Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 68

Tác giả: Andrew Davidson

Nhìn vào mắt Marianne Engel.

Thân thể của tôi được bọc trong hàng lớp vải ướt, để hạ sốt. Tôi lại trở về với chiếc giường của cô, về lại nhà của chúng tôi, và tay cô đang đặt lên má tôi. Cô nói mọi chuyện đã kết thúc còn tôi thều thào tôi đã ở trong Địa ngục. Cô bảo đúng vậy và đưa cho tôi một tách trà. Tôi có cảm giác như mình chưa được uống nước hàng năm rồi. “Đã bao lâu từ khi tôi…?”

“Ba ngày, nhưng không gì tốt hơn việc phải chịu đựng thử thách cả. Đó là một chuyến hành trình gian khổ ngắn ngủi nhưng kết thúc trong niềm vui.” Vẫn là Marianne Engel.

“Cứ cho như vậy đi.”

Cô giúp tôi cầm chiếc cốc được vững hơn, vì nó đang rung khủng khiếp. “Anh cảm thấy thế nào?”

“Như được cứu ra khỏi lửa Địa ngục.”

Cô mỉm cười. “Zechariah chương ba tiết hai.”

Tôi kiểm tra lại thân thể mình: da tôi đã trở lại trạng thái thương tổn cố hữu; khuôn mặt tôi đã nhăn nhúm lại; môi teo tóp; những ngón tay lại bị cụt mất; đầu gối lại cứng đơ; lông ở cẳng tay trụi sạch và chỉ còn lơ thơ vài nhúm tóc trên đầu.

Bàn tay tôi, theo thói quen, lại đưa lên ngực. Nơi tôi nghĩ sẽ thấy đồng xu thiên thần, nhưng tôi chẳng tìm được gì, mặc dù nó luôn luôn ở trên người tôi từ khi Marianne Engel tặng cho tôi từ gần mười bốn tháng trước.

“Đồng xu của anh đã hoàn thành nhiệm vụ của nó rồi,” cô nói.

Tôi tìm lại trên ga trải giường, dưới gầm giường, mọi chỗ xung quanh, nhưng chẳng thấy sợi dây chuyền của tôi đâu cả. Marianne Engel hẳn đã tháo nó ra trong lúc tôi bị ảo giác. Tôi tự nhủ rằng việc cô tháo sợi dây ra trong lúc tôi ảo giác thấy mình đưa nó cho Charon chỉ là một sự trùng hợp lạ lùng.

“Đừng lo,” cô nói. “Tôi sẽ thay sợi dây chuyền đó bằng một cái tốt hơn.”

Tôi cảm thấy dễ chịu hơn hàng năm trước đó, hơn cả lúc chưa bị tai nạn, chỉ đơn giản là được sở hữu một tâm trí không bị đầu độc bởi thuốc kích thích và những mạch máu không trở nên lờ đờ vì chất gây nghiện. Không phải tôi chưa bao giờ cảm thấy gợn chút khao khát có lại cảm giác ngây ngất xưa cũ – tôi có cảm thấy thế; thói quen đó đã ở bên tôi quá lâu rồi – nhưng giờ nó đã khác. Tôi có thể chịu được việc không dùng morphine; tôi muốn không phải dùng morphine. Tôi luôn mong đợi các buổi tập với Sayuri và càng tiến bộ nhanh hơn sau mỗi bài tập.

Nhưng tuyệt hơn hết thảy, con rắn cái đã thực sự biến mất.

