Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 31

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học

Vanuatu

Những hòn đảo hạnh phúc

Thế nào là một cuộc sống hạnh phúc?

Những con người hạnh phúc nhất thế giới không cần đường trải nhựa. Họ cũng không cần nhiều tài nguyên khoáng sản. Họ không có quân đội. Họ là nông dân, dân chài hoặc làm công trong các quán ăn và khách sạn. Họ không hiểu nhau lắm. đất nước họ là một quốc gia có nhiều ngôn ngữ nhất thế giới. 200 000 dân với hơn 100 ngôn ngữ khác nhau. Tuổi thọ của họ thấp, trung bình người sống lâu nhất trong họ tới 63 tuổi. „Dân ở đây hạnh phúc, vì họ hài lòng với những gì ít ỏi họ có“, đó là nhận xét của phóng viên một tờ báo địa phương. „Cuộc sống của họ xoay quanh cộng đồng và gia đình, xoay quanh việc làm sao có thể làm ích cho kẻ khác. đây là nơi người người chẳng phải lo âu cho chính mình“. Họ chỉ âu lo về động đất và bão.

Nếu tin được vào Happy Planet Index (Bảng chỉ số hạnh phúc toàn cầu) do New

Economics Foundation (NEF – Quỹ Kinh Tế Mới) phổ biến trong mùa hè năm 2006, thì Vanuatu là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Vanuatu là một đảo quốc có nhiều núi lửa trong biển Nam Thái Bình, mà ít người biết đến. NEF đã phỏng vấn người dân ở đây về những mong đợi của họ nơi cuộc sống, về tình trạng hài lòng tổng quát và về thái độ của họ đối với môi trường. Trả lời của họ: Họ muốn được sống 17 người rải rác trên một cây số vuông, có được một thời tiết mát dịu, nhiều nắng và cây cối phong nhiêu; có được một tôn giáo trộn lẫn giữa tín ngưỡng thiên nhiên với Tin lành, Công giáo, Anh giáo và Tin lành Phục lâm; có được những việc làm vừa phải nhưng thành tín và càng nhiều tự lập kinh doanh càng tốt; có một nền dân chủ nghị trường với một thủ tướng mạnh, một tổng thống yếu và một hệ thống pháp luật như kiểu Anh. Nhưng tổ chức nghiên cứu, trong đó có cả Friends of the Earth (một tổ chức về môi sinh), lại chẳng quan tâm tới những điều trên. Mục đích nghiên cứu của họ là tìm hiểu xem: Con người cần phải phá huỷ thiên nhiên tới mức nào, để tạo điều kiện cho mình có được một cuộc sống hạnh phúc. Và trả lời của dân Vanuatu cho câu hỏi đó: chẳng cần phải phá thiên nhiên nhiều!

Theo bảng chỉ số trên, nước đức, một quốc gia kĩ nghệ tiên tiến giàu có với mức tuổi thọ cao và nhiều cơ hội tiêu thụ và giải trí nhất, đứng hạng thứ 81, sau nước Í, Áo và Lục-xâm-bảo tại Âu châu. Các nước „thiên đàng“ bắc Âu: đan-mạch (hạng 112), Na-uy (115), Thuỵ-điển (119) và Phần-lan (123) không hạnh phúc bằng dân Trung Quốc, Mông-cổ và Jamaika. Dân

Hoa-kì, „đất nước của tự do và quê hương của những người hùng“ coi mình chẳng hạnh phúc gì (150), Kuweit với dầu hoả và đá quý (159), Katar nơi người dân bản xứ chẳng phải làm gì cả, vì đã có quỹ hưu bổng của nhà nước chu cấp (166). Năm nước sau đây đội sổ 178 quốc gia: Nga, Ukrain, Kongo, Swasiland và Simbabwe.

