Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 18

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Berlin

Thời giờ sau hết

Có được phép trợ tử không?

„Warnemünde là một địa danh vui, dễ thương. Biển sóng dạt dào, không khí trong lành. Cách đây nhiều năm, hai mẹ con đã một lần ra nơi Biển đông này rồi. Sắp tới, bà sẽ lại đưa con ra đó. Con bà không muốn nằm dưới đất nặng nghĩa trang.

Tờ quảng cáo về hải táng để trên đầu tủ lạnh. Marie-Luise Nicht cứ cầm lên đặt xuống. Mọi chuyện đối với bà vẫn còn xa. Con bà vẫn còn nằm trong căn phòng lớn và đẹp bên cạnh phòng bà. Nó còn thở, tim vẫn đập, người còn nóng. Thỉnh thoảng nó mở mắt. đó không phải là một người đã chết.

‚Con người đó’, bà Nicht cho hay, ‚là Alexander, đã chết cách đây bốn năm’. ‚Còn đây là một Alexander mới’. đối với i khoa: đó là một con người không có cái Tôi, không còn cảm nhận, không còn khả năng giao tiếp – và cũng không còn cơ hội đổi khác nào cả. Còn với MarieLuise Nicht: đó là đứa con yêu của bà.

Lúc đầu, thỉnh thoảng bà nắm chặt bàn tay mình trong túi vải, đấm con lia lịa, miệng hét:

Con tỉnh lại, không thể bỏ mẹ một mình được! Giờ thì hết rồi.

đứa con giờ đây xem ra chẳng còn đau đớn. Cơ bắp của nó mềm ra, chẳng tiết ra mồ hôi,

có lẽ cũng chẳng cảm giác nữa. Từ lâu, bà mẹ đã quen nhìn cái miệng luôn luôn mở của con, thỉnh thoảng có những giọt nước miếng chảy ra. Bà có thể nói với con, có thể vuốt ve và thoa bóp cho nó, có thể mang nó lên xe lăn đưa ra ngoài, mỗi khi trời đẹp. Bà nghĩ có thể sống với con mãi mãi như thế. Dù vậy, bà muốn con bà được chết. Là vì bà biết chắc rằng, con bà không muốn kéo dài cuộc sống nhờ vào dây chuyền thức ăn như kia.“

Tuần báo Der Spiegel số mùa hè 2006 đã viết về số phận của Alexander Nicht và bà mẹ của em như trên. Một đêm tháng mười năm 2002, cậu học sinh chuẩn bị thi tú tài ở Berlin vô tình bị một chiếc xe cán và bị chấn thương sọ não nặng. Cậu được đưa vào phòng cấp cứu bệnh viện. Một phần lớn vỏ đại não bị hư, không còn có thể cứu vãn. Gần bốn năm dài Alexander ở trong tình trạng hôn mê thức (Wachkoma), chẳng nói năng gì được và cũng chẳng còn hi vọng trở lại cuộc sống bình thường. Bà mẹ tin rằng, chắc chắn con mình chẳng muốn một cuộc sống như thế. Nhưng các bác sĩ bệnh viện cương quyết giữ sự sống đó, và pháp luật cũng không chấp thuận lời yêu cầu tháo dây của bà mẹ. Vấn đề pháp lí thật rắc rối, chứ không đơn giản như thoạt nhìn. Theo luật, không bác sĩ nào ở đức có quyền kéo dài cuộc sống ngược lại í muốn của bệnh nhân, nhưng với một người như Alexander thì làm sao biết được í muốn của em. Thay vì đáp ứng lời yêu cầu của bà mẹ, họ tiếp tục giữ Alexander sống.