Từ sau vụ tai nạn, giờ tôi đã tự chăm sóc bản thân tốt hơn rất nhiều, và Marianne Engel lại tiếp tục quay lại công việc tạc tượng của cô. Cô bắt tay vào làm từ chính cái chỗ cô đã bỏ dở, lại tiếp tục làm việc ngay lập tức với một tốc độ cực kỳ có hại cho sức khỏe. Tất cả những gì tôi có thể làm là rửa sạch gạt tàn cho cô và cố hạn chế việc cô cứ ăn hàng thìa cà phê. Tôi mang cho cô những đĩa hoa quả mà giờ trở thành tranh tĩnh vật hơn là thức ăn, và khi cô tạc xong một bức tượng, rồi lăn đùng ra trên tảng đá tiếp theo, tôi sẽ tắm rửa cho cô. Tôi tự hứa với bản thân rằng nếu cô lại có nguy cơ bị suy nhược sức khỏe nữa, tôi sẽ làm tất cả mọi thứ cần thiết để ngăn cô lại. Tôi tự hứa với bản thân.

Từ ngày mười chín tháng Hai đến ngày hai mốt tháng Hai, cô đã kéo được tượng số 16 ra khỏi đá. Vào ngày thứ hai mươi hai, cô ngủ thiếp đi và chìm vào giấc mơ với đá; từ ngày hai mươi ba đến ngày hai mươi lăm, cô lôi được số 15 ra. Cô nghỉ một ngày và rồi làm việc tiếp tới tận ngày một tháng Ba, hoàn thành số 14. Người ta chẳng cần phải là một nhà toán học mới có thể nhận ra cô đã làm được quá nửa tổng số hai mươi bảy trái tim cuối cùng: chỉ còn mười ba trái tim nữa là tất cả sẽ kết thúc. Chỉ còn mười ba trái tim nữa cho đến khi cô nghĩ rằng mình sẽ chết.

Việc cô quay lại tạc tượng có vẻ đã ảnh hưởng đến Bougatsa, giờ đã thiếu đi sự hiếu động thường nhật. Khi chúng tôi trở về từ chuyến đi dạo hằng ngày, nó ăn cả một tô thức ăn to tướng trước khi nằm lờ đờ nhỏ dãi ra đôi giày chỉnh hình của tôi.

Vào đầu tháng Ba, tôi có một buổi khám định kỳ với bác sĩ Edwards. Chúng tôi xem xét biểu đồ hồi phục của tôi và bàn về một cuộc tiểu phẫu sẽ được tiến hành vào cuối tháng. Bà có vẻ thực sự rất hài lòng. “Anh đã ra viện được hơn một năm và mọi thứ không thể tiến triển tốt hơn thế này được.”

Tôi ngậm miệng lại không nói gì về việc Marianne Engel, chính tại cái thời điểm đó, đang nằm trên một tảng đá mới, chuẩn bị sẵn sàng. Số 13 May Mắn đang đợi.

“Anh biết không,” Nan nói thêm, “tất cả đều chứng minh rằng một bác sĩ có thể phạm phải sai lầm nghiêm trọng đến thế nào. Đã có lúc tôi tưởng anh từ bỏ mọi hy vọng, và rồi anh trở thành một trong những bệnh nhân chăm chỉ tập luyện nhất của chúng tôi. Và khi anh rời đi, tôi cứ đoán chắc rằng Marianne Engel không thể chăm sóc được cho anh.”

Marianne Engel tạc tượng số 13, 12 và 11 (một bà già có đôi tai lừa; một con quỷ mọc sừng có cái lưỡi nhớp nhúa thè lè ra ngoài; và một cái đầu sư tử có đôi ngà voi đi kèm), chỉ nghỉ có vài giờ trong suốt quá trình làm việc. Cô đã sụt toàn bộ số cân tăng được từ hồi Giáng sinh, và lại ăn nói khó hiểu. Bức tượng số 10 hiện hữu vào khoảng hai mươi tháng Ba.

Tôi được lên kế hoạch nhập viện để mổ vào ngày hai mươi sáu. Trước khi vào viện, tôi cần xem mình phải làm gì với Bougatsa. Không những tôi nghi ngờ khả năng chăm sóc Bougatsa của Marianne Engel trong khi cô không chăm sóc được chính bản thân mình, mà còn cả con chó nữa, có lẽ là một ví dụ của việc động vật có mối liên hệ mật thiết với người, cũng đang sụt cân. Tôi băn khoăn không biết liệu mình có thể dùng việc này để khiến cô cảm thấy có lỗi mà chui ra khỏi tầng hầm hay không, và quyết định liều một phen.

