Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 26

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Bishop Wearmouth

Chiếc đồng hồ của ông Tổng phó tế Thiên nhiên có một í nghĩa?

Thật nguy cho Charles Robert Darwin. đường đường là một sinh viên i khoa đại học Edingburg mà đầu óc cậu quá chậm, cậu chẳng quan tâm gì chuyện học. Những buổi thực tập mổ xác người làm cậu nôn mửa. Nhưng ngược lại, cậu say mê những cánh sao biển, những con ốc con sò bị sóng trôi dạt lên bờ, những chú chim nhảy bay trên đồng nội. Sau hai năm thấp thỏm với cậu quý tử, người cha hết kiên nhẫn. Ông bắt cậu bỏ ngành i, chuyển về trường Christ College ở Cambridge, một trong những đại học tin lành sáng giá nhất trong nước Anh. Không làm được bác sĩ, thì may ra nó có thể là một mục sư được việc!

Năm 1830, Darwin khăn gói về Cambridge. Tại đây cậu được ở trong hai căn phòng nội trú thật đặc biệt. Một nhân vật rất nổi tiếng trước đây đã ở trong hai phòng này, đó là triết gia kiêm thần học gia William Paley. 25 năm sau khi qua đời, Paley được đại học Cambridge coi gần như là một vị thánh của họ. Các sách thần học của ông để lại là những kiệt tác mang giá trị xem ra muôn thuở. Các sách này đều có trong chương trình học của Darwin. Darwin còn chán thần học hơn cả i khoa, nhưng lại say mê đặc biệt các tác phẩm của Paley. Giờ rảnh, cậu rảo khắp núi đồi đồng nội sưu tập cây cỏ và các loại bọ rầy. Về phòng, cậu lại mang Thần Học Thiên Nhiên (Natürliche Theologie) của Paley ra đọc – cuốn sách nói về chương trình tạo dựng vũ trụ, về hệ thống lớn của thiên nhiên vốn được sáng tạo do một đấng thiên tài tạo dựng muôn loài, và ta có thể nhận ra đầu óc thiên tài của vị này trong từng con bọ, từng con chim, từng cây cỏ. Nhưng nhân vật mà Darwin thần phục đó là ai? Tác giả của những cuốn sách minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa tuyệt diệu kia là ai? Cho tới giữa thế kỉ 19 sách ông được coi là lời giải thích đầy đủ nhất của mọi giải thích.

William Paley sinh tháng 7 năm 1743 tại Peterborough, cha ông là một tư chức nhỏ làm việc cho Giáo hội (anh giáo). Lương của một người giúp việc nhà thờ chính toà đủ nuôi sống vợ, ba con gái và cậu con trai nhỏ. Nhưng nhờ biết tiếng Hi-lạp và La-tinh, bố của William được điều khiển thêm một trường tiểu học nhỏ ở Giggleswick, một làng quê phía tây Yorkshire. Lúc nhỏ, William thông minh trổi vượt bạn học, đầu óc nhạy bén, nhưng thân thể mảnh khảnh và không có khiếu thể thao. Lên 15, cậu được bố gởi vào Christ College ở Cambridge. đại học này là lò đào tạo giáo sĩ và chính trị gia ở Anh. Bố hi vọng cậu con sẽ bước vào và tiến thân được trong một nghề, mà đời bố chỉ là mơ ước.

Paley là sinh viên nhỏ tuổi nhất ở Cambridge, nhưng khả năng của cậu quả thật không nhỏ. Trong thời gian học, cậu gây nhiều ngạc nhiên cho trường lớp. Tóc dài uốn công phu, áo mặc có nhiều dải ren, đôi vớ lụa đắt tiền… những thứ đó cho thấy cậu là người muốn nổi bằng mọi cách. Trong các cuộc tranh luận công khai ở trường, cậu là một khuôn mặt nổi bật, với những điệu bộ hứng khởi và thái độ đam mê quá đáng. Một số sinh viên coi cậu là tay gàn, nhưng đa số ngưỡng phục trí thông minh và tài ăn nói của cậu. Paley ra trường với điểm cao nhất trong niên khoá. 