Bệnh nhân hôn mê không còn có cơ tỉnh lại là một trong nhiều trường hợp khó xử cho luật pháp, cho những cân nhắc đạo đức và cho câu hỏi về í muốn và quyền của đương sự. Trường hợp này, ai được phép cùng quyết định? đâu là biên giới được phép của bác sĩ? Phải chăng bác sĩ có quyền chấm dứt sự sống của một bệnh nhân hết cơ may sống, bằng cách tháo dây chuyền thức ăn hay chuyền khí thở (trợ tử tiêu cực)? Họ được phép chích một liều thuốc giảm đau mạnh để bệnh nhân mau chết (trợ tử gián tiếp)? Bác sĩ được phép giúp bệnh nhân chấm dứt sự sống, thể theo lời yêu cầu rõ ràng của bệnh nhân (trợ giúp tự tử)? Và cuối cùng: Bác sĩ được phép, thể theo lời yêu cầu của bệnh nhân, cho họ một liều thuốc hay chích cho họ một mũi thuốc, để kết liễu đời họ (trợ tử tích cực)?

Luật ở đức có những quy định rõ ràng đối với trường hợp trợ tử tích cực. Luật lên án lối trợ tử này. điều 216 (giết người theo yêu cầu) của bộ luật hình sự có nội dung như sau: „Ai được xác nhận là đã giết người theo yêu cầu rõ ràng và khẩn thiết của người bị giết, người đó sẽ bị kết án tù giam từ sáu tháng tới năm năm“. Bác sĩ nào quyết định cho chết mà không có lời yêu cầu của bệnh nhân, người đó có thể bị kết án tội sát nhân. điều 216 không những bảo vệ cá nhân trước chính mình, mà đồng thời còn cản ngăn việc giết người theo í riêng của mình, rồi sau đó khai với toà án rằng, chính người kia đã yêu cầu mình giết. Một rào cản pháp lí như thế rõ ràng là điều tốt. Nhưng có phải đều tốt trong mọi trường hợp?

Dù luật trong các nước Âu châu khác nhau, nhưng chẳng có nước nào cho tới nay trực tiếp cho phép việc trợ tử tích cực cả. Hoà-lan năm 2001 và Bỉ năm 2002 đã cho phép trợ tử tích cực cách gián tiếp. Theo đó, trợ tử tích cực vẫn bị cấm, tuy nhiên nó có thể „không bị kết án“ trong một số trường hợp thoả mãn được những đòi hỏi của luật định. Hoà-lan cho phép khoản này là để giải quyết tình trạng trợ tử tích cực vẫn diễn ra âm thầm từ năm 1969 trong một số phòng mạch bác sĩ nước này, trong khi đó đa phần dân chúng vẫn tán đồng việc cấm đoán chính thức. đây là một biện pháp cũng giống như việc phá thai ở đức: nguyên tắc là cấm, nhưng không bị án phạt, nếu thoả mãn một số điều kiện luật định. Từ năm 2001, một bác sĩ hành nghề ở Hoà-lan được phép giết một bệnh nhân, nếu 1) bệnh nhân rõ ràng muốn điều đó, 2) có một bác sĩ thứ hai làm cố vấn và nhân chứng và 3) bác sĩ thực hiện phải khai báo cho công tố viện, để cảnh sát có thể theo dõi sự việc.