Tôi bắt cô dừng tạc tượng một lúc để giải thích cho rằng nếu cô coi việc tạc tượng quan trọng hơn chăm sóc Bougatsa, tôi sẽ đem tống nó vào trại chó. (Đây chỉ là một mẹo mặc cả mặc lẽ thôi, nhưng nếu già néo thì cũng đứt dây thật đấy.) Marianne Engel nhìn tôi rồi nhìn Bougatsa, và cô nhún vai. Rồi cô quay lại tạc bức tượng số 9.

Có một đống phân to tướng ở trên sàn. Không phải của tôi.

Suốt thời gian tôi sống ở pháo đài, Bougatsa chưa một lần ị bậy trong nhà. Tôi cảm thấy ghê ghê khi phải miêu tả chi tiết về đống phân ấy, nhưng có hai điều cần phải chú ý ở đây. Đầu tiên, đống phân có vẻ khá lỏng. Thứ hai, nó có bã lá cây.

Thực vật duy nhất ở trong nhà là cái cây Jack mang đến. (Có lẽ trước khi tôi đến đây cũng đã có nhiều cây khác, nhưng chúng chắc đều đã chết bởi sự thờ ơ của Marianne Engel khi cô mải tạc tượng.) Khi kiểm tra đống phân kỹ hơn, tôi nhanh chóng phát hiện ra Bougatsa rõ ràng đã ăn lá cây. Hầu hết lá đều đã bị ăn mất, những cái lá còn lại đều có rìa nham nhở vết răng cắn.

Tôi tìm con chó và phát hiện ra nó đang nằm thẳng cẳng trong phòng sách, thở hổn hển. Khi tôi lấy tay vuốt sườn con chó để cố xoa dịu nó, lông nó rụng đầy ra tay tôi. Xương sườn là minh chứng về sự chết đói và tôi đã bị sốc: không hẳn là vì sự gầy gò của nó, mà vì tôi không hiểu nổi vì sao chuyện này lại có thể xảy ra. Trong những tuần gần đây, Bougatsa ăn nhiều hơn bình thường; sự thực là nó chẳng bao giờ có vẻ ngừng ăn cả.

Tôi tiến thẳng xuống tầng hầm để thông báo cho Marianne Engel rằng con chó của cô đang ốm rất nặng, vì tôi muốn làm cô cảm thấy xấu hổ và buộc cô đi với tôi đến bác sĩ thú y. Nhưng mọi việc không được tốt đẹp đến thế. Cô đang gù lưng trên một con quái vật với cặp mắt sắc lẻm dường như cảnh báo tôi tránh xa ra. Tôi cứ nói. “Bougatsa bị làm sao ấy. Nó ốm.”

Cô ngước mắt lên nhìn tôi, như thể cô vừa nghe thấy tiếng động kỳ lạ phát ra từ một góc phòng mà lẽ ra cái góc ấy phải trống trơn. Máu chảy ra từ cổ tay cô do cái đục đi lệch hướng và những vệt đỏ dây khắp trán cô khi cô lấy tay lau trán. “Cái gì?”

“Cô đang chảy máu kìa.”

“Tôi là một cành gai trong Thánh đường của Chúa.”

“Không,” tôi vừa nói vừa chỉ. “Cổ tay cô ấy.”

“Ồ.” Cô nhìn xuống, và một ít máu chảy cả vào lòng bàn tay cô. “Trông như một bông hồng ấy.”

“Cô có nghe tôi nói gì không? Bougatsa bị ốm.”

Cô cố hất một lọn tóc ra khỏi bộ ngực lem nhem mồ hôi và bụi đá, nhưng những ngón tay cô không thể chạm trúng được. Cô cứ trượt mãi. “Thế thì đi đến trạm xá vậy.”