Vì trắc trở việc làm, Paley đành nhận dạy tiếng La-tinh cho một viện ở Greewich, cho tới khi nhận được lời mời làm giảng sư cho đại học cũ. Năm 1766 anh trở lại Christ College. Năm sau, anh được phong làm mục sư coi xứ của giáo hội Anh giáo. Cao vọng của Paley không dừng lại ở đó, anh muốn công danh bằng mọi giá. Anh mơ ước trở thành một trạng sư của pháp viện hoàng gia. Ngồi trong phòng trọ, anh một mình thao thao bất tuyệt với những bài biện hộ nẩy lửa. Có lần, anh tưởng mình đang đấu tay đôi với ông thủ tướng William Pitt và với những người có tài ăn nói nhất trong hạ viện. Nhưng với một người có xuất xứ tầm thường như anh, người ta chỉ cho anh coi sóc hai họ đạo nhỏ. Tháng 9 năm 1777 anh có thêm được họ đạo Appelby nữa, đây là địa điểm chính cuộc đời tương lai của Paley. Paley mơ ước tiến thân cao hơn, nhưng tiền coi ba xứ kia cũng đã đủ sống. Anh cưới con gái của một ông bán rượu giàu có. Họ có với nhau bốn con gái và bốn trai. Vợ ít thấy chồng ở nhà. Năm 1780, giám mục giáo phận Carlisle, thủ phủ của một vùng sát biên giới Scottland, điều Paley về nhà thờ chính toà của mình, và hai năm sau, phong anh làm Tổng phó tế (Erzdiakon).

Chỉ vào tuổi 40, thế giới mới thấy được khả năng thật sự của Paley. Thay vì những bài biện hộ tay đôi trong hạ viện, giờ đây ông chứng tỏ tài biện hộ của mình qua các tác phẩm. Văn ông sắc bén, rất thuyết phục và dễ hiểu. Ông đi theo quan điểm (duy lợi) của Jeremy Bentham – vốn là một người Anh đương thời nổi tiếng-, và đưa chủ nghĩa của Bentham làm hoà lại với chủ trương của Giáo hội. Cũng như Bentham, Paley cho rằng, chủ đích của mọi triết học nằm nơi nguyên tắc căn bản này: tạo thêm hạnh phúc. Vì vậy, một người tốt hiểu theo nghĩa kitô giáo, không phải vì người đó mang trong mình kho tàng đức tin, nhưng họ tốt là do việc làm, do trách nhiệm và sự dấn thân xã hội của họ. Thiên Chúa đã nghĩ ra trong thiên nhiên những guồng máy, những liên hệ và những móc nối liên kết với nhau như thế nào, thì mỗi con người cũng phải thích ứng vào môi trường xã hội của mình như thế, để có thể thực hiện được sứ mạng của mình.

Paley thành công: Giám mục ở London trao cho ông một chỗ lương cao ở nhà thờ chính toà St. Paul; giám mục ở Lincoln chỉ định ông làm tổng quản địa phận; giám mục ở Durham cấp cho ông một giáo xứ thoải mái và lương hậu ở Bishop Wearmouth. Tuy nhiên, vì thái độ phê phán giáo hội và vì quan điểm tự do chính trị của mình, ông không được đội mũ giám mục. Paley nhận tước tiến sĩ danh dự của Cambridge và dời về Bishop Wearmouth, một thành phố nhỏ hữu tình bên bờ Biển Bắc.

đây là nơi Paley có giờ để viết tác phẩm để đời của mình. đối với ông: tạo thêm niềm vui và tránh đau khổ là nguyên tắc quan trọng nhất và vẫn luôn có giá trị. Cuộc sống càng hướng về nguyên tắc cá nhân và xã hội này bao nhiêu, nó càng tốt đẹp bấy nhiêu. Nhưng làm sao để đưa tư tưởng này đi vào thế giới? đâu là mối liên kết tự nhiên giữa í định của Tạo hoá và phương châm sống của mỗi người? Từ phòng làm việc ở Bishop Wearmouth, cuốn sách nổi tiếng nhất của ông Thần Học Thiên Nhiên ra đời.

