Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 29

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Más A Tierra

Rác rưởi của Robinson

Chúng ta có cần Tư hữu không?

Tôi là một người tốt và rất hào sảng. Tôi quyết định tặng cho Bạn cây trong vườn nhà tôi. Một cây anh đào lâu năm thân có nhiều đốt, mà tôi có nhiều kỉ niệm, và một cây liễu rũ tuyệt đẹp. Nhưng với một điều kiện: Bạn phải hứa, sẽ không chặt hoặc dùng chúng làm bất cứ chuyện gì khác!

Bạn trả lời sao? Bạn thất vọng về quà tặng? Vì có mà như không có? đúng. Nhưng tại sao? Làm chủ một cái gì, mà mình không có quyền sử dụng nó, thì chẳng phải là làm chủ. Và còn sao nữa? Vì nó thuộc vào một ai khác. Một đồ vật, một sự vật hay cả một con vật được gọi là tài sản của tôi, khi tôi có toàn quyền sử dụng chúng. Bao lâu không có quyền sử dụng, chúng chưa phải là tài sản của tôi. Có lẽ Bạn có lí. Vậy tôi giữ lại cây của tôi, không tặng Bạn nữa. Chẳng lợi lộc gì cả, khi mang tiếng sở hữu một cái gì, mà lại chẳng có toàn quyền trên nó. Nhưng tại sao vậy?

Bạn bảo, tư hữu là cái gì đó thuộc về một người. đúng. đó là mối tương quan giữa chính mình với một sự vật, nó chẳng dính dáng tới ai khác. Cũng đúng. Và Bạn chỉ vào tấm áo đang mặc và nói: đây là áo của tôi! rồi chỉ vào chiếc xe đang đi: đây là xe của tôi! Cái nguyên tắc làm nền tảng cho quan niệm của Bạn về Tư hữu đã được một người Anh, Sir William Blackstone, viết ra rất rõ vào năm 1766 trong tập bình luận thứ hai của ông về luật pháp Anh Quốc: „Chẳng có gì vượt trên trí tưởng tượng và làm con người mê say bằng luật tư hữu; đó là sự đòi hỏi toàn quyền làm chủ và sử dụng của một con người trên một đồ vật bên ngoài – và như vậy đó là quyền của một cá nhân trong vũ trụ này loại trừ một cá nhân khác“.

Blackstone là một người tiến bộ. Và ông rất nổi tiếng thời đó. Cuốn sách được tái bản bảy lần khi ông còn sống, và suốt một thế kỉ sau khi xuất hiện, nó vẫn được coi là kim chỉ nam của ngành luật. Mục đích của Blackstone là lấy „Tự nhiên và Lí trí“, chứ không theo những quan điểm đã có, làm căn bản để giải thích hệ thống luật pháp. Và theo ông, tư hữu là mối liên hệ giữa một người với một vật. Và tôi đoán rằng, đó cũng chính là quan điểm của Bạn về tư hữu. điều gì xẩy ra giữa Bạn và tấm áo của Bạn đang mặc, chỉ có Bạn biết, chẳng liên can gì tới ai ngoài khác. Mà có thật đúng như vậy không?

Ta hãy xem cuốn sách của một người Anh khác. Tác phẩm này được viết năm 1719, nghĩa là gần năm mươi năm trước khi xuất hiện sách bình luận của Blackstone. Tác giả của nó là một thương nhân thất bại, ông Daniel Foe, và tên cuốn sách là đời Sống Và Cuộc Phiêu Lưu Lạ Lùng Của Robinson Crusoe. Foe trải qua một cuộc đời rất thương tâm, và đã sáng tác „Robinson“ lúc ông sáu mươi tuổi. Ông tham gia cuộc nổi dậy chống nhà vua, bị tống ngục, cuối cùng đi bán rượu và thuốc lá và đã tạo được một cuộc sống khả quan. Nhưng hạnh phúc kinh tế đó không lâu dài. Cuộc chiến tranh Anh – Pháp đã lấy đi của ông nhiều chuyến tàu hàng quý và đẩy ông tới khánh kiệt. Foe sau đó lập một lò gạch đồng thời thỉnh thoảng làm nghề kí giả để sống qua ngày.

