sao không để cho con người tự do vui vẻ chạy đua kiếm tìm những hoa trái khan hiếm của thiên nhiên và xã hội, tuỳ theo khả năng và những đức tính thiên phú cũng như theo lợi thế ngẫu nhiên của họ? Tại sao những thành công của họ lại luôn cần và phải chia cho những người khác? đối với Nozick, Rawls là một tay xã hội chủ nghĩa trá hình, là một người hoàn toàn chẳng nhìn ra được bản chất thật của con người.

Phe xã hội chủ nghĩa, ngược lại, lại cười cợt Rawls. Phê bình của họ cũng khởi đi từ sự nghi ngờ tình trạng nguyên thuỷ giả tưởng nơi mô hình của Rawls. Dù màn u minh có che kín thế nào, tất cả mọi người trong xã hội đều là những con người mang nhân cách tự do. Tuy nhiên, dùng í chí của những con người để mở đầu cho một lí thuyết về công lí là chuyện không tránh khỏi bất cập. Rõ ràng, không phải mọi thành viên trong xã hội đều hoàn toàn tự do và tự quyết được. Chẳng hạn các trẻ em và những người bệnh tâm thần. Hai loại này không thể tự quyết, vì họ không hiểu gì. Nếu chỉ đặt trọng tâm nơi quyền lợi của những người trưởng thành mà thôi, thì đành phải loại hai hạng người kia ra chăng, ít nữa là loại các trẻ em mồ côi và những bệnh nhân tâm thần không có thân nhân? Như vậy, lấy sự bình đẳng của mọi con người để mở đầu lí thuyết là chuyện nan giải, cho dù đó chỉ là một mô hình giả tưởng. Trên nguyên tắc, có thể mọi người đều có cùng những quyền lợi như nhau, nhưng chỉ có cùng quyền lợi không thôi cũng chưa làm cho họ bình đẳng với nhau.

Chuyện bình đẳng trở nên vô cùng khó khăn, khi ta áp dụng tình trạng nguyên thuỷ của ông Rowls cho các quốc gia hay vùng khác nhau. Giả sử một quốc gia nhờ áp dụng tiêu chí quyền lợi giống nhau của người dân mà trở nên thành công và phồn thịnh, thì quốc gia này có thể cũng nhân danh tiêu chí đó để từ chối giúp nước khác không? Peter Singer (bài Không chỉ có thịt và sữa mà thôi) cho rằng, dân của một nước giàu sẵn sàng chia nhau hoa lợi thặng dư của họ, chứ không sẵn sàng dùng của cải đó giúp cho dân các nước khác. Như vậy, theo ông, lượng quyền lợi giống nhau của mọi người trong mọi quốc gia quả không lớn như giáo sư Rawls tưởng. Và khái niệm tư hữu cũng là điểm gây tranh cãi. Trong khi ông Rawls bị đồng nghiệp Nozick coi là quá tả, thì phía tả lại chê ông quá hữu. Dù sao, Rawls xếp quyền tư hữu vào danh sách những quyền cơ bản chính trị. Tư hữu giúp cho cá nhân có được độc lập, nó vun đắp cho lòng tự trọng của họ. Và chỉ có ai tự trọng, người đó mới kính trọng kẻ khác, nghĩa là người đó mới hành động cách đạo đức. Một số người cánh tả phàn nàn Rawls đặt quá nặng quyền tư hữu. Nhưng phàn

nàn này thiếu cơ sở. Cuốn A Theory of Justice có kê ra một mục lục sự kiện dài và chi tiết, nhưng trong đó chẳng thấy ông Rawls đưa từ „tư hữu“ hay „sở hữu“ vào.

Rawls cố gắng hết mình để làm sao có được một mô mẫu trung lập về mặt chính trị và đưa ra những nguyên tắc có thể áp dụng cho mọi người, nhưng ông đã không thể làm hài lòng được hết mọi người. điều này chẳng phải là chuyện ngạc nhiên. Chưa bao giờ có một cuốn sách triết học làm vừa lòng hết mọi người. Và nếu có một cuốn như thế được viết ra, thì hẳn nó sẽ là cuốn sách vô tích sự. Khi nhìn lại ba điểm bị phê bình chính nơi ông Rawls, bỏ ra ngoài mọi màu sắc chính trị tả hoặc hữu, ta có thể nói rằng:

