Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 32

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Athen

Khu vườn Kepos. 

Hạnh phúc có thể học được không?

Người này bảo, ông là bộ óc khôn ngoan nhất trong các triết gia. Kẻ khác lại chửi ông là „đồ con heo“. Epikur sinh ra khoảng năm 341 trước tây lịch, trên đảo Samos của Hi-lạp. Lúc sinh thời, ông đã là một nhân vật thần tượng, sau khi mất lại càng nổi tiếng hơn. Còn nhiều điều không rõ về con người ông. Là vì gần như tất cả những gì chúng ta biết được về ông đều xuất phát từ một nguồn. Và người viết tiểu sử này lại sống sau ông cách 500 năm. Người ta kể, Epikur tới thủ đô Athen lúc ông 18 tuổi. đó là thời đại đế Alexander. Sau khi đại đế mất, dân Athen nổi dậy nhưng bị dập tắt, và vì thế Epikur theo cha trẩy tới miền Ephesos, nay thuộc nước Thổnhĩ-kì. Năm 35 tuổi, ông trở lại Athen, mua lại khu vườn Kepos nổi tiếng. Và khu vườn đã mau chóng trở thành trung tâm sinh hoạt của nền dân chủ tái khởi sắc của Athen. Dân chúng thuộc mọi tầng lớp gặp nhau tại gia trang Epikur. Một nhóm nhỏ hình thành, quần tụ tại nhà ông như một giáo phái và chung sống với nhau chẳng có tư hữu gì cả. Cả phụ nữ và nô lệ cũng được đón tiếp tại Kepos – sự kiện làm cho nhiều người Athen bực bội. Người ta xầm xì với nhau về Epikur và những thói tục lạ lùng trong nhà ông, họ đồn về những cuộc hành lạc tập thể trong gia trang. Nhưng ai đã vào gia trang của ông đều đọc thấy câu viết trên cửa lối vào: „Hãy bước vào, hỡi những người lạ! Một người chủ thân ái đang chờ đón các bạn với bánh ăn và nước uống dư đầy. Ở đây, không ai kích thích dục vọng của các bạn, nhưng chúng sẽ được thoả mãn“. 30 năm dài ông làm chủ khu vườn, cho tới khi mất vào năm – 270. Nhưng Kepos là một định chế, nó còn hiện hữu mãi tới gần 500 năm sau. 

Người ta chỉ biết được cách gián tiếp về cuộc sống thực sự của Epikur và những gì ông dạy trong khu vườn mênh mông, vì sách của ông chỉ còn lại những mảnh rời rạc. Nhưng sách của những người theo và chống ông cung cấp cho ta nhiều hiểu biết hơn. Tuy nhiên cái nhìn của những người này lại quá mâu thuẫn, nên khó mà phân biệt được cái đúng cái sai. Vì thế, thế giới hậu sinh, nhất là những kitô hữu nhiều ngờ vực, đã gán cho ông một bộ mặt xấu xa.

điểm cực đoan và tiến bộ vượt thời gian nơi học thuyết của Epikur là chỉ tin vào những gì