Nhưng ta hãy tạm quên đi tương lai đen tối của Vanuatu, vì với đà ấm lên của địa cầu làm tan băng và dâng cao mực nước biển như hiện nay, quốc gia này sớm muộn gì cũng sẽ bị xoá tên khỏi bản đồ thế giới. Mà hãy tự hỏi: Chúng ta có thể học hỏi được gì từ dân tộc nước này? Bài học thứ nhất đơn giản, rõ ràng, và đây cũng là chủ đích các nhà nghiên cứu nhắm tới: Tiền tài, tiêu thụ, quyền lực và tuổi thọ cao không làm cho con người hạnh phúc. đây quả là một tin vui, đặc biệt trong thời buổi mà thu nhập của đại đa số người dân trong các quốc gia âu châu giàu có không còn thật sự tăng. Có lẽ chính vì thế mà các viện kinh tế khôn ngoan như NEF muốn tìm hiểu, xem tiền bạc có đem tới hạnh phúc không, và thu nhập cũng như của cải có phải là các tiêu chuẩn thật sự phù hợp để đo lường hạnh phúc và thành công của một xã hội không. Trong chiều hướng đó, „Kinh tế Hạnh phúc“ (Happiness Economics) là một ngành nghiên cứu mới nhiều triển vọng và kiến thức có được của nó đáng cho ta suy nghĩ. Chẳng hạn các nhà nghiên cứu hạnh phúc, qua các cuộc phỏng vấn, đã nhận ra rằng, thu nhập thực tế và mức sống của người dân Hoa-kì đã tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua. Trong lúc đó, theo tự đánh giá của người dân, hạnh phúc không tăng, mà hầu như vẫn dậm chân tại chỗ suốt 50 năm. Kết quả tính toán của một nghiên cứu khác cho hay, hạnh phúc không còn tăng tương ứng với thu nhập, kể từ mức thu nhập đầu người hàng năm từ 20 000 mĩ kim trở lên. Một giải thích cơ bản cho việc tăng hạnh phúc đó: việc tạo mãi có thể làm cho người ta hạnh phúc (chốc lát), nhưng của cải tư hữu thì không (xem bài Rác rưởi của Robinson). đòi hỏi này được thoả mãn, thì lại nẩy sinh ngay các nhu cầu khác, trong khi người ta mau chóng có thói quen coi những gì đã thủ đắc được là điều mình đương nhiên có. Như vậy, giàu sang chỉ là một khái niệm tương đối. Giàu hay nghèo là tùy theo cảm quan của mình, và thường do căn cứ vào sự so sánh với người khác. Một người sống nhờ trợ cấp xã hội ở đức có thể nghĩ là mình giàu, khi anh ta „áo gấm về làng“ tại thôn xóm quê hương Việt Nam của anh.

Mà quái lạ, kết quả các nghiên cứu trên đây chẳng ảnh hưởng gì lên cuộc sống của chúng ta cả. Ước vọng độc lập về tiền bạc ngày nay vẫn luôn là một giấc mơ cuộc đời trong các nước kĩ nghệ. Chúng ta nai lưng ra cố làm chết bỏ và đầu tư hầu hết thời gian cuộc đời cho giấc mơ „độc lập“ đó, cho dù có mấy ai đạt được nó đâu. Tiền bạc và danh vọng đứng đầu mọi mức thang giá trị, cả trên gia đình và bạn bè. Trong khi đó, nấc thang giá trị của các nhà nghiên cứu hạnh phúc hoàn toàn ngược lại. Theo họ, không có cái chi tạo hạnh phúc cho bằng quan hệ với người khác, nghĩa là với gia đình, vợ chồng, con cái, bè bạn. Nấc thang thứ nhì là cảm giác phải làm cái gì có ích cho xã hội, hoặc tuỳ hoàn cảnh, đôi khi đó là sức khoẻ hay tự do. Cứ theo tiêu chí trên đây thì đa số người dân trong các xã hội tây phương giàu có đã quan niệm sai, khi đặt giá trị tiền bạc lên hàng ưu tiên: đúng là họ đã chọn lầm quyết định. Họ muốn vươn tới một mục tiêu có lẽ sẽ chẳng bao giờ đạt được. Họ hi sinh tự do và quyền tự quyết cho một mức thu nhập cao hơn. Và họ dùng số tiền mà họ không có, để mua những thứ họ chẳng cần, chỉ để được tiếng với thiên hạ. 

