Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 17

Tác giả: Andrew Davidson

Từ khi tôi viết những chữ đó ra, chúng cứ ám ảnh tôi. Vứt cái vẻ thương hại khỏi mặt cô đi, con mụ Nhật lùn. Tôi luôn bị thôi thúc sửa lại bức vẽ ngày hôm qua bằng cây cọ vẽ ngày hôm nay và che đi những điều làm tôi cảm thấy hối tiếc, nhưng tôi khao khát xóa những từ ấy đi đến nỗi tôi đã bị thuyết phục là cần phải để chúng lại.

Sayuri Mizumoto không phải một con mụ và cô cũng không nhìn tôi với vẻ thương hại. Điều đó quá hiển nhiên. Tôi đã nói những lời lẽ khủng khiếp ấy vì tôi phát điên lên với việc Marianne Engel cả một tuần liền không thèm đến thăm tôi.

Tôi cảm thấy xấu hổ về cách mình đã đối xử với Sayuri và sợ rằng câu nói đó khiến tôi bị coi là một kẻ phân biệt chủng tộc. Sao lại không thể chứ? Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng tôi chọn từ “Nhật lùn” chỉ bởi vì tôi muốn kiếm cho mình lợi thế có thể làm Sayuri cảm thấy yếu đuối. Tôi dùng từ đó không phải vì tôi nghĩ người Nhật là một dân tộc thấp kém, mà vì tôi cho rằng có thể Sayuri cũng nghĩ bản thân cô thấp kém, bởi là một Nhật kiều. (Khi trở nên thân thiết với cô hơn, tôi đã phát hiện ra cô chẳng có chút phức cảm tự ti dân tộc nào.) Và cũng như từ “Nhật lùn” có hàm ý phân biệt chủng tộc, thì từ “con mụ” có hàm ý khinh miệt phụ nữ, nhưng sự thật là tôi ghét hầu hết đàn ông cũng như hầu hết phụ nữ. Thực ra là tôi có đủ khả năng trở thành một người ghét tất cả mọi sinh vật sống.

Hay ít nhất, tôi cũng đã từng. Tôi tin rằng mình đã thay đổi từ cái hôm tôi đả kích Sayuri. Tuy không thể tuyên bố rằng mình yêu thương sâu sắc tất cả mọi người, nhưng tôi đã có thể tự tin khẳng định giờ tôi ít ghét người hơn hồi xưa. Điều này có thể được coi là một tuyên bố yếu ớt về sự trưởng thành cá nhân, nhưng tôi nghĩ thỉnh thoảng những điều này nên được đánh giá bằng cả một quá trình chứ không chỉ bằng tình hình hiện tại.

Bác sĩ Gregor Hnatiuk, trong cơn giận dữ ngút trời, trông thật đẹp biết bao. Ông ta phóng thẳng vào phòng tôi bắt tôi phải xin lỗi cô Mizumoto. Hiển nhiên ông ta đã đi sau thời đại: ông ta đã nghe về những lời sỉ nhục của tôi, nhưng chưa biết gì về việc tôi chuộc lỗi bằng tiếng Nhật. Tuy thế, cảnh tượng mồ hôi sáng lấp lánh trên vầng trán khi ông ta đang cố bảo vệ danh dự cho người phụ nữ kiều diễm thì thật ngoạn mục.

Đó là lúc tôi nhận ra người ông ta đang mê mẩn là ai.

Tôi giải thích tất cả căng thẳng đã được xóa bỏ và thêm rằng nhờ đó mà Sayuri còn tìm thêm được một người bạn mới biết nói tiếng Nhật nữa. Điều này làm Gregor nguôi ngoai phần nào, nhưng ông ta vẫn thấy cần bồi thêm một cú chua cay nữa. “Một ngày nào đó anh sẽ thấy rằng cái miệng to tướng của mình là cánh cổng chính dẫn đến mọi bất hạnh đấy.”

“Phải, Gregor, tôi đã nghe câu đó trước đây rồi,” tôi nói. “Từ Sayuri ấy.”