Hai đề tài lớn của ông nhà báo Foe hay viết là tôn giáo và kinh tế. Ông là tín hữu của giáo hội Trưởng lão (do Jean Calvin và John Know lập trong thế kỉ 16); giáo hội này chống lại giáo hội Anh giáo đang nắm quyền ở Anh. Ông tranh đấu cho sự bao dung tôn giáo. Cuộc phá sản năm 1692 cứ ám ảnh ông hoài, khiến ông luôn nghĩ tới chính trị và những luật chơi của kinh tế. Trong nhiều bài tiểu luận, ông say mê biện hộ cho một nền tư hữu mới, dẹp bỏ những đặc ân của giới quý tộc đang hưởng và tranh đấu cho một trật tự sở hữu đất đai mới ở Anh. Ông đưa ra vô số những sáng kiến cải tiến kinh tế, xã hội và văn hoá; những đề nghị này được nhiều nơi mang ra thảo luận. điều đó làm ông quá hãnh diện, đến nỗi ông tự đặt cho mình một cái tên quý tộc là De Foe (Defoe). Thật trớ trêu, một mặt ông chống lại đặc quyền của giới quý tộc, mặt khác, ông lại muốn bước vào giới này! Năm 1703, giáo hội và quý tộc lại thẩy ông vào nhà tù một lần nữa, vì tội „viết bài châm biếm và xách động“. Nhưng lần tù này không lâu.

Ông viết cuốn sách nổi tiếng trên đây, sau khi gặp được anh thuỷ thủ Alexander Selkirk. Câu chuyện của Selkirk thời đó đã làm ồn ào công luận ở London một thời gian ngắn. Mùa thu năm 1704, anh thuỷ thủ Selkirk dấy lên cuộc nổi dậy chống lại vị thuyền trưởng. Con thuyền Cinque Ports bị hà bám đục lủng nhiều chỗ thân thuyền, và Selkirk doạ sẽ không tiếp tục hành trình theo con thuyền nguy hiểm này nữa. Lão thuyền trưởng phạt Selkirk bằng cách thả anh xuống một mình trên hòn đảo Más a Tierra trong quần đảo Juan Fernández ngoài bờ biển Chílợi. Con thuyền sau đó bị chìm thật, và đoàn thuỷ thủ chết đuối gần hết. Selkirk sống sót một mình bốn năm bốn tháng trên đảo. Tháng hai 1709, anh được một chiếc thuyền vũ trang cứu. Oái ăm thay, lão thuyền trưởng trước đây cũng có mặt trên thuyền vũ trang này, nhưng giờ ông ta bị đẩy xuống làm anh thuỷ thủ quèn. Selkirk trở về London như một người hùng, trước khi tiếp tục cuộc sống hải hồ lênh đênh tiếp. Foe chớp câu chuyện của Selkirk, biến nó thành một tiểu thuyết mạo hiểm và giáo dục. Ông bắt nhân vật chính phải sống trên đảo 28 năm dài và thêu dệt vào câu chuyện rất nhiều những suy tư về tôn giáo và chính sách kinh tế. Một trong những đề tài quan trọng trong đó là quan điểm của ông về tư hữu.

Chúng ta hãy thử đưa mình vào nhân vật Robinson của Foe, để hiểu xem, vì sao quyền tư hữu lại quan trọng đối với ông đến như thế. Bạn cứ nghĩ mình là Robinson Crusoe và ở 28 năm trên Más a Tierra. Hòn đảo toàn là núi đồi. Ngoài một lạch bờ hẹp như sa mạc ra, còn lại đều là núi xanh với cây cối dày đặc. Những cây dương xỉ cổ thụ cao vút mọc theo triền núi. Khí hậu khá dễ chịu, không quá lạnh mà cũng chẳng quá nóng. Và khắp nơi trên đảo có nhiều dê, do những thuỷ thủ vô danh trước kia để lại và chúng tiếp tục sinh sôi. Sau khi làm một chuyến quan sát hải đảo và nhận ra rằng, đảo hoang chưa thuộc vào ai, Bạn liền nói: Cây dương xỉ này là của tôi, chú dê này thuộc về tôi, con két kia thuộc về tôi. Suốt nhiều ngày nhiều tuần, Bạn cứ đi nhận diện từng thứ và tuyên bố đó là của Bạn. Bạn còn có thể tuyên bố: Bờ biển này là của tôi, biển kia là của tôi. Robinson Crusoe cũng đã làm i như thế. Nhưng để làm gì? Tất cả chỉ là chuyện khôi hài. Là vì bao lâu chưa có ai khác xuất hiện để giành giật với tôi những tài sản đó, thì chuyện đòi sở hữu của tôi quả vô ích.

