Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 76

Tác giả: Andrew Davidson

Từ paleography bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, palais (cổ) và graphia (bản thảo), thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu chữ cổ lại đi nghiên cứu văn bản. Họ phân loại sổ sách bằng việc kiểm tra nét chữ (kích cỡ, độ nghiêng cách đưa bút) và cả chất liệu viết nữa (giấy cói hoặc giấy da, giấy cuộn hoặc giấy khâu, các loại mực.) Những nhà nghiên cứu chữ cổ giỏi có thể xác định được số người làm việc trên một bản thảo, có thể đoán định được kỹ thuật của họ, và thậm chí còn có thể xác định bản thảo đó được làm tại vùng nào. Đối với những văn bản tôn giáo, họ không những chỉ ra được một tu viện cụ thể nào đó mà thỉnh thoảng còn có thể chỉ ra đích danh người viết nữa.

Tôi đã nhanh chóng tìm được hai trong số những nhà nghiên cứu chữ cổ giỏi nhất thế giới: một là chuyên gia về các tài liệu thời Trung cổ của Đức và một là chuyên gia về các tài liệu thời Trung cổ của Ý. Tôi thuê họ kiểm tra những thứ tôi đã tìm được, cùng với chỗ tiền, ở trong két an toàn.

Hai bản Địa ngục đều được viết tay nhưng bởi hai người khác nhau: bản đầu tiên bằng tiếng Ý và bản thứ hai bằng tiếng Đức. Cả hai, trước con mắt không chuyên của tôi, đều có hàng trăm năm tuổi.

Trước khi nói cho hai nhà nghiên cứu chữ cổ là tôi muốn kiểm tra cái gì, tôi đã bắt họ ký giấy cam kết tuyệt đối không được tiết lộ bất cứ điều gì. Cả hai người đều thấy đề nghị của tôi rất bất bình thường, thậm chí còn nực cười, nhưng đều đồng ý. Tò mò nghề nghiệp, ta có thể đoán vậy. Nhưng khi tôi đưa hai cuốn sách ra, cả hai người đều nhận ra ngay lập tức rằng họ đã được trao một thứ cực kỳ đặc biệt. Người Ý buột một câu chửi thề, còn góc miệng người Đức thì méo xệch đi. Tôi thì tỏ vẻ hoàn toàn mù tịt trước nguồn gốc của hai cuốn sách, chẳng nói gì về việc có được chúng từ đâu cả.

Bởi vì Địa ngục đã tạo được tiếng vang ngay lập tức với độc giả, nó là một trong những tác phẩm còn lưu lại được nhiều bản nhất từ thế kỷ mười bốn. Nhà nghiên cứu chữ cổ người Ý không mấy nghi ngờ phiên bản của tôi là một trong những bản ra đời sớm nhất, có lẽ được làm trong thập kỷ cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên. Ông ta nài nỉ tôi cho phép mình công bố phát hiện đó với những chuyên gia khác, nhưng tôi từ chối thẳng thừng.

Chuyên gia Đức không nhanh chóng xác định tuổi của bản dịch, một phần là vì những kiểm tra ban đầu của ông ta cho những kết quả trái ngược nhau đến khó tin. Đầu tiên, ông ta đã băn khoăn là tại sao một bản thảo được bảo quản tốt thế này lại không được ai biết tới trong một thời gian lâu như vậy. Thứ hai, có vẻ như một người đã dịch toàn bộ tác phẩm ấy, một điều rất bất bình thường với một tác phẩm dài như vậy. Thứ ba, ai đã tạo nên tác phẩm ấy phải là người cực kỳ tài năng. Bản thảo được viết bởi một nét chữ rất đẹp, mà bản thân bản dịch cũng tuyệt vời hơn hầu hết, nếu không nói là tất cả, những phiên bản hiện đại. Nhưng điểm thứ tư mới thật là đánh đố người ta: những thứ có liên quan đến bản thảo – giấy da, mực, nét chữ – đều dẫn đến kết luận là nó được viết tại vùng sông Rhine của Đức, có lẽ sớm nhất là khoảng nửa đầu thế kỷ mười bốn. Nếu điều này là thật – dù rằng rất khó có thể như thế – thì bản thảo của tôi đã tồn tại trước mọi bản dịch Địa ngục bằng tiếng Đức từng được biết tới hàng thế kỷ. “Vậy anh thấy đấy, tôi hẳn là đã nhầm lẫn đâu đó.” Ông ta run lên. “Hẳn là thế! Trừ phi… trừ phi…”

Ngài chuyên gia Đức yêu cầu được chiếu xạ lên cả giấy da lẫn mực viết. Khi tôi đồng ý, khuôn mặt ông ta lộ vẻ sung sướng tột đỉnh đến nỗi tôi tưởng ông ta sắp ngất đến nơi.”Danke, danke schon, ich danke Ihnen vielmals!”