khả nghiệm do giác quan mang lại. đấy là chuyện lạ trong truyền thống triết học. Ông không tin những gì vượt ngoài giác năng. Thần thánh, tôn giáo, và ngay cả cái chết nữa cũng chẳng quan trọng gì đối với ông. Epikur khuyên học trò: „Anh hãy tập mà tin rằng, đối với chúng ta, cái chết chẳng có giá trị gì. Bởi vì tất cả những gì tốt, những gì xấu, đều là chuyện cảm nhận. … Bao lâu chúng ta có mặt, cái chết vắng mặt, khi cái chết tới, thì chúng ta không còn có đó nữa“. Epikur nhận diện thế giới chỉ qua những gì khả nghiệm thực sự. Ông đánh giá cao nhận thức luận lí, nhưng ông nối mọi nhận thức đó với tất cả những gì có thể cảm nhận và hiểu được bởi giác quan. Ông không đi vào những gì vượt qua thế giới kinh nghiệm. Cũng như nhiều triết gia hi-lạp trước đó, ông tránh đưa ra một lập đồ tổng quát về bản chất, sự hình thành và tình trạng của thế giới. Thật ra ông chẳng muốn giải thích tường tận điều gì, bởi vì đâu đâu ông cũng khám phá ra nhiều lỗ hổng kiến thức và không thể giải thích được. Thay vì đưa ra một lí thuyết nhận thức bao quát cho mọi vấn đề, ông chú trọng tới câu hỏi: Làm sao có được một cuộc sống thành đạt trong khuôn khổ những khả thể (Möglichkeiten / Possibilities) hạn chế của con người?  Epikur dư khôn ngoan để hiểu rằng, khó mà có được trả lời cho câu hỏi đó. Vì ông biết, bản chất con người không đồng nhất, nhưng đầy mâu thuẫn.

Bản chất con người muốn có những cảm giác khoái lạc. Khoái lạc là tốt, chán chường là xấu. Cứ nhìn vào trẻ con thì rõ. đối với chúng, mong mỏi khoái lạc là điều rõ ràng như „lửa thì nóng, tuyết thì lạnh, mật thì ngọt“ vậy. Cả người lớn cũng tìm kiếm khoái lạc. Nhưng đa số tình trạng khoái lạc – thưởng thức đồ ăn ngon, rượu bia, tình dục v.v. – đều không kéo dài. Không thể tạo nên lục địa bằng các hòn đảo nhỏ hạnh phúc. Những tình trạng khoái lạc đó quá hạn chế, không thể là nền tảng cho một hạnh phúc lâu dài được; ta cần phải hưởng thụ chúng, nhưng chớ quan trọng hoá chúng. Ngoài ra, Epikur còn nghi ngờ những điều thái quá: Cái gì hưởng quá nhiều, sẽ sớm mất giá trị. Nhâm nhi từ từ một miếng phô-mát có thể thú vị hơn cả một buổi tiệc. để khoái lạc cuộc đời được bền lâu, cần phải hãm bớt cái ham muốn thái quá nơi trẻ con. Như vậy, muốn khoái lạc được lâu dài, phải điều hoà các nhu cầu. Nhưng chỉ có lí trí mới giúp ta thực hiện được điều đó. Lí trí giúp ta thảo ra những chiến lược đáng cậy và bền vững, để ta không bị lệ thuộc vào cám dỗ của những gói mì ăn liền.

Có một phương cách để thực hiện điều đó: Mài bén các giác quan và tận hưởng mọi khoảnh khắc lớn hay nhỏ có được trong cuộc sống. Một cách nữa là hạn chế âu lo. Dù không luôn tạo cho mình được những cảm giác lạc thú mạnh, thì ta cũng có thể cố gắng hạn chế bớt những cảm giác buồn chán: Hạn chế những âu lo không cần thiết về tương lai, giảm bớt cao vọng, hạn chế những nhu cầu xa hoa về tiền bạc và của cải. Những điều đó ít làm tăng niềm vui, nhưng giúp ta tránh được những lệ thuộc có hại: „… Cả việc độc lập với những thứ bên ngoài là một điều rất hay … bởi vì chúng ta tin chắc rằng, ai hưởng thụ sự dư dả nhiều nhất, người đó lại ít cần tới những thứ đó nhất, và rằng, mọi thứ tự nhiên đều dễ tạo ra, còn thứ vô ích lại khó tạo ra được“. Theo Epikur, không phải của cải, mà là các mối liên hệ xã hội với người khác mới tạo nên hạnh phúc lâu bền: „Trong mọi thứ khôn ngoan tạo hạnh phúc cuộc đời, việc có được tình bạn là điều quan trọng nhất“.