Bầu má sóc chuột của ông ta đỏ ửng. Hiển nhiên chỉ cần nghe thấy tên cô cũng quá đủ để ông ta bối rối, và cách ông ta quay ngoắt người biến ra khỏi phòng đã khẳng định mọi nghi ngờ của tôi.

Trước ngưỡng cửa ông ta đột ngột dừng lại, quay lưng lại nói: “Marianne Engel nói được tiếng Nhật à?”

Dưới đây là bản dịch cuộc đối thoại giữa Marianne Engel và Sayuri Mizumoto.

Marianne Engel: Cô Mizumoto. Rất hân hạnh được gặp mặt. Tôi là Marianne Engel.

Sayuri Mizumoto: Vậy ư? Tôi cũng rất vui được gặp cô. Rất mong được chiếu cố. Cô nói được tiếng Nhật ư?

Marianne Engel: Một chút. Tôi từng sống mấy năm tại một trang trại hoa oải hương ở Hokkaido. Có phiền không nếu tôi hỏi, tên Hán tự của cô có phải là “Hoa Loa Kèn Bé Nhỏ” không?

Sayuri Mizumoto: A, đúng đấy. Tiếng Nhật của cô tốt quá.

Marianne Engel: Không, chưa đến mức ấy đâu. Và họ của cô có nghĩa là “Nguồn Nước”, có phải không?

Sayuri Mizumoto: Vâng, đúng vậy.

Marianne Engel: Tên của cô rất hợp với người bạn của tôi. Xin hãy chăm sóc anh ấy hộ tôi. Xin hãy bỏ quá cho thái độ không tốt của anh ấy.

Sayuri Mizumoto: Vâng, tôi sẽ cố hết sức.

Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào tôi biết được nội dung một cuộc đối thoại mà khi nó diễn ra lần đầu, tôi không hiểu gì cả?

Câu trả lời là: Sayuri đã giúp tôi. Cô đảm bảo với tôi nó rất trung thành với bản gốc nhưng thực sự tôi chẳng có cách nào biết được, ngoại trừ việc tin cô. Tôi tin cô, khá tin, dù tôi vẫn có một nỗi sợ hãi dai dẳng rằng cả bản dịch này là một mớ sai sót mà Titivillus sẽ tống vào cái bao của nó để mang về cho Satan dùng chống lại tôi vào Ngày Phán xét Cuối cùng. Nhưng đây cũng là cơ hội tôi phải chớp lấy.

Tôi rất hài lòng được thông báo rằng những lời lẽ tàn nhẫn của tôi đã không phá hỏng tình bạn ngày càng được củng cố giữa chúng tôi. Trong thời gian chúng tôi ở cùng nhau, tôi đã biết được sự thật về tuổi thơ của Sayuri (hay là, ít nhất, cũng là phiên bản của cô về chuyện đó), như tôi đã viết lúc trước.

Nhưng điều lớn lao nhất tôi học được sau bao năm tháng qua là Sayuri Mizumoto là một phụ nữ tuyệt vời. Còn từ nào để diễn tả một người phụ nữ đã giúp dịch một cuốn sách mà trong đó cô bị gọi là con mụ Nhật lùn chứ?

Sayuri và Marianne Engel đã quyết định sẽ cùng giúp tôi thực hiện chương trình phục hồi chức năng. Bác sĩ Edwards có chút lo ngại về ý tưởng đó, nhưng cuối cùng đã đồng ý khi Sayuri gợi ý rằng một người bạn có thể giúp chương trình trở nên dễ dàng và dễ chịu với tôi hơn.

Tôi đã đứng được và thậm chí còn đi được vài bước nữa, nhưng Sayuri muốn tôi bước đi thật sự cơ. Quá trình này không đơn giản như khi tôi nhảy khỏi giường và đi loạng choạng dọc hành lang. Cô mang đến một sợi xích đặc biệt để chân tôi có thể đu đưa trong khi cô khom người xuống trước tôi, kéo chân tôi theo vòng tròn. Cô, hoặc Marianne Engel, sẽ ấn tay vào gan bàn chân tôi để mô phỏng lực cản của mặt đất, và tôi sẽ phải đẩy lại. Nghe có vẻ đơn giản; nhưng chẳng dễ chút nào đâu.