Khi quá trình kiểm tra đã hoàn tất và các trang giấy được xác định niên đại là vào năm 1335, trên dưới hai mươi năm, tâm trạng của ông người Đức còn phấn khích hơn. “Đây là một khám phá vĩ đại hơn tất cả những gì tôi đã… tôi đã…” Ông ta thậm chí chẳng thể nói hết câu vì ngất ngây sung sướng; bản dịch ra đời trong khoảng vài chục năm sau bản gốc tiếng Ý. Tôi quyết định nghiên cứu thêm chút nữa cũng chẳng hại gì, và tôi thậm chí còn cho ông người Đức manh mối tìm kiếm tiếp: tôi gợi ý là ông ta có lẽ sẽ muốn tập trung điều tra về phòng viết tại Engelthal. Mồm ông người Đức lại méo xệch ra, và ông ta tiếp tục quay lại làm việc.

Khi liên lạc lại với tôi vài tuần sau đó, ông ta dường như đã chịu chấp nhận thực tế là mình đang nghiên cứu một vấn đề không thể hoàn thành được. Phải, ông ta xác nhận, tác phẩm có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nó đã được viết tại Engelthal. Và phải, bản thảo có rất nhiều minh chứng cho thấy nó được thực hiện bởi một người chép sách đặc biệt đã có những đóng góp rõ ràng vào những năm khoảng từ 1310 cho tới 1325. Thực tế, người chép sách này luôn là một bí ẩn với những học giả nghiên cứu tôn giáo và những hiện tượng kỳ bí người Đức: dấu vân tay của cô ấy có mặt trên hàng loạt tài liệu quan trọng. Tài năng của cô ấy vượt xa tất cả những người cùng thời, vậy mà tên cô ấy thì chẳng thấy ở đâu cả. Một bí mật như thế chỉ có thể được giữ kín nếu có sự hợp sức của cả nữ tu viện trưởng lẫn nữ trưởng phòng viết tại thời điểm đó, nhưng vì Engelthal cũng là một tu viện nổi tiếng văn chương, câu hỏi lớn ở đây là: người nữ tu này có gì đặc biệt mà lại bị che phủ bởi một màn sương bí mật đến thế?

Ria mép của ông người Đức dường như đang nhảy múa khi ông ta nói tất cả những chuyện này nhưng ông ta cũng thừa nhận là có một số điểm mâu thuẫn với giả thiết Engelthal. Chất lượng những tờ giấy da này khác với giấy của những văn bản khác trong tu viện, và mực cũng có vẻ có những thành phần hóa học khác. Thế nên dù người viết có lẽ xuất thân từ Engelthal, ông người Đức giải thích, chất liệu vật chất thì lại không thế. Và – liệu ông ta có cần phải nói thêm điều này không? – Engelthal hầu như không thể liên quan tới tuyệt tác thơ văn của Dante. “Nó không phải là thứ mà người ở đó hay làm, nếu anh hiểu tôi muốn nói gì. Không chỉ vì nó được viết bằng tiếng Ý, mà còn vì thời bấy giờ nó còn là một thứ cực kỳ báng thánh bổ thần nữa.”

Ông người Đức hỏi, có vẻ khá ngây ngô, rằng liệu tôi có chút “gợi ý” nào cho ông ta nữa không? Hóa ra là có. Tôi gợi ý rằng ông từ giờ nên chuyển hướng chú ý của mình từ Engelthal sang thành phố Mainz, đặc biệt chú ý tới những cuốn sách được xuất bản tư nhân từ khoảng giữa những năm 1320. Người viết ấy, tôi nói, có lẽ đã viết sách dưới cái tên là Marianne Engel. Cặp lông mày rậm rì của ông người Đức nhíu lại dưới sức nặng của nguồn thông tin mới này và ông ta nài nỉ được biết tại sao tôi có thể đưa ra những lời chỉ dẫn cụ thể đến thế. Tôi nói rằng đấy chỉ là linh cảm thôi.

Ông ta dành gần hết tháng để tìm những bản thảo nằm trong phạm vi tôi đã đề ra. Ông ta thường xuyên gọi điện, thỉnh thoảng là để cập nhật tiến độ nhưng thường là để phàn nàn về việc hợp đồng tuyệt mật đã làm chậm mọi việc. “Anh có biết là kiếm những tài liệu đó khó thế nào khi tôi không thể nói được là tôi kiếm chúng để làm gì không? Anh nghĩ là tôi cứ thế mà ra thư viện rồi kiếm sách từ thế kỷ mười bốn à?”