Như vậy, người theo „môn phái“ Epikur là những con người cân bằng. Họ góp nhặt hạnh phúc từ những niềm vui nhỏ lớn trong cuộc đời, chiến thắng những âu lo và sống vui vẻ hoà thuận với những người khác. Chỉ sau này những kẻ thù của ông, nhất là những tín hữu kitô giáo, đã xuyên tạc ông thành một tay ăn chơi và làm biến thể hoàn toàn học thuyết của ông. Về mặt tâm lí, học thuyết Epikur đi trước học thuyết Kitô giáo khá xa. Bởi vì ông nhận ra sự tương tác gắn bó giữa cơ thể và trí tuệ, giữa thân (Physis) và tâm (Psyche) và đã đưa sự tương tác đó vào trọng tâm triết thuyết của mình. Những gì ông dạy, ngày nay người ta lại nhận ra nơi quan điểm của khoa (mà tôi – người dịch – tạm dịch ra là) Tâm Lí Cảm Tích (Positiv Psychology = Tâm lí học về những Cảm giác Tích cực), một ngành nghiên cứu tân tiến được lập ra và tiến hành chủ yếu ở Hoa-kì. Những đại biểu của khoa này tìm hiểu đâu là các tiêu chuẩn phải thoả mãn để có hạnh phúc. Và họ đưa ra những chương trình thực tập để tạo thêm hạnh phúc. Họ cũng đồng í với Epikur: Hạnh phúc không phải là cái gì tự có, nhưng nó có thể và phải được ta tạo ra. Chưa hẳn là đã có hạnh phúc, nếu ta không đau, không bị căng thẳng tinh thần và thể xác (Stress) và không phải lo lắng. Có biết bao nhiêu người chẳng gặp khó khăn lớn trong cuộc đời mà họ chẳng hạnh phúc tí nào, chỉ có buồn nản. Nói cách khác: hạnh phúc rất đẹp, nhưng nó đòi hỏi nhiều nỗ lực. Những nhà nghiên cứu hạnh phúc đã tóm tắt một chuỗi nguyên tắc thực hành, mà tôi – đôi điểm cũng không tán đồng lắm – ghi ra dưới đây.

Nguyên tắc thứ nhất: Hoạt động! Não chúng ta cần hoạt động. Ngưng đọng trí tuệ sẽ gây nên buồn chán. Chỉ một ngày tâm trí không làm việc, hàng loạt tế bào thần kinh chết. Ai không bắt trí óc làm việc, họ dần bị co cụm lại, một tiến trình đi kèm với những cảm giác chán nản. Không hoạt động, như vậy, sẽ mau chóng đưa đến tình trạng xuống tinh thần (Depression), vì lượng Dopamin không tiết ra đủ cho bộ máy kích tố làm việc. Chúng ta không cần phải hoạt động liên lỉ, bởi vì lệ thuộc thái quá vào sinh hoạt cũng chẳng có lợi cho hạnh phúc. Thể thao là một điều tốt, vì nhờ những nỗ lực thành công của cơ thể, trí óc chúng ta tự tưởng thưởng bằng cách tạo thêm tế bào thần kinh mới. Cả những sở thích cũng làm tăng niềm vui sống. Những hoạt động đều đặn thường ngày cũng có vài điểm lợi, nhưng về lâu về dài, chúng không làm cho ta hạnh phúc. Sinh hoạt thay đổi và mới lạ có thể là nguồn hạnh phúc. Wittgenstein, người vốn nghi ngờ chuyện tìm kiếm hạnh phúc, vì thế đã đi theo một phương châm ngược hẳn: „Mặc, chẳng cần biết ăn cái đếch gì cả, quan trọng là luôn luôn vẫn một thứ đó“ – đây là một hướng dẫn tìm tới bất hạnh!

