Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 30

Tác giả: Andrew Davidson

“Tôi chỉ thanh lọc bản thân. Tôi từng khao khát nhận được những chỉ dẫn từ Chúa đến nỗi không thể làm được điều này. Nhưng giờ tôi đã có thể làm bản thân thanh tịnh, và đó là lúc những con gargoyle có thể nói chuyện với tôi. Nếu tâm hồn không thanh tịnh, tôi sẽ luôn dựa vào những suy nghĩ của chính mình, mà suy nghĩ của tôi thì lúc nào cũng sai cả. Bọn quái vật làm việc này dễ dàng hơn, anh thấy đấy, vì chúng đã tự thanh lọc hàng triệu năm nay rồi. Chúa đã nhập vào những tảng đá và thông báo cho chúng những gì cần làm. Rồi chúng thông báo cho tôi những dự định của Chúa với chúng tôi. Tôi phải” – cô dừng đúng năm giây – “tôi phải thanh lọc bản thân tới mức có thể làm được những hành động thuần khiết nhất. Nhưng chỉ có Chúa mới làm chủ được những hành động thuần khiết.”

Tôi không định giả vờ rằng mình hoàn toàn hiểu chuyện này, nhưng đây là cách hiểu tốt nhất tôi có thể đưa ra: Chúa tác động đến “những gargoyle bị chôn vùi” (ám chỉ những gargoyle vẫn còn kẹt trong đá) bằng việc thông báo cho chúng hình dạng chúng cần phải có. Rồi những gargoyle bị chôn vùi sẽ tác động đến Marianne Engel, hướng dẫn cho cô cách tạo hình. Thế là Marianne Engel trở thành trung gian tác động, đẽo gọt tảng đá. Bằng cách này, cô để cho những gargoyle tự hình dung ra hình dạng Chúa đã định cho chúng. Những gargoyle thành hình (tác phẩm chạm trổ hoàn thiện) vì thế trở thành bằng chứng cho sự hiện thực hóa những chỉ dẫn của Chúa. Chúng không phải những sáng tạo của Marianne Engel, vì cô không phải người tạc; Chúa mới là người tạc. Cô chỉ là một công cụ trong tay Người.

Cô vẫn tiếp tục kỳ cọ khắp người tôi trong khi giải thích. Khi cuối cùng cô cũng xong, tôi có thể thấy rõ những vảy da của mình nổi lềnh phềnh trong nước bồn tắm.

Chẳng mấy chốc một đám thợ đã đến lắp điều hòa nhiệt độ và giờ tôi có thể thoái mái ngủ trong cái tháp chuông nhà thờ rồi. Tôi đã cho lắp vài cái giá trong phòng – một để sách, một để con grotesque nhỏ và bông loa kèn bằng thủy tinh tôi được tặng trong bệnh viện. Có một bàn làm việc trong góc phòng, được tôi trang bị hộp dụng cụ văn phòng phẩm Gregor đã tặng tôi. Ở góc phòng khác là một chiếc ti vi và một chiếc đầu video mà Marianne Engel đã mua cho tôi, dù bản thân cô luôn dị ứng với những món đồ quá hiện đại.

Ngay sau ngày hôm đó, cảnh tượng dưới tầng hầm không còn tái diễn nữa, và chúng tôi cũng nhanh chóng hình thành một thông lệ. Buổi sáng khi tôi thức dậy, cô sẽ tiêm cho tôi trước rồi mới tắm cho tôi. Tiếp theo đó là một loạt bài tập mà Sayuri đã đề ra. Đầu giờ chiều tôi sẽ ngủ một chút, và trong khi tôi ngủ, Marianne Engel sẽ đi mua sắm các dụng cụ hỗ trợ hồi phục sức khỏe cho tôi hoặc dẫn Bougatsa đi dạo. Sẩm tối khi tôi tỉnh lại thì chúng tôi sẽ chơi bài, hoặc uống cà phê và nói chuyện. Thỉnh thoảng, nếu cô có việc, tôi sẽ gọi cho Gregor và chúng tôi sẽ nói chuyện với nhau vài phút qua điện thoại. Tôi dần thấy mình nhớ những cuộc viếng thăm của ông ta bên giường bệnh và mỗi khi kết thúc cuộc nói chuyện, cả hai lại hứa với nhau sẽ mau chóng gặp lại. Tuy thế, chẳng dễ dàng gì vì lịch làm việc của ông ta rất bận rộn và dường như có chút thời gian rảnh nào là ông ta lại dành hết cho Sayuri.