Ở đây không chỉ là vấn đề não trạng cá nhân, mà cả xã hội đều rập khuôn suy nghĩ hướng về vật chất như thế. Trong thập niên 50, nhà văn Heinrich Böll đã viết một „Giai thoại giúp giảm bớt tinh thần làm việc“ thật hay: Anh ngư dân đang lim dim nằm tắm nắng trong một hải cảng miền biển địa Trung. Một du khách cố thuyết phục anh nên ra khơi đánh cá. Anh ngư dân hỏi lại „Tại sao?“ – „để có được nhiều tiền hơn!“ Rồi du khách giải thích: Cá nhiều, anh sẽ có được nhiều chuyến hàng, anh sẽ trở nên giàu và có được nhiều công nhân giúp việc. „để làm gì?“, anh ngư dân hỏi tiếp. „Một khi đã giàu có, anh sẽ có thì giờ thoải mái nằm tắm nắng“. „Nhưng đó là cái tôi đang hưởng đây“, nói rồi anh ta tiếp tục lim dim tiếp. 

Tôi nhớ câu chuyện đó, vì lúc còn ở trung học, chúng tôi đã phải làm việc với nó. Câu truyện ngắn được in lại trong cuốn giáo khoa môn đức ngữ, nó làm cho bà giáo của chúng tôi khốn khổ. đa số các bạn học sinh chúng tôi rất thấm thía câu truyện và trở nên biếng học. Bà giáo thì tìm mọi cách lí luận sao cho cốt truyện trở thành tích cực cho giờ lớp của mình. Bà bảo vệ lập luận của người du khách, và cố thuyết phục chúng tôi rằng, có nhiều tiền cũng có nghĩa là có bảo hiểm i tế và bảo hiểm hưu bổng tốt hơn. Nhưng câu truyện do ông Böll đặt ra, chứ không do hãng bảo hiểm sức khoẻ viết. Phải chăng ông Böll quả thật muốn khuyên người dân vào bảo hiểm để đề phòng rủi ro?

Các nhà kinh tế hạnh phúc học được nơi anh đánh cá nhiều hơn là bà giáo chúng tôi với các nhu cầu bảo hiểm. Với họ, các chỉ số li dị và thất nghiệp cho biết rõ về mức độ hạnh phúc của xã hội hơn là tổng thu nhập quốc dân. Và đề nghị của họ thật đứng đắn: Thay vì lấy thu nhập quốc dân làm thước đo mức độ hài lòng của dân và sự thành công của nhà nước, chúng ta nên vận dụng tới một thứ „Chỉ số hài lòng quốc gia“. đấy có lẽ là một cuộc tái định hướng đúng lúc. Người dấn thân đặc biệt cho đề nghị trên là nhà kinh tế người Anh Richard Layard thuộc Trường Kinh Tế Và Chính Trị London. Layard quan niệm: Còn có nhiều thứ trong cuộc sống giúp ta đạt tới hạnh phúc, hơn là chỉ có ham mê của cải. Ai chỉ biết luôn tìm cách gia tăng của cải và danh vọng (so với người khác), kẻ đó đang rơi vào một tình trạng nghiện ngập thực sự. Tham vọng vật chất tạo nên tình trạng không hài lòng liên miên, như thế làm sao có nổi hạnh phúc lâu bền được.

Mục tiêu gia tăng tổng thu nhập quốc dân trong các nước kĩ nghệ như vậy không làm cho con người hạnh phúc. Trái lại, công dân họ phải trả giá đắt mà lại ít có được hạnh phúc. Cho dù chúng ta ngày nay có thêm nhiều của ăn, có xe hơi tốt và có thể bay du lịch tới các quần đảo, tình trạng tâm thần của chúng ta không cải tiến theo mãi lực của chúng ta, dù rằng chúng ta cứ thích sống trong sự rồ dại đó. Theo Layard, như thế chỉ còn một hệ quả hợp lí duy nhất: Con người sợ mất mát nhiều hơn là của cải có thể mang lại cho họ hạnh phúc, vì thế chính quyền trong các nước kĩ nghệ phải nghĩ lại và thay đổi chính sách. Theo ông, tạo công ăn việc làm cho mọi người và an bình xã hội là điều quan trọng hơn việc gia tăng tổng thu nhập quốc dân. Thông điệp của ông: Hạnh phúc cho mọi người, thay vì tăng gia phát triển kinh tế.