Nguyên tắc thứ hai: Hoà mình vào xã hội! Epikur coi nhẹ việc quan trọng hoá chính mình, dù nơi cuộc sống riêng tư hay ngoài công luận. Nhưng ông nhận ra, chẳng có mấy nguồn hạnh phúc nào bền lâu hơn những liên hệ xã hội. Tình bạn, tình vợ chồng và tình gia đình có thể là những khung cảnh nâng cao cuộc sống tinh thần. Kinh nghiệm hạnh phúc sẽ tăng, khi ta cùng trải qua một chuyện gì đó chung với bạn đời, với một người bạn hay với con cái. Khi cảm thấy được bảo bọc, đàn ông tiết ra kích tố Oxytocin, đàn bà tiết ra Vasopressin, là thứ kích tố của một loại chuột đồng mà ta đã bàn tới trong bài điều vô cùng khó xẩy ra nhưng thật bình thường. Ai sống trong vòng thân ái xã hội, người đó không phải lo toan hay gặp khó khăn một mình. Vì thế, một cuộc sống vợ chồng tốt đẹp với sinh hoạt tình dục đầy đủ quan trọng nhiều hơn tiền bạc và của cải.

Nguyên tắc thứ ba: Tập trung tư tưởng! Epikur dành nhiều thời gian để tập cho học trò mình biết thưởng thức những cái hiện tại trước mắt: thưởng thức hương thơm bông hoa, thưởng thức nét đẹp của các hình thể, nhâm nhi hương vị miếng phô-mát. Những thưởng thức chọn lọc và tập trung làm tăng niềm vui sống. điều gì đúng cho sự vật, cũng đúng cho con người. Càng mở lòng ra cho người khác bao nhiêu, cảm giác và cảm thông càng đậm đà bấy nhiêu. điều này, theo cái nhìn của giới nghiên cứu não, có nghĩa: Hãy thưởng thức những tình trạng í thức của anh đi, ít nhất là những tình trạng nào có lợi cho anh. Và khi tập trung vào một điều gì, thì hãy để hết tâm trí vào đó. Ai vừa ăn vừa nghĩ tới chuyện phì mập, vừa trò chuyện vừa liếc nhìn đồng hồ, người đó chẳng hưởng được gì cả. Thỉnh thoảng nghĩ đến tương lai, là tốt; nhưng cứ luẩn quẫn hoài với tương lai, thì giết chết hiện tại. đối với đa số người ta, sống là cái đang diễn ra trong lúc họ đang ra công mê mải thảo phác cho mình những dự định khác.

Nguyên tắc thứ tư: Có những mong đợi thực tế! Hạnh phúc là điều người ta mong đợi. Nhưng điểm lầm lẫn thường hay xẩy ra nhất, đó là mong ước quá lớn hoặc quá bé. Cả hai đều đưa tới bất bình. Ai ước vọng nhiều quá, kẻ đó rơi vào tình trạng căng thẳng tinh thần và thể xác không cần thiết. Ai ước vọng quá ít, cơ thể tiết ra ít Dopamin, khiến cho họ trở nên thiếu năng động và dửng dưng. Thiếu năng động có thể lại dẫn đến ít ước vọng. Vòng luẩn quẩn.

Nguyên tắc thứ năm: Có những tư tưởng tốt! Có lẽ đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Epikur và Tâm lí học Cảm tích cùng chung một quan điểm: Hạnh phúc không phải là điều bất ngờ, nhưng là hệ quả của những tư tưởng và cảm giác „đúng đắn“. „đúng đắn“ ở đây có nghĩa là những tư tưởng đưa đến lạc thú và giúp tránh chán nản. Các nhà tâm lí cung cấp cho ta một xảo thuật đặc biệt: „Hãy làm như thể bạn đang hạnh phúc, và bạn sẽ hạnh phúc!“ Nói thì dễ, mà thực hành không dễ. Khi đang chán nản thì còn sức đâu mà tỏ ra sung sướng được. Nhà văn người Nga và cũng là một nhà tâm lí sành sõi, Fjodor Dostojewski, đã đẩy nguyên tắc thứ năm này tới tận cùng: „Mọi sự đều tốt. Mọi sự. Con người bất hạnh, là vì nó không biết rằng nó hạnh phúc. Tất cả vấn đề chỉ có thế. Ai nhận ra điều đó, người ấy tức khắc có hạnh phúc ngay“. 

