Làm sao tôi có thể miêu tả được cuộc đời ở thời Trung cổ mà Marianne Engel nói là của cô, khi mà – dĩ nhiên – cô cũng như tôi, không còn sống ở thế kỷ mười bốn nữa? Thách thức không chỉ nằm ở tính thiếu chân thực trong câu chuyện, mà còn bởi tôi không còn có thể chỉ viết bằng giọng của chính mình nữa: bây giờ tôi phải viết theo cả giọng của cô. Tôi đã rất nỗ lực để viết lại câu chuyện về Engelthal chính xác theo những gì cô kể, nhưng nếu việc ghi lại những lời cô nói có gì sai sót thì rất mong được lượng thứ. Tôi đã cố hết sức rồi.
Câu chuyện cũng đặt ra câu hỏi rằng Marianne Engel thực ra đã điên đến mức độ nào. Cô có thật sự tin rằng mình đã được nuôi dạy trong một tu viện thời Trung cổ không, hay cô chỉ đang cố mua vui cho một bệnh nhân bỏng? Khi tôi cố bắt cô thú nhận cô chỉ đang bịa chuyện, cô nhìn tôi như thể chính tôi mới là kẻ điên và, vì tôi muốn cô lại đến nữa, nên tôi cũng khó lòng bắt cô nói khác đi được. Cuối cùng, tôi quyết định cứ để cô kể chuyện cho tới khi sự thật bị lột trần.
Tôi không phải người duy nhất nghĩ ngợi về tình trạng thần kinh của vị khách này. Bác sĩ Edwards đã đến thăm tôi với mục đích xa xôi là khuyên tôi hạn chế các cuộc viếng thăm tiếp theo của người phụ nữ mới xuất hiện trong cuộc đời tôi đây. Cuộc trò chuyện bắt đầu bằng lời cảnh báo về những rủi ro sức khỏe Marianne Engel có thể mang tới; do cô cứ lén lút vào khi các y tá không để ý và cô chẳng thèm quan tâm đến nội quy đồng phục dành cho khách thăm bệnh, ai mà biết được cô sẽ mang các thể loại vi trùng gì đến? Tôi gật gù tán thành ý kiến này nhưng bẻ lại rằng việc trông đợi một cái gì đó – một ai đó – đến thăm hiển nhiên không hại gì đến quá trình hồi phục của tôi.
“Có thể là thế, nhưng anh cần phải tập trung vào việc hồi phục, chứ không phải là quan tâm tới…” Nan dừng một chút để soạn ra một cụm từ mang tính chính trị, “… những vấn đề chẳng có ích gì cho anh cả.”
Bà mới nhanh nhảu làm sao khi cho tôi biết tôi cần gì, tôi nghĩ.
“Tôi đã làm nghề này lâu rồi và tôi thấy gia tăng căng thẳng có thể gây hại cho bệnh nhân thế nào.”
Tôi hỏi liệu có phải bà lo lắng vì khách của tôi là bệnh nhân không thường xuyên của bệnh viện không, và Nan khẳng định chuyện đó chẳng có lợi cho Marianne Engel chút nào. Tuy nhiên, bà cũng mau miệng thêm rằng họ không, hay không thể, viện cớ này để cấm cửa Marianne Engel; vì cô được đánh giá là đủ khả năng hòa nhập xã hội, thế nên cô cũng đủ điều kiện đến thăm bệnh nhân. Tuy nhiên, tôi thấy Nan có thể dùng ảnh hưởng của mình để gây khó dễ hết mức.
“Tôi muốn nói với chị,” tôi đề nghị, “nếu chị cho phép cô ấy tiếp tục đến, tôi sẽ tập luyện với Sayuri chăm chỉ hơn.”
“Kiểu gì thì anh cũng vẫn phải làm thế thôi.”
“Nhưng mà tôi sẽ không làm thế,” tôi nói, “và chị sẽ chỉ nhận được cái chị đáng nhận được thôi.”
Nan hẳn xét thấy bà sẽ không có vụ thương lượng nào tốt hơn cái tôi đang đề nghị, vì bà đã chấp nhận. Tuy nhiên, bà không thể không thêm vào, “Tôi không bắt buộc phải thích chuyện đó đâu nhé.”
