Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 7

Tác giả: Andrew Davidson

Ngày sinh chính xác của tôi giờ cũng chẳng mấy quan trọng, nhưng theo như tôi biết thì nó rơi vào một ngày nào đó năm 1300. Tôi chưa bao giờ biết cha sinh mẹ đẻ của mình là ai, họ đã bỏ tôi trong một cái giỏ tại cổng chính tu viện Engelthal vào giữa tháng Tư khi tôi mới được vài ngày tuổi. Thông thường một đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ không được thu nhận và nuôi dạy ở đây – xét cho cùng Engelthal không phải trại trẻ mồ côi – nhưng do số phận, tôi được xơ Christina Ebner và cha Fredrich Sunder tìm thấy vào chính cái đêm họ bàn luận xem cái gì được coi là dấu hiệu của Chúa.

Xơ Christina vào tu viện năm mười hai tuổi và bắt đầu thấy ảo giác hai năm sau đó. Khi tìm thấy tôi thì bà mới ngoài hai mươi và là một nhà thần học tiếng tăm. Cha Sunder ngót năm mươi tuổi, là giáo sĩ trong vùng, ông bước vào đời sống tôn giáo muộn hơn hết thảy những người khác. Cho tới lúc đó, ông đã làm giáo sĩ nghe các xơ Engelthal xưng tội được khoảng hai mươi năm. Nhưng điều quan trọng nhất anh cần biết về họ là bản chất gốc của họ, vì nếu họ không quá giàu tình cảm, mọi chuyện có thể đã hoàn toàn khác.

Có hai lời nhắn để lại trong cái giỏ chứa tôi. Một viết bằng tiếng Latin, một viết bằng tiếng Đức, nhưng cả hai đều có nội dung như nhau. Một đứa trẻ của định mệnh, đứa con thứ mười trong một gia đình tử tế, được đem tới như món quà dành cho Chúa Cứu thế và tu viện Engelthal. Xin hãy đối xử với con bé như Chúa mong muốn. Rất hiếm người dân thường nào biết viết một ngôn ngữ, nói gì đến hai, vì thế tôi nghĩ bản thân sự tồn tại của hai lời nhắn này đã giúp khẳng định tôi là con nhà lành rồi.

Theo tôi biết, xơ Christina và cha Sunder nhanh chóng quyết định rằng sự xuất hiện của một đứa trẻ trong đêm đó chứ chẳng phải đêm nào khác không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, và cũng chẳng hại gì đến chuyện bản thân xơ Christina cũng là đứa con thứ mười trong gia đình. Khi họ mang tôi tới trước bà trưởng tu viện, bà khá do dự khi phải đối phó với những lý lẽ kết hợp của cả hai người. Liệu bà trưởng tu viện có thể phớt lờ khả năng sự xuất hiện của tôi trước cổng đã được bề trên sắp đặt? Khi phải xử lý những thông điệp của Chúa, tốt nhất cứ cẩn thận là hơn. Hầu hết các xơ trong tu viện đều cảm thấy thế, mặc dù vẫn có một người phản đối quyết liệt việc giữ tôi ở lại. Đó là xơ Gertrud, thủ thư của tu viện – “bậc thầy ghi chép” – cai quản phòng viết ở Engelthal. Anh cần nhớ tên bà ấy, cả tên trợ lý của bà nữa, xơ Agletrudis. Cả hai người đều tác động đến cuộc đời tôi, và thường là những tác động không hay ho cho lắm.

Engelthal được coi là một trong những trung tâm tâm linh quan trọng nhất tại Đức. Anh có thể nghĩ điều này khiến thời thơ ấu của tôi bị gò bó, nhưng sự thật không hề như thế. Các xơ chăm sóc tôi rất chu đáo, có lẽ tôi đã giúp họ quên đi những công việc thường nhật. Tôi luôn thấy vui khi làm họ mỉm cười, vì ngay khi nhận ra mình đang cười, họ sẽ cố hết sức để khép miệng lại. Tôi có cảm giác như mình đã phá vỡ một quy tắc nào đó vậy.

Tôi luôn cảm thấy gần gũi với xơ Christina và cha Sunder, những người đã trở thành cha mẹ thay thế của tôi, điều này thể hiện trong cách tôi thường dùng để gọi cha Sunder. Theo nguyên tắc, tất cả mọi người phải gọi ông là “cha”, nhưng sự khiêm tốn của ông lớn đến nỗi ông luôn yêu cầu mọi người gọi mình là “huynh”. Vì thế với tất cả những người khác, ông là huynh trưởng Sunder, nhưng với tôi ông luôn là cha. Tôi cho rằng ông cho phép thế có lẽ vì tôi đã thấy được một góc khác trong con người ông mà không ai nhận ra – ừm, ngoại trừ huynh trưởng Heinrich, người sống cùng ông trong căn nhà nhỏ gần ngọn đồi trong rừng. Lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng cười của cha Sunder trong khi hầu hết những người khác chỉ nhìn thấy nét mặt nghiêm nghị của ông.

