Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 10

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Madison

Cây kiếm của người giết rồng. 

Tại sao chúng ta giúp đỡ kẻ khác?

Cảnh tượng quá khó hiểu. Khi ba tay kia xuất hiện và tấn công Phao (Fawn), những đứa chung quanh đớ ra đứng nhìn. Tất cả khiếp sợ, bất động đứng yên. Ba tên đánh đập và cắn Phao. Phao là một cô bé yểu điệu, và ba tay kia có thân hình lớn trội hơn Phao nhiều. Nhưng đã không một ai nhảy vào can thiệp. Cuộc trấn đánh bất cân bằng và dữ dằn. Thỉnh thoảng ba tay tấn công hằm hằm nhìn về mẹ và chị của Phao. Còn Phao hoàn toàn rơi vào hoảng loạn vì sợ. Sau một lúc, hết còn thích đấm đá nữa, bọn kia rút êm. Chúng để Phao nằm dài trên đất. Em nằm đó, la hét một hồi lâu, rồi bất thần bật dậy bỏ chạy. Về sau người ta thấy em xuất hiện co ro ngồi đó, dáng thẫn thờ thảm hại. Người chị bước lại gần bên, choàng tay lên vai em. Thấy Phao bất động chẳng phản ứng gì, chị kéo kéo giật giật nhè nhẹ như muốn đánh thức em, rồi lại ôm lấy em.

Cuối cùng hai chị em ôm nhau vuốt ve.

Cảnh tượng thê lương đó là chuyện có thật. Nó xẩy ra trong những năm 80’ tại Madison, bang Wisconsin, nhưng cảnh sát đã không tới để lập biên bản, và báo chí cũng chẳng đăng tải một lời. Chỉ có một người Hoà-lan, ông Frans de Waal, là người chứng kiến, và về sau ông đã thuật lại câu truyện. De Waal là một nhà nghiên cứu động thái. Cuộc tấn công Phao xẩy ra trong „Trung tâm nghiên cứu quốc gia về các loài động vật có vú tại Wisconsin“, và Phao, gia đình em và mấy tay hung hãn kia tất cả đều thuộc giòng họ nhà khỉ mũi dẹt (Rhesusaffe). 

Từ 30 năm nay de Waal nghiên cứu về khỉ. Thoạt tiên anh theo dõi các chú vượn trong sở thú tỉnh Arnheim và khám phá ra chúng có những động thái lạ. Vượn là loài có rất nhiều tính xã hội. chúng sống bầy đàn. điều này ngày nay đứa trẻ nào cũng biết, nhưng vào thời de Waal bắt đầu nghiên cứu thì chưa mấy ai biết được sự kiện đó. Anh nhận thấy loài vượn biết đánh lừa, dối gạt và lừa đảo nhau. Nhưng chúng cũng tỏ ra dễ thương, quấn quýt nhau và có những tương giao xã hội phức tạp với nhau. Cuốn sách anh viết về các cô chú vượn ở Arnheim mang tựa đề Wilde Diplomate (Các nhà ngoại giao hoang dã).

Nhưng không những chỉ con nhà vượn, mà các loài khỉ khác cũng có những cảm giác như lòng thương cảm (Mitleid) hoặc sự quyến luyến (Zuneigung). Cô chị của Phao ôm ấp và vuốt ve em mình. Rõ ràng cô cảm được sự đau khổ của em và muốn làm cái gì đó để an ủi em. Về mặt sinh học di tử, tuy vượn khác người vào khoảng 3%, nhưng chúng cũng có một cái gì đó như khả năng cảm thông và như một thứ khả năng „đạo đức“. Nhưng những tình cảm này xuất phát từ đâu và tại sao có chúng?

Câu hỏi thoạt tiên xem ra khó nuốt. Giữa thế kỉ 19, Charles Darwin chứng minh rằng, giữa người và khỉ có họ gần gũi với nhau, và như vậy người cũng là một con vật. Khám phá này giúp ta hiểu ra dễ dàng cội nguồn „sự dữ“ nơi con người: nó là gia sản từ thú vật! Darwin giải thích tiến trình tiến hoá bằng những khái niệm như „cuộc chiến đấu để sinh tồn“, „sự sinh tồn của những loài có khả năng thích ứng nhất“. Darwin không phải là tác giả của những khái niệm đó, nhưng ông là người đầu tiên đã dùng chúng để mô tả sự ganh đua với nhau và chống lại nhau của mọi loài sinh vật, từ cọng cỏ tới các con kiến đến loài người. Nhìn một cách đơn giản, điều đó có nghĩa: Hàng tỉ tỉ cơ thể sinh vật râm ran trong thế giới đang mang trong mình một nhiệm vụ duy nhất: làm sao để khẳng định chỉ có chất liệu di truyền của mình là nhất, là đáng sống, còn các chất liệu khác không đáng sống, nếu cần phải bị loại bỏ. Và mỗi con người, như quý vị và tôi đây, đều cũng đang ở trong trò chơi xấu và vô đạo đức nhằm triệt bỏ nhau đó.