Những người biện hộ việc cho phép hoặc không kết án trợ tử tích cực nêu lên quyền tự quyết của mỗi người để biện minh cho quan điểm của mình. Theo họ, tất cả những ai còn đầy đủ í thức đều có quyền quyết định về sự sống và vì thế cả về cái chết của họ. Hiến pháp nước đức nói tới „Phẩm giá con người“. Phẩm giá này như vậy gồm cả quyền tự quyết về sự sống lẫn tự quyết về cái chết. điều lạ, cả hai phía chống và muốn trợ tử tích cực đều dựa vào lập luận của Kant. Phía chống nêu ra „sự bất xâm phạm“ tuyệt đối của sự sống con người, vì con người, theo Kant, mang trong nó mục đích tự tại. Không được phép „làm sai lạc mục đích“ (verzweckt) của con người. Cho phép một người nào khác giết mình, có nghĩa là mình không còn làm chủ trên mình nữa, mà là để cho một kẻ khác làm chủ trên mình. Từ một con người tự do, như vậy, trở thành một đối tượng sử dụng lệ thuộc của người khác. Và điều này, nói như Albin Eser, giáo sư hưu trí về luật hình sự ngoại quốc và luật quốc tế thuộc Viện Max Planck tại Freiburg, có nghĩa là „mục đích con người đã bị sai lạc“. Phải chăng có sự khác nhau thật sự giữa việc tự mình sáng suốt quyết định giết mình và việc mình nhờ một người khác giết mình, vì mình (chẳng hạn đang nằm trên giường bệnh) không thể tự làm được? Có phải người ta đang „làm sai lạc mục đích“ của tôi, khi họ không cho tôi chết, dù tôi yêu cầu được chết? Chúng ta biết, lúc về già Kant rất sợ chứng bệnh mất trí (Alzheimer) nguy hiểm đang tới với mình và đã quyết định, nếu rơi vào trường hợp đó thì sự sống chẳng còn í nghĩa và giá trị gì nữa đối với ông. Vì thời đó chưa có các hình thức trợ tử gián tiếp tối tân và việc chấm dứt chữa trị cũng không khiến một bệnh nhân mất trí chết ngay, ta có thể nghĩ rằng, Kant có lẽ hỗ trợ cho chuyện trợ tử tích cực, ít ra cho chính ông.

Một lí chứng rõ hơn biện minh cho việc trợ tử tích cực, đó là con số thống kê. Hàng năm „Deutsche Gesellschaft für humanes Sterben“ (DGHS), một hội ở đức đòi hỏi việc trợ tử tích cực, nhờ các viện thăm dò lấy í kiến người dân, và có tới 80% người được hỏi cho biết, họ tán đồng việc trợ tử tích cực. đối với DGHS, đó là một tín hiệu rõ ràng. Họ yêu cầu các nhà chính trị nên thực hiện những gì đa số người dân muốn. Nhưng mệnh lệnh đạo đức và con số thống kê lại là hai chuyện khác nhau. Nhiều năm trước đây, đa số dân đức chống lại đồng tính luyến ái. Vì thế, phải tống cổ những người đồng tính vào nhà tù, như chuyện đã xẩy ra thật trong thập niên 60’? Nếu đưa ra thăm dò sau biến cố 11.09.2001, hẳn đa số dân đã chống lại những tín đồ bảo thủ đạo Hồi và đòi đuổi họ ra khỏi nước, nhưng ngày nay thì không có chuyện này nữa. Số thống kê cũng phản ảnh tình cảm cấp thời, và chúng lệ thuộc nhiều vào cách hỏi. Bốn năm trước, Deutsche Hospiz Stiftung, một quỹ hội phản đối trợ tử tích cực, cũng có một cuộc thăm dò. Quỹ này không những đưa ra câu hỏi về chuyện trợ tử tích cực, mà còn cố gắng giải thích cho người được hỏi về phương cách và đường hướng chăm sóc những người bệnh ở giai đoạn sau hết, để làm sao cho họ có thể trải qua giai đoạn này trong an bình và không đau đớn. Kết quả thăm dò ngược hẳn kết quả của DGHS. Chỉ có 35% những ai trước đó được nghe cắt nghĩa về chuyện trợ tử tích cực và cách thức chăm sóc trên đây tán đồng việc cho phép trợ tử tích cực. 56% trái lại yêu cầu các bệnh viện nên có những biện pháp mạnh hơn cho phương pháp i khoa chăm sóc mới đó. Như vậy, chủ trương duy lợi, vốn đi tìm hạnh phúc và đau khổ của xã hội qua con số thống kê, quả là chuyện khó khăn.