Các yêu cầu của Layard có thực tế không? Ở đây, ta không bàn về điểm đó. Nhưng thông điệp đạo đức thật rõ ràng. Phúc lợi và tiền bạc, ngay cả tuổi tác, phái tính, ngoại hình, trí khôn và học vấn không quyết định lên hạnh phúc của chúng ta. Những yếu tố sau đây quan trọng hơn: tình dục, con cái, bạn bè, ăn uống, thể thao. Song quan trọng nhất là các liên hệ xã hội. Kết quả cuộc nghiên cứu lớn nhất trên thế giới về các giá trị văn hoá xã hội, đạo đức, tôn giáo và chính trị (Word Values Survey) cho hay, một cuộc li dị tác động tiêu cực lên hạnh phúc cá nhân cũng gần như cá nhân đó mất đến 2/3 thu nhập của mình. Bản tường trình đặc biệt cho biết, chỉ hi vọng có hạnh phúc thôi cũng làm ta hạnh phúc rồi. Là vì hiếm mấy ai sống trên đời mà lại không có cho mình một quan niệm về hạnh phúc và cố gắng nắm bắt cho được hạnh phúc đó. Giấc mơ hạnh phúc luôn đồng hành với ta – và mặc dù giấc mơ này cũng chỉ như là một hình ảnh của cái ta thiếu, cái ta mất mát hay cái làm ta đau khổ.

Bỏ ra ngoài mọi con số thống kê về hạnh phúc, hạnh phúc vẫn luôn chỉ là một vấn đề riêng tư cá nhân. Ngạn ngữ có câu: Tôi phải đi tìm hạnh phúc của tôi. Triết gia người đức gốc Do-thái Ludwig Marcuse viết trong tác phẩm Triết Lí Hạnh Phúc (1948): „Hạnh phúc của tôi là giây phút ăn khớp sâu xa nhất với chính tôi“. Nhưng vấn đề là nơi chữ ăn khớp. Nó khiến ta nghĩ tới cô Rosalie (bài Do be do be do). Là vì nếu quả thật không có cái Tôi, mà đó chỉ là các tình trạng bản ngã (tám thứ cái Tôi khác nhau?) mà thôi, thì làm sao có thể ăn khớp được? Ai ăn khớp với ai đây? Và một cách nào đó, tình trạng hạnh phúc „quan trọng” hơn các tình trạng khác của tôi?

Có thật hạnh phúc là lúc tôi gần với chính tôi nhất?

Ở điểm này ta nên quay lại hỏi í kiến các nhà nghiên cứu não và nhớ lại một vài ông bạn của chúng ta: Serotonin và Dopamin (xem bài Anh Bốc yêu và bài Một điều vô cùng khó xẩy ra nhưng lại thật bình thường). Những ai nằm tắm nắng đều không lạ gì chuyện hạnh phúc có liên hệ tới hoá học cơ thể. Tia sáng mặt trời làm cơ thể thêm phấn chấn: chúng thúc đẩy cơ thể tiết ra chất Serotonin. Vì thế không lạ dân ở Vanuatu dễ cười hơn dân đức. Nhiệt độ xác định tính khí. Lắm khi chúng ta thường không để í nhiều đến kết quả có được của khoa nghiên cứu não về guồng máy tạo hạnh phúc. Bán cầu não trái hoạt động, khi có những cảm giác tích cực. Trái lại, khi có cảm giác tiêu cực, bán cầu não phải hoạt động. điểm này ít nhiều khiến ta nhớ tới bản đồ não thô sơ trong tế kỉ 19. Thật ra, sự liên quan giữa cảm giác và í thức, giữa hệ thống tâm não (Limbic) và vùng não sau trán (Cortex) chẳng phải là chuyện đơn giản. Chỉ có ảnh hưởng của một số chất như Cà-phê, Rượu, Nicotin và Kokain là khá dễ hiểu. Tất cả những thứ này làm tăng lượng Dopamin và cả Serotonin, khiến ta rơi vào một trạng thái vui vẻ và hài lòng ngắn hạn, chứ chưa có được những trạng thái hạnh phúc phức tạp và kéo dài. Ở những niềm vui tương đối đơn giản, như một bữa ăn ngon miệng, thì vị giác, khứu giác và mục giác mỗi thứ đều đóng một vai trò riêng, và ngay không khí chỗ ăn, việc mong chờ bữa ăn, niềm vui trước khi ăn v.v. cũng đều quan trọng cho cảm giác hạnh phúc.

