Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 23

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Gent

Trẻ ống nghiệm 

Y học truyền sinh sẽ đi về đâu?

 

Gent là một thành phố cảng đẹp ở Bỉ, nổi tiếng với chợ hoa và những con đường hẻm trong phố cổ. Trong những năm 2002 và 2003 có thêm một lí do nữa để những đôi thanh niên trẻ tới thăm thành phố này. Ở Gent có phòng mạch của bác sĩ chuyên về khoa truyền sinh Frank Comhaire, người sẵn sàng giúp các đôi vợ chồng trẻ có được con gái hay trai theo í muốn, đối lại phải trả cho ông những món tiền thù lao khá bộn. Khoảng 400 cặp đã có được con theo í muốn. 

Comhaire làm việc chung với một phòng thí nghiệm ở Fairfax thuộc bang Virginia, Hoakì. Tinh trùng của các người cha trong cuộc được Comhaire chuyển sang Hoa-kì để nhờ máy phân lọc ra theo phái tính. Việc phân lọc này không khó, vì dưới ánh sáng của tia Laser, các nhiễm sắc thể nam (Y) ít chiếu sáng hơn các nhiễm sắc thể nữ (X). Sau khi các tinh trùng phân loại được chuyển lại về Bỉ, Comhaire cho chúng kết phôi trong ống nghiệm rồi cấy vào tử cung của người mẹ.

Phòng mạch của vị bác sĩ người Bỉ này là thành phần của một chương trình thử nghiệm i khoa lớn dưới sự giám sát của cơ quan i tế FDA Hoa-kì. Sáu mươi bệnh viện và bảy trung tâm truyền sinh quốc tế tham gia vào chương trình chọn phái tính này. Và khách hàng của họ là những người Tây-ban-nha, Bỉ, Hoà-lan, Anh, Bắc-âu, Pháp và đức.

điều kiện duy nhất cho những người tham gia là độ tuổi của người mẹ. Họ phải từ 18 tới 39 tuổi. Nếu các bà này đã có một con rồi thì càng tốt, vì như thế hi vọng sẽ có sự quân bình gia đình cho họ. Các yếu tố còn lại sẽ tuỳ vào thị trường. Thử máu: 1200 âu kim, phí chuyên chở và phân loại tinh trùng: 2300 âu kim, 6300 âu kim cho việc thụ tinh trong ống nghiệm và cấy vào tử cung. Ai muốn chắc chắn có được con theo í muốn, phải trả thêm 6000 âu kim. Giá thành cao như thế giúp Comhaire an tâm về mặt đạo đức. Ông bảo, nó sẽ làm chùn tay những ai muốn thương mại hoá, và càng khó tham gia, hi vọng càng ít gặp trở ngại về mặt đạo đức. Pháp lí mới là mặt đáng sợ hơn. Nước Bỉ không cấm việc tự do chọn phái tính con cái. Nhưng chương trình kế hoạch hoá gia đình của Comhaire bị truyền thông phản ứng mạnh, khiến quốc hội nước này đã ra luật cấm.

Các đồng nghiệp của ông ở Hoa-kì trái lại vẫn yên tâm, vì luật pháp hoa-kì xưa nay vẫn cho phép chọn phái tính con cái. Phương pháp MicroSort (phân loại tinh trùng) đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1992. Thoạt tiên, phương pháp này là nhằm để phục vụ sức khoẻ cho dân, chẳng hạn để giúp cho một số gia đình có thể chọn con gái, hầu tránh được những chứng di truyền về máu trên phái nam. Năm 1995, đứa bé đầu tiên theo phương pháp này chào đời. Và kể từ 1998, công ti liên hệ mở rộng dịch vụ của họ ra cho cả những cặp vợ chồng khoẻ mạnh. 