Cuối mỗi buổi tối, Marianne Engel sẽ đi ngủ trước tôi, còn tôi sẽ thức đọc Friedrich Sunder hay xơ Christina.

Cuốn Ân điển-cuộc đời khá thú vị, mặc dù, vì vài lý do tôi không thể hiểu nổi, bản ghi chép thỉnh thoảng lại có vài bận người viết thay đổi giới tính. Sunder viết theo đúng phong cách nam giới và rồi – ô la la! – ông trở thành một phụ nữ. Những sai lệch này có thể bắt nguồn từ các biên tập viên nữ sau khi Friedrich qua đời, hoặc bởi vô số các nhà sao chép bản thảo nữ trong suốt bao năm qua, hoặc thậm chí bởi Marianne Engel khi cô dịch bản thảo này sang tiếng Anh. (Thử tưởng tượng ra sự rạo rực sung sướng trong mắt quỷ Titivillus xem!) Tuy nhiên, tôi khá nghi ngờ chuyện đó có thể xảy ra, vì những đoạn đầy nữ tính không chỉ được tìm thấy ở những lỗi viết sai đơn thuần, chúng còn dính cả vào nội dung nữa.

Một ví dụ nổi bật nằm ở đoạn Friedrich Sunder miêu tả đám cưới của ông với Chúa. Ý tưởng về một sự hòa hợp như thế có vẻ – đối với đầu óc hiện đại của tôi – khá kỳ cục, nhưng rõ ràng việc “kết hôn” với Chúa khá phổ biến trong giới đàn ông kiểu như Friedrich. Tuy thế, ngay cả khi chấp nhận vấn đề này, ta cũng không thể phủ nhận bản chất tình dục dữ dội của hình ảnh cô dâu chú rể. Cảnh động phòng diễn ra trên một chiếc giường lộng lẫy phủ đầy hoa, chính giữa cung điện, và được chứng kiến bởi rất nhiều nhân vật tầm cỡ đến từ Thiên đường, có cả Đức Mẹ Mary. Sunder viết rằng Chúa đã ôm hôn ông, và họ đã vui vẻ cùng nhau. (Bạn đọc không sai đâu.) Khi Chúa hành sự xong xuôi với Friedrich, Người lệnh cho các thiên thần nâng nhạc cụ tấu lên những khúc ca đầy hoan lạc như Người đã tấu cho người vợ đáng yêu của mình. Chúa thậm chí còn tuyên bố rằng đêm động phòng sẽ giải phóng hàng loạt linh hồn đang bị giam giữ dưới Luyện ngục, thực sự đã gợi ý rằng đây quả đúng là một đêm tân hôn.

Tôi thoáng nghĩ Marianne Engel trong quá trình dịch có lẽ đã thêm đoạn này vào chỉ để cười vào mặt tôi. Bởi vì – thôi nào! – cái chương này hiển nhiên không thể tồn tại trong bản thảo gốc của Sunder được, đúng không nào? Nhưng khi rỗi rãi tôi đã kiểm tra những nguồn khác và nhận thấy đó đúng là sự thật.

Một điểm hấp dẫn khác, đáng chú ý hơn, đó là việc cuốn Ân điển-cuộc đời chẳng có đoạn nào viết về một xơ Marianne bị bỏ rơi trước cổng Engelthal khi còn là một đứa bé sơ sinh cả. Khi tôi nói chuyện này, Marianne Engel đảm bảo với tôi rằng việc cô bị xóa khỏi cuốn sách của Sunder sẽ được giải thích sau khi cô kể xong về tiền kiếp của chúng tôi.