Cuối mỗi buổi luyện tập, Sayuri sẽ bắt tôi đứng càng lâu càng tốt. Tôi chẳng bao giờ đứng được lâu, nhưng cô luôn hét “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!” để khích lệ tôi. Khi không thể cố thêm được nữa, tôi sẽ được đặt lại vào giường và chúng tôi sẽ tổng kết lại những tiến bộ đạt được trong ngày hôm đó.

Thỉnh thoảng Marianne Engel sẽ cầm lấy tay tôi và tôi thấy thật khó tập trung xem Sayuri đang nói gì.

Marianne Engel đến trong bộ quần áo bụi bặm đến nỗi tôi phải ngạc nhiên vì sao họ lại cho cô vào. Cô hẳn đã lẻn qua trạm gác của các y tá, dù tôi cũng chẳng biết sao việc đó lại trót lọt trong khi cô phải kéo lê hai giỏ thức ăn. Lúc cô ngồi xổm xuống để dỡ chúng ra, tôi thấy một đám bụi nhỏ rớt ra từ khoeo gối cô.

“Tôi đã nghĩ nhiều về câu chuyện của Francesco và Graziana,” tôi thốt lên, vừa nhớ ra mình chưa hề cập nhật với Marianne Engel về việc phát triển nhân cách tới chuẩn lý tưởng của tôi. “Thật lãng mạn.”

Cô cười phá lên trong khi lôi hai chai rượu Scotch ra khỏi cái giỏ lạnh. “Đây là dành cho bác sĩ Edwards, cô Mizumoto và các y tá. Tôi mong rằng anh không nói dối tôi, nhưng có lẽ anh sẽ thích câu chuyện tối nay hơn.”

Tôi để ý thấy có chút máu khô bám quanh rìa những móng tay bầm giập của cô khi cô lấy thức ăn ra khỏi giỏ lạnh. Cá và khoai tây chiên, xúc xích và khoai tây nghiền. Một dẻ sườn bò đút lò kèm bánh pudding Yorkshire béo ngậy. Những cái sandwich nhỏ xíu: thịt lợn hun khói và trứng, pho mát và rau. Bánh quy và mứt dâu. Bánh sữa Kaiser. Những dây tỏi và hành. Pho mát trộn kem thảo mộc. Pho mát bơ Đức, pho mát Thụy Sĩ, pho mát Gouda, pho mát hun khói Gruyère, cả pho mát Emmenthal nữa. Xa lát dưa chuột tươi với xốt sữa chua nằm trong một chiếc bát nhỏ xinh xắn vẽ hình Hansel và Gretel. Những củ khoai tây đỏ mũm mĩm, được bổ làm bốn để khoe phần thịt trắng bên trong; những đọt măng tây xanh mum múp, bơ chảy; những quả cà tím béo tròn được nhồi đầy trông như những bà bầu mắn đẻ. Những lát thịt cừu mỡ màng xếp chồng lên nhau như một bức tượng đài khiêu khích bệnh xơ vữa động mạch. Một chồng cải muối đứng lẻ loi dường như được thêm vào phút cuối vì ai đó nghĩ là không đủ rau. Mấy quả trứng nướng, dù ai mà thèm ăn trứng nướng chứ? Rồi, phong cách ẩm thực quay ngoắt sang kiểu Nga: varenyky (bánh hấp, theo kiểu nói của dân không chuyên) phủ hành, và holubtsi (cơm cuốn cải bắp) chan xốt cà chua cay nồng.

Marianne Engel thả một quả trứng vào miệng, như thể bao ngày rồi cô chưa được ăn, và nhồm nhoàm nhai nuốt như một con dã thú. Làm sao một người đói đến chừng này lại không nếm thử thức ăn trong lúc nấu chứ? Khi đã thuần hóa cơn đói ngấu nghiến của mình, cô tuyên bố. “Câu chuyện về Vicky Wennington với những cơn bão dữ dội, một tình yêu ân cần và cái chết trong nước biển mặn chát!”

Tôi ngồi nghiêm chỉnh lại, háo hức nghe, và cắn thêm một miếng holubtsi nữa.

Bình luận