“Không, chị không cần phải thích đâu,” tôi nói. “Chị chỉ cần để cô ấy yên thôi.”
Không lâu sau cuộc gặp với bác sĩ Edwards, Connie đến cùng một tay hộ lý để đưa tôi tới một căn phòng biệt lập, cách xa các bệnh nhân bỏng khác. Tôi hỏi cô chuyện gì đang xảy ra – chắc chắn có nhầm lẫn gì rồi. Không đâu, cô trấn an tôi, tôi sẽ có phòng riêng, theo chỉ thị của bác sĩ Edwards, dù cô không biết tại sao. Cô nói với tôi rằng tôi nên cố hưởng thụ sự riêng tư của mình khi còn có thể vì nếu điều này là một nhầm lẫn, nó sẽ nhanh chóng bị sửa chữa thôi. Thay vì mang tôi ra khỏi chiếc giường xương, họ chỉ làm mỗi việc là đẩy cả cái giường ấy xuống hành lang rồi vào một căn phòng nhỏ hơn, nhưng rất đẹp và trống không.
Trống không, ấy là, cho tới khi Sayuri đến vẽ ra một bài tập mà cô muốn tôi bắt đầu luyện tập hằng ngày. “Bác sĩ Edwards bảo tôi là anh đang rất háo hức được tập những bài tập khó hơn,” cô vừa nói vừa đặt một cái ván dài bằng thành giường lên giường, dựng nghiêng cách xa tôi. Trên tấm ván xẻ một cái rãnh lấy chỗ cho cô đặt hai quả bóng bạc nặng một cân vào. Tôi phải đẩy quả bóng lên tận đỉnh ván, và rồi lại nhẹ nhàng đỡ lấy khi nó lăn xuống chân ván. Cứ thế lặp đi lặp lại.
Tôi đã từng kéo những thiết bị quay phim nặng hàng chục cân đi quanh giường vào mỗi thước phim, thế mà giờ đây tôi lại phải hạ mình đẩy một quả bóng lên trên một cái ván gỗ. Tệ hơn, ngay cả nhiệm vụ đơn giản này cũng khiến tôi phải tập trung hết sức mình. Tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt băng bó của mình phản chiếu trên mặt cong của quả bóng bạc, và tôi càng đẩy quả bóng ra xa bao nhiêu, hình ảnh phản chiếu của tôi càng chạy ra xa bấy nhiêu. Sayuri tán thưởng mọi thành công của tôi. “Hoàn hảo!” Khi chúng tôi kết thúc, cô nhẹ nhàng đẩy quả bóng như thể nó là – ừm, như thể nó là một quả bóng nặng một cân vậy. Không những làm tôi nóng mắt vì khỏe hơn tôi, người phụ nữ Nhật Bản nhỏ bé này còn làm tôi nóng mắt hơn khi cô khẽ cúi đầu chào rời khỏi phòng.
Sau đó, khi bác sĩ Edwards tới bên giường bệnh của tôi, tôi đã hỏi về căn phòng riêng. Tại sao, tôi vặn vẹo, tôi lại được xài sang đến thế? Nó chẳng có vẻ gì là phần thưởng cho thái độ tốt của tôi, hay cho sự luyện tập khắt khe tôi vừa bắt đầu và sẽ còn phải tiếp tục cả.
Nan, theo lời bà, đang tiến hành một nghiên cứu mà bà rất mong được xuất bản về ảnh hưởng của phòng riêng trong việc chữa trị cho bệnh nhân bỏng so với phòng chung. Bà hy vọng trường hợp của tôi có thể cung cấp thêm một số góc nhìn sâu sắc về những bệnh nhân được chuyển phòng trong quá trình điều trị, và thật may mắn làm sao khi ngẫu nhiên lại còn một phòng trống. Khi tôi hỏi liệu điều này có đồng nghĩa với việc một lúc nào đó tôi có thể bị chuyển lại về phòng chung không, bà chỉ nói là vẫn chưa biết được.
Tôi trấn an bà rằng tôi rất vui được làm con chuột thí nghiệm bé bỏng bị cách ly cho bà chừng nào bà muốn, nhưng có chua thêm: “Chị chắc là không còn điều kiện nào nữa chứ?”