Như vậy, Bạn đã rõ, là quan niệm về tư hữu chỉ có giá trị khi có người khác bước vào cuộc. Tôi không thể nói với chiếc điện thoại cầm tay của tôi: mày là sở hữu của tao. Nhưng tôi phải tuyên bố cho một người khác biết, điện thoại này là của tôi, nếu như người đó muốn bỏ nhẹ nó vào túi họ. Như thế, tư hữu không phải là vấn đề giữa người và vật, nhưng đó là một „khế ước“ giữa người với người. Blackstone cũng quan niệm như thế, khi ông nói tới việc „loại trừ quyền của mọi cá nhân khác“. Câu „độc quyền làm chủ một mình“ của Blackstone về tư hữu có thể đúng cho Robinson Crusoe, nhưng không đúng cho xã hội chúng ta ngày nay.

Miếng xô-cô-la tôi vừa mua đúng là sở hữu độc quyền và duy nhất của tôi. Tôi có quyền cắn ăn ngay, mà chẳng cần phải xin phép ai cả. Nhưng trong một thế giới không phải là hoang đảo, tôi không luôn luôn và bất cứ ở đâu đều có được tự do trên tư hữu của tôi, như Robinson Crusoe. Nếu Robinson cần phải vứt rác rưởi hay dầu cặn, anh ta có thể khơi khơi đổ chúng ra biển. Nhưng tôi thì không được phép đổ rác rưởi hoặc dầu cặn xe tôi ra biển, ngay đổ trong ao vườn nhà mình cũng không được. Hàng xóm có thể tố cáo tôi tội gây ô nhiễm môi sinh. Tôi không được khơi khơi bước vào căn nhà của tôi đã cho người khác thuê, nếu người đó không cho phép, hoặc ít ra, trong một vài trường hợp, nếu tôi không thông báo cho họ trước. Tôi cũng không được phép thuê nhà rồi để trống. Tôi không được đánh chó, nếu không, sẽ bị đưa ra toà về tội hành hạ thú vật. Mà tất cả những thứ đó: xe, nhà, dầu cặn, ao vườn, chó đều là tài sản của tôi.

Tư hữu là chuyện rắc rối. Câu „Tư hữu là mối liên hệ giữa tôi và một vật“ như vậy xem ra gần như chẳng còn đúng nữa. Bởi vì một đàng tư hữu là một khế ước giữa người với người.

đàng khác, vật kia chẳng phải đơn thuần là một vật. Mà đúng hơn, nó là một cái gì phức tạp, bao gồm cả quyền lẫn bổn phận. Hiến pháp đức nói rõ điều đó: „Tư hữu trói buộc!“ Vậy là ta đã giải toả hết thắc mắc về tư hữu rồi chăng? Thưa chưa.

Là vì trường hợp Crusoe còn lâu mới xong. đừng tưởng Robinson là tay ngớ ngẩn, khi anh ta rảo khắp đảo tìm tư hữu và xác định tài sản. Khi tuyên bố những vật thân thương kia là sở hữu của mình, Crusoe hẳn biết là chẳng có ai tranh giành những thứ đó với anh cả. Có lẽ anh hiểu rằng, tư hữu không chỉ là quan hệ giữa một người và một vật, như các luật gia muốn hiểu. Câu định nghĩa về tư hữu trên kia không hẳn là sai. Nhưng với việc xác định tư hữu, Robinson muốn nói lên quan hệ tâm lí của anh với các sự vật kia. Những gì của anh thì gần gũi với anh hơn là những gì không thuộc về anh. Những thứ thuộc tài sản của anh mới quan trọng, còn những thứ khác anh chẳng quan tâm.

Quan hệ tâm lí đối với tư hữu có thể xem là „tình yêu“ đối với cái gì thuộc về mình; đây là một chương ít được khám phá nhất trong cuốn sách tâm thần con người. Lạ thật, thứ tình yêu đó – lòng ham muốn và sự chiếm hữu những thứ „thân thương“ – giữ vai trò rất quan trọng trong xã hội ngày nay, vậy mà không hiểu sao chẳng mấy ai quan tâm tìm hiểu nó. Người tìm hiểu đầu tiên trong lĩnh vực này là nhà xã hội học Georg Simmel ở Berlin. Ông này có cái mũi rất thính về những sự kiện tâm lí. Bên cạnh nhiều hiện tượng xã hội khác, Simmel còn tìm hiểu liên quan giữa các vật sở hữu với niềm tự hào của con người.