“Cô muốn nói phòng khám thú y hả?”

“Ừ.” Máu cứ nhỏ giọt xuống đống đá vụn dưới chân cô. “Phòng khám thú y.”

“Để tôi xem nào.” Tôi với lấy cổ tay cô.

Marianne Engel, với vẻ sợ hãi đột ngột hiện lên trên mặt, giơ thẳng cái đục về phía tôi. Trước đây cô mới chỉ dùng bạo lực dọa tôi có một lần, khi cô ném bình cà phê vào tôi lúc ở trên tháp chuông. Lúc đó tôi đã chắc chắn rằng cô cố ý ném trượt nhưng bây giờ tôi biết nếu cô quăng cái đục vào tôi, thì cô thực sự muốn ném trúng đấy. Cô trông như thể không biết mình đang ở đâu, hay tôi là ai; cô trông như thể sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ quyền được tiếp tục làm việc của mình.

Tôi lùi lại một bước, giơ tay lên theo đúng cách mọi người luôn làm để chứng tỏ rằng họ không có ý định xấu. “Nó là con chó của cô, Marianne. Cô không muốn đi với chúng tôi à? Với tôi và con chó của cô, Bougatsa ấy?”

Cái tên dường như đã khuấy động trí nhớ của cô. Đôi vai co rúm của cô giãn ra và cô buông một hơi thở đã nín từ nãy. Quan trọng nhất, cô hạ cái đục khi nỗi sợ đã rời khỏi ánh mắt cô.

“Không.”

Không có chút tức giận nào trong giọng nói của cô, nhưng cũng chẳng có chút hối hận nào cả. Giọng cô chỉ trầm đục và rỗng không, chẳng chút thương cảm, như thể những thứ cô nói ra không phải âm thanh mà chỉ là những tiếng vọng.

Khi tôi đặt được chân lên bậc đầu tiên của cầu thang dẫn lên nhà, cô lại dồn hết sự chú ý vào tảng đá trước mặt mình.

Bác sĩ thú y là một phụ nữ đẫy đà tên Cheryl với mái tóc đỏ và đôi mắt sáng, có lẽ là người gốc Ailen. Một trong những điều đầu tiên bà hỏi là tại sao tôi lại sở hữu cái bộ dạng mà tôi đang mang đây, thật là một cách cư xử tốt hơn nhiều so với việc cố giả vờ rằng ngoại hình của tôi chẳng có gì bất thường. “Tại nạn ô tô.”

“Tôi hiểu. Vậy anh bắt đầu nhận thấy có chuyện với, à” – bà liếc vào cái bảng mà cô tiếp tân đã điền – “Bougatsa? Bánh ngọt Hy Lạp, là khi nào nhỉ?”

“Phải. Cùng màu. Tôi thấy nó bị ỉa chảy vào sáng nay, và tôi nghĩ nó đã ăn lá cây.”

“Tôi hiểu rồi.” Cheryl gật đầu. “Lông nó lúc nào cũng thế này à? Có vẻ không được bóng mượt lắm.”

“Chị nói đúng,” tôi trả lời, “và đợt này lông có vẻ nhờn hơn bình thường. Nó gần đây đã không ổn rồi, nhưng sáng nay dường như mọi thứ đồng loạt rối tung cả lên. Nó chắc chắn đang bị sụt cân.”

Bà hỏi là nó có bị uể oải không, và tôi xác nhận là có. Rồi bà kiểm tra nó một chút, chiếu đèn vào mõm và mắt nó, Bougatsa cứ nằm rên ư ử suốt. Tôi hỏi xem bà nghĩ vấn đề của nó là gì.

“Nó có đau ở vùng này không nhỉ?” Bà hỏi trong khi ấn tay vào bụng của Bougatsa, và rồi tự trả lời câu hỏi của mình. “Thực sự là nó có vẻ không có vấn đề gì ở chỗ này lắm. Có dấu hiệu gì của mỡ chưa tiêu trong phân của nó không?”