Điểm hấp dẫn đàng sau đa số những hoàn cảnh hạnh phúc – như lúc tán tỉnh nhau, thực hiện tình dục, du lịch và đôi khi cả lúc chơi thể thao – là vai trò của Mong đợi và Thoả mãn. đa số lí thuyết hoá học thần kinh về hạnh phúc đều dừng lại ở mặt dữ kiện, chứ không đi sâu tiếp. Xô-cô-la làm người ta hạnh phúc, vì nó kích thích tiết ra Serotonin; chỉ cần ngửi mùi nó mà thôi, cơ thể đã tiết ra những chất chống lại các bệnh tật; các loại mùi thơm đều giúp tiết ra Serotonin. Nhưng nếu tiếp tục tăng lượng xô-cô-la, tăng liều lượng các loại kích tố hay cho hít thở liên tục mùi hoa, thì kết quả sẽ ra sao, điểm này chưa được nghiên cứu. Vì thế chúng ta phải đi tiếp – tới những mong đợi. Người chạy bộ thể thao có được những tình trạng sảng khoái tinh thần („Runner’s High“), vì việc chạy lâu làm tiết ra chất Endorphine. Nhưng anh ta sẽ có những cám giác hạnh phúc hoàn toàn khác, nếu anh chạy kém hơn mức kỉ lục trước đây của mình hoặc anh đã thắng cuộc đua. Cái „hơn” này không tới từ phản ứng tự nhiên của cơ thể khi chạy; nó tới nhờ vào vùng não trước (Cortex), vì chỉ có vùng này mới biết được các con số kỉ lục. Sự thành công tưởng thưởng người lực sĩ và khiến anh ta hạnh phúc. Mong đợi của anh đã được thoả mãn.

Chẳng lạ gì, khi các nhà nghiên cứu não ngày nay quan tâm tới việc tìm hiểu điểm tác động tế vi giữa cảm giác và í thức. Là vì các cảm giác hạnh phúc thường không chỉ là tình cảm đơn thuần. Ngày nay có những „nhà chữa trị bằng tiếng cười”, vì cười có thể gây sảng khoái cho một số con bệnh khó tính, nhưng tiếng cười này không thể cắt nghĩa được bằng các phản xạ đơn thuần. Các nghiên cứu cho thấy, việc nghĩ tới kinh nghiệm xấu (mà mình có thể gặp) sẽ làm cho cơ thể của những người được thí nghiệm (nghiệm nhân) giảm lực đề kháng chống lại bệnh tật. Trái lại, nếu người hướng dẫn cố gắng tạo nên những kí ức tốt nơi nghiệm nhân, những người này tức khắc sẽ lên tinh thần và cơ thể họ tăng lực đề kháng.

Các cảm giác hạnh phúc là chuyện rất phức tạp. Một đàng, chúng được xem là những tình cảm tuyệt đối tích cực, là niềm vui lớn nhất, là sự sảng khoái và hứng khởi. Chúng liên hệ với sự gia tăng nhạy cảm; chúng đánh thức, mở ra và mài sắc các giác quan. Mặt khác cũng có những đóng góp lớn của í thức: nó làm người ta nhìn sự vật và khung cảnh tích cực hơn, nhận thức và hồi ức tốt hơn. Trong tình trạng yêu đương hay nơi một thành công lớn, tất cả các yếu tố đều cùng ảnh hưởng một lúc và mang chất tích cực. Trong đó có sự hoà lẫn giữa những í nghĩ trừu tượng về hài hoà, hoà hợp, cường độ, thống nhất, tự do và í nghĩa. Lúc đó sự hài lòng đột ngột gia tăng, niềm tự tin bừng dậy, khiến ta đôi khi phải chóng mặt. Dễ nhận ra một người trong tình trạng hạnh phúc qua động thái cởi mở của họ; họ thân thiện, tự nhiên, nhiệt tình, uyển chuyển, sáng tạo. Họ cảm thấy mình có thể dời núi lấp sông.