Bà nghĩ một chút, rồi quyết định hé thêm một sự thật – điều mà tôi đã đoán từ trước: “Anh cứ thoải mái tiếp nhận những cuộc viếng thăm của cô Engel, nhưng tôi thấy cô ấy không có lý do nào để đến thăm những bệnh nhân khác.”
Tôi nói rằng tôi rất cảm kích sự quan tâm của bà dành cho những người khác, và bà gật đầu. Khi cả hai đều thấy rõ là chẳng còn gì để nói thêm, bà lại gật đầu cái nữa rồi nhanh chóng rời phòng.
Những chuyến thăm của Marianne Engel càng thêm phần thú vị vì giờ chỉ có hai chúng tôi, chẳng cần phải kéo rèm nhựa, và vì các bác sĩ đã thôi không bắt cô mặc đồng phục bảo vệ nữa. Quần áo thường ngày của cô được chấp nhận, phần vì tôi đang dần trở nên khỏe hơn và việc mặc đồng phục không còn bắt buộc nữa, nhưng, có lẽ quan trọng hơn, đó là vì đội ngũ y tá bác sĩ đã quá ngán cái cảnh cứ phải tranh luận với cô rồi. Marianne Engel là một vị khách mà tất cả bọn họ đều đồng lòng phản đối nhưng tôi lại đấu tranh để được có, cho nên tôi nghĩ họ đã quyết định là có rủi ro gì thì tôi tự đi mà chịu lấy.
Giờ đây khi đã có thêm nhiều không gian riêng, những cuộc chuyện trò của tôi với Marianne Engel ngày càng đa dạng: làm thế nào để nấu món mì lasagna chay; những trò chơi gì đang được tổ chức tại lễ hội ở Hamburg; vẻ đẹp buồn bã của bản giao hưởng cung D thứ dành cho kèn Oboe của Marcello; tập quán định cư của thổ dân da đỏ vùng duyên hải phía Tây nước Mỹ; vì sao người ta lại hát trong các ban nhạc rock; giá trị của văn học Canada trên tương quan so sánh với văn học Nga; khí hậu khắc nghiệt đã hình thành phẩm chất con người như thế nào; lịch sử nạn mại dâm ở châu Âu; vì sao người ta lại đam mê ý tưởng trong album “Heavyweight Champion of the World” của ban nhạc rock Reverend and The Makers; những cuộc hội thoại có thể diễn ra giữa một thành viên của giáo phái Nhân chứng Jehovah với một nhà khảo cổ học; và cả kẹo cao su giữ được hương vị trong cổ họng bao lâu. Những năm tháng thăm thú thư viện quả rất có ích cho tôi.
Tôi hỏi về Ba Vị Chủ Nhân của cô, và hỏi kháy rằng liệu những đấng phù trợ ấy có được nhiều nữ tu Trung cổ biết đến không. Cô nghiêm túc trả lời rằng không hề có chuyện đó nhưng thực tế thì Heinrich Seuse cũng có Ba Vị Chủ Nhân mà ông cần có được sự đồng thuận (với cùng bài kinh tiếng Latin cô đã dùng) khi muốn nói chuyện với họ.
Phản ứng của tôi khá hiển nhiên: “Các vị bảo hộ của hai người có giống nhau không?”
“Không.” Vị chủ nhân đầu tiên của Seuse là thánh Dominic, người sáng lập dòng Dominica, chỉ cho phép nói chuyện ở thời gian và địa điểm thích hợp. Vị chủ nhân thứ hai, thánh Arsenius, chỉ chấp nhận những cuộc nói chuyện không liên quan đến các vấn đề vật chất. Vị chủ nhân thứ ba, thánh Bernard xứ Clairvaux, chỉ cho phép Seuse được nói khi việc đó không làm ông ấy bị rối loạn cảm xúc.
“Còn những vị chủ nhân của cô?”
Cô nói rằng chủ nhân của mình là Meister Eckhart, một nhà thần học nổi tiếng đã hoạt động suốt thời xơ Marianne còn trẻ; Mechthild von Magdeburg, lãnh tụ tinh thần của người Beguine, người sáng lập Engelthal; và cha Sunder, người cô đã nhắc đến trước đó.