Ở Anh quốc năm 2003, trường hợp của một gia đình người Scotland làm thiên hạ xôn xao. Gia đình này đã có ba con trai, đứa con gái duy nhất của họ qua đời vì một tai nạn. để tạo lại „chiều kích nữ giới“ trong gia đình, họ xin phép được thụ tinh một cháu gái qua ống nghiệm. đơn bị từ chối, vì thiếu lí do i khoa. Các báo lá cải làm ầm lên, và khác với bên Bỉ, các báo Anh đứng về phe của gia đình trên. Tháng ba năm 2005, Uỷ Ban Khoa Học Và Kĩ Thuật của quốc hội yêu cầu sửa luật, theo đó, có thể chấp nhận việc thụ tinh chọn phái tính cho con nơi một số trường hợp đặc biệt. Qua Bạch thư tháng mười hai năm 2006, chính quyền Anh vẫn tiếp tục cấm, nhưng đã mở ra khả năng có thể chấp nhận trong tương lai.

Tiến bộ kĩ thuật càng tăng, càng có nhiều gia đình liều lĩnh tới với chương trình. Và một khi đã có thể chọn phái tính, thì họ cũng có thể chọn màu mắt hoặc cỡ lớn thân hình cho con. Viễn tượng đó làm cho không ít người hiểu biết về i học truyền sinh vô cùng âu lo. Họ sợ như thế sẽ biến trẻ em thành một thứ sản phẩm chế tạo theo đơn đặt hàng. „Ưu sinh di truyền thương mại“, „Trẻ em hàng mẫu“, các nhà phê bình đã la toáng lên như thế. Cũng như ngành giải phẩu thẩm mĩ, i học truyền sinh cũng có thể mau chóng trở thành một một thị trường mang theo những quy chuẩn hoàn toàn mới vào thế giới. Những gia đình nào không kịp thời kiểm tra sức khoẻ và mĩ thuật cho con, có thể bị xã hội nhìn như là những thành phần hoặc là không đủ khả năng, hoặc là đã chểnh mảng để cho một đứa con xấu xí và thiếu cơ hội sinh ra trong một thế giới toàn mĩ. điều này hiện còn là một viễn tượng, nhưng xem ra chẳng còn xa lắm.

Vì thế, chúng ta thử tìm hiểu các khả năng cũng như các cơ nguy của khoa chẩn khám phôi trước khi cấy vào tử cung (PID, Präimplentationsdiagnostik) từng bước một về mặt đạo đức. Tôi được tạo ra ở đâu: trên giường, ngoài đồng, trong xe hay trong ống nghiệm? đó là một trong những câu hỏi quan trọng của con người. Quan trọng, không phải vì rồi đây tôi nhất thiết sẽ phải đối diện với vấn nạn đó, hay vấn nạn này sẽ là một gánh nặng cho tâm trí tôi. Nhưng đó là một câu hỏi nhức óc đối với các luật gia, các bác sĩ và những nhà đạo đức học: Chúng ta nghĩ gì về việc thụ tinh ống nghiệm? Chúng ta được phép biết gì về cái phôi vừa được tạo ra? Và chúng ta được phép lựa chọn những gì?

Ngày nay, việc thụ tinh ống nghiệm đã trở thành chuyện bình thường. Bác sĩ phụ khoa dùng kích thích tố tạo chín mùi trứng trong dạ người nữ rồi lấy ra một lúc từ 5-12 trứng, cho chúng kết hợp với tinh trùng đã được kiểm soát trước. Vì mức độ thành công chỉ vào khoảng 70%, nên người ta phải cho thụ tinh một lúc nhiều trứng để dự phòng.

Một phương pháp mới hơn, đó là dùng máy vi động bắn một tinh trùng (được tuyển chọn) vào trứng. Vào ngày thứ hai, khi trứng đã tự phân thành hai, người ta cấy hai phôi này vào tử cung người mẹ. Một cách thế khác thông dụng hơn: chỉ cấy phôi vào tử cung sau khi trứng đã thụ tinh được năm ngày. Số trứng thụ tinh dư thừa sẽ bị huỷ đi hoặc, như một số quốc gia cho phép, giữ đông lạnh trong môi trường nitơ lỏng. Hai tuần sau khi cấy, bác sĩ khám nghiệm xem kết quả. Mức độ thụ thai vào khoảng 40%.