Tôi có thể thấy rằng ông ta sắp sửa nói với các đồng nghiệp của mình, dù tôi có đồng ý hay không, vì thế tôi tuyên bố là cuộc điều tra của ông ta nay đã kết thúc. Tôi nghĩ ông ta sẽ đấm cho tôi một cú vào mặt, nhưng thay vào đó là một màn xin xỏ ỉ ôi: “Đây là một trong những phát hiện cực kỳ quan trọng của cả ngành nghiên cứu này… một sự kiện ngoài sức tưởng tượng… thay đổi toàn bộ những gì chúng ta nghĩ về lịch sử dịch sách của người Đức…” Khi tôi tiếp tục từ chối, ông ta liền đổi giọng. Ông ta nài nỉ xin được nghiên cứu thêm vài ngày và tôi thề rằng ông ta thậm chí còn nháy mắt với tôi nữa kia. Tôi cũng chối luôn yêu cầu này, biết chắc là ông ta sẽ dùng khoảng thời gian đó để làm một bản copy chất lượng cao. Khi tôi đòi lấy lại bản thảo của mình ngay giây phút đó, ông ta đã dọa là sẽ công bố tất cả những gì ông ta biết. “Một bản hợp đồng đầy đủ tính pháp lý cũng chẳng là gì so với một món quà tuyệt vời đến thế này cho thế giới văn chương!” Tôi nói với ông ta rằng tôi rất trân trọng cảm xúc của ông ta; tuy nhiên, tôi vẫn có thể kiện cho ông ta phá sản nếu ông ta dám hé nửa lời. Nghe thấy điều này, ông ta đã hậm hực nói rằng lẽ ra Dante phải thêm một tầng Địa ngục cho những kẻ “ghét sách” như tôi đây.

Trong nỗ lực cố làm nguôi ngoai phần nào cái tôi của ông ta, tôi đảm bảo với ông ta rằng nếu có khi nào đó công bố bản dịch tiếng Đức của tác phẩm Địa ngục, tôi sẽ công nhận cho cả thế giới biết những nghiên cứu ông ta đã thực hiện. Thực tế là, tôi sẽ mời ông ta xuất bản những nghiên cứu của mình cùng lúc ấy, thế là ông ta sẽ không hề bị tước quyền công bố những phát hiện mang tính hàn lâm của mình. Và rồi ông người Đức đã làm tôi cực kỳ ngạc nhiên. “Tôi chẳng quan tâm anh có cho thêm thông tin gì của tôi vào hay không. Phát hiện này quan trọng đến mức không thể bị giấu đi được.”

Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn chưa biết phải làm gì với hai cuốn Địa ngục mà Marianne Engel đã để lại cho tôi. Khi cảm thấy đặc biệt phấn khích, tôi sẽ tự nhủ rằng tôi sẽ mang bản tiếng Đức cùng xuống mồ, phòng khi tôi có thể gặp được Francesco Corsellini lần nữa để trả lại cuốn sách này cho cha anh.

Tôi giữ lại những ngón chân giả nhưng từ chối lắp ngón tay giả; những ngón chân giúp tôi giữ thăng bằng, trong khi những ngón tay chẳng được ích lợi gì. Hơn nữa, với một thân thể như của tôi đây, việc dùng những ngón tay giả cũng y như việc thay đèn pha cho một cái ô tô nát vậy.

Vẫn có một số thủ thuật tôi có thể thực hiện để cải thiện diện mạo của mình, vài cuộc tiểu phẫu hoặc chỉnh hình thẩm mỹ để là phẳng các mô sẹo gồ ghề nhất của tôi. Phẫu thuật thẩm mỹ giúp tái tạo tai tôi bằng cách dùng sụn xương sườn, hoặc cung cấp tai giả giống tai thật. Nhưng, cũng như ngón tay giả, tai giả thiếu mất tác dụng thực tế: sụn hoặc tai nhựa đặc biệt không thể giúp tôi có lại thính giác như trước kia. Trên lý thuyết chúng sẽ giúp tôi trông giống người hơn bằng việc làm tôi trông “bình thường” hơn, nhưng khi tôi thử đeo cái tai giả lên, tôi trông chẳng khác gì Ngài Đầu Khoai Tây cả. Về chuyện phẫu thuật tái tạo dương vật mới, tôi vẫn chưa có ý định thực hiện. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ làm, nhưng giờ tôi đã chịu đủ loại phẫu thuật rồi. Tôi mệt. Thế là gần đây tôi nói với bác sĩ Edwards, đơn giản là: “Đủ rồi.”

“Tôi hiểu,” bà nói. Và rồi cái nhìn ấy lại hiện lên trên gương mặt của Nan, cái nhìn tôi đã quá rõ, cái nhìn bà thể hiện khi đang cân nhắc lợi hại của việc nói thật hay cứ giữ im lặng. Theo thói quen, bà lại chọn sự thật. “Có lần anh đã hỏi tại sao tôi lại chọn làm việc trong khoa bỏng. Tôi sẽ cho anh xem một thứ tôi chưa bao giờ cho một bệnh nhân nào khác xem.”

Bình luận
× sticky