Nhưng sự hài hoà dữ dội đó không kéo dài. Có thể như vậy cũng tốt. Serotonin tiết quá nhiều sẽ khiến người ta đâm ra vô tình. Và hàm lượng Dopamin quá cao cũng khiến người ta bị ám ảnh, hám quyền, hoang tưởng và quẫn trí. Sau một thời gian ngắn, các mạch cảm nhận trong não bị cùn nhụt bởi các hoạt chất hoá học, và thuốc tiên sẽ dần hết hiệu nghiệm. Việc cố tình dùng chất kích thích để tạo ra trạng thái chóng qua đó sẽ kết thúc trong bi thảm: nghiện ngập, đần độn trong tình yêu, bị khủng bố bởi ham muốn thành công liên tục.

Không ai có thể sống mãi trong tình trạng hài hoà tuyệt đối với chính mình. Các minh triết phương đông dạy: trong bất cứ giây phút cuộc đời nào, hãy nghĩ tới điều mình hiện tại đang làm, hãy để mọi thứ chung quanh mình, kể cả thời gian, trôi theo giòng chảy của chúng, đừng cắm neo ở đâu khác ngoài hiện tại lúc này và ở đây. Xét về mặt tâm lí, đó là điều đòi hỏi quá mức. Nhưng xét về mặt hoá học thần kinh, chúng biến tình trạng ngoại lệ trở thành thường lệ. Những cảm giác hạnh phúc lớn là những „hòn đảo hạnh phúc“ trong biển cả cuộc đời. Nhưng những tình trạng đó dĩ nhiên không phải là toa thuốc có thể áp dụng chung cho một cuộc sống thành công, chúng là một mong ước thiếu thực tế. 

Chỉ có thể đạt được hạnh phúc bền lâu, khi chúng ta mang trong mình những chờ đợi thực tế. Nếu các tình trạng hạnh phúc hay bất hạnh chủ yếu là do ta „tự tạo ra“, thì chúng phần nhiều có liên quan tới thái độ đối với chính mình. Nghĩa là liên quan tới sự chờ đợi của chính ta. Chỉ như thế ta mới hiểu được, tại sao những người sống trong hoàn cảnh khó khăn lại hạnh phúc hơn những người sống trong hoàn cảnh được ưu đãi. Câu nói của Ludwig Marcuse „ăn khớp với chính mình“, như vậy có nghĩa là: phù hợp với những mong đợi của chính mình. Và kể cả phù hợp với những mong đợi của tha nhân, mà ta vốn chờ đợi. Nói như Niklas Luhmann: „những mong đợi của mong đợi“.

Nếu chỉ hợp với mong đợi của mình mà thôi, thì cũng chả có ích gì nhiều. Mà phải hợp với cả mong đợi của người khác nữa. đây là một trong những lí do cắt nghĩa, tại sao một số tư tưởng sống của đông phương lại không phù hợp với cuộc sống bên ngoài các tu viện. 