đó là nói về phương pháp. Ở đức, khoảng một trên tám mươi đứa trẻ sinh ra đều do thụ

tinh ống nghiệm. Thoạt tiên, người ta dùng phương pháp này cho hai nhóm người. Giúp những gia đình có nguy cơ lớn về bệnh di truyền kịp thời thử và loại những phôi bất thường, hầu có được những đứa con lành mạnh. Và giúp cho những đôi vợ chồng không thể có thai được theo lối bình thường. Với nhóm sau này, đôi khi phải cần tới tinh trùng của một người đàn ông khác hoặc trứng của một người đàn bà khác, chứ không phải của hai vợ chồng trong cuộc. Và có khi cũng cần thêm một người đàn bà khác mang thai giúp, vì chính người phụ nữ muốn có con không thể mang thai được. Luật đức cấm phụ nữ tặng trứng và cấm việc mang thai giúp, nhưng cho phép đàn ông tặng tinh trùng.

Luật đức cũng cấm việc chẩn khám chọn phôi (PID). Ở các nước khác, người ta cho phép lấy ra một tế bào từ phôi sau hai ngày thụ tinh ống nghiệm để khám xem có bị dị chứng di truyền nào không. Sau đó bác sĩ và cha mẹ sẽ quyết định, có muốn cấy phôi vào tử cung bà mẹ hay không. Ở đức, không được chẩn khám bịnh di truyền của phôi trước khi cấy vào lòng mẹ, mà chỉ được khám sau khi đã cấy, trong trường hợp có nguy hiểm cho mẹ con. Và nếu phát hiện ra mầm bệnh tương lai và người mẹ tin rằng, bà không thể vượt qua nổi thứ thách, thì bà được phép phá thai cho tới lúc gần ngày sinh. Trường hợp bào thai vẫn sống sót, thì người mẹ phải chấp nhận đứa con với tất cả những thương tật do việc phá thai gây ra.

Những người biện hộ cho PID coi cấm đoán trên đây là điều vô lí. Họ bảo, việc cho phép chẩn khám phôi trong ống nghiệm sẽ tránh được những nguy hiểm phá thai về sau. Vì thế, không lạ gì các nước trong Liên Hiệp Âu Châu đã có những chính sách rất khác nhau về PID. Ở Anh quốc chẳng hạn, các gia đình giàu có thể cho chẩn khám con dễ dàng lúc còn trong ống nghiệm. Nhưng sự dễ dãi này cũng đã dẫn tới những ước muốn như kiểu gia đình ở Scotland, đã có ba con trai giờ đây muốn thêm một cháu gái. Mà việc tuyển chọn phôi vì lí do phái tính có phải là chuyện xấu không? Trong trường hợp này, gia đình ở Scotland có thể sẽ hạnh phúc và chẳng người nào trong cuộc bị phạt cả. Những phôi dư trước sau gì cũng bị huỷ hoặc bị cho đông lạnh. Như vậy, việc cố í chọn ra một phôi bào nữ, thay vì để cho ngẫu nhiên mang tới một phôi nam, có chi là xấu?