Công việc viết sách tiến hành chậm chạp. Cơn bệnh thận nặng đã khiến ông thỉnh thoảng phải gác bút nhiều tuần lễ. Nội dung dự tính xem ra khó thực hiện: phải đưa ra được một lí thuyết về vũ trụ dựa trên sự nghiên cứu chính xác các hiện tượng thiên nhiên. Paley bắt đầu sưu tập mọi thứ trong thiên nhiên. Ông góp nhặt lông cánh gà rơi trong sân, xương cá ở bờ biển, hái nhặt hoa cỏ trên đường đi, và bắt đầu nghiên cứu tài liệu về cơ thể học.

Từ khoá của tác phẩm mới của ông là „sự thích ứng“. Thiên Chúa đã xếp đặt cho hàng triệu sinh vật trong thiên nhiên như thế nào? Và các loài sinh vật đã thích ứng với í định của Người cũng như đã đan kết với nhau thành một thể thống nhất lạ lùng về mặt cơ thể và trí tuệ như thế nào? Năm 1802 sách viết xong. Một cuốn sách bán chạy như tôm tươi. Mãi năm mươi năm sau, Thần Học Thiên Nhiên của Paley vẫn được coi là sự minh chứng Thiên Chúa dựa trên thuyết chung quả (Teologie: mọi sự đã đươc thiết định trước) sáng giá nhất trong nền thần học tại Anh quốc. Như chính Paley đã ghi tiêu đề phụ cho cuốn sách: „Chứng minh về sự hiện hữu của Thiên Chúa, phản chiếu qua những thể hiện của thiên nhiên“.

Paley kính cẩn cúi đầu trước sự phức tạp của thế giới sinh vật. Ông biết, sự phức tạp này đòi hỏi phải có một lối giải thích đặc biệt nào đó. Lối giải thích của ông không mới và cũng không lạ. Hơn một trăm năm trước, vào năm 1691, nhà nghiên cứu thiên nhiên John Ray cũng đã có một nỗ lực như Paley, và nhiều nhà thần học lẫn triết học sau đó đã tiếp tục đi theo. Nhưng Paley đã trình bày luận chứng của mình rõ ràng và thuyết phục hơn những người đi trước. điểm nổi tiếng nhất của cuốn sách – hình ảnh về người thợ đồng hồ – được trình bày nơi đoạn mở đầu. Có gì chính xác hơn sự vận động của các bánh xe và các cây kim đồng hồ? Cũng như có gì phức tạp hơn kết cấu của một chiếc đồng hồ? Nếu nhặt được nó trên bãi cỏ và nhìn vào sự chính xác tế vi của nó, dù không biết nó được cấu tạo như thế nào, ta cũng buộc phải đi tới kết luận, „phải có một ai đó đã chế ra nó: ở một thời nào đó và một nơi nào đó đã có một hay nhiều người thợ đồng hồ giỏi; không những họ hiểu cách thức chế tạo máy, mà còn nhìn ra trước mục tiêu và sự ứng dụng của nó. Mọi dấu hiệu về việc hoạch định và mọi khám phá về một dự thảo nào đó nơi đồng hồ, ta cũng nhận ra được nơi những công trình trong thiên nhiên;chỉ với một khác biệt, là trong thiên nhiên chúng lớn và nhiều hơn, lớn và nhiều tới mức vượt ngoài mọi suy đoán của chúng ta“.

Hình ảnh người thợ đồng hồ của thiên nhiên từ đó gắn liền với tên Paley. Sách ông tái bản trên hai mươi lần và có rất đông độc giả. Hình ảnh người thợ đồng hồ không do ông nghĩ ra, nhưng được lấy lại từ sách của nhà thần học người Hoà-lan Bernard Nieuwentijdt. Mà Nieuwentijdt cũng không phải là người sáng tạo ra hình ảnh đó. Tác giả của nó là William Derham với tác phẩm Người Thợ đồng Hồ Khéo Léo (Der kunstfertige Uhrmacher), viết năm 1696. Nhưng Derham lại cũng chỉ là kẻ đưa một hình ảnh đã có trong sách của Cicero Bản Chất Các Thần Thánh (Das Wesen der Götter) để diễn thành hình ảnh đương thời.