Lí lẽ (gián tiếp) thứ ba được đưa ra để cổ võ cho trợ tử tích cực ở đức: luật lệ hiện nay quá mâu thuẫn nhau. Ở đức mỗi năm có 800.000 đến 900.000 người chết, ít nhất hai phần ba số đó chết ở bệnh viện hay trong các viện chăm sóc, còn một số rất ít chết ở nhà, bên cạnh những người thân. Xem ra không có ai trong số đó chết vì trợ tử tích cực do tay một bác sĩ hay một nhân viên chăm sóc. đó chỉ là xem ra mà thôi. Trong thực tế, trong vòng mười năm qua, có hơn 300 người mua vé một chiều từ đức sang Thuỵ-sĩ, để nhờ những tổ chức như Dignitas hay EXIT chích thuốc để chết. Theo thuật ngữ luật pháp, đó là „trợ giúp tự tử“. Khác với Thuỵ-sĩ, ở đức không được phép trợ giúp tự tử, mà cũng không cấm đoán chuyện này. Và việc bán thuốc độc cũng chưa phải là trợ tử tích cực. Một tay buôn độc dược Zyankali chỉ bị kết tội vi phạm luật mua bán ma tuý mà thôi. Như vậy, nền tư pháp đức đứng trước một ngã cụt. Nó quá nghi ngờ các tổ chức trợ tử thương mại. Nhưng làm thương mại với chuyện tự tử thì lại hoàn toàn không cấm. Triết gia luật ở Mainz, Norbert Hoerster, nhận thấy có một vấn đề quan trọng trong khoảng trống luật pháp này; nó hoàn toàn đi ngược lại chuyện trợ tử tích cực, vốn là điều ông hỗ trợ, với điều kiện phải dựa đúng trên í muốn tự do của người bệnh. Trong khi cổ vũ cho việc trợ tử tích cực có điều kiện đó, Hoerster đề nghị, người nào xui khiến hay trợ giúp một người khác tự tử, sẽ bị xử tù tới năm năm – trừ ra người đó rõ ràng hành động theo í muốn tự do của người kia. Lí lẽ của Hoerster chủ yếu dựa trên các nguyên tắc duy lợi-ưu tiên, nhưng ông kín đáo đưa vào đây thêm một tiêu chuẩn thứ hai. Không chỉ các ước muốn và í định của người muốn chết là quan trọng, mà cả động cơ của người giúp cũng quan trọng không kém. Là vì để xui khiến ai làm gì, tôi phải có một lí do nào đó, và lí do này có thể mang nhiều í nghĩa khác nhau. Một khiếm khuyết thấy rõ của Duy lợi, là chủ trương này thường chỉ quan tâm tới những hệ quả của hành động, chứ không để í gì tới động cơ của hành động đó. Một người lính nhận lệnh vị chỉ huy giết một trăm người trên trận địa và một tay tội phạm đánh chết một bà già để cướp của, tội của người lính nặng hơn? Một đạo đức chỉ nhìn theo các hệ quả cho đương sự hay cho xã hội mà thôi, đạo đức đó bất túc. 

Gần như tất cả những người duy lợi-ưu tiên đều tán đồng việc trợ tử tích cực, vì điều này có thể là quyền lợi của người muốn chết, vốn thường là một bệnh nhân nan i, không còn hi vọng sống. Những người chống đối, lạ thay, cũng nhân danh quyền lợi của người muốn chết để biện minh cho quan điểm họ. để hiểu điều này, cần nhìn vào trợ tử tiêu cực và trợ tử gián tiếp. Ở đức, được phép trợ tử tiêu cực, nếu đó đúng là ước muốn của người bệnh. Không bác sĩ nào có quyền kéo dài sự sống của một bệnh nhân ngoài í muốn của đương sự. Những khó khăn liên quan tới í muốn của một bệnh nhân hôn mê ta đã có dịp tiếp cận qua trường hợp của Alexander trên đây. Ở đức, trợ tử gián tiếp cũng được phép. Trợ tử gián tiếp hay xẩy ra nhất trong trường hợp terminale Sedierung (an tử). Thuật ngữ này muốn nói lên rằng, bác sĩ chữa trị tiêm cho con bệnh chờ chết một liều thuốc giảm đau, chẳng hạn Morphin, thật mạnh, để con bệnh chìm vào cơn mê. Bác sĩ cố làm hết mình, sao cho con bệnh không đau đớn trong những ngày giờ cuối của họ. đồng thời bác sĩ không cho con bệnh chuyền hay uống đủ nước. Sự thường, với lối trị khô đó, con bệnh sẽ chết vì thiếu nước sau hai hay ba ngày. Theo lối hiểu của lối chữa trị đó, terminale Sedierung (an tử) không phải là một cách trợ tử tích cực.