Giữa thập niên 80, tôi gặp một anh cán sự xã hội. Anh đưa ra một nguyên tắc sống làm tôi thắc mắc mãi. Nếu tôi hiểu không sai, anh bảo rằng, mục tiêu tốt nhất cho cuộc sống mỗi người là làm sao giải thoát được khỏi mọi mong đợi. Trời đất! Yêu sách của anh cán sự thật quá đáng! Trong tất cả những ước vọng cuộc đời mà tôi có cho đến nay, có lẽ yêu sách đó là ước vọng lớn nhất và không tưởng nhất. Vì lẽ ai sống mà lại chẳng có ước vọng. Vấn đề không phải là giải trừ các ước vọng, nhưng làm sao để chúng phù hợp với mình. Vì thế có một minh triết khác: Ta nên hạ thấp ước vọng của mình xuống được chừng nào hay chừng đó, để khỏi thất vọng. Có thể được đi. Nhưng đó không phải là một tư tưởng hay gì lắm. Vì ước vọng thấp tố cáo hai điều: lo sợ quá đáng trước cuộc sống và rõ ràng gặp khó khăn trong việc đối phó với thất vọng. Phải chăng tốt hơn nên học cách ứng phó uyển chuyển hơn với những thất vọng? Vì ai ít ước vọng, cuộc sống người đó thường nhàm chán, không có gì mới.

Xem ra, các triết gia ủng hộ kiểu đạo đức tiểu tư sản với những ước vọng thấp bé đó. Hạnh phúc và vui sống hầu như chưa bao giờ là đề tài bàn luận của các triết gia xưa nay. Một vài vị may lắm mới bàn đến sự „hài lòng“ – cấp thấp và lâu bền của hạnh phúc. Immanuel Kant là một thí dụ. đối với ông, hạnh phúc thực tế duy nhất là khi người ta hoàn thành trách nhiệm đạo đức của mình. đấy có lẽ là một cố gắng vụng về và e dè nhằm đơn giản nối hai mạch trách nhiệm và hạnh phúc lại với nhau. Ca sĩ Edith Piaf, trái lại, lại vui vẻ tách chúng thành hai điều riêng biệt: „đạo đức là khi người ta sống theo cách, mà nếu cứ tiếp tục sống như thế thì chẳng thú vị gì“. Nửa sau cuộc đời buồn tẻ của Kant cũng chẳng cung cấp cho ta mẫu gương nào về một cuộc sống hạnh phúc. 

Hạnh phúc và hài lòng không đồng nhất với nhau. Và hãy coi chừng, đừng biến việc tìm kiếm khoái lạc trở thành một chiến thuật né tránh đau khổ. Dĩ nhiên, đau khổ và khoái lạc đều có mặt trong cuộc sống, và cả hai ở đây mỗi thứ đều có một trọng điểm riêng. Trong cuộc sống, ta dễ dàng nhận ra trong số tha nhân, bạn bè và người quen có những kẻ chuyên „tìm khoái lạc“ và những kẻ ưa „tránh đau khổ“. Hẳn hai khuynh hướng này bị lệ thuộc rất mạnh bởi giáo dục và tính khí. Nhiều tôn giáo và triết gia coi việc tránh đau khổ quan trọng hơn tìm khoái lạc. Tại sao vậy, chẳng ai giải thích được. Và lớp người già thường đề cao sự „hài lòng“ với tất cả những ưu điểm của nó. Giới trẻ trái lại không thích thứ minh triết cuộc đời đó.

Martin Seligman, nhà tâm lí và là nhà nghiên cứu hạnh phúc nổi danh thuộc đại học Pennsylvania ở Philadelphia, cũng nhìn hạnh phúc như thế. đối với ông, mọi thứ đều ít nhiều có mặt trong đó: Hạnh phúc là „chuyện hưởng thụ cá nhân“; là „chuyện liên quan tới những ước vọng mà người ta có“, và là việc „đạt tới những điều nào đó từ một bảng danh sách các mục tiêu hướng đến“. Niềm hạnh phúc đích thật là một tổng hợp tất cả những thứ đó: nó bao gồm cuộc sống thoải mái, nghĩa là sự hưởng thụ, bao gồm cuộc sống tốt đẹp, nghĩa là sự dấn thân và hoàn thành những ước vọng cá nhân, cũng như bao gồm cuộc sống đầy í nghĩa, nghĩa là đạt tới một số những mục tiêu vốn hướng tới. Nghe ra hay và khả tín. Nhưng câu hỏi là làm cách nào để có được cuộc sống như thế. Tôi có thể tự do xây dựng hạnh phúc cho chính mình không? Và nếu có, thì bằng cách nào?

• Khu vườn Kepos. Hạnh phúc có thể học được không?

Bình luận
720
× sticky