Khi cuộc trò chuyện cuối cùng cũng xoay quanh sự nghiệp khiêu dâm của tôi, nó hầu như chẳng còn đặc biệt nữa; chỉ là chút gia vị cho một cuộc nói chuyện trên trời dưới biển. Tuy vậy, cô rất tò mò về công việc đó và đặt nhiều câu hỏi làm tôi phải trả lời hết công suất. Khi kết thúc, tôi hỏi công việc kiếm sống của tôi có làm phiền lòng cô không.
“Không hề,” cô trả lời, và nhắc tôi nhớ rằng thậm chí cả thánh Augustine cũng sống một cuộc đời hoan lạc trước khi cất lời khẩn nài nổi tiếng với Chúa, “Hãy cho con trở nên thánh thiện – nhưng cứ từ từ thôi.”
Điểm khác biệt, tôi chỉ ra cho cô, là tôi sẽ không đến với tôn giáo để trốn tránh quá khứ của mình. Marianne Engel nhún vai tỏ vẻ bàng quan. Không biết có phải cô nghĩ tôi đã sai và rồi tôi sẽ có niềm tin vào Chúa không, hay đơn giản là cô không quan tâm. Nhưng việc chuyển chủ đề trò chuyện cũng gợi lên vấn đề về đức hạnh và tôi bèn ướm hỏi liệu cô có biết chuyện xảy ra với cái ấy của tôi trong đám cháy không.
“Tôi được các bác sĩ thông báo là nó đã bị mất,” cô trả lời.
Thế là cô đã biết, nhưng cô nghĩ gì? “Và…?”
“Và thật đáng tiếc.”
Phải, thật đáng tiếc. “Tôi cứ tưởng cô không thích nói chuyện với các bác sĩ.”
“Tôi cần biết rõ về những vết thương của anh nên không thể tránh nói chuyện đó.”
Đó là dấu chấm hết cho cuộc trò chuyện ngày hôm ấy về của quý bị mất của tôi; quá nhiều so với những gì tôi định nói rồi.
Mỗi lần đến thăm, Marianne Engel lại ăn mặc chỉn chu hơn lần trước, thành một ngưòi phụ nữ mới. Cổ tay cô lủng lẳng các loại vòng từ khắp nơi trên thế giới: Aztec, Maya, Tonka Toy, Ojibwa. Ngón tay cô đeo đầy nhẫn nhựa, những con voi màu vàng tên là Duke Elliphant và Ellaphant Gerald. Đôi giày thể thao của cô đính đầy hạt xê quin khiến tôi liên tưởng tới cả một đàn cá nhiệt đới đang bơi loạn xạ. Khi ra khỏi phòng để hút thuốc, cô nâng vạt váy màu tím lên để nhún gối chào. Tôi hỏi nguyên cớ gì đã làm cô thay đổi gu thẩm mỹ thế thì nhận được câu trả lời là vì tất cả mọi người đều nghĩ rằng cô điên, nên cô cũng mặc cho giống thế luôn.
Thật thú vị: đây là câu nhận xét khôi hài đầu tiên của cô về tình trạng thần kinh của bản thân. Tôi nghĩ có lẽ đó là sự khai mào mà tôi đang trông đợi, thế là tôi hỏi cô – chỉ ra rằng cô cũng đã hỏi bác sĩ về những vết bỏng của tôi – là cô được chẩn đoán đang ở trong tình trạng nào. Cô dập luôn chủ đề ấy bằng việc nói như đinh đóng cột rằng các bác sĩ chẳng qua không hiểu nổi sự quyến rũ đặc biệt của cô thôi.
Cô thò tay vào ba lô lấy ra một cuốn sách nhỏ bìa da. Cô muốn đọc to cho tôi nghe, cô nói thế. Địa ngục của Dante. Một lựa chọn tuyệt vời cho phòng bỏng, tôi nhận xét, và nói thêm rằng dù rất yêu văn học, nhưng đây là tác phẩm kinh điển mà tôi chưa bao giờ đọc.
Cô mỉm cười như thể biết điều gì đó mà tôi không biết. Cô có một linh cảm mạnh mẽ, cô nói, rằng tôi sẽ không chỉ thấy cuốn đó phù hợp với sở thích của mình mà còn rất thân thuộc nữa.