Nhưng dù không phải là tác giả chính, Paley đã dùng hình ảnh thợ đồng hồ nghiêm túc hơn các vị đi trước. Ông đi từ gốc tới ngọn, chỉ ra vai trò tương ứng của mỗi thành phần, của mỗi cơ phận nhỏ nhất đối với sự vận hành chung của cả đồng hồ. Ông thán phục nhất là đôi mắt người. Ông so sánh chúng với ống kính viễn vọng và kết luận, đôi mắt cũng như ống kính đều đã có một thiết kế viên nào đó nghĩ ra, mắt được tạo ra để nhìn, ống kính làm ra để hỗ trợ cho đôi mắt. Paley làm rõ lập luận của mình bằng vô số thí dụ. „Nếu làm thay đổi bất cứ một cơ phận nào của cơ thể, chẳng hạn như lộn trái một móng tay từ trong ra ngoài, ta sẽ thấy nó thiếu thực tế và vô nghĩa biết chừng nào! điều này cũng đúng cho trường hợp lông chim đại bàng hay cho cả toàn bộ hệ mặt trời. đó là những công trình của một minh triết vĩ đại khôn lường“.

Paley hoàn thành cuốn sách trong cơn đau kinh khủng của thể xác. Vì thế ông luôn tự hỏi, tại sao tạo vật tốt đẹp và toàn hảo của Thiên Chúa lại phải chịu đau khổ? Nếu Thiên Chúa tạo ra thận, tại sao Người lại không cản được nó đau và chảy máu? Câu trả lời của ông không rõ ràng. đôi lúc ông biện minh rằng, rồi thì điều lành sẽ chiếu toả trên điều dữ. Có lúc ông hi vọng, tới một ngày nào đó cái xấu và đau khổ sẽ biến khỏi thế gian. Nhưng cơn đau thận của ông không biến mất, mà mỗi ngày mỗi tăng. Chiếc mũ giám mục, mà ông mơ tưởng bấy lâu nay, cuối cùng được giám mục ở Gloucester đề nghị cấp cho ông. Nhưng quá trễ, ông không còn sức để nhận. Những tháng cuối cùng ông nằm dí trên giường bệnh. Ông mất vì bịnh vào tháng 5 năm 1805 tại nhà riêng ở Bishop Wearmouth, mắt chẳng còn thấy gì, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn.

Công trình của Paley đã thành sự. Ông tin rằng, với nguyên tắc thích ứng, ông đã mở được bí ẩn của tạo dựng. Ông cho rằng, Thiên Chúa dựng nên toàn bộ thiên nhiên sinh vật là có mục đích. Nhưng Paley đã không biết rằng, thần học thiên nhiên của ông chưa chấm dứt. Là vì ba mươi năm sau, chính nó lại là đề tài cho một lí thuyết „thích ứng“ mới, với một khuôn hoàn toàn mới.

Hai năm sau khi đọc Thần Học Thiên Nhiên của Paley, anh mục sư vừa ra trường Charles Darwin bước lên con thuyền nghiên cứu „Beagle“ để du hành sang Nam Mĩ. Những quan sát các loài động vật và những động vật đã hoá thạch trên những chuyến hải hành đã làm chao đảo cái nhìn vốn có về thế giới của anh. Quả thật, cây cối và thú vật thích ứng vào môi trường sống của chúng, như Paley đã viết. Nhưng chúng rõ ràng không chỉ thích ứng một lần mà thôi, nhưng mãi mãi vẫn tiếp tục thích ứng. Hình ảnh về chiếc đồng hồ thiên nhiên được người thợ lên giây điều chỉnh chỉ một lần thôi là chạy mãi, không còn đúng dưới con mắt của Darwin nữa. Tín lí của Giáo hội về sự hiện hữu của một Thiên Chúa cá vị hết còn khả tín đối với ông.