Tất cả những bà xơ khác khi đến tu viện đều đã trải qua thời thơ ấu ở nơi khác, còn từ đầu tiên tôi nói là với cha Sunder. “Gott(18).” Chúa ơi, thật là lời mở đầu đầy vinh quang cho một ngôn ngữ. Thử nghĩ mà xem, làm sao ông có thể trưng ra với tôi cái mặt nạ mộ đạo khủng khiếp thường sử dụng trước đông người được? Nó chẳng phù hợp chút nào khi ông đang chơi đùa với một em bé, và khi ông nghĩ đã đến lúc cần đeo cái mặt nạ ấy lên với tôi thì đã quá muộn. Nhưng dù chỉ là một đứa trẻ, tôi cũng hiểu rằng ông phải giữ gìn hình ảnh, và bí mật của ông được tôi giữ kín.

Cha Sunder luôn mặc áo rơm và rất hay tự xỉ vả bản thân, gọi chính mình là kẻ tội đồ – chủ yếu là vì “những tội ác thời trai trẻ của ông”, gì cũng được – và luôn cầu xin tha thứ. Ông tin rằng mình bị “ô nhiễm” bởi những việc đã làm trước khi theo đạo. Ông không hay làm những trò này trước mặt tôi nhưng, khi ông làm thế, huynh trưởng Heinrich sẽ lặng lẽ đứng nơi góc phòng với đôi mắt long lên sòng sọc.

Dù trách cứ bản thân nhưng cha Sunder không bao giờ ngần ngại tha thứ cho người khác. Và ông có giọng nói, giọng nói ngọt ngào nhất bạn có thể tưởng tượng được. Khi ông nói, ta không thể không nghĩ rằng không chỉ mình ông mà cả Chúa cũng yêu ta.

Xơ Christina – tôi thậm chí không biết phải bắt đầu từ đâu. Bà quả thật là một người phụ nữ lạ lùng. Bà sinh vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, dấu hiệu đầu tiên của những ân huệ đến trong đời bà. Mọi người đều nói trong tất cả những đại diện của Chúa trên trái đất này, bà là một trong mười lăm người được ưu ái nhất. Khi còn nhỏ, tôi chưa một lần nghi ngờ tính chân thực của điều đó, chỉ đến mãi sau này tôi mới tự hỏi làm sao một điều như thế lại có thể đem ra định lượng được. Những ảo giác và tài văn chương của xơ Christina đã làm tu viện nức tiếng thơm. Bà sáng tác luôn tay và viết nên hai kiệt tác – Khải huyền và Sách về các xơ tại Engelthal, lịch sử về những vị nữ tu có vai trò trọng yếu trước thời chúng tôi. Các tác phẩm của bà đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho những người khác trong tu viện. Ví dụ, xơ Gertrud của phòng viết đã cho ra lò Cuộc đời nữ tu Gertrud tại Engelthal với sự giúp đỡ của huynh trưởng Heinrich và huynh trưởng Cunran nhưng, thành thật mà nói, tôi luôn có cảm giác cuốn sách ấy được viết với nỗ lực chính là thêm mắm thêm muối cho cái truyền thuyết của chính bà mà thôi.

Gertrud có một thói quen rất kỳ lạ là không ngừng nuốt không khí. Thật không thể không để ý và cũng không thể không ghét được. Người ta nói mẹ bà đã sinh tám cậu con trai trước khi sinh bà, toàn là đẻ khó, nhưng khi sinh Gertrud thì không tốn chút sức lực nào. Có lẽ bạn sẽ băn khoăn chuyện đó thì có ảnh hưởng gì, nhưng ngay từ đầu nó đã đặt Gertrud ngang hàng với Chúa vì sự ra đời của Người cũng được cho là không hề đau đớn – việc sinh nở cũng thuần khiết như sự thụ thai. Mọi người đều nói em bé sơ sinh Gertrud không bao giờ bú mẹ; cô bé có vẻ thích húp không khí soàm soạp như thể đang hút trực tiếp dòng sữa ngọt ngào thần thánh từ đó vậy. Tôi luôn ngờ rằng việc bà cả đời nuốt không khí chẳng qua chỉ để không ai quên được câu chuyện ấy mà thôi.

Trong tất cả những cuốn sách được viết vào thời kỳ cảm hứng này, cuốn sách tôi yêu thích nhất là Gnaden(19) – cuộc đời của Friedrich Sunder. Ừm, tôi thích nó nhưng không thích những việc xảy đến với nó chút nào. Sau khi cha Sunder mất, cuốn sách bị đem đi chỉnh lý và rồi toàn bộ phần đề cập đến tôi bị xóa bỏ, ấy là chưa kể còn những gì gì nữa. Không phải lòng tự tôn của tôi bị xúc phạm, mà tôi đã – vẫn đang – bị xúc phạm vì họ đã hủy hoại ý định của ông.