Năm 1900, ông giảng viên tư ở đại học Berlin 42 tuổi Simmel cho phổ biến tiểu luận Triết Lí Tiền Bạc (Philosophie des Geldes). Tiểu luận này chẳng liên quan gì tới chuyện Robinson cả, nhưng nó là chìa khoá cho chúng ta hiểu hành động gom góp và xác định tài sản của anh chàng Crusoe trên đảo. Theo Simmel, khi một người mua sắm hay tậu mãi một thứ gì, có thể là sự tậu mãi tượng trưng như Robinson làm trên đảo, thì người đó muốn biến thứ mình tậu mãi thành gia sản riêng của mình. Ta cũng có thể nói, người đó chiếm hữu sự vật kia và biến nó thành một phần của cái Tôi của mình. Việc chiếm hữu này diễn ra theo hai hướng: từ đồ vật hướng tới Tôi và từ Tôi hướng đến đồ vật. Simmel nói: „Một mặt, tư hữu kia tạo nên một số cảm giác và xung lực nào đó nơi tâm trí tôi, mặt khác, ảnh hưởng của cái Tôi toả trùm lên và đi vào trong cái đối tượng „bên ngoài“ đó“. Như vậy, tư hữu hay tài sản là một cơ hội, để nhờ qua các đối vật đó, tâm thần tôi vươn rộng ra, hay nói như Simmel, để „mở rộng cái Tôi ra“.

Những sự vật chung quanh tôi trở nên sự vật của tôi và chúng trở thành một phần cái Tôi của tôi. Quần áo tôi đang mặc nói lên một phần nhân cách của tôi; và nhờ vào thái độ của bên ngoài, tôi nhận ra phần nào con người tôi. Chiếc xe tôi đang có cũng vậy. Mua chiếc xe là tôi đồng thời tậu cho mình một hình ảnh tư cách, một hình ảnh về tôi cho chính mình và cho cái nhìn của kẻ khác. Bộ bàn ghế kiểu trong phòng khách của tôi không những để trang trí căn phòng, mà còn để trang điểm cho con người của tôi nữa. Căn cước của tôi được nhận diện qua sở thích thể hiện ra bên ngoài. Lái chiếc Porsche, mang đồng hồ Solex, đầu tóc xanh đỏ của anh chị bụi đời (Punker), đó là căn cước của những loại nhân cách.

Dù Robinson chẳng nghĩ tới chuyện tạo cho mình một loại nhân cách nào – loại bất cần đời để râu xồm, quần da thú với dù che nắng – thì anh vẫn đang thực hiện chính điều Simmel nói đến: mở rộng mình qua những thứ anh có. Sau khi làm xong nhà, Robinson mang niềm hãnh diện của một người làm chủ căn nhà. Sau khi bắt được dê và thuần phục chúng, anh có nỗi lòng sung sướng của một bác nông dân v.v. Trong mỗi niềm hãnh diện đó, Robinson dùng các tài sản để tạo nên một hình ảnh cho chính anh. Không có người khác làm tấm gương phản chiếu nhân cách, thì Robinson phải tự tạo nhân cách cho chính anh. Simmel viết: „Cảm giác cái Tôi vượt khỏi giới hạn trực tiếp của nó để đi vào nằm lại trong những đối tượng chỉ có thể đụng chạm được cách gián tiếp; điều đó cho thấy chính tài sản chẳng có nghĩa gì khác, ngoài việc nhân cách đã đi vào trong nó và nhân cách này đã mở rộng địa bàn của nó nhờ vào việc làm chủ tài sản đó“.