Marianne Engel đang kể câu chuyện cuộc đời cô hồi thế kỷ thứ mười bốn. Giờ, nếu cô có thể làm thế này thì chắc độc giả cũng sẽ không phiền nếu tôi cung cấp chút thông tin về cuộc đời của Sayuri mà tại thời điểm này trong thời gian nằm viện dưỡng bệnh tôi chưa biết. Để biện minh cho việc nhảy khỏi trình tự thời gian, tôi phải nói là cô Mizumoto chỉ kể cho tôi nghe những chuyện này sau khi chúng tôi đã trở nên thân thiết – và ít nhất thì câu chuyện của cô cũng có thật.
Sayuri là con thứ ba, con gái thứ hai, của Toshiaki và Ayako Mizumoto. Vị trí con út quả là bất hạnh, vì điều đó có nghĩa khi còn bé thì cô là người thứ năm được tắm mỗi tối. Các gia đình Nhật Bản có truyền thống dùng chung bồn tắm và, dù họ đã rửa ráy trước khi vào bồn rồi, nước vẫn cứ đen dần đi sau mỗi lần tắm. Người cha vào trước, rồi đến các thành viên nam từ lớn nhất đến nhỏ nhất. Xong xuôi mới đến lượt phụ nữ tắm, lại theo trình tự từ lớn nhất đến nhỏ nhất. Điều này có nghĩa là cha, anh trai, mẹ, chị gái đều dùng bồn tắm trước Sayuri. Suốt cả quãng đời thơ ấu của mình, hằng đêm cô luôn phải ngâm mình trong dòng nước tích tụ chất bẩn của cả gia đình.
Đám cưới của Toshiaki và Ayako là sản phẩm của omiai, một cuộc hôn nhân sắp đặt. Nếu không phải một cuộc hôn nhân ngập tràn tình yêu, nó ít nhất cũng làm tròn trách nhiệm, bằng chứng là ba đứa trẻ. Toshiaki làm việc chăm chỉ ở cơ quan, quán rượu và quán karaoke; Ayako quán xuyến việc nhà, giữ tay hòm chìa khóa và sắp sẵn thức ăn đợi chồng khi ông ta về nhà trong tình trạng say xỉn và hát hò ầm ĩ. Họ hoàn thành những nghĩa vụ cần thiết để được xếp vào danh sách những gia đình Nhật Bản bình thường, và cả Toshiaki lẫn Ayako đều mong muốn con cái của mình sau này cũng đáp ứng được những yêu cầu ấy.
Đứa con trai đầu lòng của họ, Ichiro – cái tên, tiện đây nói luôn, nghĩa là Đứa Con Đầu Lòng – vào một trường đại học tốt. Vì thế, anh ta nhận được một công việc tốt với đồng lương hậu hĩnh ở một công ty tên tuổi sau khi tốt nghiệp; mọi sự diễn ra như thế. Thực ra thì, Ichiro chẳng cần phải chú tâm học hành sau khi được nhận vào trường làm gì, vì việc được nhận vào trường mới quan trọng, học hành á, không đến mức ấy. Sau khi kiếm được một công việc tốt, anh ta làm việc vài năm rồi cưới một cô gái Nhật Bản con một gia đình tử tế ở một độ tuổi hợp lý. Rất ngẫu nhiên, độ tuổi hợp lý của một cô gái Nhật Bản luôn nhỏ hơn hai lăm, vì đó là khi cô ấy trở thành một cái “bánh Giáng sinh”. Những cái bánh Giáng sinh, như mọi người đều biết, trước ngày hai lăm thì được thèm muốn nhưng sau đấy thì rất nhanh hỏng và bị bỏ đi. Vợ của Ichiro mới hai ba, thế nên cô ấy còn lâu mới đến ngày hết đát. Toshiaki và Ayako rất hài lòng; Ichiro sẽ thừa kế căn nhà và chăm sóc phần mộ của bố mẹ sau khi hai cụ qua đời.
Chị của Sayuri, Chinatsu – một cái tên thật đáng yêu, nghĩa là Một Nghìn Mùa Hè – cũng đã theo học ở một ngôi trường tốt, rồi làm nhân viên văn phòng vài năm và kết hôn lúc hai mươi tư tuổi rưỡi. Vừa kịp. Cô bỏ việc và bắt tay vào kế hoạch sinh con luôn. Một lần nữa, hai ông bà lại rất hài lòng.