Ngay đa số các nhà phê bình cũng đều xác nhận, chuyện chọn phôi theo phái tính chẳng có gì trái đạo đức. Chỉ trừ những ai chống PID vì lí do tôn giáo, vốn cho rằng, đây là một hành vi do í muốn của đôi vợ chồng, chứ không phải được định đoạt do bàn tay của Thiên Chúa. Sở dĩ người ta chống PID, là vì những hậu quả đạo đức và xã hội của nó. Nếu việc tự do chọn phôi trở thành chuyện bình thường, nó có thể tạo ra cơ nguy vỡ đê rất nguy hiểm. Thế nên, các nhà phê bình khó tính phản đối PID triệt để. Họ coi đó là sự chọn lựa giữa „cái đáng sống“ và „cái không đáng sống“, và đó là chuyện hoàn toàn vô đạo đức. Họ bảo, không một ai được quyền chọn lựa giữa đứa con khỏe mạnh và đứa con tật nguyền. Những nhà phê bình ít khe khắt hơn thì coi việc chọn phôi vì lí do i khoa chẳng có vấn đề gì. đối với họ, sự lựa chọn sẽ trở thành vô đạo đức, chỉ khi nó không đặt nền trên tiêu chuẩn i khoa, như việc chọn phái tính, chiều cao hay thẩm mĩ thân xác. 

Ta hãy xét quan điểm đầu tiên. Có gì xấu nơi việc phân biệt giữa một sự sống „đáng sống“ và một sự sống „không đáng sống“? Sự phân biệt này khiến ta liên tưởng tới chính sách man rợ của Quốc Xã đức, chúng coi những người tật nguyền thể xác và tâm thần là không đáng sống và đem giết họ. Nguy hiểm, là khi một nhà nước trở thành quan toà quyết định giá trị sự sống của con người và nhà nước đó giết chết những người còn muốn sống. Cả hai trường hợp này nhất thiết phải bị kết án về mặt đạo đức. đó là cái bất công chống lại con người nặng nề nhất.

Hai vi phạm đạo đức trên đây có đúng cho PID không? Thưa không, là vì phôi mới phân thành bốn hay thành tám tế bào chưa phải là người. Và ở đây, không có sự lạm dụng của nhà nước, mà chỉ là sự chọn lựa của các cặp cha mẹ tương lai. Và nếu bỏ ra ngoài lí do tôn giáo, thì đâu là lí do để cho rằng, cha mẹ không có quyền có một đứa con lành mạnh, không tật bệnh? Lại nữa, khi quyền này có thể hành xử mà không làm hại ai hay giết hại ai? Việc tuyển chọn phôi khoẻ mạnh đi ngược lại quan niệm xưa nay chúng ta vẫn có về sự may rủi i khoa trong thai nghén. Nhưng xã hội con người đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu cái may rủi đó. Chúng ta đã tiết giảm được tỉ lệ tử vong nơi trẻ em và đã cải tiến khoa hộ sản. Thế thì tại sao ta lại cứ giữ vững quan điểm vốn có đối với PID? Phải chăng tiến bộ i khoa này mang lại nhiều hại hơn lợi, nhiều đau khổ hơn hạnh phúc cho con người?

Chúng ta bước sang quan điểm thứ hai. đâu là lí do chống lại sự tuyển lựa phôi ngoài tiêu chuẩn i khoa? Những người phê bình sợ rằng, nếu cho phép, thì rồi ai ai cũng đòi cho mình được phép làm, nhất là những người có dư tiền của. Những gì trước đây được tạo thành do ngẫu nhiên, rồi đây sẽ tuỳ thuộc vào sở thích độc đoán của cha mẹ. Trong các quốc gia đang phát triển có thể rồi chỉ sinh toàn là con trai, như hậu quả đang thấy do chính sách một con đi liền với thói giết trẻ gái sơ sinh hiện hành ở Trung Quốc. Trong khi đó, tại các nước giàu Tây Âu, nhởn nhơ khắp nơi các trẻ em lành mạnh, tóc hung mắt xanh, cao ráo lực lưỡng. Và nếu tình trạng xấu nhất xẩy ra, thì chỉ có con cái của lớp thượng lưu giàu có là tóc càng ngày càng hoe vàng hơn, thân thể tráng kiện hơn, trong khi con cái của giới nghèo vẫn mãi là thứ „đáng ghét“. Hoặc tình trạng trở nên ngược lại: Các trẻ em giới hạ lưu được lựa chọn theo thị hiếu đa số, nhưng chính vì thế trở thành thành phần ngoài lề xã hội, vì thị hiếu thay đổi. Là vì cái gì càng có quá nhiều, nó càng bị giảm giá trị. Chỉ những ai khôn ngoan mới nhận ra kịp thời và tránh không tham gia vào mốt thời trang này. Vì thế, phải ngăn cấm PID.