Nhưng tại sao con người lại „triển nở nhân cách“ mình (mức độ khác nhau) qua các tài sản mà họ tậu được? Và tại sao việc tạo mãi lại quan trọng hơn chính sự tư hữu? Thật ra, nếu trực tiếp so sánh giữa hai điều đó, thì sự tư hữu quả là chuyện chả thú vị gì lắm. Sự kích thích của việc tạo mãi (mua) cũng như động lực kèm theo của nó trên tình cảm con người là những đề tài cho tới nay hầu như chưa được nghiên cứu. Simmel cho hay, sự „nới rộng cái Tôi“ vào các đồ vật đã được bắt đầu với những dụng cụ và khí giới của thời hái lượm và săn bắn. Ngày nay, việc tạo mãi đồ đạc – và cùng với chúng là tạo mãi hình ảnh nhân cách – là một trong những nguồn tạo hạnh phúc quan trọng nhất trong thế giới kĩ nghệ hoá. Có thể nói, nó có liên hệ gần gũi với hai nguồn tạo hạnh phúc khác trong các quốc gia kĩ nghệ: đức tin tôn giáo và kể cả tình yêu. Phải chăng sự gắn bó tình yêu hôm nay không còn kéo dài là một hậu quả của lối ứng xử trong xã hội tiêu thụ, như người ta vẫn thường quả quyết: Tình yêu đã trở thành một chợ tình với những trả giá, thu mua và bỏ nhau chớp nhoáng?

Lối lí luận ngược lại cũng không kém đáng cậy: Vì tình yêu không bảo đảm cho sự bền vững, nên người ta quay ra chạy theo tiêu thụ – đơn giản là vì hàng hoá tiêu thụ được xem là thứ chắc chắn hơn. Với lập luận này, việc chạy theo tiêu thụ thái quá hiện nay có thể là một cái gì như dấu chỉ của sự âu lo về cuộc sống hoặc của sự thoải mái, hay cả hai thứ đó. Vì thế giới tình cảm của con người rắc rối quá, nên tôi thích quay ra thế giới hình ảnh và cảm giác của hàng hoá hơn. Một chiếc Mercedes, sau năm năm, vẫn là một chiếc Mercedes; còn một bạn đời, một người yêu, một người bạn sau năm năm chắc gì còn gắn bó với mình! Với lối lí luận đó, có lẽ ta cũng giải thích được, tại sao người già với cuộc sống yên ổn trầm lặng hơn thường thích những gì quý giá và lâu bền; còn lớp trẻ trái lại thích các loại mốt có thể đổi thay nhanh chóng, là vì tuổi này chưa có nhu cầu nhiều về sự chắc chắn tình cảm. 

Nhìn từ mặt lịch sử văn hoá, „tình yêu đối với đồ đạc“ trong các quốc gia kĩ nghệ hiện nay đã đạt tới đỉnh cao như chưa bao giờ có. Như vậy, chúng ta đang tham dự vào một cuộc thí nghiệm xã hội lớn. Kinh tế của chúng ta đang hối hả sống trong một nhịp thở gấp như chưa từng có: phải thật nhanh tìm ra cái mới và quên cái cũ. Xưa nay chưa có một xã hội nào – trừ các giáo phái – chối bỏ tư hữu. Ngay chính chủ nghĩa cộng sản, như các loại nhà nước xã hội chủ nghĩa trong các nước đông Âu trước đây, cũng chẳng chống lại tư hữu một chút nào cả. Họ bảo, họ chỉ chống việc tư hữu các phương tiện sản xuất, là thứ giúp cho người sở hữu tạo ra „giá trị thặng dư“ theo kiểu tư bản chủ nghĩa và do đó sẽ gây ra việc phân phối thiếu đồng đều trong xã hội. Trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một xã hội với một lối sống được định nghĩa bằng việc tạo mãi tư hữu, như các xã hội hiện nay trong thế giới kĩ nghệ hoá.

Câu hỏi „Tư hữu là gì?“ như vậy chẳng phải thuần tuý mang tính cách luật pháp, mà nó cũng là một vấn đề tâm lí. Là vì tư hữu cung ứng cho ta một khả thể tương đối ổn định để nới rộng về mặt tình cảm – cho dù khả thể này đôi khi làm hại tới các khả năng nới rộng khác vốn có trong xã hội. Cái giá mà chính người tạo mãi tư hữu phải trả là đề tài cho tới nay ít được khoa tâm lí học nghiên cứu. Ngược lại, từ nhiều thế kỉ nay, người ta chỉ quan tâm tìm hiểu việc nỗ lực tạo mãi và làm chủ tư hữu đã gây ra những hậu quả nào phải gánh chịu cho những người khác trong xã hội. Khởi điểm của việc tìm hiểu này là một vấn đề triết học: Nếu tư hữu là kết quả của một khế ước, thì câu hỏi đặt ra, khế ước này đặt nền trên những nguyên tắc nào? đâu là những nguyên tắc của một trật tự xã hội sòng phẳng?

• Trò chơi của ông Râu. Thế nào là công bằng?

Bình luận