Ai – ngoại trừ một bác sĩ thú y – biết được mỡ chưa tiêu trong phân chó thì trông như thế nào? Tôi trả lời là tôi đã quên làm một bài phân tích thành phần hóa học trước khi mang nó đến đây, vì thế tôi không thể nói chắc được. Cheryl ném cho tôi một cái nhìn khó chịu trước khi nhấc đuôi Bougatsa lên để kiểm tra hậu môn. “Nó có hay ăn phân của mình không?”

“Chúa ơi.” Lại nữa, Cheryl lại mong đợi ở khả năng quan sát của tôi nhiều hơn mức tôi thấy là hợp lý. “Tôi không biết. Có lẽ?”

“Tôi không chắc vấn đề là gì,” bà nói, “nếu không làm thêm vài xét nghiệm nữa. Anh có thể để nó ở đây một hai ngày được không?”

Giờ không phải lúc giải thích rằng Bougatsa thực ra không phải là chó của tôi, thế là tôi cứ thế ký giấy để nó ở lại thôi. Khi tôi hỏi liệu việc xét nghiệm có gây đau đớn cho nó không, nữ bác sĩ thú y giỏi giang trông có vẻ bị xúc phạm. “Không, nếu tôi có thể.”

Tôi bảo con chó phải ngoan ngoãn ở với bác sĩ Cheryl và nó thè lưỡi ra liếm tay tôi. Vài người có thể nghĩ việc này là một dấu hiệu thể hiện tình cảm, nhưng tôi hiểu rõ rằng chó chỉ làm thế theo bản năng thích liếm láp chải chuốt của chúng mà thôi.

Khi tôi gọi điện đến phòng khám vài ngày sau đó, Cheryl vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho Bougatsa nhưng bà cũng trấn an tôi rằng sắp có kết quả. Bà có vẻ rất lấy làm tiếc về chuyện đó nhưng, nói thật chứ, điều này thực sự đúng ý tôi.

Phòng khám sẽ là trại chó lý tưởng trong thời gian tôi phẫu thuật, vì thế tôi đã giải thích tình thế của mình và hỏi xem liệu Bougatsa có thể tiếp tục ở đó cho tới khi tôi ra viện không. Bà bác sĩ thú y rất tán thành, nói rằng việc đó sẽ giúp bà có thời gian để làm các chẩn đoán và xét nghiệm cẩn thận.

Giờ tôi chỉ còn phải lo chuyện của Marianne Engel. Tôi không muốn để cô ở nhà một mình, nhưng cô là một người đã trưởng thành và tôi sắp phải vào bệnh viện có một đêm thôi, nhiều nhất là hai. Nếu cô cứ làm theo đúng lịch trình của mình, cô sẽ lại tạc tượng suốt thôi. Mà nếu tôi có ở nhà, thì cô cũng sẽ lờ tôi đi.

Ngay khi tôi đã yên vị trong bệnh viện, tất cả những gương mặt quen thuộc lại xuất hiện trong phòng tôi. Cả Connie (vừa mới hết ca) và Beth (mới bắt đầu) đều ghé qua để chào. Nan ở đó, và sau vài phút thì Sayuri cùng Gregor bước vào với một khoảng cách khá tế nhị, chỉ chạm tay khi họ nghĩ là không có ai để ý. Khi tôi nói người vắng mặt duy nhất là Maddy, Beth cho tôi biết cô mới cưới và đã chuyển đi rồi. Giả thiết đầu tiên hiện ra trong đầu tôi là chồng cô hẳn phải là một dạng ăn chơi đàn đúm nào đó – có lẽ là một thành viên của bọn đua xe Thiên thần Địa ngục hay một tên luật sư tầm thường nào đấy – nhưng, trước sự ngạc nhiên bất ngờ của tôi, anh ta là một sinh viên tốt nghiệp ngành khảo cổ và Maddy đang theo anh ta đến đào đất tại một địa điểm nào đó trên bờ biển Sumatra.

Bình luận