Viễn tượng đó làm cho nhiều người ớn lạnh, dù rằng tất cả hãy còn đang trong vòng khoa học giả tưởng. Nhưng, một khi đã có được những khả thể đó và chúng được phép làm cũng như được áp dụng, thì cảm giác ớn lạnh có thể sẽ dần nguôi đi. Biết đâu, sau một thế hệ trẻ con được tác tạo theo lối tuyển chọn này, một ngày nào đó phương pháp này sẽ được người ta cảm thấy bình thường và trở thành đương nhiên? 

Trước đây mười năm, việc giải phẩu thẩm mĩ được coi là chuyện thương mại xấu xa. Ngày nay nó trở thành đương nhiên – ít ra trong một vài lãnh vực và nơi một một vài giai tầng xã hội nào đó. Có bao nhiêu trẻ em rồi sẽ kiện cha mẹ chúng, vì chúng đã không được cha mẹ kịp thời „tối ưu hoá“? Là vì tiếp sau PID sẽ tới PIR (Prä-Implantations-Reparatur: Tu bổ trước khi cấy vào dạ con) và PIO (Prä-Implantations-Optimierung: Tối ưu hoá trước khi cấy vào dạ con). Trong một tương lai không xa, các tế bào phôi hư hại có thể sẽ được thay thế bằng những di tử lành mạnh. Phương pháp này có thể đơn giản hơn, nhiều triển vọng hơn và nhất là rẻ hơn so với việc chữa trị những người bị bệnh hoặc thương tật. Với PIO, những di tử tốt có liên hệ với những đặc tính nào đó sẽ được ghép vào. Cho tới hôm nay, hiếm có một di tử nào trực tiếp tạo ra một đặc điểm cơ thể hoặc nhân cách nào, nhưng hiếm không có nghĩa là không có. Màu mắt của ta được tạo nên bởi một di tử duy nhất. Nếu thay đổi di tử, mắt ta có thể sẽ chuyển thành nâu thay vì xanh, hoặc ngược lại. PIO đưa ta đến ngay cả ước mơ cải tiến giống người, biến chúng trở nên loài đạo đức và yêu chuộng hoà bình hơn; nếu đạo đức là con đẻ của một di tử nào đó, chỉ cần tìm ra và thay di tử này đi là mọi chuyện trở thành tối ưu.

Giấc mơ của con người rất lớn. Ba mươi năm sau ngày bé ống nghiệm đầu tiên Louise Joy Brown ra đời, I học truyền sinh đã biến thành như một „thế giới phép lạ“. Như vậy, ta có thể chấp nhận sự phân biệt giữa việc tuyển chọn hoặc tối ưu hoá theo yếu tố i khoa và ngoài i khoa. Việc tuyển lựa theo yếu tố i khoa hoặc tu bổ các di tử hư hại không làm hại ai, mà chỉ mang lại lợi ích cho cả cha mẹ lẫn con cái. Trái lại, nơi việc tuyển lựa hay tu bổ theo yếu tố thẩm mĩ, cha mẹ đẩy con vào một nguy cơ không thể lường trước được. Là vì ở đây, yếu tố quyết định là thị hiếu của cha mẹ, chứ không phải í muốn của con. Quyết định về sức khoẻ thì không có vấn đề, nhưng quyết định về thẩm mĩ thì nguy hiểm. Cái hôm nay được coi là đẹp, hai mươi năm tới có thể bị chê là loè loẹt hay nhạt nhẽo. Mà dù thị hiếu của tôi vẫn không đổi, thì chưa chắc con tôi cùng có một thị hiếu như tôi. Như vậy, việc cho phép tuyển chọn phôi vì lí do thẩm mĩ không mang lại ưu điểm nào cho xã hội. Trái lại, đúng hơn xã hội phải làm sao bảo vệ trẻ em thoát khỏi thị hiếu chuyên quyền của cha mẹ.