điểm gây bất đồng đầu tiên là giá trị của một mô mẫu xã hội được xây dựng trên một cấu

trúc giả tưởng: tình trạng nguyên thuỷ. Khác với trong các lí thuyết về khế ước khác, tình trạng nguyên thuỷ này không phải là tình trạng thiên nhiên, mà là một tình trạng xã hội. Trong tình trạng nguyên thuỷ của Rawls không có bạo lực, hỗn loạn, vô luật như trong tình trạng thiên nhiên nơi Thomas Hobbes chẳng hạn. Tình trạng nguyên thuỷ của Rawls vì thế được coi là một hợp tác xã có văn hoá cao. Nó khiến ta nghĩ tới Thuỵ-sĩ, chứ không nghĩ tới vùng sa mạc châu Phi hay nước Anh đói khổ trong thế kỉ 17. Mọi mặt trái của thiên nhiên cũng như mọi thiếu thốn đã được ông cẩn thận loại ra khỏi, để cho bản tính tự nhiên tốt đẹp nơi con người được cùng nhau triển nở. Giả như thiên tai hay thiếu thốn có xẩy ra trong tình trạng nguyên thuỷ của Rawls, thì sự đoàn kết và cả „màn u minh“ chắc chắn cũng sẽ nhanh chóng loại trừ chúng. Ở đâu có bão lụt, ở đó người ta chẳng quan tâm tới chuyện đồng đều cơ hội, mà chỉ có giành giật nhau để có một chỗ trên thuyền cấp cứu.

điểm thứ hai: Phải chăng Công bằng quả thực là một yếu tố quyết định của một xã hội? Trong tình trạng nguyên thuỷ của Rawls, Tự do được xếp vào vị trí đầu tiên. Tự do này bị hạn chế bởi Công bằng, nắm vị trí thứ hai. Công bằng được định đoạt bởi đồng đều cơ hội và bởi sự Bù trừ (Cân bằng) xã hội. Rồi tới vị trí thứ ba là sự Hiệu năng và Phúc lợi. Rawls được vinh danh và lí thuyết của ông có được cảm tình, là vì ông đề cao Công bằng (Công lí). đối với Rawls, một nhà nước phúc lợi (giàu có) nhưng độc tài – như ở Kuweit chẳng hạn – không giá trị bằng một nhà nước dân chủ nghèo. Những người phê bình ông, trái lại, coi những yếu tố khác quan trọng hơn: Tự do tối đa, Ổn định hay Hiệu năng. đối với họ, thà bất công mà giàu và ổn định còn hơn một xã hội công bằng mà nghèo. Người duy lợi (Utilitarist) chủ trương: càng nhiều phúc lợi càng tăng hạnh phúc chung (xem bài Hãy để cô Ba sống). Rawls trái lại: càng nhiều công bằng càng tăng hạnh phúc. Châm ngôn của duy lợi: „Cái gì tốt cho nhiều người, cái đó công bằng“. Châm ngôn của Rawls: „Cái gì công bằng, cái đó tốt cho nhiều người“. Ta có thể mặc sức tranh cãi về những điều đó, nhưng sẽ chẳng có giá trị nào có được vị thế ưu tiên tuyệt đối. Có lẽ rốt cuộc chỉ có việc ta thích giá trị này hay không thích giá trị kia mà thôi. Là vì giá trị tự bản chất mang tính chủ quan chứ không khách quan. Ngay một lí thuyết tinh tế như của Rawls cũng không tránh được điểm này. 

Điểm thứ ba là chuyện Lí trí. Là một triết gia, Rawls đứng ở vị trí của một nhà làm luật hiến pháp. Vì thế ông phải suy đi nghĩ lại điều hơn lẽ thiệt để có được một luật cân bằng chung có thể đáp ứng được nhu cầu của gần hết mọi người (trừ những bệnh nhân tâm thần gia trọng ra). Bên cạnh đó, ông cũng phải làm sao để những nguyên tắc ông đưa ra cũng có giá trị cho những người khác. Nhưng vấn đề là, liệu ai ai cũng khôn ngoan, lí sự và trong sạch như John Rawls? Trong mục lục sự việc của cuốn sách không có các từ khoá như „Cảm giác“, „Tình cảm“, „Tư hữu“ và „Của cải“ (nghĩa là ông không quan tâm tới những khái niệm đó). Trong sách, ông nói nhiều tới chuyện „tư hữu“; còn „cảm giác“ thì ông chẳng gán cho nó một vai trò nào cả. Ngạc nhiên hơn nữa, là toàn bộ lí thuyết của Rawls chỉ dựa trên mỗi một cảm giác, đó là Cảm giác công bằng! đối với cư dân của Rawls sống trong tình trạng nguyên thuỷ với bức màn vô minh thì cảm giác công bằng này bắt nguồn từ tính vị kỉ. Vì sợ những bất trắc hiểm nguy có thể xẩy đến cho mình, nên họ cần có những luật lệ chung, để được bảo vệ và tránh khỏi những lo sợ kia. Như vậy, phải chăng cảm giác công bằng là một cảm giác sợ đã được khai thông? Chúng ta không biết được, vì ông Rawls chẳng bàn gì về các cảm giác cả. 