Nhưng Darwin là người rất cẩn trọng. Chính ông, ông coi khám phá của mình chẳng có gì đáng sợ lắm. Í nhất, ông đã không muốn đưa cái nhìn cạnh tranh sinh tồn kia vào Sinh vật học để áp dụng cho loài người. Những người khác đã vận dụng quan điểm của ông để đưa ra những lập luận đáng sợ: cả con người cũng mạnh sống yếu chết, và vì thế có quyền giết chết những người yếu kém hay tật nguyền. Quan điểm của Darwin coi con người cũng là một con vật đã gây nên phản ứng rầm rộ nơi các triết gia. đâu là bản chất thật của con người? Rousseau nói tới „bản chất“, bản chất này theo ông hiểu là một tình trạng lí tưởng của hạnh phúc không bị vẫn đục.

Nhưng đúng thật bản chất là tốt? Phải chăng nó cũng man rợ, thô bạo và độc ác?

Giảng đường Oxford chật ních, khi Thomas Henry Huxley, một bạn thân của Darwin, đăng đàn thuyết trình vào năm 1893. đề tài của nhà nghiên cứu thiên nhiên nổi danh hôm đó là „Tiến hoá và đạo đức“. Huxley tuyên bố: Thiên nhiên chẳng tốt, trái lại nó bất nhẫn độc ác và hoàn toàn dửng dưng trước con người. Con người dứt khoát là một con vật, và sự hiện diện của con vật này hoàn toàn do ngẫu nhiên. Loài người xuất hiện không phải do một Lí trí khôn ngoan hay từ một „dự án xuất chúng“ nào cả, mà do tiến hoá từ một chuỗi loài vật giống như khỉ. Và nếu chỉ từ hỗn loạn và không do từ một chương trình nào cả, thì theo Huxley, thiên nhiên làm sao có đặc tính hướng thiện hay hướng về lẽ phải được. 

Theo Huxley, „tình yêu hướng thiện“ của Rousseau như vậy hoàn toàn vô nghĩa. Thú vật và loài người không mang bản chất tốt, nhưng chúng tự bẩm sinh hoàn toàn vô đạo đức. Nhưng cả Huxley cũng không thể chối cãi được rằng, con người có khả năng hành xử đạo đức. Trên nước Anh, nơi ông sống, có luật lệ, nhà nước được ấn định đâu vào đó, trộm cắp giết người đều bị cấm, và người dân có thể an tâm ra đường mà chẳng bao giờ sợ nguy hiểm tới tính mạng. 

Nhưng trật tự đó từ đâu tới? Huxley trả lời: văn minh và văn hoá đã bắt các con thú người sống chung với nhau. Luận điểm này đúng là ngược lại quan điểm của Rousseau. Theo Rousseau, con người tốt, văn minh xấu. Với Huxley, con người xấu, được văn minh đưa vào đường ngay nẻo chính. Với một ngôn từ hoa mĩ, Huxley cho hay, đạo đức không phải là đặc tính của con người, nhưng đó là „thanh kiếm sắc có nhiệm vụ chặt gốc thú vật khỏi con rồng“.

Ai khẳng định, như Rousseau, con người mang bản chất tốt, kẻ đó phải chứng minh đâu là cội nguồn phát xuất của sự dữ nơi con người. Trường hợp Huxley thì hoàn toàn ngược lại. Nếu con người có bản chất xấu, thì sự thiện đến từ đâu, „thanh kiếm sắc chặt gốc thú khỏi rồng“ đến từ đâu? Vì Huxley không phải là người có tôn giáo, nên cái gốc đó hẳn không phải là Thượng đế hay Thiên Chúa. Thế thì nó đến từ đâu? Tại sao đàn mãnh thú người đó lại có thể sống thành xã hội tương đối hài hoà bên nhau? đạo đức đến từ đâu – nếu như nó không phù hợp với bản chất con người? Nói tóm lại: Tại sao con người có khả năng đạo đức?