Và rồi đến lượt cô con gái út nhà họ, cô bé rắc rối Sayuri ấy. (Tên cô có nghĩa là Hoa Loa Kèn Bé Nhỏ. Quả thật, người Nhật đúng là những bậc thầy đặt tên.)
Sayuri nhỏ hơn Chinatsu vài tuổi. Cha mẹ cô không bao giờ dám gọi cô là một tai nạn nhưng, thỉnh thoảng thôi, họ cũng nói hớ ra là cô “nằm ngoài kế hoạch”. Cha mẹ cô, nếu bị ép buộc, cũng sẽ thừa nhận rằng những thứ nằm ngoài kế hoạch có thể khá phiền nhiễu nhưng, mặt khác, nếu hai đứa trẻ trước đã tốt rồi thì đứa thứ ba hẳn phải tốt hơn một phần ba. Tuy nhiên, khả năng toán của Sayuri phát triển đến độ đủ nói cho họ biết rằng thêm một vào hai thực ra có thể làm tăng gấp rưỡi chất lượng, chứ không phải chỉ một phần ba đâu.
Ichiro và Chinatsu đều đã đi những con đường đúng đắn và làm những gì đáng được trông đợi. Hình mẫu được xây dựng vững chắc, được gấp lại gọn gàng và cất đi như một chiếc áo kimono đẹp đẽ; khuôn mẫu cư xử đúng mực gần như đã trở thành một vật thừa kế truyền đời. Tất cả những gì Sayuri phải làm, để tiếp tục hoàn thiện cuộc đời hoàn hảo của bố mẹ cô, ấy là noi gương anh chị. Nhưng điều này, thật bất hạnh, lại là điều cô không bao giờ muốn. Nếu làm thế, cô lý luận, cô không chỉ bị đày đọa suốt thời thơ ấu mà cả đời cô cũng sẽ phải vật vã trong cái bồn tắm gia đình bẩn thỉu.
Vấn đề là Sayuri không chắc cô thực sự muốn làm gì, thế nên cô khôn ngoan im miệng và chờ thời cơ. Cô học hành cực chăm thời trung học, nhưng sau lưng bố mẹ, cô đã dành toàn bộ thời gian còn lại của mình để học tiếng Anh. Họ không mảy may hay biết rằng mỗi tối thứ Ba hằng tuần, trong lúc họ hồn nhiên cho là con mình đang ở sân tập bóng chuyền thì thực ra cô lại được một phụ nữ người Úc tên Maggie phụ đạo tiếng Anh. Mỗi thứ Bảy Sayuri đều đi xem phim, không phải để giải trí mà để học nói như Jodie Foster, Susan Sarandon, và (thật không may) Woody Allen. Vào những chiều Chủ nhật, cô thường đến bảo tàng địa phương để săn khách du lịch Mỹ và khi dồn được một người vào góc rồi, cô sẽ hỏi xem liệu anh ta có thể nói chuyện với cô trong năm phút để cô luyện tiếng Anh được không. Các du khách đều đồng ý, vì ai có thể từ chối sự nhiệt tình đáng yêu thế chứ? Cùng lúc đó, Sayuri ngoan ngoãn điền đơn xin vào những trường đại học thích hợp tại Nhật Bản và đã được nhận vào một trường. Cha mẹ cô rất hạnh phúc. Giờ Sayuri chỉ còn phải lo tốt nghiệp, làm nhân viên văn phòng một vài năm, và bay khỏi giá bánh trước năm hai lăm tuổi.
Ngay sau lễ tốt nghiệp trung học phổ thông, Sayuri đến đại sứ quán Úc cùng Maggie để lấy visa lao động. Một tuần sau, Sayuri gọi điện thoại đường dài cho cha mẹ mình từ tít sân bay Sydney. Chẳng cần phải nói, họ thất vọng tràn trề, không chỉ vì hành động liều lĩnh và bất kính của cô mà còn vì cô đã không đủ can đảm nói lời tạm biệt trước khi rũ áo ra đi.