điểm chính yếu ở đây, là dù sao tôi vẫn có một chút tự do tối thiểu nào đó để tự đánh giá

các biến cố xẩy ra trong đời tôi. Tự do nhiều hay ít, điểm này có thể bàn cãi. Tôi thích đọc các chương vui của đời tôi, mà cũng có thể thích gặm nhấm những chương buồn tẻ. Có người nhìn cuộc đời với đôi mắt màu hồng, nhưng cũng có người nhìn ra toàn màu đen. để có được cái nhìn màu hồng đó, có lẽ họ đã đánh thức được vai trò của lí trí trong việc đánh giá các cảm giác của mình. Tại sao tôi lại dừng chân quá lâu nơi biến cố tiêu cực mà ngậm đắng nuốt cay với nó? Dĩ nhiên, tôi không có tự do để chuyển sự vật màu đen thành màu hồng hay ngược lại, nhưng tôi hẳn có một khoảng tự do nào đó để đánh giá các cảm nhận của mình. Khoảng tự do này tôi có thể tập thành được. Còn việc sắp xếp cũng như tương đối hoá một cảm giác và những cảm nhận của nó diễn ra ngay sau đó đòi hỏi một nghệ thuật cao, nhưng khả năng này cũng có thể học được (xem bài Do be do be do).

Người ta thường khuyên làm cách này: viết ngay ra những cảm giác tiêu cực. Có như thế, chúng sẽ được vùng não trước (Cortex) chụp quang tuyến kĩ lưỡng ngay từ đầu và nhờ vậy độ tiêu cực sẽ được làm giảm dịu đi phần nào. Cả việc viết ra một vài luận chứng hay để đối phó lại tiêu cực cũng là điều tốt. Ở điểm này, các nhà tâm lí cảm tích khuyến khích nên viết nhật kí hạnh phúc, để nhờ đó những điều tốt đẹp được dễ nhớ hơn. Một minh triết khác nữa của Tâm lí học Hạnh phúc là câu: „Bạn đừng coi trọng mình, hãy cười cợt ngay cả về chính bạn“. Câu này cũng vậy, nói thì dễ, nhưng làm không dễ. Phải chăng ai cũng biết và có thể làm được điều này rồi, giờ chỉ còn việc đem nó ra áp dụng trong cuộc sống nữa mà thôi? Câu phương châm này làm tôi luôn nhớ đến ông bạn Lutz của tôi. Trong một lớp huấn luyện quản trị gia, nhà thực tập tâm lí yêu cầu các học viên phải tỏ ra tự nhiên hơn nữa. Anh bạn người Thuỵ-sĩ của bạn tôi liền rút ra cây bút và nắn nót viết xuống tập vở có kẻ hàng sẵn: „Hãy tự nhiên hơn nữa!“ Cười cợt được với chính mình là điều rất hay, nhưng đó là một mục tiêu rất cao xa, đi kèm với một mong đợi rất lớn về chính mình. Học cách tránh một số nguồn gây chán nản là điều dễ làm hơn. Một trong những nguồn thường xẩy ra nhất, đó là thói hay so sánh. Ai so sánh, kẻ đó thiệt! đó là nguyên tắc luôn luôn đúng cho mọi nơi. Tôi không giống như cô người mẫu trong báo (Không biết cô mẫu kia trong thực tế có giống như trong hình không). Lương tôi không bằng thằng bạn cùng lớp. Tôi không hài hước được như những người kia. Hoặc thảm hơn: Tôi không hạnh phúc như chị em tôi. Bao lâu bạn còn nghĩ như thế, bạn sẽ không trở nên khác hơn được.