Darwin suy gẫm và do dự suốt hơn hai mươi năm dài. Và năm 1859 xuất hiện „Về sự hình thành chủng loại qua lựa chọn tự nhiên“, một tác phẩm lớn đối nghịch lại với sách của Paley. Darwin thở dài nhận định: „Chúng ta phải sớm kết luận rằng, cái lâu đài tuyệt đẹp của con sò hai mảnh không thể do một thực thể khôn ngoan tạo thành, như cái lâu đài một cửa của con người“. đối với Paley, thiên nhiên là một bức tranh hoà điệu lớn. Darwin trái lại coi đó là nơi „đấu tranh để sống còn“. Nếu thiên nhiên là thợ đồng hồ, thì với Darwin, ông thợ này mù: Thiên nhiên không có mắt và không nhìn ra tương lai. Thiên nhiên không hoạch định trước. Nó không có khả năng tưởng tượng, không đoán trước được, không thấy gì hết. Tên của ông tổng phó tế lừng danh chỉ được Darwin nhắc tới một lần duy nhất trong sách mình, nhân vì một quan sát đúng đắn của Paley: „Sự chọn lựa tự nhiên nơi một loài không bao giờ có thể tạo ra một tác phẩm nào đó mang lại nhiều hại hơn lợi cho chính loài đó. Không một cơ phận nào, như Paley cho biết, có thể được tạo thành, để mang lại đau đớn và thiệt hại cho chủ của nó. Nếu đem cân đo giữa lợi và hại của bất cứ một chi thể nào mang lại, thì nhìn chung bao giờ cái lợi cũng hơn“. 

Ảnh hưởng của Paley trên Darwin đã không ngăn cản được sự ra đời của thuyết tiến hoá về sự thích ứng tự động với thiên nhiên nơi các chủng loại. Thay vì Thiên Chúa là đấng tạo ra nguyên nhân và hậu quả, Darwin thay thế Người bởi thiên nhiên. „Thiên nhiên hành động“ (Nature does) là một trong những câu nói thường gặp nhất nơi ông. Nhưng một người đương thời, Jean Pierre Marie Flourens (xem bài Vũ trụ của Tinh thần), cũng đã phê bình sự bất cập của khái niệm tân tạo này: Thiên nhiên không phải là một chủ thể! Làm sao thiên nhiên hướng tới mục tiêu nào, khi chính nó không có mục đích? Thiên nhiên không biết nghĩ, thì làm sao nó có thể nghĩ tới mục tiêu hướng tới của nó? Chỉ trong vòng trên dưới ba mươi năm, thuyết thích ứng tự động của Darwin đã tạo được thế đứng vững vàng; dù vậy, nó cũng đã không tránh được một số khiếm khuyết nền tảng cho tới ngày nay. Những nhà phê bình ông ngày nay tập trung trong một chiến tuyến được gọi chung là trường phái Intelligent Design (đồ án thông minh). 

Người mở đầu cho phái này là nhà vật lí Ái-nhĩ-lan nổi tiếng thế giới Lord Kelvin. Những phê bình triệt để thuyết Darwin của ông giáo sư vật lí đại học Glasgow này rất nặng kí. Trước hết, ông cho rằng thời gian cần có cho sự thích ứng của muôn loài do Darwin đưa ra quá ngắn. Theo ông, trái đất mới chỉ có khoảng 98 triệu năm, về sau tính lại, ông thấy chỉ còn có 24 triệu năm. Kelvin lí luận, nếu quả đất già hơn, thì trong lòng nó không nóng như hiện nay. Nhưng Kelvin đã quên rằng, chất phóng xạ giữ cho sức nóng trong lòng trái đất kéo dài. Năm 1871, cùng năm Darwin cho xuất bản cuốn sách nói về nguồn gốc con người từ thú vật mà ra, Kelvin lí luận về sự hiện hữu của một Intelligent and benevolant design, một „đồ án thông minh và tuyệt chính xác“.