Ta có thể đồng í như vậy. Nhưng ta cũng có thể hỏi, các nhà lập pháp có bổn phận phải can thiệp tới mức nào trong lãnh vực này? Bắt đầu từ thời điểm nào nhà nước có nhiệm vụ phải bảo vệ con người trước hành vi của chính họ? Và việc bảo vệ trẻ con khỏi những giá trị độc đoán của cha mẹ là một chuyện. Cách đây năm năm, bà Margot von Renesse, lúc đó là chủ tịch uỷ ban điều tra „Luật Pháp Và đạo đức Của Nền I Học Tân Tiến“ của Quốc hội đức, đã tuyên bố như sau: „Chẳng có người thứ ba nào, kể cả hai cha mẹ tương lai, có quyền quyết định về giá trị sự sống của một con người“. Nhưng thực tế cho thấy câu nói này, cũng như nhiều lời hay í đẹp khác, chẳng đúng bao nhiêu.

Trong bài về phá thai, ta thấy điều ngược lại – ở đây, chính người mẹ quyết định trên quyền sống và như vậy trên giá trị sự sống của thai nhi. điều tuyên bố của bà von Renesse chẳng phải là một nguyên tắc căn bản ở đức và cả cho các nước Âu châu. Và có lẽ nguyên tắc này rồi đây cũng chẳng được quốc gia nào lưu í và chấp nhận. 

Nhưng trong khi đó, i học truyền sinh đã tạo ra nhiều phép lạ đáng ngờ mới tại nhiều nơi trên thế giới. Qua đó, nó đưa ta tới một lối tiếp cận hoàn toàn mới đối với thời gian. Tháng bảy năm 2005, một bà mẹ 45 tuổi ở California sinh hạ một đứa con, mà phôi của nó đã được đông lạnh cất giữ từ 13 năm trước. Như vậy, hai đứa con song sinh 12 tuổi của bà có thêm ba đứa em tam sinh, cả ba em này đều được thụ tinh cùng một phương pháp như nhau. đối với bác sĩ truyền sinh người Hoa-kì Steve Katz thì đây mới là khởi đầu. Ông cho hay, tương lai có thể sẽ có những đứa con được sinh ra sau năm mươi hay một trăm năm đông lạnh, sau khi bố mẹ chúng đã chết. 

Một vấn đề khác là việc nuôi cấy các cơ phận thay thế. Tháng bảy năm 2004, câu chuyện bé Joshua Fletcher ở Anh gây rúng động công luận. Joshua bị một chứng bệnh lạ về máu, thân thể của em không tạo ra đủ hồng huyết cầu, vì thế em khó có hi vọng sống lâu. Muốn cứu Joshua, phải có tế bào gốc của một thân nhân rất gần gũi với em. Vì cha mẹ và người anh của em không có di tử trùng hợp, nên người ta nghĩ tới việc tạo ra những đứa em cùng di tử với Joshua qua lối thụ tinh ống nghiệm, để rồi trích tế bào gốc của các em này để cứu Joshua. Chính phủ Anh cho phép như một trường hợp đặc biệt. Ở đức, với luật lệ hiện hành, chuyện như thế chắc chắn sẽ chẳng được chấp thuận. Kết quả chuyện Joshua như thế nào, chẳng ai biết, vì chẳng được tiết lộ gì thêm sau đó.