“Tôi biết anh không thích đến nơi công cộng,” cô nói, “thế giờ chúng ta đi nhé, trong bóng đêm bao phủ.”

Tôi kháng cự như lệ thường, nhưng lại tò mò muốn biết một buổi đi dạo lúc nửa đêm với Marianne Engel (và Bougatsa) sẽ dẫn đến đâu. Thế là chúng tôi nhanh chóng ngồi trong xe của cô, hướng ra bãi biển, một chuyến đi tôi chẳng muốn dừng lại chút nào. Tôi băn khoăn không biết liệu có ai ở đó không và cuối cùng đi đến kết luận là có lẽ không, ai lại ra biển vào một đêm giá rét cuối tháng Hai thế này chứ. Nhưng tôi đã nhầm. Bờ biển cát trắng bập bùng ánh lửa trại nơi đám thiếu niên ngồi lai rai uống rượu. Những đống lửa cách đều nhau trong bóng tối, khiến tất cả mọi người đều phần nào không rõ hình rõ dạng. Tôi thích thế.

Marianne Engel lôi một cái chăn mỏng ra. Tôi muốn cởi đôi giày dính đầy cát, nhưng ngay cả trong bóng tối tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ về bàn chân mất ngón của mình. Cô mong tôi có thể đi bơi cùng cô, hay ít nhất cũng lội nước đến đầu gối, nhưng cô đâu biết nước biển mặn sẽ tác động ra sao lên da tôi. Tôi có cảm giác đó sẽ là tác động không dễ chịu gì. Cũng chẳng thành vấn đề, vì từ bé tôi cũng có biết bơi đâu. “Thật tệ,” cô nói. “Tôi rất yêu nước.”

Tôi gối đầu lên lòng cô và cô kể tôi nghe chuyện một con sói lớn tên là Skưll hằng ngày đuổi theo cố gắng ăn mặt trời. Người ta nói rằng tại Ragnarưk, trận chiến cuối cùng của thế giới, cuối cùng nó cũng sẽ nuốt chửng được mặt trời trong khi người em Hati của nó ăn mặt trăng, rồi những ngôi sao sẽ biến mất khỏi bầu trời. Cô kể tôi nghe về những trận động đất khủng khiếp có thể xé toạc trái đất khi Miðgarðsormur, con Mãng xà sống ở Cõi người, cuộn thân hình khổng lồ của nó dưới lòng đại dương và gây nên những cơn sóng thần. Tất cả thần thánh sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến đáng sợ, rồi những ngọn lửa man rợ sẽ lan ra khắp mọi nơi. Thế giới, Marianne Engel nói, sẽ cháy rụi trước khi những phần tro bụi sót lại chìm vào biển cả. “Ít nhất đó là những gì người bạn Sigurðr của tôi tin tưởng.”

Cô bật dậy khỏi chiếc chăn và bắt đầu cởi quần áo. “Tôi đi bơi đây.”

Dù thường quen chấp nhận thói leng keng của cô, tôi vẫn bị sốc bởi lời tuyên bố dõng dạc này. Rõ là nguy hiểm, và tôi bác rằng trời đang quá lạnh.

“Ổn mà,” cô khăng khăng. “Mọi người toàn làm thế, anh thấy còn gì, ở lễ hội nhảy xuống nước lạnh ấy.”

Tôi cũng đã nghe về mấy vụ đó rồi – người ta nhảy xuống biển lạnh giá trong vài phút, thường là để làm từ thiện – và cũng biết rằng đám người ấy được bao nhiêu tình nguyện viên, cả bác sĩ nữa, để ý từng li từng tí. Bất cứ ai trong đoàn người tham gia sự kiện ấy cũng đều có thể cứu một thành viên gặp nạn, nhưng ở đây, cô chỉ có một mình.

“Tôi rất thích khi anh quá lo lắng cho tôi,” cô nói, “nhưng tôi đã làm thế hàng bao nhiêu lần rồi.”

“Thế cơ à?” tôi vặn. “Ở đâu? Khi nào?”

“Ở Phần Lan. Rất thường xuyên.”