Thực ra thì, Sayuri làm thế không phải do thiếu can đảm, mà còn thừa là đằng khác. Nếu cô cố cãi lý với cha mẹ, họ sẽ không bao giờ để cô đi. Đó sẽ là một cuộc tranh luận mà cô không thể thắng nhưng cũng không muốn thua, vậy nên cô chỉ làm những gì cần làm để bắt đầu một cuộc sống mong muốn. Lúc đầu cha mẹ Sayuri tưởng con gái nói đùa – nó không thể gọi cho họ từ Úc được? Nó không có ý định ở lại đó chứ? Khi cuối cùng cũng chịu chấp nhận sự thật, họ đã hết đe dọa rồi lại thuyết phục cô. Sayuri cúp máy, vì nếu cô tiếp tục nghe thì cũng chẳng thay đổi được gì.
Cô ở Úc một năm, chuyển hết công việc này đến công việc khác: phục vụ bàn, sơn nhà cửa, hái quả, gia sư tiếng Nhật, vân vân và vân vân. Da cô thêm rám nắng nhưng nụ cười của cô ngày càng tươi, còn tiếng Anh thì ngày càng tiến bộ. Vấn đề lớn nhất cô gặp phải khi ở những nước phương Tây là cô thường phải đi mua sắm ở khu quần áo dành cho trẻ em để tìm những bộ vừa với mình, vì cô hơi nhỏ người kể cả với phụ nữ Nhật Bản. (Đây là lý do trong thời gian ở nước ngoài cô trông cứ như con búp bê.) Sayuri gọi cho cha mẹ mỗi tháng một lần – mỗi lần một trạm điện thoại khác nhau – để báo cho họ biết cô vẫn khỏe và lễ phép nghe khi họ khẩn khoản khuyên cô quay về. Thỉnh thoảng Ichiro viện cả sức nặng của giọng huynh trưởng đưa vào cuộc thoại. Sayuri cũng lờ mệnh lệnh của anh ta luôn.
Khi visa của Sayuri hết hạn, cô quay trở lại Nhật Bản. Mẹ cô khóc nức nở còn cha cô thì thét lên, mặc dù một phần trong ông cũng ngưỡng mộ những gì cô đã làm được. Sayuri thông báo với họ rằng cô sẽ theo học tại một trường đại học của Mỹ để lấy học vị. Trong suốt năm tiếp theo, cô làm thêm ba việc một lúc, đỗ những kỳ thi năng lực tiếng Anh cần thiết và được nhận vào khoa vật lý trị liệu trường đại học Michigan. Khi đến lúc phải ra đi một lần nữa, mẹ cô lại tuôn thêm một dòng sông nước mắt Nhật Bản. Tuy nhiên, đến lúc này, người cha đã chấp nhận ý nghĩ điên rồ của cô con út. Khi Toshiaki đề nghị đỡ một phần học phí, Sayuri ôm chặt ông thật lâu. Chẳng biết phải làm gì, ông bèn cố ưỡn ngực đứng thẳng hết mức.
Sayuri hoàn thành khóa học với tấm bằng xuất sắc và được nhận vào một bệnh viện nơi rốt cuộc cô sẽ gặp tôi. Rất lâu trước khi tôi xuất hiện, cô đã trả được hết từng đồng học phí cha cô chu cấp.
Bác sĩ Hnatiuk cứ vài ngày lại đến phòng tôi một lần để đưa sách tâm lý học. Tôi bắt đầu thấy thích ông ta. Tôi chẳng biết mình thay đổi thái độ với ông ta từ khi nào vì tôi chưa từng phun ra câu: “Này, rốt cuộc sóc chuột cũng không đến nỗi tệ lắm đâu nhỉ.” Ông ta cứ âm thầm tiếp cận tôi. Quan trọng nhất là ông ta đã không lôi cái quan hệ bác sĩ-bệnh nhân ra áp dụng với tôi nữa, mà cứ để cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên. Một điều quan trọng khác là ông ta cũng thích cái gargoyle Marianne Engel tặng tôi, trong khi Beth lại gọi nó là “thứ đồ nhỏ thó xấu xí”. Tuy nhiên, điều thực sự làm tôi thấy có hứng thú với Gregor là, trái ngược với vẻ ngoài nhu nhược, ông ta là người sống đam mê và tận tâm với công việc. Một chiều nọ, ông ta kể tràng giang đại hải về những tên luật sư mà theo ông ta là kẻ thù lớn nhất của tâm lý trị liệu trong suốt nửa thế kỷ qua. Ông ta kể tôi nghe bọn họ đã đấu tranh cho quyền lợi của bệnh nhân như thế nào – đúng là đáng hoan nghênh – nhưng lại còn lên đến mức mặc kệ bệnh nhân ăn phân của mình nữa chứ. “Cứ mặc kệ bọn luật sư biến phân thành thức ăn dinh dưỡng.”