Một khả thể mới nữa của i học truyền sinh là đẩy lùi độ tuổi mang thai nơi các phụ nữ. Chuyện ồn ào xẩy ra từ cuối thập niên 90’ qua vụ gọi là chuyển huyết tương tế bào trứng. để tế bào trứng của một phụ nữ đã lớn tuổi dễ dàng thụ tinh nhân tạo, nó cần phải được làm tươi bởi huyết tương tế bào trứng của một phụ nữ trẻ khác. Cha đẻ của phương pháp này là bác sĩ truyền sinh James Grifo, người Mĩ ở NewYork. Ông là người đầu tiên cho chuyển huyết tương của một người trẻ vào tế bào trứng của một người lớn tuổi, và nhờ đó tạo được các phôi bào nhân tạo. Phương pháp của ông thành công, và những đứa con đầu tiên của Grifo hiện đang sống tại Trung Quốc. để tránh việc chờ đợi xin phép, Grifo nhảy sang thử nghiệm tại Trung Quốc, nơi hoàn toàn tự do trong lãnh vực này. 

Sau đó chẳng bao lâu, người ta không cần phải sang Trung Quốc nữa. Một nhóm nghiên cứu quanh ông Jacques Cohen thuộc Viện I Học Truyền Sinh ở Lexington thuộc bang New Jersey cho hay, vào năm 2001 có 15 bé được sinh ra nhờ kĩ thuật chuyền huyết tương của họ. Có một điều không thấy Grifo nói ra, đó là huyết tương của người hiến tặng chẳng phải là một nguyên liệu trung tính. Nhưng nó chứa đựng nhiều thành phần tế bào của người tặng, trong đó có cả các Mitochondrien có chứa tế bào di truyền. Khi trộn Mitochondrien của người tặng với trứng của người mẹ, phôi được hình thành từ đó sẽ mang đặc tính của ba người: Người cha và mẹ trong di tử của nhân tế bào – cũng như của người mẹ và người tặng huyết tương trong các di tử Mitochondrien. đứa bé do đó là một hỗn hợp di tử không phải của hai, mà là của ba người.

Tháng mười một năm 2005 Douglas Wallace thuộc đại học California ở Irvine nhận ra một nguy cơ lớn nơi phương pháp chuyển huyết tương tế bào trứng. Nhiều con chuột được tác sinh bằng lối này không có khả năng sinh đẻ. Như vậy, nhiều đứa con của Grifo và Cohen có thể cũng ở trong tình trạng hiếm muộn. Các nghiên cứu cho thấy, những cuộc thí nghiệm áp dụng cho người của các nhà khoa học truyền sinh ở Hoa-kì đã không kinh qua chuỗi thử nghiệm với loài vật trước, như luật pháp vẫn quy định. điều đó cũng cho thấy sự bất lực của ngành lập pháp trong nhiều quốc gia trước các màn ảo thuật của i học truyền sinh. Một vài quốc gia đã có được những biện pháp may mắn, nhờ dựa vào những phỏng đoán tình cờ.

Một khi đã nới rộng việc cho phép thí nghiệm phôi và PID, thì khó mà ngăn chặn được các lỗ hổng hoặc cấm được những kĩ thuật luôn luôn mới dựa trên những gì đã cho phép, nhưng kết quả của các kĩ thuật này phần nhiều lại đáng luận phạt. Và khi một phương pháp xem ra không có vấn đề mà lại đưa tới những kết quả có vấn đề, thì hệ quả pháp lí của chúng sẽ không lường. Chưa ai biết được mức độ rối loạn đạo đức và phí tổn toà án do chúng gây ra: Rồi đây một số người do Cohen và Grifo tạo ra sẽ kiện lại hai vị này, vì họ bị chứng hiếm muộn? Họ sẽ đòi hưởng gia tài hoặc sự chăm sóc của người mẹ vô tội thứ hai, kẻ đã hiến tặng huyết tương để làm tươi tế bào trứng của mẹ ruột mình? Hay chính bà mẹ thứ hai này lại đòi quyền nhìn mặt và chăm sóc đứa con mà bà không biết?…