An tử thường được hiểu như một biện pháp nhân đạo thay thế trợ tử. Ở đức, nó cũng là một phương cách trợ tử gián tiếp thường được dùng, một phương cách nằm giữa vùng tranh tối tranh sáng luật pháp. Có bao nhiêu trường hợp được trị như thế? Không có số liệu, vì luật không buộc phải khai báo. Vì tranh tối tranh sáng như thế, nên đôi khi có những trường hợp nhập nhằng. Thời gian qua, một vài trường hợp cố tình lạm dụng an tử đã bị đưa lên báo, làm dấy lên những phê bình chỉ trích. Người ta muốn biết, bệnh nhân đã biết đến hậu quả đưa tới cái chết của lối trị giảm đau đó hay chưa, và con bệnh có chấp nhận hay có muốn cái chết đó không? Vì thế những người phê bình cho rằng, hàng ngàn vụ trợ tử gián tiếp này vẫn được âm thầm thực hiện ở đức chắc chắn còn nguy hiểm hơn là việc cho phép trợ tử tích cực nhưng với sự theo dõi gắt gao. 

Như vậy, chúng ta đã nêu ra các chứng cứ quan trọng nhất cổ xuý việc cho phép trợ tử tích cực có kiểm soát trong một quốc gia pháp trị. để tiện theo dõi, ta tóm tắt lại một lần nữa như sau: 1) Quyền trợ tử tích cực là một quyền căn bản của con người tự do, nó là một phần của quyền tự quyết của họ. 2) Trợ tự tích cực được đa số dân đức tán đồng, coi đó như một phương tiện hợp pháp. 3) Trợ tử tích cực trong sáng hơn và dễ kiểm soát hơn là trợ giúp tự tử hay trợ tử gián tiếp, và như vậy nên chấp nhận nó như các phương tiện được phép khác. 

Đối diện với ba lập luận thuận đó, có những luận chứng chống như sau:

1) Phải chăng tương quan tín cẩn giữa bác sĩ và con bệnh, trong một số trường hợp, sẽ bị phá vỡ, nếu cho phép trợ tử tích cực? 2) Trợ tử tích cực có phản lại quy điều danh dự „giúp đỡ và chữa lành“ của nghề bác sĩ không? 3) Có thể kiểm soát và xác định được một cách chắc chắn không, rằng con bệnh thực sự muốn trợ tử tích cực? 4) Ai bảo vệ được con bệnh mất trí hoặc kẻ hôn mê trước những hậu í ích kỉ của người thân, vốn vì một lí do nào đó chỉ muốn cho họ chết? Hợp pháp hoá việt trợ tử tích cực có khiến cho xã hội thay đổi cái nhìn đối với những người bệnh chờ chết, và như thế làm nguy hại tới những điều kiện của cuộc sống chung không? 5) Nó có gây ra một cuộc „vỡ đê“ không, khiến việc cho phép trợ tử tích cực trở thành một bó buộc gián tiếp trong việc sử dụng phương tiện này? Chẳng hạn để làm hài lòng thân nhân người bệnh hay để các hãng bảo hiểm sức khoẻ đỡ tổn phí thêm? 6) Như thế việc „tự do chết“ có bị biến thành „mất tự do sống“ không? 7) Cho phép trợ tử tích cực có dẫn tới việc nhà nước sẽ hạn chế xây dựng những phương cách chữa trị tốn kém nhưng nhân đạo hơn, chẳng hạn như đầu tư thêm cho ngành i khoa giúp an tử (Palliativmedizin)?