Vài tuần trôi qua, Gregor bất ngờ thay đổi ngoại hình. Ông ta đã vứt đôi giày moca cùng chiếc quần nhung tăm siêu phản cảm và bắt đầu mặc những bộ quần áo dường như hợp với mình hơn. Dù chúng không thể được coi là “phong cách”, nhưng nói chung cũng tạm chấp nhận được. Ông ta cũng chăm chỉ luyện tập thể thao đến độ đôi gò má hồng hào trông không còn giống như hậu quả của việc phi lên cầu thang nữa, và ông cũng đã giảm được chút mỡ thừa quanh bụng.
Gregor chẳng bao giờ hỏi vì sao tôi đọc sách tâm lý, nhưng ông ta luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của tôi về bệnh tâm thần phân liệt. Dù tôi chưa bao giờ đả động đến tên cô trong bất cứ cuộc nói chuyện nào, một ngày tôi đã nói hớ ra (thực ra cũng không hẳn là lỡ miệng cho lắm) rằng tôi thực hiện những nghiên cứu này vì sợ một người bạn của tôi CÔ TA KHÔNG PHẢI BẠN NGƯƠI có thể mắc chứng này. CÔ TA CHỈ LÀ MỘT CON ĐIÊN.
“Tôi biết rồi,” Gregor nói. “Marianne Engel.”
Gregor có vẻ thỏa mãn vì đã chứng tỏ bản thân mình hơn tôi một bậc, nhưng tôi đoán chắc ông ta cũng đã được thông báo về việc này khi bác sĩ Edwards cố thuyết phục tôi hạn chế các cuộc viếng thăm của cô. Gregor đúng là có điều trị cho cô vài lần, ông ta nói, là người cuối cùng chữa cho cô khi cô phải nhập viện vì đã “nói chuyện với các hồn ma” nơi công cộng. “THẤY CHƯA?” Tôi hỏi sao ông ta lại không nói chuyện này với tôi từ trước. Ông ta dẫn lại lời thề Hypocrate, và chua thêm là sẽ không đả động đến cô nữa ngoài những điều đã nói.
“Vả lại,” ông ta nói. “Tôi cũng sẽ không khẳng định hay phủ nhận đấy có phải một ca tâm thần phân liệt hay không.”
Gregor cũng bảo rằng ông ta chưa bao giờ hé lộ nội dung những cuộc trò chuyện giữa tôi và ông ta cho bất kỳ ai. Tôi nói ông ta thích buôn gì thì buôn, vì tôi không phải bệnh nhân của ông ta. Đáp lại, ông ta bảo rằng chúng tôi vẫn đang ở trong bệnh viện mà tôi là bệnh nhân còn ông ta là bác sĩ, vì thế ông ta coi lý do này là đủ cho việc bảo mật thông tin rồi. Tôi bày tỏ suy nghĩ rằng các bác sĩ tâm thần nhìn chung đều vô tích sự và rằng tôi thực sự chẳng quan tâm đến những gì họ (ám chỉ ông ta) nghĩ về tôi.
“Ồ, có lẽ đúng là rất nhiều người trong chúng tôi đáng ra có thể làm tốt hơn thế,” Gregor thừa nhận, “nhưng chúng tôi cũng có lúc xuất thần đấy. Ví dụ nhé, trong số những vấn đề nhân cách của anh, tôi có thể chẩn đoán được vấn đề lớn nhất.”
“Thế đó là gì vậy?”
“Anh nghĩ mình thông minh hơn hết thảy những người khác.”
Trừ quãng thời gian Marianne Engel biến mất gần cả tuần liền, giờ cô đến phòng điều trị bỏng gần như hằng ngày. Cô giúp tôi tập luyện, đặt hai tay dưới lòng bàn chân của cái chân còn lành lặn của tôi và giúp tạo độ cản khi tôi cố đạp như anh chàng cua rơ một chân.
“Tôi đã nói chuyện với bác sĩ Edwards,” cô nói. “Bà ấy đã cho phép tôi mang cho anh chút thức ăn.”