Như đã nói, nhà nước không có nhiệm vụ cấm các bậc cha mẹ tương lai có những thị hiếu, quan điểm và viễn tưởng của họ. Một cấm đoán như thế sẽ đưa đến độc tài. Nhưng mặt khác, nhà nước có bổn phận phải làm sao loại trừ được những thiệt hại có thể lường được. Giữa tự do của cha mẹ và sự ngăn chận những thiệt hại cho con là một cây cầu đạo đức và pháp lí bấp bênh, và các khả năng mới của i học truyền sinh luôn diễn ra trên đó. Nếu hôm nay hay mai đây được phép tuyển chọn con, thì hậu quả dây chuyền của nó sẽ không biết đường nào mà lường. Là vì một xã hội bị phân cắt như thế sẽ mất đi cái đặc tính cho tới nay vẫn mang tính bắt buộc và không thể tránh: Chấp nhận hoàn cảnh sống của mình!

Giải phẩu thẩm mĩ hứa hẹn vẻ đẹp cho khuôn mặt và thân thể. I học truyền sinh hứa hẹn loại trừ kịp thời những khiếm khuyết ngay từ đầu. Sức khoẻ và thẩm mĩ, như vậy, sẽ tạo ra một đòi hỏi kép: đòi hỏi của cha mẹ đối với con cái và của con cái đối với cha mẹ. Một xã hội như thế không những làm mất đi sự cảm thông và chấp nhận những khiếm khuyết và những khác biệt thiểu số, nó còn đẩy cha mẹ và con cái vào một hoàn cảnh khó xử. Con cái sẽ chấp nhận những „cải tiến“ do cha mẹ tạo cho mình? Và chúng ngược lại cũng sẽ chấp nhận việc khước từ cải tiến của cha mẹ, để vì thế nó trở thành một hạng người bị xã hội đẩy ra lề?

Mỗi khả thể mới đặt ra cho lập pháp một yêu sách hầu như không thể đáp ứng nổi: phải cân nhắc giữa cái lợi và cái hại có thể xẩy ra. Giả sử Joshua Fletcher có được một người em, và người em đó đã cứu mạng mình, trong lúc chính người em chẳng bị nguy hại gì. Nếu mai đây người em này biết được lí do tạo sao nó có mặt trên đời, thì sao? Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được sinh ra không phải chỉ do tình yêu vô vị lợi mà thôi. Và ai sẽ nói cho em kia biết, là em đã được tạo ra chỉ vì để cứu sống anh, chứ không phải vì cha mẹ muốn có thêm một đứa con nữa?

Một khả thể không không dựa trên cái lợi cũng có thể sai về mặt đạo đức.

Mặt khác, một xã hội cho phép ưu sinh (Eugenik), cho phép tự do chọn lựa đặc điểm cơ thể sẽ đặt con người trước một bất an rất lớn. Cho dù, tuỳ từng trường hợp, ta không thể dùng lí do đạo đức để cấm được việc ưu sinh thương mại, nó chắc chắn vẫn tạo ra những nguy cơ về mặt công ích. Là vì đâu là hình ảnh chúng ta muốn có về con cái chúng ta? Phải chăng chúng ta muốn biến quyền chăm sóc của chúng ta đối với một sinh vật độc lập thành quyền sở hữu của chúng ta đối với một đối tượng do ta tạo ra? Nếu như thế thì ta phải hiểu ra sao về sự sống? Cũng chẳng nhất thiết có hại gì, nếu ta biết bằng, không phải tất cả mọi thứ của sự sống đều có thể tu bổ được. Tuy nhiên, nếu so khả năng tu bổ của kĩ thuật di tử và của i học truyền sinh với ông khổng lồ đang ngủ: khoa nghiên cứu não, thì i học truyền sinh chỉ là một chú lùn.

• Cây cầu bắc vào thế giới tinh thần. đâu là biên giới của việc nghiên cứu não?

Bình luận