Như vậy, câu hỏi sẽ là, phải chăng con người mang sẵn trong mình một tiềm năng nào đó khiến họ cư xử tốt với nhau? Nếu Darwin và Huxley biết nhiều về khỉ và vượn người như Frans de Waal, thì hẳn họ đã có được những lối giải thích đơn giản hơn và có lẽ đã tránh được một số hiểu lầm đáng sợ. De Waal cho hay, đạo đức và tiến hoá chẳng có gì mâu thuẫn nhau cả. điều mà một số người coi là một lỗi lầm ngớ ngẩn của mẹ thiên nhiên: chỉ có mạnh được yếu thua, thật ra đó là một khả năng tinh tế về mặt sinh lí. Qua 30 năm quan sát hành vi của khỉ, de Waal khẳng định, „tính thiện“ và sự sẵn sàng giúp nhau là những hành vi có thể mang lại lợi thế lớn cho từng con khỉ và cho cả nhóm. Những con khỉ trong đàn càng giúp nhau và lo cho nhau, thì cuộc sống cả bầy đàn càng trở nên tốt hơn. Khỉ có nhiều cách giúp nhau. Chỉ riêng bốn loại vượn người lớn như Orang-Utan, Bonobo, đười ươi (Gorilla) và khỉ đột (Schimpanse) đã hành xử rất khác nhau rồi. Ở khỉ đột, tình dục gần như luôn là một hành vi quyền lực, thống trị và đàn áp. Còn Bonobo thì coi tình dục như là phương giải toả căng thẳng cấp thời; Bonobo hành lạc gần như suốt ngày, và chúng thích nhất là thế nằm mặt đối mặt, mà người phương tây gọi là „thế của nhà truyền giáo“ (như vậy phải gọi là „thế Bonobo“ mới đúng, vì Bonobo đã biết kiểu này trước các nhà truyền giáo xa). 

„đấu tranh sinh tồn“ không diễn ra nơi các con thú bị nhốt riêng – đây là một lầm lẫn của Darwin và Huxley. Con người không phải là những kẻ chiến đấu cô độc (nếu có, thì chỉ là những trường hợp ngoại lệ). đa số chúng ta đồng thời là thành phần của một gia đình và sinh hoạt trong một nhóm xã hội lớn hơn. Ở đây, không những chỉ có tranh giành o ép nhau, mà còn có những tương trợ lẫn nhau. Khả năng nghĩ tới quyền lợi kẻ khác và hành động cho quyền lợi của họ ta gọi là lòng Vị tha (Altruismus). Cả khỉ cũng có hành vi vị tha. Hành vi này có nhiều mặt. De Waal phân biệt hai loại: Vị tha hướng tới sở hữu toàn diện (Gesamteignung abzielender

Altruismus) và Vị tha hỗ tương (wechselseitiger Altruismus). Bản năng tình mẹ đối với con là một hình thái của Vị tha hướng tới sở hữu toàn diện. Chính Vị tha hỗ tương rất có thể đúng là cội nguồn đạo đức nơi con người. Một con vượn người giúp một con khác, là để sau này mình có thể được giúp lại. Nó không làm những chuyện nhảm nhí, là để các con khác không nhảm nhí lại với nó. „điều gì bạn không muốn kẻ khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho kẻ khác“ – quy tắc quan trọng này rõ ràng cũng được áp dụng nơi vượn người.

Chúng ta thừa hưởng nơi tổ tiên vượn người không chỉ những yếu đuối, thói hiếu chiến, lừa đảo và vị kỉ, mà còn cả những đặc tính „cao thượng“ nữa. Những đặc tính này cũng là một phần cội nguồn sinh lí của chúng ta. Ngay Rousseau cũng đã suy diễn rằng, khả năng hướng thiện phải là một bản năng xa xưa từ thế giới tiền sử. Chẳng có gì khác ngoài tính vị kỉ hoang dại của chúng ta đã khiến chúng ta phải sống tốt phù hợp với bản năng. Với Rousseau, tính thiện là lối hành xử tự nhiên duy nhất của con người. De Waal trái lại coi mối thiện cảm, sự lưu tâm và chăm sóc là những bản năng đặc trưng của khỉ, bên cạnh những bản năng khác. Có những bản năng đó, nhưng chúng không đứng trơ trọi một mình, mà luôn hiện diện song hành ganh đua với những gây hấn, với tính ngờ vực và ích kỉ. Như vậy người và khỉ chẳng „tốt“ mà cũng chẳng „xấu“. Cả hai mặt đều có nơi chúng, và cả hai đều là bản chất tự nhiên như nhau. Như vậy câu trả lời là: cả xấu lẫn tốt. Nhưng nếu khả năng hướng thiện là một bản năng như những bản năng khác, thì ai hay cái gì sẽ đưa nó vào sử dụng? Cái gì làm cho nó trở thành một nguyên tắc bó buộc trong xã hội con người?

•Luật trong tôi. Tại sao tôi cần phải tốt? 

Bình luận
720
× sticky