Dù thế nào đi nữa, họ là những người sống quanh tôi khi tôi còn nhỏ. Một lần tôi hỏi xơ Christina khi nào tôi sẽ được phép ra ngoài sống, thì bà trả lời là không bao giờ – nhưng đó không phải chuyện đáng phiền não mà là một món quà cần được ăn mừng. Chúa đã rất rộng lượng khi hé lộ kế hoạch của Người cho tôi ngay từ khi tôi mới ra đời, ngay lập tức đặt tôi vào Engelthal. Không một nữ tu nào khác, kể cả bản thân Christina, được phép dành cả đời mình trong vinh quang được phụng sự Chúa. “Con mới may mắn làm sao,” bà nói, báo hiệu câu chuyện đã đến hồi kết thúc.

Mọi người đều kỳ vọng khi trưởng thành tôi cũng sẽ bắt đầu cầm bút. Kỳ vọng này được nhen nhóm khi tôi biết nói rất sớm và học tiếng Latin cũng dễ dàng như tiếng mẹ đẻ vậy. Hiển nhiên là tôi không thể nhớ được, nhưng họ nói tôi hầu như không phải tập nói từng từ đơn một trước khi bắt đầu nói một câu hoàn thiện. Anh phải hiểu, thời đó, trẻ con về cơ bản được coi như một người lớn chưa hoàn thiện. Bản chất của một đứa trẻ không phải thứ có thể phát triển, vì tâm tính đã được xác định ngay từ lúc mới sinh; thời thơ ấu là quá trình giúp trẻ bộc lộ bản thân, không phải để phát triển bản thân, vì thế khi khả năng ngôn ngữ của tôi xuất hiện, nó nghiễm nhiên được coi như luôn tồn tại, được Chúa đặt sẵn ở đó, chờ được khám phá mà thôi.

Tôi yêu những vị khách đến thăm Engelthal. Dân địa phương đến chữa trị trong bệnh xá, và chúng tôi tất sẽ đón họ vào. Không phải chỉ từ góc độ tình cảm, mà còn là một nhu cầu chính trị nữa. Tu viện phát triển nhanh chóng mỗi khi các nhà quý tộc hiến tặng những vùng đất xung quanh, và chúng tôi cũng thừa hưởng luôn cả các tá điền. Có cả những khách viếng thăm khác, những mục sư lang bạt mong muốn được đến xem Engelthal là chỗ thế nào mà có thể tạo ra những ảo giác kỳ diệu đến thế giữa các nữ tu, hay những người, thực tế hơn, chỉ mong được tá túc qua đêm. Tôi thích một ông nông dân bệnh tật không kém gì một nhà quý tộc, vì mỗi người đều mang đến cho tôi những câu chuyện về thế giới bên ngoài.

Xơ Christina thường chiều chuộng tôi mỗi khi có khách. Tôi sẽ được ngồi yên trong góc phòng, chăm chú lắng nghe những cuộc đối thoại, chẳng bị ai để ý. Gertrud phản đối, dĩ nhiên, và luôn khinh khỉnh chõ cái mũi dài mảnh xuống nhìn tôi. Thị lực suy giảm khiến bà khó tỏ vẻ coi thường một cách rõ ràng.

Gertrud xem những vị khách này không khác gì những kẻ xâm phạm công việc chính của mình vì, với tư cách nữ thủ thư của tu viện, thỉnh thoảng bà cũng phải dịch. Mà bà lại chẳng giỏi cho lắm – tiếng Pháp và tiếng Ý cố lắm cũng chỉ xoàng xoàng – nhưng vị trí của bà đòi hỏi mấy cái đó. Hầu hết khách đến thăm chúng tôi đều nói được tiếng Latin hoặc tiếng Đức nhưng tôi thích nhất những người mang đến ngôn ngữ lạ. Chính trong những cuộc đối thoại này mà khả năng nghe của tôi được mài sắc. Thử thách đặt ra không chỉ là hiểu được từ mà còn phải nắm được những khái niệm ngoại lai nữa. Ví dụ, tôi biết Giáo hoàng Clement đã chuyển giáo hội đến Avignon – nhưng tại sao? Và nơi đó ở đâu? Trông nó như thế nào? Một đêm tôi tình cờ nghe thấy cuộc cãi vã đầu tiên. Một người khách nước ngoài dám nghi ngờ sự tôn nghiêm của Giáo hoàng quá cố Boniface và Gertrud đã nhảy chồm chồm lên để bảo vệ Đức Giáo hoàng. Đối với một con bé như tôi, chuyện đó thật gây sốc.

Bình luận