Phần Lan. “Cũng chẳng làm ý tưởng hôm nay khá khẩm hơn chút nào.” Chúng ta đâu có ở Phần Lan.

“Anh thật dễ thương. Tôi sẽ chỉ ở dưới nước vài phút thôi, và tôi sẽ không bơi sang vùng nước sâu quá tầm đứng đâu.” Quần áo cô giờ đã cởi hết ra rồi, xếp thành đống trên bãi biển, tôi lại đề nghị cô đừng đi. “Chỉ vài phút thôi. Không bơi chỗ nước sâu đâu.”

TA CHẮC CHẮN LÀ KHÔNG SAO ĐÂU.

“Tôi thực sự cảm động vì sự quan tâm của anh đấy,” cô nói thêm, “nhưng anh không cần phải lo đâu.”

Cô bình thản đi ra biển. Mặt trăng dịu dàng tỏa sáng lên những ngọn sóng. Cô không hề dừng lại, không hề run rẩy, không hề té nước, không hề hất nước lên bụng để cơ thể quen dần với cái lạnh. Không, cô cứ đi cho tới khi nước ngập đến ngực và rồi ngả người về phía trước để THẾ LÀ CÔ TA ĐÃ ĐI chìm vào làn nước.

Phía cuối bãi, tôi nghe giọng vài đứa nhãi con cười bảo sao lại có người ngu ngốc đến mức đi bơi vào cái lúc RÉT CĂM CĂM trong năm thế này. Tôi dõi theo những con sóng nhỏ gợn lên phía sau cô khi cô càng lúc càng rời xa tôi, nhưng vẫn song song với đường bờ biển. Ít nhất cô cũng giữ lời hứa không bơi quá xa vào vùng nước sâu. Tôi đi theo cô, tập tễnh dọc bờ biển để nắm được tình hình. Dù tôi chẳng biết mình có thể làm được gì nếu cô gặp rắc rối trong bất cứ trường hợp nào. NÓI “TẠM BIỆT” ĐI NÀO. Thét gọi lũ thanh thiếu niên, tôi nghĩ thế; vì vụ tai nạn đã tước hết mọi cơ hội chống chọi với nước biển lạnh giá của tôi.

Cô nhẹ nhàng rẽ sóng; hiển nhiên là cô rất giỏi việc này, và dù cô thường hút thuốc nhưng cơ thể cô cũng rất khỏe mạnh nhờ việc tạc tượng. Thỉnh thoảng cô cũng nhìn về phía bờ, về phía tôi. Tôi nghĩ mình nhìn thấy cô mỉm cười, nhưng cô đang ở xa đến nỗi tôi chẳng thể biết chắc được. Tôi hồi hộp bấu lấy đồng xu khắc hình thiên thần đeo trên cổ cho tới khi thấy cô quay người trở lại nơi cô bắt đầu xuống nước.

Khi cô trở vào bờ – chỉ vài phút sau khi rời đi, tôi nhẹ cả người – cô rời khỏi làn nước theo đúng cách cô bước vào. Cô không vội vã chạy ra, cô cũng không lắc người cho khô. Cô chỉ từ tốn hiện lên và đi về phía tôi, lúc này đang run rẩy vì hơi lạnh buổi tối, có điều đỡ lạnh hơn tôi đã tưởng tượng.

“Anh có biết phần tuyệt nhất của lần bơi vừa rồi là gì không?”

“Không.”

“Là biết rằng anh đang ở trên bờ đợi tôi.” Cô dùng một cái khăn tắm để vắt nước khỏi tóc – không hề đơn giản chút nào, xin các bạn biết thế – rồi mặc lại chỗ quần áo tôi rụt rè ném cho, châm thuốc, và nói rằng đã đến lúc kể thêm cho tôi về câu chuyện của hai người.

Mỗi lần cô dừng lại, có lẽ để thêm chút kịch tính cho câu chuyện, tôi đều lo rằng đó là dấu hiệu muộn của tình trạng nhiệt độ cơ thể giảm dưới mức bình thường.

Chú thích

(25) Món quà buổi sáng, do người chồng tặng vợ sau đêm tân hôn.

Bình luận