Thay vì đưa ra một cảm giác tương ứng để giải thích, ông Rawls chỉ đề cập tới mỗi một „Cảm thức công bằng“ (Gerechtigkeitssinn) mà thôi, và ông lại chẳng cho biết thật rõ ràng cảm thức này xuất phát từ đâu. Vì thế, các cảm giác cạnh tranh nhau như Ghen và Ganh tị trong sách ông cũng tạo ra những khó khăn tương tự. Rawls rất đỗi bực mình Sigmund Freud, vì ông này xây dựng thuyết Công bằng của mình cũng chính trên hai cảm giác đó: Chỉ có những kẻ thua thiệt mới kêu gào công lí! Nơi Rawls, trái lại, cảm thức đạo đức hình như là một bản năng tự nhiên của con người, cũng giống như cách nhận định của Marc Hauser (xem bài Người đàn ông trên cầu). Tiếc là Rawls đã không trưng ra những nghiên cứu liên quan tới bản năng được ông nêu ra đó. Có lẽ cũng là vì ông, một cách rất lạc hậu cũng như nơi triết gia Kant, coi bản năng này chẳng phải là một cảm giác, mà là một luật bẩm sinh của lí trí. 

Công bằng và Phúc lợi, cái nào giá trị hơn? đấy là điểm khác biệt giữa Rawls và nhóm duy lợi. Những người duy lợi như Jeremy Bentham và John Stuart Mill loay hoay với câu hỏi: Làm sao một xã hội công bằng có thể hình thành được từ những quyền lợi hạnh phúc của các cá nhân tự do riêng rẽ. John Rawls ngược lại: Bằng cách nào một xã hội công bằng có thể đưa tới tự do và hạnh phúc cá nhân? đối với Bentham và Mill, nhà nước là một định chế xấu xa nhưng cần thiết. Ngược lại, Rawls coi nhà nước là người lập pháp có đạo đức. Chính lằn ranh này phân cách các chiến tuyến chính trị ngày nay. Công bằng trước hết là một nhiệm vụ của nhà nước, hay đó trước hết là một trách nhiệm tự lo của mỗi cá nhân? Bao lâu chỉ liên can tới quyền lợi cá nhân và những quyền lợi này không va chạm hay làm hại gì tới người khác, thì theo Bentham và Mill, nhà nước hãy đi chỗ khác chơi. Nhà nước đóng vai trò của một người gác dan ban đêm, anh ta chỉ hô hoán báo động khi có hoả hoạn mà thôi. Trái lại với John Rawls, nhà nước là một ông giám đốc khôn ngoan hay một nhà sư phạm kiên nhẫn, luôn dõi mắt đây đó để tìm cách cân bằng quyền lợi của dân. Sự tự do phát triển của một cá nhân – đây là đề tài nghiên cứu quan trọng cuối cùng của Rawls trước khi lìa đời – chấm dứt, khi tự do này đe doạ nặng nề tới tự do chung của toàn xã hội. Một nhà nước quá bao dung với mọi nhóm chính trị, í hệ hay tôn giáo, theo Rawls, nhà nước đó dễ có khả năng phá vỡ các nguyên tắc điều hành của mình. Nói khác đi: đa nguyên tư nhân chấm dứt, khi nó phá vỡ đa nguyên chính trị.

Cả hai hướng lí thuyết chính trị (tả và hữu) đều cùng có một điểm chung nhất, đó là cả hai đều chống lại chủ trương cào bằng xã hội, như đã xẩy ra trong nhà nước xã hội chủ nghĩa. Một xã hội chỉ biết nhắm tới công bằng mà thôi, nhà nước đó đi ngược lại bản chất con người, và trước sau gì nó cũng dậm chân tại chỗ hoặc sụp đổ. Cha đẻ của nhà nước xã hội chủ nghĩa là Karl Marx và Friedrich Engels cũng nói như thế trong bản Tuyên Ngôn Cộng Sản: „Sự tự do phát triển của mỗi cá nhân là nền tảng sự phát triển của mọi người“.

Cái hay của mọi lí thuyết về Công bằng, kể cả lí thuyết của Rawls, là chúng coi công bằng là một nền tảng của hạnh phúc – trong khi ngược lại, Triết học về Hạnh phúc hình như coi công bằng chỉ là một khía cạnh phụ thuộc. Cũng đáng chú í ở đây là lối định nghĩa Hạnh phúc cách thẳng thắn và thực tế của Rawls: „Vấn đề chính ở đây, hạnh phúc của một người là kết quả từ một chương trình sống hợp lí nhất và lâu dài đạt được trong những hoàn cảnh tương đối thuận lợi. Một người hạnh phúc, là khi anh ta đạt được ít nhiều thành quả trong việc thực hiện chương trình sống đó. Nói cách ngắn gọn, Tốt (Thiện) là sự thoả mãn những nhu cầu hợp lí“. Quả thật lạ, khi ông Rawls dùng khái niệm Tốt để hoán chuyển với Hạnh phúc. Vì nếu Tốt có nghĩa là Hạnh phúc, thì đây quả là một cái nhìn thiếu sáng tạo rất lạ lùng về bản tính tự nhiên của con người. Về khía cạnh tâm lí, Lí thuyết về Công bằng hẳn còn cần phải cải tiến ở một số khía cạnh. Nhưng nếu hạnh phúc không xuất phát từ cái Tốt, cái Thiện, thì nó còn xuất phát do đâu nữa?

• Những hòn đảo hạnh phúc. Thế nào là một cuộc sống hạnh phúc?

Bình luận