Hiện nay, Intelligent Design vẫn là nơi tập trung của nhiều người cho rằng, Thiên Chúa chứ không phải thiên nhiên là nguyên ủy của những mối liên hệ sự sống phức tạp. Phát ngôn viên ảnh hưởng mạnh nhất của nhóm này là „Discovery Institute“, một cơ quan tư duy của giới công giáo bảo thủ đặt tại Seattle bang Washington. Intelligent Design là tập hợp của nhiều thuyết, nhưng chúng có chung hai quan điểm nền tảng: Tất cả đều cho rằng, vật lí và sinh vật học không đủ để giải thích thế giới. Và các đại biểu của họ tin rằng, chỉ có một lời giải thật sự thuyết phục cho vấn đề: chấp nhận có một Thiên Chúa thông minh đã an bài sẵn mọi sự. đối với họ, sự hoà điệu chính xác lạ lùng của thế giới vật lí là sự minh chứng gián tiếp có Thiên Chúa. Chỉ cần một lạc điệu vô cùng nhỏ cũng đủ làm cho sự sống trái đất, trong đó có cả sự sống con người, ra bất khả. 

Nhận định này rõ ràng đúng. Nhưng lấy đó mà kết luận là do tác động của Thiên Chúa, thì điều này còn tuỳ sự đánh giá của mỗi người. Phải chăng con người có mặt vì ngẫu nhiên? điều này thật khó mà tin được. Nhưng đó phải chăng là một bằng chứng của sự tất yếu? Ngay cả những xác xuất vô cùng nhỏ, một trong muôn triệu đi nữa, thì chúng vẫn luôn là thứ có thể xẩy ra. Một vài nhà khoa học tự nhiên nói, chúng ta cũng đừng đánh giá quá cao sự hữu đích (mang trong mình một mục đích) của thiên nhiên. đặc biệt các nhà sinh học gặp khó khăn với quan điểm cho rằng, mọi sự trong thiên nhiên đã được sắp xếp rõ ràng đâu đó và chúng đều mang trong mình một mục tiêu hướng tới. Lịch sử trái đất trái lại cho ta thấy, nó đã trải qua năm thảm họa địa chất trong quá trình chuyển tuổi của nó với những cuộc tận diệt kinh hoàng hàng loạt các chủng loại cây cỏ và động vật. Và không phải mọi chi tiết, mà tiến hoá cho phép, đều tốt lành. Mọi loài động vật có vú đều có bảy đốt xương sống ở cổ, nhưng loài cá heo có lẽ sẽ thoải mái hơn, nếu nó có bớt đi một hay hai đốt. Khi nhìn con hươu cao cổ uống nước, ta thầm mong cho nó có thêm được vài đốt nữa. Giống heo đực ở Sulawesi có hai răng nanh cong đẹp, nhưng chẳng mang lại lợi lộc gì cho chúng cả. Những răng nanh này chẳng có mục đích gì. Chỉ biết là chúng chả gây trở ngại hoặc làm cho heo khó chịu. 

Nhìn từ gần, xem ra tất cả chẳng phải là kết quả của một „đồ án thông minh“ nào. Chẳng phải trí tuệ của Thiên Chúa hay của thiên nhiên đã làm cho loài tôm sống dưới biển sâu có màu đỏ hoe. Nhìn chúng thật đẹp, nhưng đẹp cho ai? Lòng biển sâu không có ánh sáng, tối đen như mực. Ngay cả loại tôm này cũng chẳng nhận diện được màu sắc của mình. Màu đỏ không mang lại cho chúng điểm lợi nào cả. Thuyết tiến hoá của Darwin cũng không cắt nghĩa được lí do màu đỏ đó. Tại sao hết mùa đạp mái rồi, mà các cậu sáo vẫn tiếp tục bắt chước các âm thanh của điện thoại cầm tay hay tiếng sáo tuyệt vời, giọng hót của chúng đâu còn có mục đích ‚sinh tồn’ nữa đâu? Tại sao con người lại yêu người cùng phái với mình? Những câu hỏi đó làm cho thuyết tiến hoá ra ngớ ngẩn, một thuyết muốn giải thích mọi hiện tượng và mọi hành vi đều là một nỗ lực nhằm thích ứng với môi trường sống. Nhưng đó cũng không phải là kết quả của một „đồ án thông minh“. Là vì mỗi khi chúng ta chống lại sự hữu đích trong thuyết Darwin, thì đó đồng thời cũng là một chống đối lại thuyết đồ án thông minh.