Lí do 1) và 2) về tương quan bác sĩ – bệnh nhân có thể trả lời ngay. đây không phải là một vấn nạn triết học, nhưng nó xuất phát từ một hoàn cảnh tâm lí cá nhân. Và nó luôn khác nhau. Có thể tương quan này sẽ xấu đi vì chuyện trợ tử tích cực, nhưng không nhất thiết phải thế. Ngoài ra, nếu cho phép trợ tử tích cực, cũng không có nghĩa là mọi bác sĩ đều có nhiệm vụ hay bị buộc phải giết bệnh nhân. Lí do 3) và 4) về khả năng lạm dụng của người thân. đây là nhiệm vụ của tư pháp. Tư pháp phải làm sao có được những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Lí do 5) và 6) về hậu quả xã hội và về mong đợi quá lớn có thể có nơi bệnh nhân, đây là những vấn nạn triết học trong í nghĩa bao quát nhất. Ở đây mở ra một chiều kích đạo đức-xã hội lớn và quan trọng. Nhưng làm sao để trù tính và đoán biết được những hậu quả xã hội? Ở Hoà-lan, từ năm 2001 có ba nghiên cứu lớn về chuyện trợ tử tích cực. Trong khoảng 140.000 người Hoà-lan chết ở bệnh viện, trên dưới 4500 người chết qua mũi thuốc của bác sĩ. Gấp bốn con số này chết nhờ an tử. Con số trong các năm qua ít thay đổi. Những người cổ xuý trợ tử tích cực coi đó là bằng chứng thuận lợi cho quan điểm của mình. Họ bảo, chẳng có „vỡ đê“ gì cả, vì số người muốn chết bằng trợ tử tích cực không tăng. Nhưng phía chống cũng nhìn số liệu đó thuận lợi cho mình. Là vì năm nào cũng có vài trường hợp nhập nhằng, khiến thân nhân và bảo hiểm sức khoẻ phải đưa nhau ra toà. Ngoài ra, người ta còn nghi có những vụ giết người mà không báo cáo. Như vậy, các số liệu thống kê cho tới giờ phút này không cho ta một câu trả lời rõ ràng gì về khía cạnh đạo đức của việc trợ tử. 

Chỉ còn lí do 7). Hợp pháp hoá việc trợ tử tích cực hẳn sẽ làm chấm dứt các đầu tư vào những phương tiện chữa trị đắt đỏ? Một cách trực giác, đa số con người ta đều cho rằng, chết an tử là cách tốt hơn chết vì chích độc dược. Cảm nhận trực giác này đã là cái gì mọc rễ trong bản chất tự nhiên của con người, như Marc Hauser cho thấy trong thí nghiệm của ông (Xem Người đàn ông trên cầu). Giết người cách tích cực khác với để mặc cho chết, dù hai cách đó đều dẫn tới cùng một kết quả như nhau. Việc cấm giết người cách tích cực, như thế, không phải là hậu quả của giáo điều tôn giáo coi sự sống con người là „linh thiêng“. đúng hơn, giáo điều này là hậu quả của một lịch sử phát triển loài người có rễ sâu nơi trực giác. Vì thế, việc coi thường „tính linh thiêng“ của sự sống, coi nó chỉ là một thứ sản phẩm của tôn giáo bất lực trong thời đại ngày nay, quả là một lí lẽ chẳng vững tí nào cả. Trước khi có Ki-tô giáo, lực cản giết người tự nhiên này đã có rồi, dù nó thể hiện với nhiều luật trừ ở mọi thời và trong nhiều nền văn hoá khác nhau. điều đáng để í, là hầu hết những người tán đồng trợ tử tích cực cũng thấy có sự khác nhau giữa hành vi tích cực và hành vi vô tình để mặc. Dù có những chỉ trích đối với trợ tử gián tiếp, chẳng có mấy ai trong hàng ngũ chủ trương trợ tử tích cực lại coi việc chích thuốc độc là phương tiện thật sự hay hơn. Vì thế, trợ tử tích cực chỉ là cực chẳng đã, nó là phương thế cuối cùng sau mọi phương thế khác.