Nguyên tắc thứ sáu: đừng thái quá trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Thanh thản đối phó với bất hạnh là một nghệ thuật lớn. Trong nhiều cái bất hạnh – nếu không nói là tất cả – đều có chút điều tốt nào đó. Nhiều người lâm bệnh nặng đã thố lộ như sau, từ khi phải liệt giường họ sống mãnh liệt hơn. Khủng hoảng, khó khăn hay cả những hoạn nạn cuộc đời có thể mang lại điều tích cực. Có những khủng hoảng đưa tới những khởi đầu mới tốt đẹp hơn, mà thường ta chẳng biết là „chúng tốt cho gì, cho ai“. Chỉ biết than thân trách phận, cho rằng đời chẳng có chi thay đổi cả, đó là căn bịnh rất phổ biến. Các nhà tâm lí cực lực cảnh cáo thói quen này.

Cuối cùng, nguyên tắc thứ bảy: Vui vẻ làm việc. Nguyên tắc này đi liền với với nguyên tắc đầu tiên: Hoạt động. Công ăn việc làm là dịp bắt con người hoạt động, và đa số người ta cần sức ép công việc để cơ thể hoạt động đầy đủ. Dĩ nhiên không phải tất cả, mà thường thì các công việc đều mang lại sức ép tích cực đó. Công ăn việc làm là cách chữa trị tâm lí hay nhất. đau khổ khi thất nghiệp chính là vì thiếu lối chữa trị này. Ai không có việc làm, kẻ đó dễ cảm thấy thừa thãi và tàn tạ, vì cơ thể họ tiết ra quá ít Dopamin và Serotonin. Nhà tâm lí chiều sâu Sigmund Freud cũng quan niệm như thế. đối với ông, hạnh phúc là „có thể yêu và có thể làm việc“.  đó là tóm tắt bảy nguyên tắc. Xem ra vắn gọn, nhưng chẳng đơn giản tí nào. Ta có thể còn

phải bàn cãi về giá trị, và dĩ nhiên cả về công dụng, của mỗi nguyên tắc. Câu hỏi gay go nhất và cũng là điều mà các nhà nghiên cứu hạnh phúc cho đến nay ít quan tâm nhất, đó là:  đâu là mức độ khả năng tự quyết của cá nhân tôi? Một mặt, các nhà tâm lí cảm tích tìm cách tận dụng mọi thành quả của khoa nghiên cứu não, nhưng mặt khác họ lại né  tránh câu hỏi nền tảng: „Tôi có muốn được điều tôi muốn không“? Dù các phương châm hạnh phúc trên đây có hay cách mấy, mà tôi hoàn toàn không có tự do để thực hiện chúng, thì cũng bằng thừa. đây có lẽ là đề tài vô cùng hấp dẫn sắp tới cho các nhà nghiên cứu.

Như vậy, vấn đề hạnh phúc đã sáng tỏ? Về mặt triết học, có lẽ nó đã sáng tỏ. Nhưng về mặt tâm lí, còn nhiều điều cần phải khám phá thêm. Tại sao có những người sống một cách máy móc đến khó tin là họ đã thật sự sống? Tại sao lại có những người luôn biết rất rõ họ phải làm gì để đạt được thoải mái? Và tại sao đa số chúng ta lạc lối một cách nào đó trên bước đường đi tới? Có lẽ chẳng phải là vì người này hiểu rõ hạnh phúc hơn người kia… Phải chăng hạnh phúc được đánh giá quá cao? Hay chăng một cuộc sống hạnh phúc rốt cuộc có lẽ cũng không hẳn là một cuộc sống thành công? Phải chăng còn có cái gì đó quan trọng hơn hạnh phúc?

• Máy Matrix. Phải chăng cuộc sống có một í nghĩa?

Bình luận