Vì thế, giới sinh vật học ngày nay muốn thận trọng tương đối hoá quan điểm hữu đích. Thái độ của họ càng làm cho ngôi sao „đồ án thông minh“ thêm bớt sáng. Họ cho rằng, sự sống là cái gì đó nhiều hơn tổng số mọi cơ phận riêng biệt gộp lại. Thay vì nhìn sự việc đơn giản là chuỗi nguyên nhân và hậu quả, họ dùng một từ mới: „Tự tổ chức“.

Các cơ phận không chỉ lớn lên từ một tập hợp các nguyên tử và phân tử, nhưng chúng lớn lên trong trao đổi qua lại với môi trường sống của chúng. Nếu để dưới hầm tối, một củ khoai sẽ mọc mầm trắng và không có lá. Nhưng khi trồng trên nương rẫy, nó mọc mầm xanh với nhiều lá. điều đó cũng đúng cho mọi loài sinh vật. Qua tương tác với những gì còn lại của thế giới, thiên nhiên luôn hiện hình một cách mới. Người ta đoán, sự sống có một cấu trúc quá phức tạp, thành ra phải cần một hình thể tổ chức hoàn toàn khác để mô tả nó. Sự sống là một tổng hợp nhiều hơn các thành tố của nó gộp lại. Các khái niệm và mô mẫu tư duy của khoa vật lí cổ điển cũng như lối giải thích bằng các nguồn gốc vũ trụ không đủ để diễn tả sự sống.

Albert Einstein trả lời năm 1929 trong một cuộc phỏng vấn: „Chúng ta ở trong hoàn cảnh của một em bé bước vào một thư viện bao la với ngổn ngang sách vở thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau. Em biết là ai đó đã viết ra những sách đó. Nhưng em không biết viết như thế nào. Em không hiểu ngôn ngữ trong sách. Em mơ hồ biết có sự sắp xếp trật tự các sách kia, nhưng không biết theo trật tự nào. Theo tôi, đó cũng là quan điểm kể cả của những người thông minh nhất về Thiên Chúa. Chúng ta thấy một vũ trụ kết hợp với nhau cách tuyệt vời và nó tuân theo những quy luật nhất định, nhưng chúng ta chỉ hiểu mơ hồ những quy luật đó. đầu óc hạn chế của chúng ta không thể hiểu được những lực kì lạ làm chuyển động vũ trụ“.

Hãy bỏ qua chuyện Einstein cũng tin vào một Tạo hoá thông minh tạo ra những hằng số thiên nhiên, nghĩa là tin có một tác giả đã viết ra các sách kia. điểm ông nói chung chung đúng, là sự hữu hạn của đầu óc con người. Dù ta nghiên cứu gì, ta cũng thiết kế chúng bằng phương tiện của chúng ta và theo khả năng tư duy của chúng ta. Nhưng não của loài có xương sống và thực tại khách quan không phải là những viên gạch hợp nhau. Là vì tất cả mọi cái mà ta gọi là „thực tại khách quan“ cũng đều do tự ta tạo nên. Và „thực tại đích thức“ vì thế mãi mãi vẫn là một đồ hình nhân tạo, và chỗ mà ta muốn dành cho Thiên Chúa thì tuỳ vào nhận định của mỗi người.

Các nhà sinh vật học sẽ còn phải làm việc lâu dài với câu hỏi: Ta nên giải thích thế giới bằng luận chứng nguyên nhân và hậu quả hay trên căn bản một sự „tự tổ chức“. Cuộc tranh luận ở đây chỉ mới bắt đầu. điều lạ, là quan điểm „tự tổ chức“ của các nhà sinh vật học ngay từ đầu đã bị một kẻ lạ xuất phát từ giới xã hội học tấn công. Nhà xã hội học này có lẽ là vị nổi tiếng nhất trong hậu bán thế kỉ 20. Ta sẽ bàn tới ông trong bài sau, đặc biệt bàn tới lối giải thích của ông về một hiện tượng bí ẩn nhất bên ngoài tôn giáo – đó là Tình yêu.

•điều vô cùng khó xẩy ra nhưng lại thật bình thường. Tình yêu là gì?

Bình luận