Từ đó có hai hệ quả: Nhà nước phải bằng mọi cách hỗ trợ ngành i tế an tử và cố gắng làm sao cho việc trợ tử gián tiếp được thực hiện càng nhân bản và trong sáng chừng nào càng tốt. Làm như thế cũng là để góp phần loại trừ chuyện trợ tử tích cực. Là vì chuyện quan trọng nhất trong những ngày cuối của bệnh nhân chờ chết không phải những ưu tư về i khoa, mà là về tâm lí. Coi trọng quyền tự quyết của con người, ngay cả quyền họ tự định đoạt cái chết của mình, là đúng. Nhưng việc tìm hiểu các hoàn cảnh đưa đến việc muốn chết của họ cũng quan trọng không kém. Hoàn cảnh đưa đến í định muốn chết mới là điều quyết định, chứ không phải là quyền được trợ tử tích cực. Vì thế, lối trị giảm đau (Palliativmedizin: an tử) là con đường nhân bản hơn cho bệnh nhân và bác sĩ chữa trị. 

Hệ quả thứ hai: Việc chấp nhận trợ tử tích cực có nguy cơ biến phương pháp cuối cùng này trở thành một phương pháp „bình thường“ như những phương pháp khác, đối với một số trường hợp không có lối thoát. Một số thân nhân có thể sẽ giảm nỗ lực chăm sóc người thân của họ. Và các bệnh viện có thể cũng chẳng nỗ lực thêm trong việc giúp bệnh nhân có được những ngày cuối đời nhẹ nhàng. Dù các con số thống kê ở Hoà-lan cho tới nay chưa xác nhận nỗi lo âu này – nhưng trước cảnh cạn kiệt ngân khoản i tế trong tất cả các nước Âu châu hiện nay, quyền tự quyết trên cái chết của mình có thể nhanh chóng đưa tới hậu quả ngược lại: gây ra nơi xã hội một chờ mong quá lớn, ít ra là nhằm bớt gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm i tế.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất trong thời đại ngân quỹ i tế không ngừng bị cắt xén hiện nay là: Nhà nước và xã hội coi trọng việc an tử như thế nào? Chính thái độ này sẽ tương đối hoá mọi yêu sách mạnh mẽ nơi con người muốn đòi được tự do chết. Lúc này đây, việc cần kíp hơn là làm sao cải tiến từng trường hợp cá biệt đang diễn ra trong vùng tranh tối tranh sáng của trợ tử tiêu cực, tích cực và gián tiếp trong các bệnh viện, còn chuyện phải có một lập trường rõ ràng về mặt triết lí luật pháp và đạo đức cho chuyện trợ tử tích cực là điều không cấp thiết. Nhà triết học coi trọng tính hợp lí, không mâu thuẫn và sự minh bạch. Nhưng, đối với nhà chính trị, thì trách nhiệm đạo đức xã hội lại là yếu tố quyết định. Với họ, những nhập nhằng khó chấp nhận về mặt lí thuyết không quan trọng cho bằng những mập mờ có thể chấp nhận trong thực tế. 

Như vậy, quyền tự quyết của con người sẽ bị hạn chế, một khi nó (có thể) tạo ra cho xã hội những hậu quả bất nhân và không thể chấp nhận. Nhưng ai là kẻ thuộc về „xã hội“ này? Phải chăng chỉ có chúng ta mà thôi? Chúng ta có thái độ nào, chẳng hạn, trước những sinh vật biết đau, nhưng chúng không thể nói ra sở thích và không thể đòi hỏi quyền của chúng? Chẳng hạn như các thú vật?

•Không chỉ có thịt và sữa. Có được phép ăn thịt thú vật không?

Bình luận
720
× sticky